Công bố nguyên nhân vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa
Ngày 27/3, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Họp báo về vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Các lực lượng chuyển khối sắt thép ra khỏi hiện trường. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do quá trình vận hành, hệ thống má phanh thủy lực của hệ thống giàn giáo bị hỏng nên gây ra sự cố sập giàn giáo và xảy ra thương vong đáng tiếc.
Gói thầu này Tổng công ty Samsung C&T sẽ thi công 309 giếng chìm và đã làm được hơn 200 cái.
Tại cuộc họp báo, ông Kim Hyung Sub, Phó Tổng Giám đốc công ty Samsung C&T thừa nhận thiếu sót trong quá trình thi công, vận hành giàn giáo để thi công giếng chìm cầu cảng số 7.
Trong quá trình triển khai thi công đã xảy ra thiếu sót đáng tiếc và xảy ra tai nạn thương tâm làm 13 người chết và hàng chục người bị thương.
Ông Kim Hyung Sub hứa sẽ khắc phục hậu quả vụ tai nạn cho những người tử vong và người bị thương, đồng thời cảm ơn Chính phủ Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai giúp đỡ Tổng công ty trong quá trình khắc phục sự cố sập giàn giáo.
Tổng công ty Samsung C&T đơn vị trúng thầu và nhập tất cả các thiết bị, công nghệ máy móc từ nước ngoài về để vận hành và thi công hệ thống cầu cảng cho Dự án Formosa. Trong quá trình vận hành máy móc các thiết bị này do Tổng công ty Samsung kiểm định và duy tu bảo dưỡng.
Tuy nhiên qua sự việc cho thấy việc kiểm định các thiết bị và vận hành máy móc công nghệ ở đây rất sơ sài và mất an toàn lao động. Ông Kim Hyung Sub cho biết các thiết bị máy móc và giàn giáo đã được nhập về cách đây ba năm và cũng đã vận hành rất lâu.
Thực tế vừa qua còn cho thấy công tác kiểm tra an toàn lao động ở đây của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng Hà Tĩnh cũng mang tính hình thức.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, cho biết trước đó, Sở đã đã kiểm tra 16 doanh nghiệp ở Khu Kinh tế Vũng Áng về công tác an toàn lao động phòng chống cháy nổ và xử phạt hơn 1 tỷ đồng do các đơn vị vi phạm các quy định về an toàn lao động, nhưng không đình chỉ hoạt động đơn vị nào.
Sau sự cố sập giàn giáo, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tìm hiểu rõ nguyên nhân vụ tai nạn để xác định bộ phận, thành phần, cá nhân làm sai quy trình, quy định để quy trách nhiệm trước Pháp luật Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết Công an Hà Tĩnh đã thành lập tổ công tác điều tra, tìm hiểu, thu thập chứng cứ vụ việc để có thể có căn cứ khởi tố vụ án hình sự khi hội tụ các quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, thừa nhận việc quản lý lao động ở Khu Kinh tế Vũng Áng rất bất cập và không thể nắm hết những người có hợp đồng lao động, hay lao động vụ việc, bởi lao động ở đây thay đổi thường xuyên.
Công ty Cổ phần xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế (Nibelc) đã hợp đồng và cung ứng 860 người cho Tập đoàn Samsung C&T thi công, làm việc tại Khu Kinh tế Vũng Áng, trong đó có 80 người là chuyên gia, lao động Hàn Quốc còn lại đều là người Việt Nam.
Như tin đã đưa, tại khu vực thi công giếng chìm cầu cảng số 7 của Công ty Samsung (nhà thầu thi công của Công ty Formosa) đã xảy ra sự cố sập giàn giáo làm 13 người tử vong và 28 người bị thương phải đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh và Bệnh viện huyện Kỳ Anh.
Sau khi xảy ra sự cố, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai các lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị khác tìm kiếm đưa các nạn nhân đi cấp cứu kịp thời.
Hiện nay, Ngành y tế chỉ đạo các Bệnh viện chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân và có các chính sách hỗ trợ toàn bộ viện phí và các khoản khác.
