Công chức nhập ngũ QĐND Việt Nam mong gì?
Không chỉ số lượng chiến sĩ mới có trình độ đại học, cao đẳng ngày càng tăng mà còn có cả những công chức cũng tình nguyện nhập ngũ.
Một nét mới trong công tác tuyển quân những năm gần đây là không chỉ số lượng chiến sĩ mới có trình độ học vấn đại học, cao đẳng ngày càng tăng mà còn có cả những công chức đang công tác ở nhiều địa phương cũng tình nguyện nhập ngũ. Vậy chiến sĩ mới là công chức mong muốn gì khi nhập ngũ? Đơn vị cơ sở và địa phương cần quan tâm gì giúp công chức nhập ngũ thực hiện nguyện vọng của mình? Những thông tin mà chúng tôi ghi nhận bước đầu qua trao đổi với một số cán bộ, chiến sĩ ở Trung đoàn Gia Định ( Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) phần nào trả lời những câu hỏi đó.
Công chức nhập ngũ mong gì?
Chúng tôi về Trung đoàn Gia Định, một trong những đơn vị vừa tiếp nhận khá nhiều công chức trên địa bàn thành phố nhập ngũ. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Văn Trung, Chính ủy Trung đoàn cho biết: Chỉ riêng đợt tuyển quân lần 2 năm 2014, tại Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh có 34 cán bộ, công chức nhập ngũ. Họ là những người đã công tác ở các sở, ban, ngành của địa phương, một số người là giáo viên giảng dạy tại các trường phổ thông tình nguyện nhập ngũ.
Tân binh Sư đoàn Phòng không 361 huấn luyện.
Binh nhì Vũ Vương trước khi nhập ngũ là giáo viên Trường Tiểu học Lê Lai, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, tâm sự: “Tôi đã làm giáo viên được vài năm, hoàn thành tốt công việc của mình. Tuy nhiên, tôi tình nguyện nhập ngũ để vừa hoàn thành nghĩa vụ công dân vừa mong muốn được tạo điều kiện học tập, thi đỗ vào Trường Sĩ quan Đặc công. Tôi nghĩ, kinh nghiệm thời gian làm giáo viên cũng sẽ rất bổ ích nếu tôi trở thành một sĩ quan”. Tuy vậy, thầy giáo Vũ Vương cũng hiểu rằng mọi sự mới chỉ là khởi đầu, nhiệm vụ trước mắt phải hoàn thành công tác huấn luyện. Việc ôn thi vào trường sĩ quan còn cả lộ trình dài cũng như phải căn cứ vào thực tế nhiệm vụ của đơn vị.
Là một chiến sĩ đã hoàn thành khóa huấn luyện và được bổ nhiệm làm tiểu đội trưởng, Trung sĩ Đỗ Quốc Trung đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng và trước khi nhập ngũ là công an viên xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Trung sĩ Đỗ Quốc Trung cho biết: “Nguyện vọng của tôi là vào quân đội để được rèn luyện, trau dồi về kiến thức quân sự. Sau hơn một năm trong quân ngũ, tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều, nhất là ý thức kỷ luật, phương pháp tác phong làm việc. Nếu sau này trở về địa phương, với kiến thức, kinh nghiệm đã có, tôi nghĩ mình sẽ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của một công an viên hoặc có thể tham gia công tác quân sự”.
Nói về nguyện vọng của mình, Binh nhất Đỗ An Ninh, một công chức cấp xã đã tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, ngành công nghệ thông tin, bộc bạch: “Em mong muốn được phục vụ lâu dài trong quân đội, nhất là công việc liên quan đến công nghệ thông tin hoặc được đi học sĩ quan, thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự sẽ giúp em phát huy tốt hơn vốn kiến thức của mình”.
Để những “hạt giống” nảy mầm
Nói về kinh nghiệm quản lý về đối tượng công chức nhập ngũ ở các đơn vị trong địa bàn Quân khu 7, Thiếu tá Hoàng Trần Thắng, Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 5, nhận xét: “Hầu hết những công chức, viên chức nhập ngũ vào đơn vị đều là đảng viên. Để phát huy nguồn lực này, chúng tôi đã bố trí mỗi tiểu đội một đồng chí, đồng thời bổ nhiệm tiểu đội phó kiêm chức. Từ những vị trí và nhiệm vụ được giao, nhiều đồng chí đảm đương tốt công việc, nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của chi bộ. Những đồng chí này nếu được bồi dưỡng, rèn luyện hoàn toàn có thể trở thành nguồn cán bộ phục vụ quân đội lâu dài”.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Văn Trung, Chính ủy Trung đoàn Gia Định đồng tình với quan điểm của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Quân chủng Phòng không-Không quân mà Báo Quân đội nhân dân đã đề cập trong bài: “Thấy gì ở các đơn vị có nhiều cử nhân nhập ngũ”. Lãnh đạo Trung đoàn Gia Định sẽ theo dõi, bồi dưỡng các công chức nhập ngũ để tạo nguồn cán bộ, nguồn học viên sĩ quan. Tuy nhiên, việc đáp ứng yêu cầu phục vụ lâu dài trong quân đội của những đồng chí này trước hết phụ thuộc chính vào sự phấn đấu của mỗi cá nhân. Trên cơ sở tình hình nhiệm vụ, chỉ tiêu, nhu cầu cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy các cấp sẽ xem xét, báo cáo cấp trên quyết định việc tạo nguồn, bố trí cán bộ sau huấn luyện. Đối với những đồng chí có nguyện vọng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương công tác, đơn vị sẽ chú trọng rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tác phong quản lý, chỉ huy để có thể đảm nhiệm được các chức danh cán bộ tại địa phương. Thực tế kinh nghiệm quản lý đối tượng chiến sĩ là công chức đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự cho thấy, có nhiều đồng chí nhờ rèn luyện tốt trong thời gian tại ngũ khi về địa phương đã trở thành nguồn cán bộ, phát huy rất tốt khả năng của mình, nhiều đồng chí đã phát triển lên, đảm nhiệm chức danh chủ tịch UBND phường, phó bí thư Đảng ủy phường, trưởng công an xã, phường… Đơn vị đang có ý định mời một số cựu quân nhân là công chức đã huấn luyện tại Trung đoàn Gia Định về thăm, phổ biến kinh nghiệm cho số quân nhân là công chức hiện nay. Có thể kể ra một số đồng chí tiêu biểu như: Huỳnh Trường Giang (nhập ngũ 2004), hiện là Chủ tịch UBND phường 2, quận 3; Đoàn Tuấn Nghĩa (nhập ngũ 2009), Trung úy Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường Công an TP Hồ Chí Minh; Tô Văn Hiếu (nhập ngũ 2004), Phó bí thư Thường trực Đảng ủy phường 8, quận 4…
Theo_Kiến Thức