“Công chúa Trung Quốc” lừa đảo cả triệu USD
Nhật Báo Trung Quốc ngày 1-11 cảnh báo các băng nhóm lừa đảo ở nước này đang tăng cường hoạt động, nhắm đến chủ yếu người cao tuổi, có tiền tiết kiệm và gia cảnh khá giả.
“Công chúa Xương Bình” Vương Lan Anh bị cảnh sát bắt cùng tang vật – Ảnh: hsw.cn
Đáng kể nhất là vụ lừa đảo của bà Vương Lan Anh, 48 tuổi, ở Tây An. Chưa học hết tiểu học nhưng bà Vương đã cầm đầu băng nhóm lừa đảo quy mô lớn ở Trung Quốc với chiêu thức giả là “công chúa của hoàng tộc Ái Tân Giác La” để chiếm đoạt gần 1 triệu USD của nhiều người cao tuổi trong hai năm qua.
Câu chuyện băng nhóm này dựng nên rất ly kỳ: bà Vương là hậu duệ dòng dõi nhà Thanh, nắm giữ khối tài sản khổng lồ hàng chục tỉ USD nhưng bị chính quyền Bắc Kinh đóng băng.
Lấy cớ đang rất cần tiền để “lót tay” giải tỏa khối tài sản này, chúng dụ dỗ nhiều người cao niên đóng góp, chiếm đoạt số tiền gần 1 triệu USD để tiêu xài.
Thủ đoạn “một lời ba”
Công khai tổ chức hội nghị tài trợ
Băng nhóm lừa đảo đã dám dùng danh nghĩa công ty do Vương Lan Anh đứng tên đăng ký để tổ chức hội nghị “Những nhà tài trợ giải ngân” tại một khách sạn 4 sao ở Tây An. Tại đây, Vương Lan Anh tiết lộ dòng tộc nhà Thanh có tám kho báu lớn ở khu vực miền núi của tỉnh Tứ Xuyên và Quý Châu. Các kho báu này chứa cả núi vàng thỏi và đôla Mỹ!
Sau hai tháng điều tra, hôm 17-10 cảnh sát thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây) tuyên bố bắt giữ Vương Lan Anh cùng đồng bọn vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác với số tiền lên đến 5,72 triệu nhân dân tệ (khoảng 933.268 USD).
Thủ đoạn của băng nhóm Vương Lan Anh sử dụng rất cũ nhưng không ít người ở Trung Quốc đã sập bẫy.
Báo Tây An Buổi Tối cho biết Vương Lan Anh tự xưng “công chúa Xương Bình”, là công chúa thứ ba của gia tộc Ái Tân Giác La, lớn lên ở Mông Cổ và có huyết thống với dòng dõi nhà Thanh.
“Công chúa Xương Bình” cho biết đang nắm giữ kho báu của dòng tộc trị giá 175 tỉ nhân dân tệ (hơn 28,5 tỉ USD) và rất mong “các mạnh thường quân” giúp đỡ lấy lại số tài sản trên bằng cách đầu tư tài chính.
Video đang HOT
“Công chúa Xương Bình” úp mở số tiền các mạnh thường quân đóng góp sẽ được dùng “bôi trơn” giới chức chính phủ để họ trả tài sản cho bà.
Sau khi xong việc, “công chúa” hứa trả lãi gấp ba cho các nhà đầu tư hoặc gấp nhiều chục lần số đầu tư ban đầu.
Từ tháng 10-2012, Vương Lan Anh cùng đồng bọn đã chuẩn bị ấn quan triều đình, kim bài và tỏa đi khắp các tỉnh như Quý Châu, Tứ Xuyên và Hà Nam mua USD và dụng cụ ép vàng thỏi giả để làm “đạo cụ” cho vở kịch.
Băng nhóm này còn làm giả chứng từ của Quân ủy Trung ương Trung Quốc và nhiều nhân vật có tiếng tăm trong Chính phủ Trung Quốc nhằm tạo thêm lòng tin cho con mồi mà chúng nhắm đến.
Thậm chí, Vương cùng đồng bọn còn đưa con mồi đến một số khu núi gần quân khu Thành Đô ở tỉnh Tứ Xuyên, chỉ vào trong và khẳng định kho báu nằm trong ấy nhưng vì quân đội canh phòng cẩn mật nên không tiếp cận được.
