‘Công dân trẻ’ của thành phố nghĩa tình – Kỳ 3: ‘Ông giáo’ Cải đỡ bước học trò nghèo
“Cậu học trò nghèo nhất huyện Củ Chi” một thời là cách mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải dùng để gọi tên cậu học trò hiếu học Nguyễn Văn Cải mỗi dịp tiếp xúc cử tri ở quê hương đất thép thành đồng.
Thầy giáo Nguyễn Văn Cải bên “vườn lan thầy giáo Cải” để có thêm nguồn trang trải cho gia đình và giúp học trò nghèo – Ảnh: Q.L.
Cũng bởi hồi đó không có nhà nào nghèo bằng nhà Cải ở xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi (TP.HCM). Ngôi nhà tạm gọi tươm tất đầu tiên của mấy mẹ con cũng chính là ngôi nhà tình thương đầu tiên của huyện để rồi sau đó đã lan thành phong trào xây tặng nhà tình thương cho người nghèo ở TP mang tên Bác đến nay.
Chén cơm nguội của hàng xóm
Trong ký ức của Cải, tuổi thơ là những ngày còn “nghèo hơn cả nghèo”. Hai chị em Cải không có cha. Cũng không mấy khi hỏi về cha vì sợ chạm lại phần ký ức buồn của mẹ. Bà đã sống những năm dài với bệnh tâm thần, lúc tỉnh, khi mê.
Cải nhớ hoài chén cơm nguội của người hàng xóm cho. Đúng hơn là chén cơm cháy được nạo quanh chiếc nồi bằng đồng còn thừa lại chút cơm cuối cùng. Bác hàng xóm bưng qua “cho thằng Cải”. Nhìn chén cơm nếu có ăn sức một mình Cải cũng không thấm vào đâu. Mấy mẹ con nhìn nhau, người này nhường người kia.
Nghĩ mãi, cuối cùng chị Hai quyết định cho chén cơm ấy vào nồi, đổ thật nhiều nước rồi băm thêm khoai mì độn vào. Hôm đó, ba mẹ con Cải được bữa âm ấm bụng sau cả tuần nhà không còn hạt gạo, bụng chỉ toàn rau và mớ củ đào được ngoài vườn!
“Tôi vẫn kể cho thằng Sắn, con Khoai (tên gọi ở nhà hai con của anh Cải) về chén cơm cháy ngày đó, không phải để kể khổ cùng con mà để nhắc con biết quý trọng hạt gạo, không bao giờ được để cơm thừa hay lãng phí thức ăn” – anh Cải tâm sự.
Video đang HOT
Cải chịu học và học khá giỏi, còn làm bí thư Đoàn ở Trường THPT Quang Trung. Nhưng chưa bao giờ Cải kể với ai ở trường hay lớp về hoàn cảnh gia đình, về người mẹ tâm thần của mình. Ngoài giờ học, anh lại ra ruộng, xuống vườn, lúc lại mò cua bắt ốc để có cái ăn.
Đền đáp ân tình
Rồi một ngày, thầy trợ lý thanh niên Nguyễn Văn Hiếu (nay là phó giám đốc Sở Giáo dục – đào tạo TP.HCM) đến chở Cải đi tặng quà mấy hộ dân nghèo bị dông lốc sập nhà. Trên đường đi, thầy hỏi bóng đèn nhà Cải nằm chỗ nào mà thầy không thấy. Cải mới thật thà kể nhà xài đèn dầu, chưa có điện.
Mấy hôm sau, thầy hiệu trưởng, thầy trợ lý thanh niên cùng mấy thầy khác gom góp mua dây, bóng đèn rồi bảo lãnh để nhà Nguyễn Văn Cải không phải đóng tiền “một chân điện” như các nhà khác.
Nhưng thế cũng chưa cực cho bằng quãng thời gian đi học đại học. Mẹ bệnh mỗi lúc thêm nặng, có khi bỏ nhà lang thang khắp nơi. Lúc nào tìm không ra, chị Hai lại gọi lên ký túc xá trường, nhắn Cải về.
“Một tối đi dạy thêm về, leo tới lầu 4, nhìn thấy tờ giấy nhắn của chị, tôi lại hộc tốc leo xuống, lấy xe ra khỏi bãi ký túc xá Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trên đường Lạc Long Quân (Q.11) đã gần 11h đêm. Cứ vậy đạp trong đêm, về tới Củ Chi đã quá 2h sáng hôm sau, rồi đi tìm mẹ, tìm được lại đạp ngược xuống TP vì đang mùa thi” – anh Cải nhớ.
Sau lần đó, cậy nhờ những mối ân tình, Cải hoàn tất thủ tục để gửi mẹ vào một trung tâm dành cho người tâm thần tại Thủ Đức. Anh nói nhớ hoài cái ơn của chú Năm Tâm (ông Lê Thành Tâm – nguyên chủ tịch UBND huyện Củ Chi), của nguyên bí thư Thành đoàn Nguyễn Hoàng Năng (khi ấy là phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH) vì đã làm hết mọi cách có thể để giúp anh đưa mẹ vào trung tâm chỉ vài ngày trong khi thủ tục thời điểm ấy sớm cũng mất vài ba tuần.
