Công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”- đó là lãng phí
Đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) nói, một bộ phận công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, dù vẫn đảm bảo về mặt thời gian ở công sở, nhưng đó chính là sự lãng phí.
“Vung tay quá trán” trong lễ hội, ma chay, cưới hỏi
Sáng nay (4-11), sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP- sửa đổi) các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự luật này.
Các ĐBQH thảo luận tại hội trường
Về các cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong THTK, CLP, một số ý kiến cho rằng, các quy định còn chung chung. Đề nghị quy định rõ phạm vi, nội dung, hình thức, biện pháp, thời gian công khai ở mỗi đơn vị, đối với mỗi loại công việc, đối tượng. Bổ sung, quy định rõ hơn cơ chế, cách thức giám sát của từng đối tượng, bảo đảm quyền giám sát của công dân, xử lý thông tin phát hiện lãng phí.
Về quy định các lĩnh vực phải THTK, CLP, qua thảo luận, có 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất đồng tình quy định tập trung vào các lĩnh vực xảy ra lãng phí lớn như dự thảo luật và đề nghị bổ sung quy định cụ thể THTK, CLP trong giáo dục đào tạo, y tế, trong tổ chức bộ máy nhà nước. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cụ thể mang tính toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như tổ chức lễ hội, ma chay, cưới hỏi… để tránh việc huy động gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Tiếp thu ý kiến đóng góp, UBTVQH đã xây dựng 2 điều luật mới trong dự thảo mới, theo đó, lĩnh vực giáo dục đào tạo tập trung quy định về xây dựng, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch đào tạo và chương trình, nội dung giáo dục; lĩnh vực y tế tập trung quy định về xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, đầu tư dự án, công trình, mua sắm trang thiết bị y tế là những vấn đề dễ xảy ra lãng phí lớn.
Video đang HOT
UBTVQH nhận thấy, quy định về THTK, CLP trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân là cần thiết; nếu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân lãng phí có tính chất xã hội thì nhà nước phải có biện pháp điều chỉnh bằng cơ chế chính sách. Hiện nay, tiêu dùng xã hội có biểu hiện lãng phí, tiêu dùng quá khả năng tài chính thực tế, đặc biệt là trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội và các hoạt động văn hóa khác; việc vận động quyên góp, huy động các nguồn lực trong dân còn tùy tiện, không minh bạch, sử dụng lãng phí…
Một bộ phận công chức, viên chức “sáng cắp ô, đi tối cắp ô về”
hiệu quả công việc thấp, gây lãng phí nguồn lực (Ảnh minh họa)
Lãng phí- muôn hình vạn trạng
Đóng góp ý kiến cụ thể, ĐB Đặng Thị Kim Chi (tỉnh Phú Yên) lấy ví dụ về một cuộc họp toàn quốc, triệu tập vài trăm đại biểu, nhưng đến nơi các đại biểu mới biết bị hoãn. “Nếu từ Phú Yên ra Hà Nội, chi phí đi lại và ăn nghỉ hết gần 8 triệu đồng, vậy ai chịu trách nhiệm những việc lãng phí như thế?”, bà Chi đặt câu hỏi. Ngoài ra đại biểu nhắc đến chuyện đào đường chồng chéo, “ngành này dẫm đạp ngành kia” vừa gây mất mỹ quan đô thị vừa lãng phí, mà không có ai đứng ra làm trọng tài.
ĐB Triệu Là Pham (tỉnh Hà Giang) thì cho rằng quy định khai thác khoáng sản còn lỏng lẻo, chung chung dễ dẫn đến việc Việt Nam trở thành nơi chứa rác thải công nghệ, nhập về những công nghệ cũ lạc hậu, gây thất thoát tài nguyên. Về hoàn nguyên môi trường sau khai thác, ông cho rằng quy định này không khả thi, vì quá trình khai thác tài nguyên đã phá vỡ môi trường, làm hệ thống thực vật suy giảm hoặc tuyệt chủng, vậy chỉnh lý lại bằng câu “hoàn thổ” hợp lý hơn; ông Pham đề nghị dự thảo luật nên quy định thêm: nếu trong quá trình khai thác, đơn vị thi cộng làm xuống cấp hệ thống đường giao thông phải tự sửa chữa, tránh tình trạng nộp cho ngân sách được 1 đồng, thì ngân sách phải bỏ ra 2-3 đồng để sửa chữa.
ĐB Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) đề nghị dự luật bổ sung thêm vai trò giám sát của báo chí, bởi theo ông “thực tế đây là một kênh phát hiện tham nhũng lãng phí hiệu quả”. Đại biểu đồng thời đề cập đến một biểu hiện lãng phí khác về con người: một bộ phận cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, dù vẫn đảm bảo về mặt thời gian ở công sở, song đó chính là lãng phí nguồn lực.
Theo ANTD
Ký quyết định gây lãng phí, người đứng đầu chịu trách nhiệm
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi đưa ra các quyết định gây lãng phí thì cần có chế tài xử lý nghiêm minh.
Người đứng đầu ra quyết định gây lãng phí thì phải chịu trách nhiệm (Ảnh minh họa)
Hôm nay (ngày 5-6), Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội tờ trình dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi- THTK,CLP). Sau đó Ủy ban Tài chính, ngân sách (TCNS) của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra về dự luật này.
Ngay phần đầu của báo cáo thẩm tra đã cho rằng tính khả thi của dự thảo luật và Luật THTK, CLP hiện hành là chưa cao; nhiều quy định còn mang tính hình thức, hiệu lực thực tế thấp, khó đi vào cuộc sống. Để có căn cứ thực hiện và đánh giá được việc thực hiện tiết kiệm hay không tiết kiệm, có lãng phí hay không lãng phí thì phải quy định được các nội dung cơ bản như: Chế độ, tiêu chuẩn, định mức cụ thể trong quản lý, sử dụng các nguồn lực; Trách nhiệm ban hành và tuân thủ quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức của từng tổ chức, cá nhân; Biện pháp chế tài tương xứng, mang tính răn đe để áp dụng trong trường hợp không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về THTK, CLP....
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Tuy nhiên, những quy định này còn thiếu trong dự thảo luật; một số quy định về trách nhiệm bồi thường không khả thi.
Ủy ban TCNS cho rằng dự thảo luật cần bổ sung các quy định chi tiết và rõ ràng hơn về cơ chế công khai, minh bạch việc quản lý sử dụng tài sản, tiền vốn, tài nguyên trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Cơ chế phát hiện, phản ánh, tố giác hành vi lãng phí; hình thức thông tin cụ thể cho cơ quan, tổ chức tiếp nhận thông tin, cơ quan có thẩm quyền xử lý; Trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp nhận, xử lý thông tin lãng phí; Bổ sung quy định cụ thể hơn về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, bao gồm cả kiểm toán nội bộ về THTK, CLP.
Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về THTK, CLP trong tổ chức lễ hội, ma chay, cưới xin... để tránh việc huy động gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Cũng trong sáng ngày 5-6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013.
* Từ 2006 - 2010, các đơn vị ngành Tài chính thực hiện 32.933 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào công tác điều hành, quản lý và sử dụng kinh phí NSNN tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỷ đồng, trong đó: thu hồi nộp NSNN 15.037 tỷ đồng; xử phạt hành chính 1.037 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 2.398 tỷ đồng.
* Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức: Một số ý kiến cho rằng, lãng phí biểu hiện phổ biến hiện nay là việc đưa ra các quyết định gây lãng phí, như đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm tính kinh tế, xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn... Từ đó dẫn đến nhiều công trình đầu tư lãng phí, hiệu quả thấp, nhiều dự án chậm tiến độ vì thiếu vốn; vốn đầu tư bị chôn vào các công trình kém hiệu quả hoặc chậm đưa vào khai thác. Do vậy, trong luật này cần quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ra quyết định gây lãng phí; đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm minh trong trường hợp vi phạm.
Theo ANTD
270.000 lượt góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Ngày 4-4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Mạnh Hiển đã có buổi làm việc với các bộ, ngành về tổng hợp tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đến ngày 2-4, Bộ TN-MT đã nhận được gần 270.000 lượt ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai...