Công bố kết quả điều tra vụ phá rừng pơmu: Chưa phát hiện ai bảo kê
Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đến giờ phút này không có tài liệu chứng cứ chứng minh các cán bộ từ các cơ quan chức năng đã bị đình chỉ, bảo kê, tiếp tay cho vụ việc phá rừng pơmu.
15h chiều nay (25.8), tại trụ sở Công an tỉnh Quảng Nam diễn ra cuộc họp báo để cơ quan chức năng Quảng Nam công bố kết quả điều tra vụ phá rừng pơmu lớn nhất từ trước đến nay tại huyện Nam Giang (Quảng Nam).
Đại tá Nguyễn Viết Lợi – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam – chủ trì cuộc họp và thông tin sơ bộ về vụ phá rừng pơmu.
Thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam, đại tá Huỳnh Sông Thu – Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam – báo cáo kết quả điều tra vụ việc: Qua thời gian dài lập chuyên án để điều tra vụ việc, Cơ quan CSĐT đã bắt nhiều đối tượng từ nhiều tỉnh, thành trong nước liên quan trực tiếp đến vụ án phá rừng pơmu nghiêm trọng vừa qua. Theo đó, đối tượng bị bắt giữ đầu tiên vào ngày 26.7. Nhiều đối tượng bị khởi tố và bắt tạm giam, nhiều đối tượng cho tại ngoại, có đối tượng vẫn đang lẩn trốn. Trong đó, có đối tượng quan trọng là Nguyễn Văn Quang, người tổ chức thuê nhóm vận chuyển khai thác gỗ.
Đến nay đã bắt khẩn cấp 4 đối tượng, gồm: Nguyễn Văn Thắng (trú xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) là trưởng nhóm khai thác gỗ; Nguyễn Văn Sanh (trú xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) là trưởng nhóm vận chuyển gỗ; Nguyễn Văn Quang (trú xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) là đối tượng tổ chức gọi các nhóm khai thác và vận chuyển gỗ cũng như cung cấp lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, đối tượng Tiêu Hồng Tư (trú tại P.Hoàng Liệt, Hoàng Mai, TP.Hà Nội) là người đã cung cấp tài chính cho Quang để trả tiền khai thác vận chuyển.
Đồng thời còn 4 đối tượng trong nhóm khai thác gỗ đã ra đầu thú. Ngoài ra còn có 11 đối tượng tham gia vận chuyển gỗ hiện đang bỏ trốn.
Về 4 cán bộ đã bị đình chỉ công việc để phục vụ công tác điều tra, đại tá Lợi cho biết, việc các cán bộ biên phòng bị tạm đình chỉ là do cơ quan biên phòng điều tra, đến nay như thế nào, kết quả ra sao cũng chưa nắm được.
Ông Lợi nói thêm, vì đây là vụ việc nóng và có tổ chức nên cần có thời gian xem xét. đến giờ phút này không có tài liệu chứng cứ chứng minh các cán bộ từ các cơ quan chức năng đã bị đình chỉ, bảo kê, tiếp tay cho vụ việc.
Video đang HOT
Đại tá Thu cho biết, cuộc họp báo hôm nay mới chỉ là kết quả điều tra ban đầu và địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với bộ đội biên phòng để điều tra làm rõ, khi có kết quả sẽ tiếp tục công bố.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng sẽ có văn bản báo cáo vụ việc với Thủ tướng Chính phủ.
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 8.7, lực lượng Công an huyện Nam Giang đã phối hợp cùng Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung tiến hành kiểm tra tại khu vực biên giới gần Trạm cửa khẩu Nam Giang – Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào). Tại đây lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 280 phách gỗ pơmu với tổng khối lượng 28m3 được tập kết gần cột mốc biên giới 717 khu vực vành đai biên giới cách Trạm cửa khẩu Nam Giang khoảng 500m. Tiếp đến, ngày 4.8, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện thêm 176 phách gỗ pơ mu, khối lượng hơn 7m3, nằm ngay trong khu vực cửa khẩu Nam Giang, cách rào chắn kiểm soát chừng 70m lại bị phát hiện. Trước việc phá rừng pơ mu nghiêm trọng này, vào ngày 17.8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản 6845/VPCP-KTN yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Nam phải báo cáo kết quả điều tra, xử lý vụ phá rừng, khai thác rừng pơ mu trái phép ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam trước ngày 25.8.
