Công chức có cần giỏi ngoại ngữ?
Không thay đổi mục tiêu là phát triển khả năng sử dụng ngoại ngữ của công chức, tuy nhiên chúng ta cần đặt ra việc phát triển và đề xuất các giải pháp thực tế, hơn là chỉ cứng nhắc quy định bằng các văn bằng, chứng chỉ.
Theo người viết, một trong những vấn đề lớn ngăn cản sự phát triển của VN hiện nay là sự khác biệt về tầm nhìn và tư duy, nhất là của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền. Một yếu tố tạo nên rào cản đó xuất phát từ sự hạn chế về ngoại ngữ.
Tiếng Việt, thật không may, lại không phải là ngôn ngữ thông dụng của thế giới. Ở khắp nơi, mọi người sử dụng tiếng Anh, từ các cuộc triển lãm, các bản tin, các tài liệu đến các hội thảo quốc tế, v.v… Thậm chí những người sử dụng các ngôn ngữ phổ biến khác như tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc,… giờ đây cũng phải nói chuyện và hiểu thế giới thông qua tiếng Anh. Sự phổ biến của tiếng Anh cũng đem lại một cơ hội lớn để thế giới hiểu biết và chia sẻ tầm nhìn, kiến thức.
Tiếc thay, chúng ta có quá nhiều công chức tuy có văn bằng ngoại ngữ như một điều kiện bắt buộc khi họ thi tuyển đầu vào, nhưng lại không sử dụng tiếng Anh, không nói và hiểu được tiếng Anh. Do vậy, họ gặp nhiều khó khăn để hiểu và hành xử theo những điều kiện và tiêu chuẩn chung của thế giới. Điều này phần nào cản trở chính họ trong công việc.
Ai đó có thể cho rằng muốn hiểu ngoại ngữ đã có phiên dịch. Tuy nhiên, bạn gần như không thể xây dựng các mối quan hệ cá nhân thân tình, không thể trao đổi những câu chuyện riêng tư và kín đáo với sự hiện diện của một người phiên dịch ở giữa, chưa kể, câu chuyện sẽ “nhạt” đi đáng kể.
Sử dụng được tiếng Anh, một kho tàng lớn về kiến thức và thông tin sẽ được mở ra, giúp các công chức bồi đắp hiểu biết mỗi ngày, tìm kiếm những giải pháp và kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới, khi mà mạng internet ngày càng tiện dụng.
Có thể nói rằng, tiêu chuẩn “sử dụng được tiếng Anh hay một ngoại ngữ khác” hẳn nhiên là điều kiện cần, tiêu chí quan trọng đối với công chức. Yêu cầu cán bộ, công chức phải sử dụng tốt ngoại ngữ, theo tôi, là cần thiết và cực kỳ quan trọng.
Video đang HOT
Đại biểu dự một hội thảo của Bộ Nội vụ đơn vị soạn dự thảo nghị định. Ảnh: Lê Anh Dũng
Một cách tiếp cận mới
Được biết, trong tuyển dụng từ công chức cấp thấp đến bổ nhiệm công chức cấp cao hơn hiện nay đều có những tiêu chuẩn về ngoại ngữ. Song chúng đều được quy về bằng cấp, từ những tấm bằng ngoại ngữ trình độ A, B hay C trước đây đến những tấm bằng cao cấp bậc 4, 5, 6 gần đây.
Cách tiếp cận đó, theo người viết có phần chưa phù hợp. Chúng ta cần những công chức có khả năng sử dụng ngoại ngữ thực sự, chứ không phải là những tấm bằng, giấy chứng nhận trong tập hồ sơ công chức. Chưa kể những quy định “cứng” kiểu đó thậm chí có thể dẫn đến nạn làm bằng giả hoặc bằng thật nhưng học giả, vốn không còn là sự gì lạ lẫm.
Trên thực tế, chính Bộ Nội vụ và nhiều cơ quan Trung ương và cấp tỉnh, thành phố, cấp huyện,… vẫn đang phải tổ chức nhiều lớp “bồi dưỡng” ngoại ngữ cho cán bộ, công chức của nhiều cơ quan.
Vì vậy, có lẽ đã đến lúc thay đổi phương pháp tiếp cận cho mục tiêu “công chức có thể sử dụng tốt ngoại ngữ”. Chẳng hạn, tận dụng công nghệ thông tin để phát triển các giải pháp học ngoại ngữ trực tuyến cho cán bộ công chức, và mọi người dân có nhu cầu nói chung. Công nghệ ngày nay cho phép xây dựng những nguồn dữ liệu mở, có khả năng tương tác cao, tạo điều kiện thuận lợi ho việc học ngoại ngữ hàng ngày.
Ví dụ, một số doanh nghiệp nước ngoài như Công ty dầu khí quốc gia Malaysia Petronas đã xây dựng một hệ thống dữ liệu mở, cho phép cán bộ nhân viên ở mọi cấp có thể học và nhận chứng chỉ trực tuyến, như một điều kiện để được bổ nhiệm và nâng bậc.
