“Công chức mách nhau khai vống tài sản để lúc tăng thêm là… vừa!”
“Chưa thấy ai bị xử lý khi kê khai sai nên công chức còn mách nhau khai vống lên đến lúc tài sản gia tăng thêm là vừa. Chỉ tài sản tăng thêm mới có vấn đề, chưa ai đề cập gì khi tài sản bị giảm đi”, đại biểu Bùi Sỹ Cương nói.
Tiếp tục phiên thảo luận về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi chiều ngày 9/11, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, hướng quy định mở rộng về việc kê khai tài sản vẫn không thể “yên tâm” được. Bà Nguyệt quan ngại, các quy định dù là luật hiện hành hay mở rộng đối tượng như dự thảo luật cũng chỉ mang tính hình thức, thiếu hiệu quả.
Bà Nguyệt phân tích, không phải cán bộ, nhân viên trong cơ quan đơn vị không biết ai trong cơ quan, không biết ai là người lãnh đạo, ai là người có chức vụ, tham nhũng hay không và thông qua kê khai tài sản có thể trả lời được những câu hỏi đó mà vấn đề quan trọng là nhân viên không muốn và không dám tố cáo hành vi tham nhũng.
Mặt khác, người tham nhũng rất tinh vi, che chắn kín kẽ được cả hành vi tham nhũng thì việc kê khai tài sản, minh bạch tài sản (nhất là với những người l ãnh đạo chủ chốt trong cơ quan) còn dễ che chắn hơn. Như vậy, việc kê khai minh bạch tài sản thu nhập cũng không có tác dụng.
“Thực tế, trong thời gian thực hiện quy định kê khai này suốt 7 năm qua nhưng rõ ràng chưa có một vụ án tham nhũng nào được phát hiện từ việc này” – đại biểu đề nghị tập trung cho các giải pháp khác như quản lý thu nhập qua tài khoản, kiểm soát thanh toán qua thẻ tín dụng, kiểm soát vốn góp…
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Chưa thấy ai bị xử lý khi kê khai sai tài sản
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) hưởng ứng ngay phân tích này. Ông Cương cũng lập luận, chưa thấy ai bị xử lý khi kê khai sai nên anh em công chức thậm chí còn mách nhau một “chiêu” là cứ khai vống lên đến lúc tài sản gia tăng thêm là vừa. Nhiều cơ quan đơn vị, cán bộ công chức cũng đắc thắng chỉ ra kẽ hở của quy định vì chỉ khi tài sản tăng thêm mới bị dị nghị, mới là có vấn đề còn chưa ai đề cập vấn đề khi tài sản bị giảm đi.
Ông Cương cũng đề xuất xử lý cán bộ công chức tham nhũng không cần căn cứ vào mức độ để có các hình thức xử lý khác nhau như luật nêu ra, cũng không cần xây dựng 4 mức kỷ luật khác nhau, từ hạ bậc lương, giảm thu nhập, hạ chức vụ…. mà đã phát hiện tham nhũng là buộc thôi việc. “Trớ trêu là có trường hợp công chức bị phát hiện tham nhũng, bị xử tội, đi tù về vẫn được tiếp nhận vào cơ quan làm lại” – đại biểu bức xúc.
Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) lại nêu quan điểm khác về đường lối xử lý tham nhũng. Ông Độ không tán thành nhóm ý kiến cho rằng đối với các tội phạm tham nhũng phải xử lý nghiêm khắc, không cho hưởng án treo, không giảm án, không tha tù…
Ông Độ cho rằng, tính nghiêm khắc của pháp luật đối với tội tham nhũng đã thể hiện rất rõ trong BLHS khi trong tất cả các tội chiếm đoạt tài sản, chỉ nhóm tội tham ô, nhận hối lộ là có hình phạt tử hình. Tội tham ô còn quy định nặng hơn là tội cướp tài sản, tương đương với tội giết người.