Theo Danviet
Đường dây phá rừng pơ mu ở Quảng Nam
Nhóm lâm tặc được cho là có sự dung túng của lực lượng chức năng, tổ chức chặt chẽ từ khâu khai thác, vận chuyển, đến đưa qua Lào tập kết chờ hợp thức hóa thủ tục rồi tuồn trở lại Việt Nam tiêu thụ với giá cao.
Nhà chức trách Quảng Nam đang khẩn trương điều tra, tìm những người liên quan đến vụ phá rừng pơ mu hàng trăm tuổi tại xã biên giới La Dêê (Nam Giang). Nhiều đoàn công tác gồm Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Kiểm lâm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam... đã lên hiện trường, nơi hơn 60 cây pơ mu bị chặt hạ để tìm hiểu vụ việc.
Hơn 60 cây pơ mu hàng trăm tuổi ở khu vực biên giới bị chặt hạ: Ảnh: Tiến Hùng
Một nguồn tin từ cơ quan điều tra cho hay, hàng loạt nghi can liên quan đến vụ phá rừng đã được khoanh vùng. Công an đang củng cố hồ sơ để khởi tố. Đây được cho là đường dây phá rừng có tổ chức, hoạt động tinh vi suốt thời gian dài.
Theo tìm hiểu, công đoạn khai thác, cưa xẻ được nhóm cầm đầu thuê người từ các tỉnh khác đến. Sau khi chặt hạ, phân thành phách theo quy cách, những người này nhận tiền và nhanh chóng "bặt vô âm tín". Các lâm tặc sau đó thuê thanh niên dân tộc thiểu số tại địa phương gùi gỗ ra gần đường để tập kết. Đoạn đường rừng khoảng 6km, mất gần 2 tiếng đi bộ.
"Toàn bộ gỗ được vận chuyển bằng cách cõng từng phách, không hề dùng xe hay trâu kéo. Người dân cõng gỗ đi theo tuyến đường tuần tra biên giới của lực lượng biên phòng để ra khỏi rừng", một nguồn tin từ công an xin được giấu tên kể.
Trung bình cứ 10 phách gỗ được cưa xẻ theo quy cách mới đủ một khối. Mỗi phách gỗ pơ mu nặng khoảng 50kg được nhóm cầm đầu trả 250.000 đồng tiền vận chuyển. "Mỗi ngày khỏe lắm cõng được 2 phách thôi, kiếm được 500.000 đồng. Có 6km nhưng đường rừng, mệt lắm", một thanh niên từng cõng gỗ nói.
Quãng đường 6km, mỗi phách gỗ được trả khoảng 250.000 đồng tiền vận chuyển. Ảnh: Người dân cung cấp
Cõng gỗ ra gần đến bìa rừng, cách cửa khẩu khoảng 200m, người làm thuê tập kết gỗ thành những bãi lớn chờ xe do nhóm lâm tặc điều đến vận chuyển. Công đoạn này, nhóm lâm tặc cầm đầu thuê những người khác, trong đó có nhiều người Lào. Phần lớn gỗ được chuyển thẳng qua Lào, chờ hợp thức hóa thủ tục rồi qua cửa khẩu, đường đường chính chính quay ngược trở lại Việt Nam tiêu thụ.
Cơ quan điều tra nghi ngờ, một số nhà kho, xưởng gỗ gần biên giới được dựng lên chỉ với mục đích cất giấu gỗ chờ làm thủ tục thông quan. Ngoài ra, cách biên giới 10km có xưởng gỗ lớn chứa rất nhiều pơ mu. Gỗ trong xưởng này, theo Công an Lào, đều có xuất xứ từ Việt Nam. Xưởng gỗ cũng được cho là "có liên quan mật thiết đến một sĩ quan của đồn biên phòng".
Theo một nguồn tin, tại khu vực gần cửa khẩu, gỗ pơ mu được nhóm lâm tặc bán khoảng 17 triệu đồng một khối. Tuy nhiên, sau khi hợp thức hóa, vận chuyển về xuôi, giá gỗ lên hơn 30 triệu đồng. Đưa ra thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, giá gỗ còn đắt hơn rất nhiều. Một kiểm lâm cho hay, trung bình mỗi cây pơ mu đường kính một mét, nếu lâm tặc tận dụng 20m chiều cao thì cưa xẻ được hơn 10 khối gỗ, tương đương 300 triệu đồng sau khi đã vận chuyển trót lọt về xuôi.
Mặc dù trước đây được lâm tặc thuê gùi gỗ chỉ với giá 2,5 triệu đồng một khối nhưng khi vụ việc vỡ lỡ, công an thuê người dân tiếp tục vào hiện trường gùi thêm những phách gỗ bị bỏ lại nhưng họ không chịu. "Hiện còn 5 khối gỗ chưa kịp vận chuyển ra, chúng tôi thuê người dân cõng nhưng không ai làm. Trả 3 triệu đồng một khối cũng không chịu, một số ít đồng ý cõng thì đòi giá quá cao, 5 triệu đồng", một điều tra viên nói.
Trước đó ngày 9.7 người dân phát hiện 280 phách gỗ pơ mu (28 khối), tập kết tại một con suối cách Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang (thuộc Đồn Biên phòng La Dêê), khoảng 500m nên trình báo kiểm lâm và công an. Bãi tập kết nằm dưới một con suối sát bên đường tuần tra của biên phòng và cách cửa khẩu chỉ khoảng 200m. Do khu vực thuộc vùng cấm, biên phòng quản lý nên công an sau đó phải xin phép lực lượng này để vào hiện trường điều tra.
Một số nhà kho gần cửa khẩu cơ quan điều tra nhận định được dựng lên để giấu gỗ. Ảnh: Tiến Hùng
Cơ quan điều tra xác định có ít nhất 60 cây pơ mu hàng trăm tuổi thuộc vùng giáp ranh biên giới bị đốn hạ. Sau khi khởi tố vụ án, công an tiếp tục phát hiện hàng loạt bãi tập kết gỗ, trong đó nhiều vị trí nằm sát trạm biên phòng. Ngoài ra, trong trụ sở của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang, nhà chức trách cũng thu giữ 115 phách gỗ không có nguồn gốc. Chi cục trưởng đơn vị này cho rằng, số gỗ pơ mu do "công an và Hải quan Lào thấy trụ sở tạm bợ, khổ nên thi thoảng mang qua cho. Một số thì do doanh nghiệp xuất khẩu qua đây cho cán bộ hải quan hoặc vứt lại". Vị này sau đó bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Trong quá trình điều tra, công an cho rằng bị lực lượng biên phòng không ít lần gây khó dễ. Chủ tịch huyện Nam Giang, ông A Lăng Mai cũng cho hay, biên phòng gây khó khăn trong việc kiểm soát lâm tặc. Nhiều lần chính quyền đề nghị đưa người vào tổ chức truy quét, nhưng bị biên phòng ngăn cản vì cho rằng khu vực này là vùng cấm, không được vào... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó có văn bản chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và tỉnh Quảng Nam làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm những người vi phạm.
3 sĩ quan biên phòng gồm thượng tá Nguyễn Tấn Lạc, Đồn trưởng biên phòng La Dêê; trung tá Đỗ Hoành Minh, chính trị viên và trung tá Lê Xuân Chính, Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc, đã bị tạm đình chỉ để phục vụ điều tra.
Theo một nguồn tin, trung tá Chính "có liên quan đặc biệt" trong đường dây phá rừng. Theo quy chế của biên phòng, những cán bộ của lực lượng này sẽ phải luân chuyển công tác 5 năm một lần. Tuy nhiên, trung tá Chính làm việc tại trạm biên phòng này đã hơn 10 năm nhưng không phải điều chuyển.
Trong văn bản chỉ đạo các ngành và báo cáo Thủ tướng, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận định tình tiết vụ phá rừng pơ mu có dấu hiệu bao che, dung túng của lực lượng chức năng.
Theo Tiến Hùng (VNE)
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam: Vụ phá rừng có dấu hiệu bao che, dung túng Trong báo cáo gửi Thủ tướng, người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Nam nhận định vụ phá rừng pơ mu ở khu vực biên giới đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu bao che, dung túng của cơ quan chức năng. Ngày 22.7, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản chỉ đạo các cơ quan xử lý...