Tỉnh Hà Tĩnh cùng các Bộ, ngành Trung ương và Tập đoàn Formosa, Tổng công ty Samsung C&T đã đến các gia đình có người tử vong và thân nhân những người bị nạn động viên và hỗ trợ về tinh thần và vật chất.
Ông Lê Thành Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người thiệt mạng, đồng thời cảm ơn các Bộ, ngành, Trung ương đã giúp tỉnh Hà Tĩnh khắc phục hậu quả sập giàn giáo và chỉ đạo các cơ quan chứ năng sớm điều tra làm rõ những đơn vị, bộ phận để xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng này./.
Theo Vietnam
Nạn nhân vụ sập giàn giáo Formosa: "Tôi nghĩ mình đã chết!"
Sau tai nạn sập giàn giáo tại công trường Formosa tối ngày 25/3, những công nhân may mắn thoát chết vẫn chưa hết sợ hãi, khủng hoảng tinh thần.
Một nạn nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh với thương tích nặng sau vụ sập giàn giáo.
Về vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa (Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), đến 15h ngày 26/3 Sở Y tế Hà Tĩnh báo cáo có 41 người bị tai nạn thương vong, trong đó có 13 người đã tử vong, 28 người bị thương, trong đó có 4 người bị thương nặng tiên lượng khó có thể qua khỏi.
Giá như nhà thầu dự đoán được sự nghiêm trọng?
Khi PV Infonet tiếp cận các nạn nhân đang được cứu chữa tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), trên khuôn mặt các nạn nhân còn in dấu sự lo lợ, bàng hoàng và khủng hoảng.
"Trời mưa. Bầu trời mù mịt, mây giăng kín bao trùm đại công trường Formosa, thường lệ 7h chúng tôi xuất phát đến công trường làm việc. Những tiếng gò rèn, người làm việc rộn ràng cả khu công trường. Chúng tôi vẫn miệt mài làm, trèo leo lên từng bậc cấp của hàng rào thép buộc sắt, đổ bê tông, bất ngờ một tiếng rung nhẹ, rồi một tiếng nữa, tôi giật thót tim. Tiếng đồng thanh hô lên, đề nghị mọi người chú ý, có sự cố. Ngay lập tức anh, em công nhân đã thông báo cho người đại diện nhà thầu biết" - anh Trần Quang Tuấn, một nạn nhân trong vụ tai nạn (SN 1973, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) kể lại.
Ngừng trong giây lát, anh Tuấn nói tiếp: "Câu trả lời chúng tôi nhận được từ phía nhà thầu Sam Sung là đề nghị công nhân tiếp tục quay lại làm việc, tiếng rung nhẹ đó không ảnh hưởng gì. Chúng tôi là người làm thuê, nhà thầu bảo sao thì mình nghe vậy. Đâu ngờ, vừa leo lên hàn, nối được một múi sắt, giàn giáo cao gần 20m đổ cái sầm. Tôi nghĩ mình đã chết. Chỉ đến khi được các lực lượng chức năng đưa đến bệnh viện thì mới nhận ra, mình vẫn còn sống. Nhìn xung quanh thấy các nạn nhân đông nghịt, chật cứng bệnh viện. Tiếng nói, bước chân rộn rã, khẩn cấp của các y, bác sĩ mơ màng trước mắt tôi".
Sự cố sập giàn giáo tại Formosa khiến hàng chục người thương vong (ảnh: TH)
Anh Nguyễn Văn Tài (SN 1993, tỉnh Nghệ An), công nhân mới làm việc được 1 tuần tại công trường Formosa, nhớ lại: "Tôi bị vùi dưới lớp sắt thép. Loay hoay, cố thoát khỏi đống hỗn lộn nhưng chân tay đau buốt. Tôi nằm bất động. Tiếng còi hú, xe chạy rầm rầm, tiếng người hô hào khẩn trương cứu các nạn nhân ra khỏi đống sụp đổ. Tôi hét lên, ở đây, cứu tôi với. Tôi được một nhóm người đến hất tung lớp sắt thép lôi ra, đưa lên cáng, đi nhập viện. Chỉ đến sáng nay, tôi mới cầm máy gọi điện về cho gia đình biết, gia đình tôi đã tán loạn lên, lo lắng".