Chúng ta hoàn toàn có thể, ví dụ, xây dựng một hệ thống học ngoại ngữ như giáo sư Peter Von Ahn và các cộng sự phát triển công cụ Duolingo. Theo đó, những người tham gia học có thể theo dõi, kết bạn với nhau và đăng ký học phù hợp với thời gian rảnh mỗi ngày. Những người cùng một cơ quan hoàn toàn có thể theo dõi đồng nghiệp hay sếp mình học ngoại ngữ thế nào, có chăm chỉ không, năng lực đến đâu… Nhờ vậy, người được quy hoạch bổ nhiệm sẽ được những người khác đánh giá cả về sự chuyên cần và khả năng sử dụng ngoại ngữ, và khi đó, những đánh giá sẽ chính xác.
Không thay đổi mục tiêu là phát triển khả năng sử dụng ngoại ngữ của công chức, tuy nhiên chúng ta cần đặt ra việc phát triển và đề xuất các giải pháp thực tế, hơn là chỉ cứng nhắc quy định bằng các văn bằng, chứng chỉ.
Khi làm được điều đó, tức là thay đổi tư duy về mục tiêu và cách tiếp cận, để có giải pháp đúng, tình trạng Bộ Nội vụ vội vã đưa ra chuẩn ngoại ngữ của công chức rồi lại hạ chuẩnngay sau khi có một số ý kiến phản đối, sẽ không còn nữa. Quan trọng hơn, nhờ đó chúng ta sẽ tạo ra được nhiều thay đổi và xây dựng được bộ máy chính quyền hiệu quả.
Theo_VietNamNet
12 tỉnh vùng khó nhận gần 4.000 bộ máy tính miễn phí
Năm 2014, Dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam" tiếp tục triển khai tại 12 tỉnh với 3.985 bộ máy tính trang bị cho các Thư viện công cộng và Bưu điện Văn hóa xã.
Kế hoạch triển khai Dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam" (Dự án BMGF-VN) tại 12 tỉnh được thông báo tại Hội thảo Khởi động bước 3. Giai đoạn II dự án diễn ra tại Thừa Thiên Huế. 12 tỉnh bao gồm: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Theo đó, 3.985 bộ máy tính có kết nối internet sẽ được trang bị cho 601 điểm Thư viện công cộng và Bưu điện Văn hóa xã. Khoảng 50 lớp đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ chuyên môn, cũng như gần 2.000 sự kiện truyền thông sẽ được tổ chức nhằm hướng dẫn, khuyến khích người dân địa phương, sử dụng máy tính và Internet tại các điểm truy nhập công cộng, góp phần cải thiện đời sống. Trước đó, bước 1 và bước 2 giai đoạn II của Dự án đã triển khai thành công tại 28 tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn.
Tại Hội thảo, ngoài việc đề cập vai trò của các điểm truy nhập máy tính công cộng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn của Thư viện công cộng và Bưu điện Văn hóa xã, các đại biểu còn thảo luận những bài học kinh nghiệm thiết thực từ thực tế triển khai để đảm bảo triển khai Dự án thành công và hướng tới mục tiêu duy trì hiệu quả một cách bền vững.
Các đại biểu thống nhất quan điểm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, trong đó có cam kết trách nhiệm đối với việc hỗ trợ người dân tiếp cận bình đẳng, hiệu quả với công nghệ thông tin.
Ghi nhận tại 28 tỉnh đang triển khai dự án đến thời điểm này, Dự án BMGF-VN đang góp phần tạo nên sức hút mới cho các Thư viện công cộng và Bưu điện Văn hóa xã, thể hiện qua số lượng người dân đến sử dụng dịch vụ ngày một tăng.
Theo số liệu từ hệ thống quan sát của dự án, đối tượng sử dụng dịch vụ internet tại các điểm truy nhập công cộng thuộc nhiều thành phần khác nhau: học sinh, sinh viên, cán bộ nhà nước, nông dân, những người kinh doanh, buôn bán nhỏ.
Người dân tìm hiểu thông tin về nhiều lĩnh vực khác nhau, như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm về chăm sóc gia đình đến các thông tin phục vụ học tập, giải trí...
Nhờ chính sách miễn phí truy cập tại các điểm Thư viện công cộng, giảm 50% cước truy cập tại các điểm Bưu điện văn hóa xã, người dân địa phương, nhất là tại các điểm vùng sâu vùng xa, đã có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin, và thực tế đã có không ít người dân cải thiện được cuộc sống của bản thân, đồng thời đóng góp cho gia đình, cho cộng đồng và cho xã hội.
Dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam" triển khai tại Việt Nam trong thời gian 5 năm từ 2011 đến 2016 với tổng kinh phí là 50 triệu USD, cam kết cung cấp, lắp đặt hơn 12.000 máy tính nối mạng Internet băng thông rộng và thiết bị phụ trợ cho 1.900 điểm thư viện cộng và BĐVHX, đào tạo kỹ năng cho hàng ngàn cán bộ quản lý, nhân viên. Nhờ đó, dự kiến sẽ có thêm khoảng 760.000 người ở nông thôn được sử dụng máy tính và Internet.
Minh Tuấn
Theo_VietNamNet
Sẽ hạ tiêu chuẩn "giỏi ngoại ngữ" của thứ trưởng Trao đổi với PV, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Trung thừa nhận tiêu chuẩn về ngoại ngữ với thứ trưởng là quá cao, song đây mới là dự thảo lần đầu, sẽ sửa ngay cho phù hợp. Bộ Nội vụ vừa ra dự thảo nghị định về tiêu chuẩn chức danh quản lý của công...