Công bố hiện trạng môi trường: Bộ TNMT “né” vụ nhiệt điện Vĩnh Tân
Chiều nay 20.7, Bộ TNMT tiến hành họp báo công bố hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2016 chuyên đề: “Môi trường đô thị”. Báo cáo gồm 8 chương và 1 phụ chương tổng hợp hàng loạt các vấn đề nổi cộm về ô nhiễm môi trường, những bài học và giải pháp ứng phó sự cố môi trường…
Phát biểu mở đầu họp báo, TS. Nguyễn Văn Tài – Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường bày tỏ, lễ công bố hiện trạng môi trường Quốc gia 2016, chuyên đề “Môi trường đô thị” có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nước ta đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng phát thải cac-bon thấp, xanh và bền vững. Song vẫn còn nổi lên nhiều vấn đề môi trường bức xúc, xảy ra một số sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, xã hội quan tâm, lo ngại.
TS. Nguyễn Văn Tài – Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu khai mạc.
“Từ thập niên 90 đến nay, số lượng đô thị nước ta tăng nhanh chóng và mở rộng cả về quy mô, diện tích. Mạng lưới đô thị cả nước phát triển không đồng đều. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến nhiều vấn đề môi trường bức xúc mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng đô thị chưa theo kịp tốc độ hóa. Để phát triển đô thị bền vững cần xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng bảo vệ môi trường phải đi trước một bước” – TS.Nguyễn Văn Tài nói.
Điển hình về các vấn đề ô nhiễm nổi cộm tại các đô thị, TS. Nguyễn Văn Tài chỉ rõ: “Tại Hà Nội và TP.HCM và các đô thị khác sức ép từ các nguồn nước thải cũng đang là vấn đề đặt ra nhiều thách thức. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý còn thấp mới chỉ đạt 11, chỉ có 42 đô thị trên tổng số 787 đô thị có công trình xử lý nước thải tập trung. Điều này đã tác động rất lớn đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận”.
Buổi lễ có sự tham dự của các cơ quan quản lý về môi trường, các chuyên gia và nhiều cơ quan báo chí.
“Một số vấn đề khác như ô nhiễm bụi vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao; ô nhiễm môi trường nước tại các sông hồ; kênh rạch nội thành, nội thị diễn biến phức tạp. Vấn đề úng ngập tại các đô thị có xu hướng mở rộng và gia tăng; suy giảm mực nước dưới đất tại các khu đô thị, đồng bằng và xâm nhập mặn tại các đô thị ven biển đang trở lên phổ biến…”.
Bên cạnh đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường nêu rõ những vấn đề nổi cộm về những hành vi cố tình xả thải các chất độc hại của các chủ doanh nghiệp gây thiệt hại kinh tế, tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, các hoạt động phát triển du lịch, kinh tế của cộng đồng dân cư các khu vực lân cận, gây tâm lý bất ổn cho người dân nói chung.
Video đang HOT
Ảnh báo cáo môi trường.
Theo đó, nội dung “Báo cáo công bố hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2016 chuyên đề: “Môi trường đô thị” gồm 8 chương và 1 phụ chương. Cụ thể: Chương 1 khái quát tổng quan phát triển đô thị Việt Nam; Chương 2 thể hiện sự ô nhiễm môi trường không khí; Chương 3 đề cập về ô nhiễm môi trường nước; Chương 4 về ô nhiễm môi trường đất; Chương 5 phân tích hoạt động phát sinh và xử lý chất thải rắn; Chương 6 đánh giá tác động môi trường đô thị; Chương 7 về hoạt động quản môi trường đô thị; Chương 8 phân tích những vấn đề môi trường đô thị nổi cộm và đề xuất giải pháp xử lý;
Về phần phụ chương nội dung này đề cập đến những sự cố môi trường nổi cộm năm 2016. Qua hàng loạt sự cố môi trường đã xảy ra trong thời gian qua, Bộ TNMT nghiêm túc đúc kết bài học về kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm. Đặc biệt là công tác giám sát, đánh giá đúng tác động tới môi trường của các dự án ngay từ khi xây dựng, phê duyệt, đặc biệt các dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường…
Sau phần công bố, Bộ TNMT chỉ dành 10 phút để thảo luận về các vấn đề của môi trường và từ chối một số câu hỏi về vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống môi trường thuộc dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận.
Theo Danviet
Biển đâu phải bãi xả rác mà đổ thêm 2,4 triệu m3 bùn thải?!
Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc vừa ký giấy phép nhận chìm gần 1 triệu khối bùn xuống biển Bình Thuận, sát với khu bảo tồn Hòn Cau trong sự bất ngờ và lo lắng của dư luận.
Việc chưa nguôi thì người ta lại có ý định khiếm nhã đổ thêm 2,4 triệu tấn bùn thải nữa như xem chốn đó là túi rác?
Báo chí vừa đưa tin Tổng Công ty Phát điện 3 cho biết, thủ tục đã hoàn thành và trình Bộ TNMT phê duyệt. Dự kiến, trong năm nay sẽ tiến hành việc đổ 2,3 triệu tấn bùn thải này.
Với gần 1 triệu khối bùn thải vừa được cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1) nhận chìm với bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong thì trong các tài liệu công bố có lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành liên quan nhưng không thấy lấy ý kiến của cộng đồng dân cư ven biển huyện Tuy Phong.
Người ta biện lý rằng đó không phải là xả thải mà đào vũng quay cho tàu vào cảng nhập than. Bùn và cát biển nhận chìm là đưa từ vị trí này đến vị trí khác không gây hại với môi trường biển.
Người ta cũng uyển ngữ đó là vật liệu nạo vét chứ không phải là chất thải, nó đã nằm dưới biển nên di chuyển từ vị trí biển này sang vị trí biển khác.
Hãy nhớ rằng, nhận chìm không phải là tính cơ học đào và đổ, mà với lượng bùn lớn như thế phải nhận chìm làm sao để chúng không di chuyển mới gọi là nhận chìm đúng nghĩa, không thể đào lên chở đi, đổ xuống rồi định nghĩa một cách qua loa sơ sài là nhận chìm.
Dường như người ta nghĩ biển Bình Thuận là nơi không phải môi trường trong lành có hệ sinh thái và khu bảo tồn biển Hòn Cau vô giá?
Người ta cũng chắc không nghĩ biển ấy là nơi mưu sinh của bao nhiêu ngư dân không phải chỉ bây giờ mà còn là hậu thế của các làng chài hùng mạnh vừa vươn vai trở mình mấy chục năm gần đây?
Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: TBKTSG
Với các dự án nhiệt điện thì bất cứ hạng mục nào cấu thành dự án đó nó đều thuộc danh mục công nghiệp nặng.
Nạo vét 1 triệu mét khối bùn cát làm cảng cho tàu thuyền nhập than cũng là hoạt động công nghiệp nặng của dự án nhiệt điện, không thể tách ra thành cái gọi là vật liệu được.
Bởi máy móc nạo vét khối lượng lớn ấy đương nhiên khổng lồ, tàu thuyền, xà lan vận chuyển đi đổ cũng thuộc loại lớn.
Không ai dám chắc dầu công nghiệp trong những cỗ máy đó không xả thải rồi loang ra trên mặt biển khiến cá tôm ngư dân đánh bắt bị nhiễm dầu loang sẽ như thế nào?
Dù người dân không có chuyên môn cao, nhưng họ cũng biết đặt câu hỏi, phải chăng dưới biển là nơi khuất mắt nên người ta chọn cách nhận chìm?
Trên truyền thông, TS Võ Tuấn Việt - Viện trưởng Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đánh giá, tác động dưới nước ít được quan tâm, vì rất khó nhận biết.
Tuy nhiên, chỉ một chi tiết nhỏ là nước làm mát của các nhà máy nhiệt điện khi thải ra môi trường biển cũng đã làm tăng nhiệt độ nước biển, ảnh hưởng đến đời sống của các loài sinh vật biển trong khu vực, chưa nói đến việc đánh chìm hàng triệu mét khối đất đá và chưa tính toán hết các trường hợp xảy ra sự cố.
