Cộng đồng mạng tranh cãi về bìa sách Truyện Kiều in hình “nhạy cảm”
Những giờ qua cộng đồng mạng không ngừng tranh cãi về bìa cuốn sách “Truyện Thúy Kiều” do Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành. Nhiều người cho rằng rằng bìa sách đẹp và ấn tượng, nhưng không ít độc giả lại nghĩ bìa sách phản cảm, thậm chí dung tục.
Mới đây trên trang cá nhân của Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã đăng tải những hình ảnh giới thiệu về tác phẩm “Truyện Thúy Kiều” mới nhất do CTy phát hành để kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du. Cuốn sách do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim soạn thảo. Chưa bàn đến nội dung cuốn sách, nhiều cư dân mạng bày tỏ quan điểm và cho rằng bìa cuốn sách có “vấn đề”. Nhiều người cho rằng bìa sách đẹp và ấn tượng nhưng không ít độc giả cho rằng, bìa sách phản cảm, thậm chí dung tục.
Bìa sách được Nhã Nam sử dụng lần này có hình ảnh cô gái khỏa thân cùng với mái tóc dài khá nhạy cảm. Đây là một trong 11 bức tranh của họa sĩ Lê Văn Đệ.
Một số độc giả bình luận thẳng thắn họ sẽ không mua cuốn sách vì trang bìa in hình “nhạy cảm”. Nặng nề hơn, có ý kiến cho rằng đó là cách làm cẩu thả của đơn vị xuất bản.
Bìa cuốn sách “Truyện Thúy Kiều” do Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam vừa phát hành.
Theo ông Dương Thanh Hoài – đại diện đơn vị phát hành sách Nhã Nam, thì bìa sách đảm bảo tính nghệ thuật và không có gì dung tục. “Đây là bức vẽ mà họa sĩ minh họa cho câu thơ tả vẻ đẹp Thúy Kiều khi tắm: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/ Dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên”. Rõ ràng, nếu minh họa câu thơ này, họa sĩ Lê Văn Đệ (vốn là họa sĩ hàng đầu Việt Nam) được đào tạo cả ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lẫn Đại học Mỹ thuật Paris, hoàn có thể đi theo những lối tả chân, tả thực rất cụ thể chi tiết khác. Thế nhưng, như mọi người có thể thấy, ông cũng vẽ theo lối tượng trưng, ước lệ, theo phong cách tranh khắc. Tựu trung, đây là một bức vẽ khá gián cách, không hề có một chút tả chân nào. Và dĩ nhiên là càng không nhuốm điều gì gọi là dung tục ở đây”.
Tuy vậy, nhiều người bày tỏ không đồng tình với quan điểm này của phía Nhã Nam. Hiện vẫn có hai luồng dư luận trái chiều về bìa sách của cuốn Truyện Kiều mới vừa phát hành.
Video đang HOT
Cộng đồng mạng chia thành hai luồng ý kiến: Người cho rằng đẹp, người nghĩ là dung tục.
Nhà văn Đoàn Minh Phượng là một trong những người đầu tiên có chia sẻ về bìa cuốn sách “Truyện Thúy Kiều”. Bà bày tỏ sự thất vọng với “bộ mặt” của một tác phẩm nhằm kỷ niệm 250 năm ngày sinh của thi hào Nguyễn Du. “Nhã Nam làm bìa sách cho Nguyễn Du. Thôi thế là xong hẳn” – nhà văn chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân.
“Thúy Kiều là người con gái tài sắc vẹn toàn; cầm kỳ, thi, họa cô đều giỏi. Sao không vẽ hình cô ngồi bên cây đàn hay đang vẽ một bức tranh mà lại là bức hình khỏa thân dung tục? Cuộc đời của Thúy Kiều có nhiều gian truân vất vả, bị xã hội xô đẩy nhưng nàng vẫn giữ được cốt cách tốt đẹp của mình. Mong mọi người hãy xét lại”- độc giả Minh Nguyễn cũng bày tỏ sự thất vọng về ấn phẩm mới kỷ niệm ngày sinh của Nguyễn Du..
Còn theo độc giả An Nguyễn thì bìa cuốn sách rất đẹp và không hề dung tục: “Nếu như trong đầu bạn luôn có suy nghĩ: “Đây là tranh khỏa thân. Bìa thì không được có tranh khỏa thân” thì đó chính là định kiến, là sự kì thị và cổ hủ. Nếu bạn nói Nhã Nam làm không phải vì nghệ thuật, nghệ thuật phải theo định nghĩa của chính bạn thì đó cũng là định kiến. Nghệ thuật không cần người khác phải lên tiếng giùm nó đâu”.