Mất mát lần này quả rất "đắt", người tử nạn quá nhiều, người bị thương hàng loạt. Công nhân đều từ các tỉnh khác về đây làm ăn, chăm chỉ làm việc cũng vì đồng tiền, nhưng giờ mất hết rồi. "Công trình đó, một ngày hoạt động 2 ca. Một công nhân đảm nhận 1 ca/ngày (mỗi ca 7-8h), nhận tiền công là 21.500 đồng/giờ/người. Tính ra số tiền công cũng chỉ hơn 170 ngàn đồng/ngày/người. Nếu muốn có thêm thu nhập thì tăng ca, thêm 3h nữa. Trong khi đó, áp lực công việc cao, đòi hỏi phải có sức khỏe, độ an toàn thấp vì thường xuyên leo trèo ở độ cao công trình lớn" - anh Cao Dương Nam (SN 1980, người tỉnh Nghệ An), người quản lý tổ vận hành công trình phân trần.
Anh Nam cũng nhấn mạnh, số tiền mỗi công nhân nhận được là tính theo giờ nên việc nghỉ, giải lao đều phải được sự cho phép của người quản lý công trình. Sự cố rung lắc giàn giáo dù đã được báo trước nhưng "số đen" vẫn phải chịu. Mệnh của 47 công nhân làm việc trực tiếp đã không may mắn!
Công nhân Tạ Minh Hoàng (SN 1986, tỉnh Ninh Bình) khi kể lại sau sự cố sập giàn giáovẫn còn bần thần. Anh nói: "Đến giờ tôi vẫn bấn loạn tinh thần. Lúc đó, chỉ nhớ tiếng khóc la, kêu cứu thất thanh vọng ra từ đống đổ nát, vang dội cả đất trời. Đâu đó tiếng hét lên "Trời ơi, chết hết rồi!"".
"Tôi nghỉ làm việc luôn"
Các nạn nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh (ảnh: TH)
Khi phóng viên tiếp cận một nạn nhân tên Trần Văn Tuấn (SN 1973, quê huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), chưa kịp hỏi nhiều, anh nói ngay: "Tôi sợ lắm rồi. Sau sự cố lớn này, tôi nghỉ làm việc luôn. Về quê, tìm một công việc nhẹ nhàng, an toàn hơn".
Cũng đồng suy nghĩ với anh Tuấn, anh Nguyễn Văn Tài (SN 1993, quê tỉnh Nghệ An) đang nằm đau đớn với những vết thương bầm tím trên khuôn mặt, anh nói: "Tôi cũng vậy, qua đợt này về quê hẳn luôn. Hợp đồng lao động 2 năm chắc tôi cũng cắt luôn. Tôi đã bị chấn động mạnh, khủng hoảng tinh thần rất lớn".
Bà Doãn Thị Kỷ (SN 1966) đến chăm con trai là anh Nguyễn Văn Linh (SN 1992, quê huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chia sẻ: "Thường cứ 8h tối hàng ngày tôi gọi điện hỏi thăm con ăn uống, làm việc. Nhưng lần này, tôi gọi nó không nghe máy. Sau đó gọi lại thì bảo là con đang bận. Đến khi nó vào viện thì mới nói, có tai nạn tại công trường, nhưng con đã may mắn thoát chết. Mẹ đến bệnh viện gấp. Tôi vội vàng đến viện, khi thấy con mình nằm đó, tôi lấy tay thoa khắp cơ thể nó, rồi ôm chầm thằng con mà khóc òa lên "Ơn trời, con tôi không sao".
Trong câu chuyện, anh Linh tâm sự: "Đợt này tai qua nạn khỏi, nhưng thương cho những công nhân khác. Ra viện, tôi cũng nghỉ làm việc tại Formosa luôn".
Theo Infonet
Tiết lộ nguyên nhân vụ sập giàn giáo khiến nhiều người chết tại Formosa Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội bước đầu xác định do sự cố má phanh ở hệ thống thủy lực không đảm bảo dẫn đến toàn bộ hệ thống giàn giáo 3.000 sập khiến 13 người chết. Cuối giờ chiều 26/3, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Trọng Đàm có công văn gửi Thủ tướng...