Thầy Lê Đình Hoe – nguyên hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung – nói về đồng nghiệp: “Điều quý nhất ở Cải là ý chí vươn lên mạnh mẽ, luôn lạc quan vượt qua số phận vì không phải ai rơi vào hoàn cảnh như Cải cũng có thể học giỏi, chăm sóc gia đình tốt vậy đâu”. Là vì sau khi Cải tốt nghiệp, về trường công tác chưa lâu thì chị Hai bệnh ung thư mất. Ít năm sau anh rể cũng đột ngột qua đời, Cải lại gánh trách nhiệm nuôi hai đứa cháu mồ côi.
Một năm sau khi nhận danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM”, thầy Nguyễn Văn Cải được bổ nhiệm làm hiệu phó của trường năm 2011.
Nhịp cầu kết nối
Mấy năm gần đây anh có thêm vườn lan, cũng đều từ sự giúp đỡ ân tình của những người thương mến. Túc tắc sau giờ lên trường, anh lại ra vườn. Cây đã cho hoa, mỗi tháng cũng có thêm vài triệu đồng để lo cho gia đình và có thể giúp học trò nghèo.
Từ ý tưởng của anh, sau khi thông qua nhà trường, đến nay mỗi học sinh đều đóng góp 1.000 đồng/tuần, mỗi tháng đã có tiền triệu để giúp bạn bè mình. Các bạn được xem phim tư liệu về cách tiết kiệm của Bác Hồ, rồi chia sẻ ý tưởng cùng tiết kiệm. Nguyễn Văn Cải đã xin ý kiến để lập quỹ giúp học trò nghèo. Rồi nhiều nhà hảo tâm biết đến, gợi ý xin lập quỹ khuyến học và Trường THPT Quang Trung đã hoàn thành các thủ tục, ra mắt quỹ, cũng là quỹ khuyến học đầu tiên trong trường THPT của TP.
“Thầy Cải đúng là nhịp cầu kết nối vì từ những việc thầy làm, nhiều học trò từng được giúp khi khó khăn sau này học thành tài, cuộc sống khá hơn đã quay trở lại cùng góp sức giúp đàn em. Điều đó thật đáng quý biết bao” – thầy Lê Đình Hoe nói.
QUỐC LINH
Mang thư viện đến bản xa
Với mong muốn đưa những cuốn sách hay đến với học trò nghèo ở các vùng khó khăn miền núi, gần 6 năm nay, nhóm Chủ nhật yêu thương đã miệt mài triển khai dự án "1.001 thư viện nơi bản xa".
Đầu năm 2014, dự án "1.001 thư viện nơi bản xa" được khởi động bằng việc xây dựng thư viện đầu tiên cho học trò nghèo tại tỉnh Bình Phước, và đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ lập được 1.001 thư viện phục vụ miễn phí cho trẻ em nghèo ở những vùng khó khăn, xa xôi, hẻo lánh trên khắp cả nước.
Tính đến nay, nhóm đã lập được hơn 500 thư viện miễn phí ở Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước... Mỗi thư viện có khoảng 1.000 đầu sách dạy kỹ năng sống, lịch sử, doanh nhân, văn học...
Các em nhỏ vùng cao tham gia lễ hội sách do nhóm Chủ nhật yêu thương tổ chức (ảnh chụp thời điểm năm 2019)
Chủ nhật hàng tuần, các thành viên trong nhóm đều dành thời gian đi khắp các con đường có bán sách ở TPHCM để tìm mua những loại sách hay tặng trẻ em. Việc này mất nhiều công sức và thời gian, thậm chí phải tự bỏ tiền để mua sách.
Định kỳ 2 tháng một lần, các thành viên trong nhóm đến các bản làng xa để thăm và tổ chức lễ hội sách, tặng bổ sung những đầu sách hay.
Tại những lễ hội sách như thế, nhóm tổ chức các trò chơi truyền thống và những hoạt động bổ ích để rèn kỹ năng, giúp các em nhỏ và cả phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách thường xuyên.
Nhóm Chủ nhật yêu thương do anh Nguyễn Tú Anh (36 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức, TPHCM) thành lập từ năm 2007, tập hợp gần 1.000 bạn trẻ yêu thích công tác thiện nguyện.
Anh Tú Anh tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo tỉnh Yên Bái, nên thấu hiểu nỗi đói cơm, thiếu sách. Qua các chuyến đi làm từ thiện trao quà giúp người nghèo ở các bản làng miền núi, tôi xúc động khi thấy trẻ em ở các nơi đó còn thiếu thốn về mọi mặt. Từ đó, tôi đã có ý nghĩ sẽ xây dựng thư viện sách tặng các em".
Với mong muốn lan tỏa thói quen đọc sách, tình yêu với sách đến các em nhỏ và cả các thầy cô giáo, các thành viên trong nhóm đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, tự bỏ tiền túi để thực hiện cuộc thi viết, vẽ về cuốn sách yêu thích và những điều nhân ái, tốt đẹp trong cuộc sống.
Đầu tháng 4-2020, nhóm đã chủ động liên hệ phòng giáo dục và trường học ở các địa phương; thông qua mạng xã hội triển khai thể lệ cuộc thi. Đến nay, đã có hơn 1.000 bài dự thi của các em nhỏ và các thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước...
BÙI ANH TUẤN
Tận tình giúp đỡ học trò nghèo "Chú Dũng sửa xe" là tên mà những đứa trẻ nơi thôn bản heo hút thuộc huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) gọi anh Phạm Duy Dũng (48 tuổi, trú thôn Tân Hào, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa). Bị khuyết tật từ nhỏ, vậy mà hơn 17 năm qua, anh vẫn thường xuyên miệt mài vượt hàng chục cây số đi...