Vấn đề quan trọng ở đây là tính nghiêm minh của pháp luật chứ không phải là tính nghiêm khắc. Nghiêm minh nghĩa là tất cả các vụ việc tham nhũng cần có biện pháp để phát hiện và đưa ra xử lý. Có xử nặng nhưng 100 vụ mà chỉ đưa ra được 2 vụ để xử thì không công bằng, không bình đẳng với người được phát hiện, còn những người khác vẫn ở trong bóng tối.
Video đang HOT
Đại biểu Lê Thị Nguyệt: “Việc quy định theo hướng tăng cường các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng là cần thiết, nhưng các cơ quan đó cũng chỉ là các cơ quan của nhà nước thuộc khu vực công. Việc các cơ quan nhà nước chống tham nhũng có thể được ví von như “một người tự tắm cho mình”. Điều này không có gì đặc biệt đối với mọi quốc gia, thậm chí không cần phải cổ vũ vì không có bất kỳ Chính phủ nào trên thế giới lại không muốn xây dựng một bộ máy liêm chính. Tuy nhiên nếu công chức và bộ máy của anh ta không chịu tắm, không muốn tắm và sợ tắm thì người dân, xã hội, tất cả với tư cách đương nhiên của mình sẽ phải tắm cho họ và bắt buộc họ chữa các căn bệnh nan y phát sinh ra khiến họ không chịu tắm rửa”.
Theo Dantri
"Nhiều con cái của cán bộ giàu một cách bất minh"
Thảo luận về dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sáng nay 9.11, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng tham nhũng ngày càng gia tăng và trở thành vấn nạn đe dọa sự tồn vong của chế độ, gây bức xúc cho người dân nhưng cách phòng chống còn yếu kém, lúng túng.
Tham nhũng cả trong cứu trợ, cứu đói
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu lên một sự thật là hiện nay con cái của các cán bộ, kể cả thành niên hay chưa thành niên đang giàu lên một cách bất minh, bất hợp pháp. Điều đáng nói là tuy con cái rất giàu nhưng trong bản kê khai của các cán bộ này có tài sản rất ít.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): "Tham nhũng diễn ra ở mọi lĩnh vực" - Ảnh: Ngọc Thắng
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) bổ sung: Hiện nay nhiều sinh viên, học sinh mới ra trường nhưng đã được bố mẹ là cán bộ cho khối tài sản hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng. Điều đáng nói là phần lớn khối tài sản này chưa rõ nguồn gốc và chưa được kê khai đầy đủ.
Cần có biện pháp đảm bảo quyền, cuộc sống cho người tố cáo tham nhũng. Thực tế hiện nay nhiều trường hợp người tố cáo tham nhũng và người thân bị đe đọa về tính mạng, cuộc sống. Nếu không đảm bảo vấn đề này sẽ rất khó khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An)
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho hay, dù Đảng và Nhà nước đã cố gắng phòng chống nhưng tình hình tham nhũng không những không giảm mà ngày càng nhiều. Trước đây tham nhũng chỉ xảy ra trong lĩnh vực kinh tế thì nay còn xảy ra cả trong giáo dục, y tế...
"Đau xót hơn tham nhũng còn xảy ra trong cứu trợ, cứu đói", ông Nghĩa nói.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thành Hóa) dẫn chứng theo xếp hạng của Tổ chức minh bạch quốc tế, chỉ số tham nhũng của Việt Nam xếp thứ 121/183 quốc gia.
"Chỉ số xếp hạng này là điều đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Trước đây tham nhũng chỉ diễn ra ở các lĩnh vực quan trọng như kinh tế, đất đai thì nay tồn tại ở bất cứ lĩnh vực nào", ông Lợi nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết năm 2005, khi góp ý cho luật Phòng, chống tham nhũng, có ý kiến dự báo luật này sẽ thất bại khi quy định chống tham nhũng là nhiệm vụ của cơ quan hành pháp. Điều này chẳng khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi".
"Nếu luật Phòng, chống tham nhũng ban hành năm 2005 làm tốt sẽ không có hiện tượng Vinashin, Vinnalines như bây giờ. Điều đáng nói là kẻ tham nhũng đang nằm ngoài vòng pháp luật còn người tố cáo tham nhũng lại đang trở thành tội đồ. Chỉ có một số vụ mà kẻ tham nhũng hồ đồ mới bị phát hiện", ông Quốc bức xúc
Công khai tài sản tại nơi cư trú
Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho biết báo cáo sơ kết 5 năm của ban phòng chống tham nhũng cho thấy biểu hiện tham nhũng vẫn còn phức tạp, tinh vi.
Hiện phần lớn phát hiện tham nhũng đến từ người dân và nhà báo nhưng dự luật lại đang phần nào hạn chế quyền hạn của nhà báo.
Điều 99 của dự luật này quy định: "Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp nội dung thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng".
Quy định như thế khác nào coi báo chí như cấp dưới của mình và hạn chế vai trò của báo chí trong trong phòng chống tham nhũng.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai)
Điều đáng nói, theo ông Cư phần lớn nhiều vụ tham nhũng không được phát hiện từ nơi làm việc mà đến từ phát hiện của người dân. Từ đó, ông Cư kiến nghị cần có quy định phải công khai tài sản của cán bộ tại nơi cư trú để nhân dân giám sát.
Ông Cư kiến nghị cần thành lập ủy ban phòng chống tham nhũng độc lập trực thuộc Quốc hội, có quyền điều tra, khởi tố và báo cáo trực tiếp trước Quốc hội.
Theo đại biểu Phạm Xuân Thường, cần mở rộng đối tượng kê khai tài sản của cán bộ vì chức vụ của cán bộ liên tục thay đổi.
"Hôm nay cán bộ này chưa làm chức vụ quản lý, nhưng ngày mai có thể làm quản lý và nắm giữ nhiều quyền hạn, dễ phát sinh tiêu cực", ông Thường nói.
Tuy nhiên, ông Thường lại không đồng tình với ý kiến thành lập ban phòng chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội.
Theo ông Thường, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng là việc của Chính phủ. "Ở một số nước, ban phòng chống tham nhũng thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của tổng thống và mô hình này rất hiệu quả. Ở ta, ủy ban phòng chống tham nhũng nên thuộc quyền chủ tịch nước", đại biểu này viện dẫn.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kiến nghị cần bổ sung hành vi "cố ý làm trái" vào 12 biểu hiện của tham nhũng mà dự án uật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đang lấy ý kiến.
Theo ông Thuyền, vừa qua có nhiều hành vi cố ý làm trái như mua tàu, ký ban hành chuyển đổi sử dụng đất... gây thất thoát tiền của Nhà nước và nhân dân nhưng những hành vi này lại không được xem là tham nhũng là chưa hợp lý.
"Hành vi nhận tiền lối lộ của cảnh sát giao thông ngoài đường chỉ là bức xúc nhỏ. Bức xúc lớn nhất, nguy hiểm nhất chính là tham nhũng liên quan đến chính sách", ông Thuyền bổ sung.
Ngoài ra, ông Thuyền kiến nghị cần tịch thu nếu phát hiện số tài sản mà cán bộ không kê khai và không chứng minh được nguồn gốc.
Khó thu hồi tài sản thất thoát từ tham nhũng
Theo Thanh tra Chính phủ, số vụ tham nhũng được khởi tố, điều tra, truy tố năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm của công an đã thụ lý 551 vụ án, 1.277 bị can phạm tội về tham nhũng.
Cùng với đó, đã kết luận điều tra 197 vụ, 521 bị can. Hiện đang điều tra 137 vụ, 295 bị can.
Năm 2012, số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý tuy có tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít.
Ngoài ra, hầu như không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào phát hiện được vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Theo TNO
Kê khai tài sản có phát hiện tham nhũng? Chiều qua (2-11), các ĐBQH đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nhiều ý kiến của đoàn ĐBQH Hà Nội cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại đơn vị mình. Công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập của công chức tại cơ quan...