Theo Bích Hà
Lao Động
Nhà sách xuất bản cuốn "sọ dừa- sọ người" bị phạt 45 triệu đồng
Cục Xuất bản vừa ra quyết định xử phạt Nhà sách Thị Nghè vì hành vi xuất bản, phát hành trái phép cuốn "Truyện cổ tích Việt Nam: Sọ Dừa", mạo danh NXB Hồng Đức. Đồng thời, Cục ra công văn đề nghị thu hồi, tiêu hủy cuốn sách trên.
Trao đổi với phóng viên Dân trí chiều ngày 3/4, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản cho biết sau khi nhận được phản ánh từ bạn đọc về chi tiết "sọ dừa" bị biến thành "sọ người" trong cuốn Truyện cổ tích Việt Nam: Sọ Dừa; Cục Xuất bản đã nghiêm túc vào cuộc. Sau quá trình kiểm tra quy trình phát hành cuốn Sọ Dừa, Cục khẳng định đây là sách lậu, mạo danh NXB Hồng Đức.
Chi tiết biến "sọ dừa" thành "sọ người" trong truyện cổ tích "Sọ Dừa" khiến công chúng bức xúc
"Cục vừa ra quyết định xử phạt Nhà sách Thị Nghè 45 triệu đồng vì hành vi mạo danh NXB Hồng Đức; tàng trữ, phát hành sách Truyện cổ tích Việt Nam: Sọ Dừa" không có nguồn gốc hợp pháp", ông Chu Văn Hòa nói.
Theo đó, Quyết định xử phạt trong hoạt động xuất bản số 16/QĐ- XBVPHC ghi rõ, xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với Nhà sách Thị Nghè (doanh nghiệp tư nhân Thương mại- Dịch vụ Nguyễn Hải Uyên) vì "Xuất bản cuốn Truyện cổ tích Việt Nam: Sọ Dừa ghi tên Nhà xuất bản Hồng Đức nhưng không có quyết định xuất bản của Giám đốc Nhà xuất bản Hồng Đức".
Cục cũng xử phạt 32,5 triệu đồng đối với hành vi "Tàng trữ, phát hành sách Truyện cổ tích Việt Nam: Sọ Dừa không có nguồn gốc hợp pháp."
Cục Xuất bản ra Quyết định xử phạt ngày 2/4
Lãnh đạo Cục Xuất bản cũng cho biết, trong chiều nay, ngày 3/4, Cục gửi văn bản đến Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố và Vụ Thư viện- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị kiểm tra, thu hồi, không lưu trữ, phục vụ bạn đọc và xử lý theo quy định của pháp luật cuốn sách trên
Thông tin truyện cổ tích Sọ Dừa có chi tiết phản cảm, không phù hợp với độ tuổi được độc giả phản ánh gây xôn xao dư luận những ngày qua. Cuốn sách nằm trong bộ Truyện cổ tích Việt Nam có ghi thông tin Nhà xuất bản Hồng Đức và Nhà sách Thị Nghè liên kết xuất bản.
Công văn Cục Xuất bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố và Vụ Thư viện- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 3/4
Trước dị bản truyện cổ tích này, nhiều nhà giáo dục, nhà văn hóa cũng thể hiện sự bức xúc. Trả lời báo chí, TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng: "Phụ huynh khi đọc truyện cho con cái nên chủ động lựa chọn các phiên bản truyện khảo dị phù hợp, bởi không thiếu lựa chọn". Nhà thơ Dương Kỳ Anh cũng đồng quan điểm với việc cần phải lựa chọn những dị bản phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt và không tạo cho người đọc cảm giác ghê rợn...
Được biết, chiều ngày 1/4, ông Bùi Việt Bắc, Giám đốc Nhà xuất bản Hồng Đức đã lên tiếng khẳng định nhà xuất bản bị mạo danh trong việc phát hành cuốn truyện cổ tích Sọ Dừa. Phía Nhà xuất bản cũng đã làm công văn gửi Cục báo cáo về việc bị Nhà sách mạo danh để xuất bản cuốn Sọ Dừa.
Nguyễn Hằng
Theo Dantri