Vì không đủ tiền nên Vương đành phải nhờ đến sự trợ giúp của “dân gian” để giải tỏa số tài sản này. Nhiều người đã tin vào lời của “công chúa” và sập bẫy.
Âm mưu bại lộ
Chân tướng của băng nhóm lừa đảo này bị phanh phui vào chiều 27-7-2014, khi con gái nuôi 13 tuổi của Vương Lan Anh hớt hải tới đồn cảnh sát quận Liên Hồ (thành phố Tây An) báo tin mẹ có khả năng bị bắt cóc vì đã rời khỏi nhà cả ngày nhưng chưa thấy về.
Cảnh sát ngay lập tức đến công ty của bà Vương ở đường số 2 Tây Bắc thì phát hiện “công chúa Xương Bình” Vương Lan Anh cùng đồng bọn Dương Đông An đang bị sáu người lạ mặt bắt trói tại văn phòng.
Ban đầu, cảnh sát nghi ngờ sáu người này bắt giữ Vương và Dương trái pháp luật nên đưa tất cả về đồn để điều tra thêm.
Đến đây vụ việc mới rõ ràng. Ông Vương Đức Quý, một trong sáu người khống chế Vương Lan Anh, khai với cảnh sát rằng họ bắt giữ người trái luật do căm phẫn vì bị lừa đảo.
Năm 2013, ông Vương Đức Quý vì nghe lời dụ dỗ của Dương Đông An đã gom góp 200.000 nhân dân tệ (hơn 32.000 USD) để đầu tư vào phi vụ “giải tỏa kho báu” nhằm kiếm tiền an dưỡng tuổi già.
Sau gần một năm đầu tư, ông Vương Đức Quý nhận lại được 500.000 USD tiền “phúc lợi” đầu tư từ băng nhóm Vương Lan Anh.
Tưởng nhận được món tiền lớn nhưng cuối cùng lại phát hiện toàn bộ số tiền đó là tiền giả, phẫn uất vì mất cả chì lẫn chài, ông Vương Đức Quý cùng người thân quyết định khống chế “công chúa” và đồng bọn để đòi lại tiền.
Cảnh sát Tây An cho biết hiện có 10 người dính líu tới vụ lừa đảo của “công chúa Xương Bình”, trong đó có chín nghi can ở Hàng Châu, Thượng Hải, Hà Nam và nhiều tỉnh thành khác đã bị bắt giữ.
Cảnh sát tịch thu một lượng lớn tiền vàng giả và hàng loạt khuôn làm vàng thỏi dỏm. Băng nhóm này dùng số tiền lừa được đi ăn nhậu, đi vũ trường suốt hai năm qua…
Theo Tuổi Trẻ
Điều chưa biết về kế hoạch đánh tráo container chứa 600 bánh heroin
Cách đây 1 năm, vụ vận chuyển 600 bánh heroin từ Việt Nam sang Đài Loan (Trung Quốc) bị các cơ quan chức năng của nơi này khám phá đã gây chấn động dư luận. Bởi số lượng ma túy quá lớn đã được bọn tội phạm quốc tế tìm cách vận chuyển lọt qua đường hàng không. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã tiến hành khởi tố bị can đối với 3 đối tượng người Đài Loan về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đó là Sung Yuan Hsuan (còn gọi là Đông), 34 tuổi; Pan Po Chung (còn gọi là Phan),40 tuổi; Chen Kuo Shun, 37 tuổi, các đối tượng có hành vi đóng gói ma túy vào 12 thùng loa rồi gửi theo đường hàng không về Đài Loan. Tại Đài Loan, cùng với việc phát hiện lô hàng 600 bánh heroin nói trên, các cơ quan chức năng tại đây cũng đã bắt giữ 7 đối tượng người Đài Loan liên quan và làm rõ từng vai trò, hành vi của chúng.
Âm mưu của những ông trùm
Các đối tượng bị khởi tố, bắt giữ gồm: Trần Chiêu An, 40 tuổi; Hồng Tử Kiệt, 38 tuổi; Cao Chí Trạch, 28 tuổi; Ông Vĩnh Sinh, 54 tuổi; Chu Kiến Hoa, 34 tuổi; Trần Tuấn Vĩ, 30 tuổi; Diệp Trinh Trung, 52 tuổi. Đây chỉ là 7 trong số nhiều đối tượng tham gia đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia này (nhiều đối tượng đang lẩn trốn). Cầm đầu là Quách Tài Năng, biệt danh "Thuận tử" (đang bị truy nã trong một vụ án khác).
Khi Trần Chiêu An và Hạ Kì Trình có ý định mua heroin (đây là 2 nhánh khác nhau), Năng đã chập lại thành một chuyến vận chuyển. Bọn chúng quy ước với nhau mật mã của việc mua bán ma túy là "cưới cô dâu". Đồng thời, theo thỏa thuận, An và Trình phải đặt cọc tiền trước cho Quách Tài Năng.
Khoảng tháng 9/2013, Quách Tài Năng báo cho Trần Chiêu An và Hạ Kì Trình biết hắn đã thu thập đủ số lượng heroin, muốn bắt đầu việc đưa hàng và giao nhận hàng vào Đài Loan. Vì thế, An và Trình phải đặt cọc tiếp cho Năng một số tiền, tổng cộng với lần đặt cọc trước là khoảng 55 triệu Đài tệ. Việc giao tiền của các đối tượng cũng rất tinh vi, cả An và Trình phải giao tiền cho một người tên là Danh không hề biết gì về việc mua bán ma túy, chỉ nhận tiền thuê cho Năng để hưởng tiền thưởng mà thôi.
Việc vận chuyển ma túy từ sân bay Đào Viên (Đài Loan) được Năng giao cho một gã trùm giang hồ có biệt danh là A Quảng. A Quảng hiện đang lẩn trốn ở nước ngoài, ngay cả Năng cũng không được biết tên thật của gã này. Sau khi nhận hợp đồng với Năng, A Quảng đã chỉ thị cho đàn em là Trần Tuấn Vĩ quay về Đài Loan để liên lạc với Ông Vĩnh Sinh, người nhận vận chuyển ma túy, trước đây làm việc tại Công ty TNHH Hoa Trữ (gọi tắt là Công ty Hoa Trữ).
Ông Vĩnh Sinh giao nhiệm vụ cho Trần Tuấn Vĩ là sau khi nhận số ma túy vận chuyển về Đài Loan do Sinh giao lại thì sẽ mang giao số "hàng" của Hạ Kì Trình và Trần Chiêu An cho Hồng Tử Kiệt, đổi lại Vĩ sẽ được Ông Vĩnh Sinh trả thù lao bằng 2 bánh heroin. Để việc vận chuyển ma túy thuận lợi, Ông Vĩnh Sinh mua chuộc Chu Kiến Hoa, nhân viên tổ nhập khẩu của Công ty Hoa Trữ tham gia việc vận chuyển hàng.
Ông Vĩnh Sinh đề nghị sẽ trả thù lao cho Chu Kiến Hoa vài trăm ngàn Đài tệ. Bị lóa mắt trước đồng tiền, Hoa đã nhận tham gia. Nhiệm vụ của Hoa là thay đổi nhãn hàng cho lô hàng nhập khẩu có chứa heroin (sau khi về kho bãi hàng nhập khẩu của Công ty Hoa Trữ) thành "container hàng bách hóa".
Thống nhất xong tất cả các khâu, Ông Vĩnh Sinh báo cho A Quảng biết đã có thể thực hiện giai đoạn vận chuyển heroin dưới danh nghĩa hàng hóa bằng đường hàng không. Về phía nhóm của Hồng Tử Kiệt, để đảm bảo an toàn sau khi nhận ma túy từ Ông Vĩnh Sinh nên bảo thêm Thái Tích Trung và Diệp Trinh Trung. Nhiệm vụ của Kiệt, Tích Trung và Trinh Trung là thuê xe tải nhẹ, sau đó chia chặng để vận chuyển ma túy từ sân bay Đào Viên về thành phố Cao Hùng.
Số lượng 600 bánh heroin bị các cơ quan chức năng Đài Loan bắt quả tang.
Cuộc chiến tại giờ G
Thời gian các đối tượng chọn để chuyển hàng là 16 hoặc 17/11/2013. A Quảng gửi tin nhắn đã mã hóa thành "86-25/94-04" cho Ông Vĩnh Sinh (tin nhắn được giải mã là: chuyến bay chở hàng CI 5886, container hàng mang số hiệu 24851606, xuất phát từ sân bay TP Hồ Chí Minh (Việt Nam), theo dự kiến sẽ đến nơi vào 3h15 sáng 17/11/2013). Ông Vĩnh Sinh thông báo cho Chu Kiến Hoa để làm nhãn cho lô hàng.
Đồng thời, gã đốc thúc bọn Trần Tuấn Vĩ chuẩn bị container hàng để đánh tráo. Bọn chúng cũng mua 12 chiếc loa thùng để bỏ vào container, đóng theo mẫu giống hệt như container chứa heroin sẽ vận chuyển từ Việt Nam sang. Chiều 15/11/2013, bọn Vĩ thuê người mang container "giả" đến để trước khu hàng nhập khẩu của Công ty Hoa Trữ.
Khoảng 22h cùng ngày, Chu Kiến Hoa dùng xe vận chuyển container "giả" vào kho hàng nhập khẩu để dễ dàng cho việc tráo đổi. Cùng ngày hôm đó, A Quảng thông báo cho Cao Chí Trạch (đàn em của Hạ Kì Trình). Hồng Tử Kiệt cùng Thái Tích Trung, Diệp Trinh Trung cùng lái xe về Đào Viên để liên lạc với Trần Tuấn Vĩ đón "hàng". Đêm 16/11/2013, Thái Tích Trung, Diệp Trinh Trung và Hồng Tử Kiệt thuê phòng ở khách sạn Thủy Lập trên đường Quang Minh, làng Lô Trúc, huyện Đào Viên chờ chỉ thị.
Ông Vĩnh Sinh cũng thuê phòng tại khách sạn Kích Điểm ở đường Nam Phúc, làng Lô Trúc đợi. Hạ Kì Trình và Cao Chí Trạch thì đến tiệm cầm đồ của Trần Chiêu An trên đường Trung Chính, TP Cao Hùng đợi tin tức. Sau đó, sốt ruột, Hạ Kì Trình sai Cao Chí Trạch lái xe về Đào Viên để hỗ trợ đồng bọn.
Tối 16/11/2013, chuyến bay CI 5886 trong đó có chứa món hàng 600 bánh heroin của A Quảng xuất phát từ TP Hồ Chí Minh. Đến khoảng 3h20 ngày 17/11/2013 thì chuyến bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Đào Viên. Sau khi biết tin máy bay đến nơi, Chu Kiến Hoa đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc đổi nhãn hàng thì phát hiện sự việc bị bại lộ. Anh ta vội thông báo cho Ông Vĩnh Sinh, sau đó xé bỏ nhãn hàng, bẻ sim dừng liên lạc với Ông Vĩnh Sinh, vứt điện thoại di động xuống cống. Các đối tượng nhận được thông tin vụ việc bị lộ ngay lập tức tìm mọi cách cắt thông tin, bỏ trốn nhưng đã lần lượt bị bắt giữ.
Ngay sau khi phát hiện lô hàng 600 bánh heroin (trọng lượng cả bì là 229kg, khối lượng thực tế sau khi gỡ niêm phong là 173.209,28g), các lực lượng chức năng của Đài Loan đã nhanh chóng triển khai lực lượng bắt giữ các đối tượng liên quan đến vụ việc. Chu Kiến Hoa bị bắt ngay tại văn phòng của kho hàng Công ty Hoa Trữ; Hồng Tử Kiệt, Diệp Trinh Trung bị bắt khi đang ở khách sạn Thủy Lập, Ông Vĩnh Sinh bị bắt tại khách sạn Kích Điểm khi chưa kịp chạy trốn.
Vào 3h45 ngày 17/11/2013, "đầu nậu" Trần Chiêu An ra sân bay quốc tế Đào Viên định chạy trốn sang Nhật thì bị bắt giữ. 19h20 ngày 20/11/2013, Trần Tuấn Vĩ cũng bị bắt tại sân bay Tùng Sơn khi chuẩn bị xuất cảnh ra nước ngoài để trốn chạy tội lỗi. Đối tượng thứ 7 bị bắt giữ tại nơi ẩn trốn ở tầng hầm giữ xe thuộc tòa nhà đường Mỹ Thuật Bắc Tam, khu Cổ Sơn, TP Cao Hùng là Cao Chí Trạch.
Theo Năng Lượng Mới
Nhà vua Tây Ban Nha thoái vị vì bê bối hoàng gia Ngày 2-6, chính quyền của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã chính thức công bố quyết định của hoàng gia nước này về việc Vua Juan Carlos (ảnh) thoái vị nhường ngôi cho con trai là Thái tử Felipe, sau hàng loạt những bê bối chính trị liên quan đến những người thân trong hoàng tộc. Vua Juan Carlos năm nay...