Trong khi đó TS Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, nói với báo chí rằng: "Mặc dù các nhà khoa học, báo chí, dư luận xã hội lo ngại việc chôn cả triệu mét khối chất thải đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau, hủy diệt đa dạng sinh học cả vùng biển này, thế nhưng giấy phép kia vẫn được đưa ra.
Điều đó cho thấy sự tiếp thu phản biện từ xã hội là chưa thật thấu đáo.
Việc Bộ TNMT cho đổ thải xuống vùng biển quan trọng như tôi nói trên đây cho thấy họ hạ thấp giá trị, vai trò của Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Các nhà khoa học chúng tôi thật sự không hiểu họ căn cứ vào cái gì để cho nhận chìm cả một núi chất thải xuống vùng biển quan trọng bậc nhất Việt Nam. Có lẽ các ông ấy thấy nhiệt điện là quan trọng nhất! Và họ cứ thế mà làm thôi".
Ông An nhấn mạnh rằng: "Mặt đáy biển tự nhiên nâng cao lên, gây ra tác động sinh thái, đấy mới là thảm họa".
Biển mãi mãi là cái nôi của sự sống, nhân tố sống còn của con người, môi trường biển được giữ gìn xanh sạch là nguồn lực của các quốc gia có biển cho sự phát triển bền vững với các thế hệ sau.
Thế nhưng Tổng Công ty phát điện 3 lại muốn đổ thêm 2,3 triệu khối bùn thải ra biển Bình Thuận với sự tự tin phát biểu với báo giới là cuối năm sẽ tiến hành.
Các quy trình khoa học, đánh giá tác động môi trường, lấy ý kiến cộng đồng khu dân cư nếu làm đúng phải kéo dài hàng năm nhưng ở đây người ta tự tin đến mức chỉ mấy tháng sẽ được cấp giấy phép thì không hiểu cái quy trình ấy sẽ "bất thường" như thế nào?
Khi nêu những phương án cái gọi là nhận chìm hay đưa dự án nhiệt điện cho bất cứ dự án nào, người ta đều thuyết minh về tạo việc làm, thu ngân sách vài ngàn tỷ và nói không làm bằng mọi giá nhưng Tiến sĩ Nguyễn Tác An cảnh báo về mặt tuyên bố: "Tại nhiều hội nghị, các nhà quản lý hay hùng hồn cam kết là phát triển kinh tế không bằng mọi giá. Nhưng qua việc cho đổ thải trên, tôi thấy họ đã bằng mọi giá để đạt được mục tiêu của mình".
Nhìn trên sơ đồ phát triển điện thì việc xin nhận chìm cái gọi là vật liệu bùn thải sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, bởi đến năm 2030, Việt Nam có 64 nhà máy nhiệt điện than, phần lớn được các chủ đầu tư chọn xây dựng ven biển để tiện xả thải nước làm mát và kéo theo lượng lớn 64 cảng biển xây dựng theo để phục vụ vận chuyển than nuôi nhà máy.
Chưa kể lượng lớn xỉ than thải ra mà hiện tại chưa có giải pháp tái chế nào không ảnh hưởng môi trường một cách hiệu quả. Những việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển cũng như sinh kế ngư dân ven biển.
Môi trường biển bảo toàn tốt, phát triển bền vững sẽ đưa lại nền kinh tế xanh, trở thành di sản vàng cho các thế hệ sau, ngược lại sẽ là thảm họa và khó cân đong đo đếm được trong tương lai.
Theo Danviet
Việc nhận chìm bùn, cát ở biển Vĩnh Tân được thực hiện như thế nào? Ngày 7/7, Bộ TN-MT và UBND tỉnh Bình Thuận đã có cuộc họp với các bên về việc cấp phép nhận chìm hơn 918.500 m3 bùn, cát xuống biển. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nói cần thực hiện công tác hậu kiểm sau nhấn chìm. Ngày 7/7, Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc...