Công chức làm 1 tiếng/ngày, Thứ trưởng Ả rập Xê út lo vỡ nợ
Công chức làm việc hiệu suất kém đang trở thành gánh nặng cho Ả rập Xê út khi “người khổng lồ về dầu mỏ” này bắt đầu phải đối mặt với thâm hụt ngân sách do giá dầu lao dốc trong thời gian dài.
(Ảnh minh họa: Reuters)
Phát biểu trong chương trình thảo luận về thực trạng kinh tế của Ả rập Xê út phát sóng vào giờ cao điểm tối 19/10, Bộ trưởng Dịch vụ Dân sinh Khaled Alaraj cho biết: “Thời gian làm việc hiệu quả của công chức Ả rập Xê út không quá 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày, điều này rút ra dự trên các khảo sát”.
“Nếu chúng ta không có các biện pháp cải cách, nếu kinh tế cứ giữ đà này, thì chỉ 3 đến 4 năm nữa chúng ta sẽ vỡ nợ”, Mohamed Al Tuwaijri, Thứ trưởng kinh tế Ả rập Xê út, cũng cảnh báo tại cuộc thảo luận.
Ở Ả rập Xê út, hơn 2/3 người lao động là công chức, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ chỉ dưới 20%. Năm 2015, chính phủ Ả rập Xê út đã chi 45% ngân sách hay 128 tỷ USD cho việc chi trả lương bổng trong bối cảnh giá dầu lao dốc khiến quốc gia này rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách 100 tỷ USD năm ngoái.
Video đang HOT
Trước khi thực hiện cải cách gần đây, một công chức Ả rập Xê út thậm chí làm tối đa 35 giờ/tuần và thường xuyên có các khoản thưởng, phụ cấp khác. Ví dụ, đầu năm 2015, khi vua Salman đăng cơ, mỗi công chức được “tặng” thêm 2 tháng lương.
Kinh tế Ả rập Xê út được dự báo chỉ tăng trưởng 1,2% trong năm nay. Kinh tế quốc gia vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ này lao đao những năm gần đây do dầu mỏ mất giá trong một thời gian dài.
Để đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế, chính phủ nước này đã đưa ra hàng loạt giải pháp chưa từng có tiền lệ như cắt giảm chi tiêu, ban hành quy định về thuế tiêu thụ, bỏ một số cơ chế trợ giá năng lượng… Lương công chức cũng bị cắt giảm 20%, trong khi các quan chức bị cấm mua sắm hàng xa xỉ như ô tô, điện thoại. Ả rập Xê út cũng chính thức chuyển sang dùng lịch Tây, nghĩa là một năm sẽ kéo dài thêm 11 ngày so với lịch cũ. Với thay đổi này, rõ ràng, chính phủ Ả rập Xê út tiết kiệm được 11 ngày trả lương cho công chức.
Minh Phương
Theo RT
Ả Rập Xê Út muốn vay nước ngoài hàng tỉ USD
Ả Rập Xê Út được cho là đang tìm kiếm khoản vay ngân hàng từ 6 đến 8 tỉ USD. Nếu có, đây sẽ là đợt vay tiền nước ngoài lớn đầu tiên của quốc gia giàu dầu thô trong hơn một thập kỷ.
Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Nayef cùng người chú là Vua Salman ra đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Sân bay Vua Khalid, thủ đô Riyadh tháng 1.2015 - Ảnh: Reuters
Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Riyadh vừa yêu cầu các ngân hàng nộp những đề xuất nhằm mở rộng khoản vay với số tiền như trên trong 5 năm cho nước này, với lựa chọn gia tăng khoản vay để chống đỡ thâm hụt ngân sách kỷ lục do giá dầu thấp kéo dài. Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Ả Rập Xê Út chưa bình luận gì về thông tin.
Đã có thông tin Ả Rập Xê Út yêu cầu các ngân hàng thảo luận về ý tưởng một khoản vay quốc tế trong tuần trước, song những chi tiết như số tiền vay và thời gian vay không được nêu rõ.
Năm 2015, thâm hụt ngân sách của quốc gia Trung Đông là 100 tỉ USD. Chính phủ nước này hiện cố gắng lấp khoảng trống ngân sách bằng cách sử dụng dự trữ ngoại hối và phát hành trái phiếu. Song số tài sản dự trữ trên sẽ chỉ kéo dài thêm được vài năm với tốc độ sụt giảm hiện tại, còn chuyện phát hành trái phiếu đã bắt đầu áp lực thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.
Nguồn tin cho biết thêm hãng tư vấn Verus Partners trụ sở ở London (Anh), công ty được hai cựu thành viên hãng Citigroup là Mark Aplin và Andrew Elliot thành lập, hiện tư vấn về khoản vay cho chính phủ Ả Rập Xê Út.
Thay mặt Bộ Tài chính Ả Rập Xê Út, Verus Partners đã gửi đề xuất đến một nhóm nhỏ các ngân hàng. Các nhà băng tham gia cho vay sẽ có cơ hội tốt khi được chọn để sắp xếp đợt phát hành trái phiếu quốc tế của Ả Rập Xê Út, vốn được cho là sẽ được tiến hành ngay trong năm nay.
Giới phân tích cho hay tổng khoản vay chính phủ của sáu nước xuất khẩu dầu thô giàu có ở vùng Vịnh Ả Rập lên đến 20 tỉ USD hoặc hơn trong năm nay. Đây là sự thay đổi lớn so với những năm trước, khi khu vực này có nhiều tiền và cho phần còn lại của thế giới vay.
Cả sáu nước trên đều đã, hoặc có kế hoạch vay mượn để đối phó với giá dầu thấp. Khi tiền trở nên hiếm hơn ở quê nhà, doanh nghiệp các nước Vùng Vịnh được cho là sẽ vay thêm từ nước ngoài.
Vào giữa tháng 2, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's hạ hai bậc xếp hạng của Ả Rập Xê Út, xuống mức A-. Hai cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn còn lại là Moody's và Fitch vẫn đang đánh giá tình hình của Riyadh. Tuần trước, hãng Moody's thông báo đặt Ả Rập Xê Út vào nhóm nước có thể bị hạ xếp hạng tín nhiệm.
Tuy nhiên, các ngân hàng cho hay một khoản vay chính phủ từ Ả Rập Xê Út có thể thu hút đáng kể nhu cầu vì sự giàu có của nước này. Tài sản ròng nước ngoài của Ả Rập Xê Út vẫn còn gần 600 tỉ USD, trong khi nợ công đất nước thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Thiếu tiền, Ả Rập Xê Út giảm tiếp chi tiêu giáo dục Hàng nghìn người Ả Rập Xê Út có thể bị buộc phải từ bỏ giấc mơ du học vì giá dầu giảm sâu. Gần 90% sinh viên Ả Rập Xê Út học tập ở nước ngoài được Quỹ Học bổng Vua Abdullah tài trợ chi phí - Ảnh: Reuters Theo CNN, ngân sách Ả Rập Xê Út đang chịu áp lực rất lớn....