Cộng đồng LGBT Sài Gòn ‘ăn mừng’ được thừa nhận quyền chuyển giới tính
Cộng đồng LGBT Sài Gòn tập trung tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) cùng nhau chia sẻ niềm vui khi được Quốc hội công nhận quyền chuyển đổi giới tính.
Cộng đồng LGBT vui mừng trong “sự kiện lịch sử” – Ảnh: Vũ Phượng
Tối 24.11, dù trời mưa tầm tã kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ nhưng những bạn trẻ cùng bố mẹ vẫn đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, diễu hành “ăn mừng” việc Quốc hội công nhận quyền quan trọng này với cộng đồng LGBT. Những người trong cộng đồng chuyển giới tại Sài Gòn đều cho rằng, đây là sự công nhận mang tính nhân văn, giúp họ bước ra ánh sáng, quên đi chuỗi ngày sống trong bóng tối và kỳ thị.
Chia sẻ cảm xúc trong khí thế hào hứng của cộng đồng LGBT, Gia Kỳ – một người chuyển giới cho biết: “Việc làm chứng minh nhân dân với giới tính thật của mình giờ không còn là khát khao. Bản thân mình sẽ không còn ngại khi đi làm giấy tờ, xin việc nữa”.
Mọi người cùng nhau hô vang khẩu hiệu “Tôi ủng hộ người chuyển giới” và “Cảm ơn Quốc hội” – Ảnh: Vũ Phượng
Trần Anh Vũ, 23 tuổi, quê ở Kiên Giang phấn khích nói: “Tên mình muốn đổi trên giấy tờ là Trần An Vy. Mình đã chiến đấu để bảo vệ con người thật của mình từ tuổi dậy thì”. Sự ám ảnh bởi những cặp mắt tò mò mỗi lần Vũ bước đến bệnh viện, khi người ta gọi tên con trai nhưng đứng lên là con gái khiến cho Vũ sợ hãi, không dám khám chữa bệnh.
Video đang HOT
Ông Huỳnh Minh Thảo, Giám đốc Truyền thông Trung tâm ICS chuyên về quyền của người LGBT tại TP.HCM tươi cười trong cơn mưa dai dẳng: “Đây là khoảnh khắc rất đặc biệt của cộng đồng LGBT nói chung và người chuyển giới nói riêng khi lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam thừa nhận về quyền của người chuyển giới. Đây là bước tiến vĩ đại, mình thực sự rất hạnh phúc và tự hào. Hy vọng sắp tới Quốc hội sẽ làm rõ hơn luật này như hướng dẫn về việc chuyển giới, cách làm hồ sơ và có quỹ hỗ trợ hay không…”
Các bạn trẻ tươi cười hạnh phúc trong ngày đặc biệt – Ảnh: Vũ Phượng
“Người chuyển giới bị kỳ thị từ nhỏ khi họ phủ nhận giới tính của ngoại hình mình nên có người bị bỏ rơi, có người bị trường học xua đuổi và công việc không ổn định. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao người chuyển giới lại đi hát đám ma, hội chợ lô tô hay hành nghề nhạy cảm nhưng không ai tìm hiểu nguyên nhân hoàn cảnh đẩy họ đến con đường bế tắc. Với quyết định hôm nay, Việt Nam đã gỡ những nút thắt của cuộc sống người chuyển giới ra, giúp họ được mọi tầng lớp trong xã hội được nhìn nhận công bằng, không kỳ thị”, ông Thảo cho biết thêm.
Đồng hành cùng cộng đồng LGBT đã hơn 4 năm và có con là đồng tính nam, bà Cao Kim Châu (50 tuổi, mọi người thường gọi là mẹ Châu) chia sẻ rằng, bà hạnh phúc khi nhìn những đứa con bị chối bỏ giờ đã được công nhận.
Để vượt qua dư luận khi con mình thuộc cộng đồng, bà cho rằng những người cha, người mẹ hãy xem đó là một trong những vấn đề con mình gặp phải trong tuổi dậy thì. “Cuối cùng thì sự thấu hiểu, tình yêu sẽ chiến thắng. Cha mẹ nào cũng thương con, tôi đứt ruột sinh con ra và muốn con mình tự do, hạnh phúc thật sự”, bà Châu nói.
