Công bố thêm lời cuối của George Floyd
Video mới công bố cho thấy George Floyd kêu “không thể thở” hơn 20 lần, gọi tên các con và mẹ, nói rằng cảnh sát sẽ “giết chết” anh.
Floyd, 46 tuổi, tử vong sau khi bị cảnh sát ghì gáy suốt gần 9 phút ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, hồi tháng 5, do liên quan cáo buộc tiêu tiền giả. Video được giới chức công bố trước đó về những phút cuối của anh cho thấy Floyd đã kêu lên “Tôi không thể thở được” và gọi “Mẹ ơi” khi anh bị cảnh sát khống chế.
Tuy nhiên, video được quay từ camera gắn trên người cảnh sát Thomas Lane, một trong những sĩ quan liên quan đến cái chết của Floyd, được công bố hôm 7/7 hé lộ thêm các chi tiết mới về khoảnh khắc cuối cùng của người đàn ông da màu.
Terrence Floyd, em trai George Floyd, (áo trắng) cùng nhiều người tưởng niệm Floyd ở Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, ngày 1/6. Ảnh: Reuters.
Theo nội dung video, khi vừa bị cảnh sát bắt, Floyd đã cầu xin họ đừng đưa anh vào xe cảnh sát, nói với họ rằng anh bị ám ảnh và đau. Khi bị cảnh sát ép vào xe, Floyd kêu lên anh không thể thở được và “sẽ chết ở đây”. Floyd sau đó nói: “Mẹ ơi, con yêu mẹ. Hãy nói với các con tôi rằng tôi yêu chúng. Tôi chết mất”, anh còn gọi tên mẹ và các con mình thêm vài lần nữa.
Video còn cho thấy trong gần 9 phút bị cảnh sát khống chế, Floyd kêu “Tôi không thể thở” hơn 20 lần. Trong khi đó, các sĩ quan cảnh sát nói với anh ta rằng “Thả lỏng đi” và nói anh vẫn đang “ổn” và “nói tốt”.
Khi Floyd nói rằng mình sẽ chết, Derek Chauvin, cảnh sát trực tiếp ghì gối lên gáy Floyd, hét lên: “Thì im đi, ngừng la hét đi, nói sẽ tốn rất nhiều oxy”.
George Floyd chết như thế nào trong 8 phút 46 giây. Video: New York Times
Câu nói cuối cùng của Floyd được ghi lại trong video là “Họ sẽ giết tôi mất. Họ sẽ giết tôi. Tôi không thể thở được”, trước khi anh này bất tỉnh.
Đoạn video này được cựu cảnh sát Lane nộp lên tòa án để một thẩm phán bác cáo buộc anh này hỗ trợ và thông đồng trong vụ sát hại Floyd.
Lane là một trong 4 cảnh sát bị sa thải khỏi hàng ngũ cảnh sát thành phố Minneapolis, một ngày sau cái chết của Floyd. Họ sau đó bị truy tố tội giết người hoặc hỗ trợ, thông đồng với hành vi giết người.
Chauvin, cảnh sát trực tiếp ghì gối lên cổ Floyd, bị truy tố tội giết người cấp độ hai, tức cố ý giết người nhưng không có suy tính hay kế hoạch từ trước, và ngộ sát. Ba sĩ quan còn lại gồm Lane, Tou Thao và Alexander Kueng bị truy tố tội tiếp tay và hỗ trợ Chauvin giết người. Cả 4 cựu cảnh sát đều đối mặt án tù tối đa 40 năm.
Cái chết của Floyd châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và phản đối bạo lực của cảnh sát khắp nước Mỹ và trên thế giới suốt hơn một tháng qua. Hầu hết các cuộc biểu tình ở Mỹ diễn ra ôn hòa, song cũng có những cuộc tuần hành biến thành bạo loạn, cướp bóc.
Minneapolis thông qua nghị quyết giải tán sở cảnh sát
Hội đồng thành phố Minneapolis bỏ phiếu thông qua kế hoạch giải tán sở cảnh sát và thay thế bằng một cơ quan an toàn cộng đồng.
Nghị quyết được toàn bộ ủy viên hội đồng thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ thông qua hôm 12/6, trong đó yêu cầu giải tán sở cảnh sát và đề ra "Tương lai của Nhóm Làm việc An toàn Cộng đồng". Theo nghị quyết, thành phố Minneapolis sẽ đưa ra những khuyến nghị sơ bộ về việc tham vấn với cộng đồng và các chuyên gia về mô hình của hệ thống an ninh công cộng mới.
Nghị quyết này bắt đầu quá trình một năm xây dựng hệ thống mới nhằm tăng cường an ninh trong thành phố. Kế hoạch được đưa ra ba tuần sau khi George Floyd, một người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát ghì gáy đến chết. Cái chết của Floyd làm dấy lên làn sóng biểu tình kêu gọi cải cách lực lượng cảnh sát.
Áp phích đòi công lý cho Floyd dán trên hàng rào trụ sở văn phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Minneapolis. Ảnh: AFP.
"Vụ sát hại George Floyd do các sĩ quan cảnh sát Minneapolis gây ra là một thảm kịch, cho thấy không cải cách nào đủ để ngăn chặn một số thành viên sở cảnh sát hành xử bạo lực và ngược đãi thành viên trong cộng đồng chúng ta, đặc biệt là người da đen và người da màu", trích quyết định của hội đồng thành phố.
"Chúng ta sẽ cùng nhau định nghĩa cái gì là an toàn với mọi người".
Hội đồng sẽ tập hợp các bên liên quan để thảo luận về vấn đề phòng chống bạo lực, quyền công dân, công bằng chủng tộc, quan hệ cộng đồng và dịch vụ ứng phó khẩn cấp 911.
Động thái này diễn ra vài ngày sau khi đa số ủy viên hội đồng bỏ phiếu cam kết sẽ giải tán sở cảnh sát và đề ra phương án thay thế mới hướng về cộng đồng. Cuộc bỏ phiếu hôm 12/6 là bước tiếp theo trong tiến trình chính thức hóa động thái này.
"Khi chúng tôi đáp ứng yêu cầu hành động ngay để kéo giảm tình trạng bạo lực ở cảnh sát và hỗ trợ an toàn cộng đồng, chúng tôi sẽ mời người dân giúp lập kế hoạch tiến trình thay đổi dài hạn, tập trung vào tiếng nói của những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn bạo lực trong cộng đồng và trong cảnh sát", chủ tịch hội đồng thành phố Lisa Bender nói.
Bender và những ủy viên hội đồng khác cho hay có ý định công bố kế hoạch xóa bỏ sở cảnh sát tới cử tri thành phố trong cuộc bầu cử vào ngày 3/11.
Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey tuyên bố ông không muốn giải tán sở cảnh sát, nhưng ủng hộ "cải cách cấu trúc toàn diện để giải quyết một hệ thống cảnh sát phân biệt chủng tộc".
New York ra luật cấm kẹp cổ nghi phạm Bang New York ban hành luật cấm cảnh sát kẹp cổ nghi phạm nhằm chấm dứt hành vi bạo lực của các sĩ quan với người Mỹ gốc Phi. Thống đốc New York Andrew Cuomo ngày 12/6 ký thông qua 10 đạo luật được cơ quan lập pháp của bang thông qua trước đó, bao gồm đạo luật cấm nhân viên thực thi...