Công bố đường dây nóng tiếp nhận tin xe nhồi khách
Hành khách gặp tai nạn giao thông, xe chở quá tải, ép thu quá giá… có thể phản ánh qua đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Cơ quan chuyên trách về an toàn giao thông của Chính phủ vừa thông báo đường dây nóng của Ban thường trực tiếp nhận thông tin về trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết qua các đầu số: 0994666534, 0913227844, 0912323353…
Ngày Tết, nhu cầu đi lại của hành khách gia tăng. Ảnh: Bá Đô.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban, ông thường nhận được phản ánh của người dân qua điện thoại. Mới đây, tiếp nhận thông tin tăng giá vé xe khách tuyến Hà Nội – Ninh Bình lên 60%, ông đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình kiểm tra.
“Công khai đường dây nóng của cơ quan quản lý để người dân dễ dàng phản ánh khi lái phụ xe có hiện tượng tiêu cực. Phải để người lái xe có cảm giác bị giám sát”, ông Hiệp nói.
Video đang HOT
Các số điện thoại đường dây nóng của Ủy ban ATGTQG: 06942608, 06942407, 0994666534, 0913227844, 0912323353, 0977244289, 0984249999, 0913204168, 0913228315, 0989088719, 0978539999, 0913257053, 0903232654.
Theo VNE
'Tăng giá vé xe khách sớm là lợi dụng Tết'
Theo Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp, trước Tết 20 ngày mà doanh nghiệp đã tăng giá vé xe khách là không chấp nhận được. Một số tuyến, giá vé được phản ánh tăng tới 60%.
Sáng 30/1, ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, đợt cao điểm dịp Tết Quý Tỵ sẽ vào các ngày 21, 22, 27, 28 tháng Chạp, dự kiến lượng hành khách tại các bến xe Hà Nội tăng 30 - 50%. Một số tuyến trọng điểm như Thanh Hóa, Thái Bình, Vinh, Quảng Ninh... có thể xảy ra ùn tắc cục bộ tại từng thời điểm, nhưng lượng xe trên tuyến vẫn có khả năng vận chuyển hết khách đi trong ngày. Ngoài ra, các tuyến buýt kế cận với tần suất cao sẽ giảm tải lượng hành khách liên tỉnh đi các tuyến đường ngắn.
Tuy nhiên, theo ông Trung, lúc cao điểm, nhiều hành khách hay đón xe ngoài bến, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và dễ bị nhà xe bắt chẹt, nhồi khách, thu tiền quá giá vé. Còn cảnh sát giao thông không phải lúc nào cũng có mặt để ngăn chặn xe chạy lòng vòng đón khách trên đường.
"Thời gian qua, chúng tôi đã mạnh tay đình chỉ hoạt động của xe tái phạm trong bến, song nhiều xe khách lại trở thành xe dù vì họ không thể để xe nằm một chỗ", ông Trung nói.
Xe khách xuất bến sẽ được kiểm soát chặt chẽ về phương tiện, lái xe. Ảnh: Đoàn Loan.
Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cũng nhận định, lượng khách đi lại dịp Tết âm lịch sẽ không căng thẳng như mọi năm do người dân được nghỉ dài ngày, học sinh, sinh viên sẽ về quê sớm. Sở đã bố trí 10 xe khách miễn phí chở người nghèo về quê ăn Tết. Hiện, số công nhân các khu công nghiệp đã đăng ký đủ 5 xe, hầu hết đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, còn lại 5 xe vẫn tiếp tục nhận chở khách về quê miễn phí.
Để đảm bảo chất lượng vận tải dịp Tết, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, cơ quan quản lý bến xe phải kiểm tra lái xe uống rượu bia, niêm yết giá vé trên xe, xe chạy đúng luồng tuyến. Đặc biệt, yêu cầu các doanh nghiệp không tăng giá vé dịp Tết để ổn định đời sống người dân.
Trong khi đó, dù khẳng định cảnh sát đã mạnh tay xử lý nhiều xe vi phạm nhưng Phó phòng CSGT Hà Nội Phạm Văn Hậu vẫn thừa nhận, xe chạy vòng vo đón khách không giảm, nhất là có lực lượng bảo kê, cò mồi dắt khách rất phức tạp. Ngoài ra, theo ông Hậu, cảnh sát gặp khó khi tuyên truyền cho người dân có thói quen đón xe ngay trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Dù niêm yết giá vé Hà Nội - Thanh Hóa 85.000 đồng, nhưng một tháng trước Tết, xe khách 29B 05497 của Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội vẫn thu của khách 100.000 đồng. Phần giá vé trên tờ thông báo được nhà xe dán lại để bắt chẹt khách. Ảnh: Nguyễn Lê.
Làm việc với lãnh đạo Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất là không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng trong dịp này vì nó sẽ khiến nhiều gia đình mất Tết.
Do vậy, các đơn vị quản lý bến xe tăng cường kiểm tra xe xuất bến, cả giấy phép lái xe của lái xe, nhất là xe chạy đêm cần đủ 2 tài xế. Ngoài ra, cần tuyên truyền mạnh mẽ bằng băng rôn, loa đài cho dân vào bến mua vé. Cảnh sát giao thông cần phối hợp kiểm tra mạnh mẽ xe chở quá tải, đón khách dọc đường, cung cấp thiết bị kiểm tra nồng độ cồn cho các bến xe.
Đặc biệt, ông Hiệp đề nghị, trên mỗi xe khách phải dán số đường dây nóng của cơ quan quản lý để người dân phản ánh khi lái phụ xe có hiện tượng tiêu cực, phải để người lái xe có cảm giác bị giám sát thông qua hành khách trên xe.
"Số đường dây nóng phải là điện thoại di động của lãnh đạo cơ quan quản lý. Bởi tôi đã từng gọi một đường dây nóng là điện thoại cố định mà đến 20 lần không có ai nghe", ông Hiệp nói.
Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết, số điện thoại của ông được thông tin rộng rãi nên nhiều hành khách đã phản ánh vấn đề trên đường. Cách đây 4 ngày, khi được hành khách thông tin tuyến Hà Nội - Ninh Bình tăng giá vé lên 60%, ông đã yêu cầu Sở GTVT Ninh Bình kiểm tra vụ việc.
"Doanh nghiệp tăng giá vé vào dịp quá tải để bù chiều chạy rỗng là đúng, song trước Tết 20 ngày, doanh nghiệp đã tăng giá vé là lợi dụng Tết, là không chấp nhận được", ông Hiệp nhấn mạnh.
Theo VNE
'Khách bị nhồi nhét, chặt chém hãy gọi cho chúng tôi' Thừa nhận tình trạng xe chở quá tải đi qua nhiều địa phương mà không bị xử lý, Phó tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Quyền cho biết, hành khách có thể phản ánh thông tin này về đường dây nóng của Tổng cục. Ông Nguyễn Văn Quyền. Ảnh: ĐL - Mấy ngày qua, một số nhà xe đường dài đã quá tải...