Công chúa Campuchia qua đời ở Thái Lan
Công chúa Norodom Bopha Devi, người có công hồi sinh điệu múa Apsara truyền thống đầy mê hoặc của Campuchia, vừa qua đời ở tuổi 76.
Hoàng gia Campuchia ngày 18/11 xác nhận công chúa Norodom Bopha Devi đã qua đời vì tuổi cao sức yếu. Công chúa 76 tuổi trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở Thái Lan, theo Reuters.
Bà là con gái của cố vương Norodom Sihanouk và là chị gái cùng cha khác mẹ của nhà vua Norodom Sihamoni.
Công chúa Bopha Devi học múa điệu múa cổ truyền Apsara khi mới lên 5. Điệu múa thường được trình diễn tại các sự kiện và nghi lễ của hoàng gia Campuchia. Apsara gắn liền với các vương triều ở Campuchia trong gần 1.000 năm, theo ghi nhận của UNESCO.
Công chúa Norodom Bopha Devi của Campuchia. Ảnh: Paris Match.
Công chúa Bopha Devi phải lưu vong ở nước ngoài trong giai đoạn chế độ diệt chủng Khmer Đỏ nắm quyền. Điệu múa khi đó bị xem là văn hóa suy đồi của giới tinh hoa phong kiến. Nhiều người am hiểu về điệu Apsara bị giết hại, khiến nghệ thuật này đứng trước nguy cơ thất truyền.
Sau khi quân tình nguyện Việt Nam sang trợ giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ năm 1979, tiếp theo đó là tiến trình hòa bình, bà Bopha Devi trở về Campuchia vào đầu thập niên 1990. Bà giữ chức Bộ trưởng Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia từ năm 1998-2004, giúp hồi sinh Apsara cũng như nhiều điệu múa cổ truyền khác.
“Campuchia sẽ luôn ghi nhớ chính nhờ công của công chúa Norodom Bopha Devi mà điệu múa hoàng gia Campuchia được công nhận là di sản thế giới”, hoàng thân Sisowath Thomico chia sẻ.
“Tôi hy vọng nhiều người sẽ gìn giữ di sản của bà, tiếp tục phát huy và chứng tỏ điệu múa hoàng gia giữ một vị trí quan trọng trong văn hóa Campuchia”, ông nhấn mạnh.
Video đang HOT
Theo news.zing.vn
Lo ngại về đường băng 3.200 m Trung Quốc xây ở tỉnh miền Nam Campuchia
Dự án sân bay khổng lồ của Trung Quốc ở gần cực nam Campuchia khiến người dân nước này lo ngại họ trở thành sân sau của cuộc đối đầu Bắc Kinh và Washington.
Tỉnh Koh Kong, vùng nông thôn ở phía tây nam Campuchia và vốn nằm ngoài sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đang thu hút sự chú ý của toàn cầu. Đó là vì sự xuất hiện của một đường băng dài 3.200 m tại một khu nghỉ dưỡng đang được phát triển bởi một công ty Trung Quốc, cách Phnom Penh 6 giờ lái xe, Nikkei Asia Review cho biết.
Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng Trung Quốc sử dụng đường băng này cho mục đích quân sự, nhưng Campuchia đã phủ nhận khả năng này.
Khi Washington và Bắc Kinh đang bị cuốn vào cuộc chiến thương mại và cạnh tranh quyền lực, cư dân tỉnh ven biển của Campuchia đang theo dõi tình hình với cảm xúc lẫn lộn.
Dự án khổng lồ tại nơi dân cư thưa thớt
Con đường dẫn đến dự án đi qua Vườn quốc gia Botum Sakor. Vào giữa tháng 8, nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng nối đuôi nhau đến công trường. Một bảng chỉ dẫn với 3 ngôn ngữ Khmer, Trung Quốc và Anh đã được dựng lên gần đường vào dự án.
Đường băng đã gần hoàn thành vào thời điểm cách đây 2 tháng. Việc xây dựng nhà ga đang diễn ra, dự kiến khai trương vào năm 2020. Tỉnh Koh Kong có dân số khoảng 100.000 người, ngoại trừ nông nghiệp và thủy sản, địa phương này không có công nghiệp và dịch vụ cao cấp.
Đường băng dài 3.200 m đã được hoàn thành tại dự án khổng lồ ở tỉnh Koh Kong. Ảnh: Nikkei Asia Review.
Năm 2008, chính phủ Campuchia đã ký thỏa thuận cho tập đoàn liên minh Trung Quốc thuê khu đất hướng ra biển với thời hạn 99 năm. Dự án gồm khách sạn 5 sao, sân golf, khu phức hợp, sân bay quốc tế và cơ sở hạ tầng khác sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 450 km2.
Một cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu cỡ lớn cũng sẽ được xây dựng. Sân bay thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, vì quy mô đáng kinh ngạc của nó.
Đường băng 3.200 m đủ dài để các loại máy bay vận tải hành khách khổng lồ như A380 cất và hạ cánh. Đường băng này còn dài hơn cả đường băng của sân bay quốc tế Phnom Penh - 3.000 m, sân bay Siem Reap - 2.500 m, một địa điểm du lịch nổi tiếng nằm gần đền Angkor Wat.
Nikkei Asian Review nhận định sân bay với đường băng dài như thế vốn để phục vụ cho các đô thị lớn. Nó được thiết kế với khả năng tiếp nhận 10 triệu khách du lịch mỗi năm. Dự án được triển khai mà hầu như không ai đánh giá trước xem nó có thể sinh lãi hay không.
Sân bay ở tỉnh Koh Kong là quá lớn so với dân số chỉ 100.000 người và không có các cơ sở công nghiệp và dịch vụ cao cấp. Ảnh: Khmertimeskh.
Đó là lý do tại sao tháng 11/2018, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ ra khả năng Trung Quốc sẽ chuyển hướng cơ sở này cho mục đích quân sự. Thủ tướng Campuchia Hun Sen phản ứng lại rằng việc cho phép một căn cứ quân sự nước ngoài ở Campuchia là vi hiến.
Vấn đề này đã tạo ra sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Campuchia, dù chưa có bằng chứng nào cho thấy sân bay và hải cảng của dự án sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, Nikkei Asian Review lưu ý rằng Trung Quốc đã dành nhiều năm để bồi lấp phi pháp các thực thể trên Biển Đông, trước khi quân sự hóa chúng. Bắc Kinh cũng xây dựng cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka, Maldives ở Ấn Độ Dương.
"Mục đích của dự án nhằm đem lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp châu Á", Paul Chambers, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Naresuan của Thái Lan, cho biết.
Ở tỉnh Koh Kong, người dân không tin rằng cuộc đối đầu Mỹ - Trung đang diễn ra ở sân sau của họ. "Đây là khu vực không có tín hiệu điện thoại di động, nhưng giá đất bây giờ đắt gấp 10 lần so với 2, 3 năm trước", một nông dân 39 tuổi nói.
Người dân sợ mất đất vào tay Trung Quốc
Campuchia được xem là quốc gia Đông Nam Á thân Trung Quốc nhất, nhưng các nhà báo Campuchia nói rằng người dân không có cùng suy nghĩ đó. Một sự kiện hồi tháng 6 khiến người dân Campuchia lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc tại đất nước họ.
Một tòa nhà 7 tầng đang xây dựng ở thành phố Sihanoukville, cách Koh Kong 4 giờ lái xe đã bị sập khiến 28 người thiệt mạng, tất cả đều là người Campuchia. Nguyên nhân dẫn đến thảm kịch là do một công ty xây dựng Trung Quốc sử dụng các biện pháp thi công bất hợp pháp.
Các nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm người mất tích trong đống đổ nát của tòa nhà 7 tầng do Trung Quốc xây dựng ở Campuchia. Ảnh: AP.
Thủ tướng Hun Sen đã đến hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả. Trong một nỗ lực trấn an người dân địa phương, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố gia đình các nạn nhân sẽ nhận được khoản đền bù và những người bị thương sẽ được điều trị miễn phí.
Tại trung tâm của thành phố Sihanoukville, nhiều khách sạn, sòng bạc mọc lên với bảng hiệu bằng tiếng Trung Quốc. Thành phố Sihanoukville là thủ phủ của tỉnh Sihanoukville. Trong dân số khoảng 300.000 người của tỉnh, một phần ba được cho là người Trung Quốc.
Khoảng 95% trong số 436 nhà hàng, 150 trong số 156 khách sạn của thành phố được cho là do Trung Quốc đầu tư.
"Thành phố đã bị người Trung Quốc chiếm đóng, nhưng nó không giúp được gì cho bánh mì và bơ của chúng tôi", một nhân viên khách sạn ở Sihanoukville nói.
Theo một thống kê khác, từ đầu năm, hơn 1.000 người Trung Quốc bị bắt vì buôn bán ma túy và các hoạt động phi pháp ở Campuchia. Tuy vậy, việc không có những phản ứng mạnh mẽ trước ảnh hưởng của Trung Quốc lại nêu bật lên những khó khăn mà Campuchia, một trong những nước nghèo nhât Đông Nam Á, đã và đang đối mặt.
Trung Hiếu
Theo news.zing.vn/Nikkei Asian Review
Campuchia miễn quản thúc tại gia cho lãnh đạo đối lập Kem Sokha Hôm 10-11, lãnh đạo đối lập Kem Sokha được miễn quản thúc tại gia, hơn 2 năm sau khi ông bị bắt và bị buộc tội phản quốc. Tuy nhiên, The Bangkok Post cho biết cáo buộc đối với ông Kem Sokha chưa bị xoá và người này bị cấm hoạt động chính trị cũng như không được rời khỏi đất nước. Trong...