Mặc dù trời mưa nhưng các bạn trẻ vẫn đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, diễu hành “ăn mừng” – Ảnh: Vũ Phượng
Trong cơn mưa kéo dài của Sài Gòn, trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, hạnh phúc vỡ òa trên gương mặt những người chuyển giới trong cuộc diễu hành. Họ ôm lấy nhau, họ cười đùa và cùng hô to đầy xúc động: “Chúng tôi là người chuyển giới. Cảm ơn Quốc Hội”.
Tăng Ái Linh (37 tuổi) chuyển giới từ nữ sang nam và đã kết hôn với người yêu mình được 10 năm, tâm sự: “Trước đó chúng tôi chỉ hợp thức hóa trên ý nghĩa về mặt tinh thần, gia đình chứ chưa được công nhận về pháp luật. Đây là hy vọng, là minh chứng cho sự chiến thắng của tình yêu, tình người”.
Tấn Cư – Bùi Thư – Vũ Phượng
Theo Thanhnien
Nhiều người 'không kỳ thị, cũng không ủng hộ' LGBT
Chiều 14.8, tại TP.HCM, Trung tâm ICS và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm về môi trường làm việc của cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam).
Cộng đồng LGBT tại TP.HCM - Ảnh: Như Lịch
Trong buổi tọa đàm, chị Đinh Hồng Hạnh - Cán bộ pháp lý Trung tâm ICS - đã công bố cuộc khảo sát online của trung tâm này về môi trường làm việc của cộng đồng LGBT, với sự tham gia của gần 200 người tại những tỉnh, thành: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đà Nẵng. Trong đó, có 129 người đang hoặc từng đi làm.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, xã hội đã có cái nhìn tương đối cởi mở về LGBT. Cụ thể, khi những người lao động là LGBT công khai giới tính, có 76% đồng nghiệp của họ tỏ thái độ "vẫn bình thường, không có gì thay đổi trong thái độ"; chỉ có 7% thể hiện sự "xa lánh, kỳ thị qua cử chỉ, lời nói hoặc hành động".
Thái độ của cấp trên/công ty sau khi nhân viên thể hiện giới tính thật như sau: 31% ủng hộ, 64% không ủng hộ, cũng không kỳ thị và 5% là phản đối, kỳ thị...
Buổi tọa đàm thu hút gần 100 thành viên LGBT và những người quan tâm, đại diện một số công ty đến từ Mỹ và Việt Nam. Những đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng và cách phát huy khả năng người lao động LGBT. Trong khi đó, những người trong cuộc bộc bạch những khó khăn lẫn thuận lợi khi hòa nhập vào môi trường làm việc.
Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, bà Rena Bitter, bày tỏ: "Nước Mỹ tin tưởng mạnh mẽ vào việc thúc đẩy xây dựng một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, tôn trọng pháp quyền và nhân quyền. Chúng tôi tin vào một nước Việt Nam như vậy và chúng tôi biết rằng nguồn lực giá trị nhất mà Việt Nam có chính là người dân Việt Nam. Việt Nam sẽ phát triển hết tiềm năng khi mọi người dân được hỗ trợ để phát triển hết tiềm năng của mình".
Tọa đàm trên nằm trong chuỗi hoạt động VietPride 2015 với chủ đề "Spread My Wings - Tung cánh" kéo dài trong 2 tháng 7 và 8 ở 25 tỉnh, thành lớn trên cả nước, do cộng đồng LGBT tại mỗi địa phương đứng ra tổ chức. Tại TP.HCM, VietPride 2015 diễn ra từ ngày 14 - 16.8, với các hoạt động: Kết nối doanh nghiệp với cộng đồng LGBT, Đêm cầu vồng, hội thảo chuyên đề, chiếu phim, kịch nói, sự kiện ngoài trời, diễu hành bằng xe đạp hoặc đi bộ...
Như Lịch
Theo Thanhnien
Người chuyển giới hạnh phúc khi Quốc hội chính thức cho phép thay đổi giới tính Sáng 24.11, Quốc hội đã thông qua điều khoản quy định về việc chuyển đổi giới tính trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Bộ luật có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2017. Việt Nam chính thức cho phép chuyển đổi giới tính - Ảnh: Vũ Phượng Theo đó, cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng...