Công bố dịch tả lợn châu Phi trên toàn tỉnh An Giang
Chiều 10/6, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, ông vừa ký quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh An Giang từ ngày 10/6/2019.
Quang cảnh hội nghị.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và đang có chiều hướng lan rộng, khó kiểm soát trên địa bàn tỉnh An Giang như hiện nay, sau khi các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh báo cáo, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh nhằm triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống, từng bước khống chế và dập dịch một cách hiệu quả.
Để tăng cường công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh và các địa phương phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, xem công tác xử lý, khống chế dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường chốt chặn, thiết lập thêm các vị trí chốt kiểm tra lợn và sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch, cũng như các “cửa ngõ” của tỉnh. Các địa phương có dịch cần tăng cường theo dõi tình hình, nắm kỹ số lượng các hộ chăn nuôi và đàn lợn trong bán kính 1 km cách ổ dịch để quản lý nghiêm, tránh trường hợp hộ chăn nuôi bán lợn chạy bệnh, đồng thời phải xây dựng các phương án cụ thể, kịp thời xử lý đối với vùng có nguy cơ cao bán kính 3 km cách vùng dịch.
Song song đó, các địa phương cần chủ động làm tốt công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ về tình hình dịch bệnh, chủ động phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây lan và yên tâm sử dụng thịt lợn sạch bệnh, an toàn.
Đối với các địa phương chưa có dịch cần tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống và giám sát dịch bệnh; triển khai các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, thực hiện tốt việc kiểm soát giết mổ nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh; vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi và chợ; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh; kịp thời thông tin đến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh khi phát hiện heo có dấu hiệu nghi vấn nhiễm bệnh.
Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết, tính đến ngày 7/6, trên địa bàn tỉnh An Giang đã có 13 điểm xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 7/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh gồm: thành phố Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên, Châu Phú, Tri Tôn và huyện Chợ Mới, với số lượng lợn đã tiêu hủy là 396 con. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Ủy ban dân dân tỉnh An Giang đã cấp bổ sung dự toán năm 2019 cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang số tiền gần 17 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2019 để thực hiện chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Hiệp, bên cạnh việc tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang đã phối hợp với các địa phương tiến hành cấp phát 17.000 tài liệu, 1.000 tờ áp phích và tuyên truyền trên phương tiện truyền thanh xã, phường, thị trấn trong tỉnh về dấu hiệu nhận biết bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; cấp 7.500 lít hóa chất để tiêu độc khử trùng; tổ chức 11 lớp tập huấn cho đối tượng người nuôi, lãnh đạo UBND, nhân viên chăn nuôi và thú y các xã, phường, thị trấn, trang trại nuôi heo, cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh về các văn bản của nhà nước về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; cách nhận biết, các biện pháp phòng, chống và ngăn ngừa cũng như cách xử lý khi có bệnh xảy ra…
Tuy nhiên, thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh An Giang diễn ra khá phức tạp. Thêm vào đó, với địa hình sông, rạch chằng chịt đã khiến cho công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao đã làm cho bệnh lây lan.
Video đang HOT
“Từ lúc thành lập đến nay, các chốt kiểm dịch tạm thời đường bộ và đường thủy trên địa bàn tỉnh An Giang đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát được 2.661 phương tiện vận chuyển, với số lượng: 4.931 con trâu, bò; 79.719 con lợn; 293.205 con gia cầm và 428.297 kg sản phẩm gia súc gia cầm; qua đó, phát hiện 24 trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm vi phạm. Các trường hợp vi phạm chủ yếu do trốn tránh chốt kiểm dịch và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc”, ông Hiệp cho biết.
Tin, ảnh: Công Mạo (TTXVN)
Theo Tintuc
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh, nhiều địa phương bất lực
Do dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, tàn phá nặng nề nhiều địa phương đã bất lực, lúng túng trong công tác phòng, chống, ngăn chăn dịch phải "cầu cứu" Trung ương.
Bà Phạm Thị Bình ở Nho Quan (Ninh Bình) bỏ lợn chết dịch xuống ao của gia đình cho cá chim ăn.
Đã bất lực
Vào những ngày nắng nóng này, bà Phạm Thị Bình, chủ trang trại ở Nho Quan (Ninh Bình) đang tìm đủ mọi cách để cứu chữa cho đàn lợn còn lại của gia đình thoát khỏi "án tử". Từ chữa thuốc lá theo phương pháp dân gian đến tiêm thuốc kháng sinh đủ kiểu nhưng đàn lợn của bà vẫn không qua khỏi, nằm thoi thóp chờ chết. Biết là hết cách nên bà Bình đã nhặt vài con bỏ ra ao để chăm cá.
"Hôm trước tôi đã báo xã tiêu hủy hơn 3 tấn lợn rồi, giờ còn khoảng 4 tấn nữa nhưng e rằng cũng sắp ra đi hết, chúng tôi thực sự bất lực rồi " - bà Bình ngậm ngùi.
Ông Bùi Đức Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Văn Phú, huyện Nho Quan cho biết, lợn chết dịch tại xã đang tăng chóng mặt nên việc tìm chỗ tiêu hủy cũng là cả một vấn đề. "Chúng tôi có 3 chỗ tiêu hủy nhưng đến giờ đã gần như quá tải, người dân cũng phản đối không muốn cho chôn lợn ở đó nữa nên chúng tôi đang rất bí bách, đau đầu vì vấn đề này" - ông Toàn nói.
Do lợn bị dịch nhiều, lực lượng cán bộ thú mỏng nên việc tiêu hủy không xuể, nhiều hộ dân có lợn chết dịch phải tự túc mượn, thuê người đến xử lý. Ví như trường hợp hộ ông Đinh Văn Hùng ở thôn Yên Sơn, xã Phú Lộc (Nho Quan) khi phát hiện lợn nhà bị bệnh, vợ chồng ông đã mượn người đến nhà dùng cuốc, xẻng đào hố chôn 8 con lợn ở khu vườn chuối của gia đình."Giờ khu tiêu hủy lợn của xã quá tải, cán bộ làm không xuể nên gia đình tôi phải tự túc xử lý cho nhanh, để lâu lợn chết thối ô nhiễm lắm" - ông Hùng chia sẻ.
Tương tự như Nho Quan, các xã của huyện Yên Khánh cũng đang bất lực trước sự tấn công của dịch tả lợn châu Phi. Ông Phạm Văn Tưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Công cho hay: Sau khi công bố dịch ngày 24/4 đến nay, toàn xã Khánh Công đã tiêu hủy trên 1.000 con lợn với 62 tấn của 40 hộ, trong đó có hộ bị thiệt hại hơn 300 con.
Trang trại quy mô "khủng" hơn 5.000 con ở Sóc Sơn (Hà Nội) tan hoang sau "bão" dịch.
"Do dịch tả lợn châu Phi đang lây lan quá nhanh, chúng tôi chưa tìm ra cách ngăn chặn, dập dịch hiệu quả. Hiện, đàn lợn khoảng 1.000 con của bà con cũng khó cầm cự được lâu nữa. Điều đáng báo động hơn là hiện bãi chôn lợn đang có nguy cơ quá tải nên chúng tôi đang rất lo ngại số lợn còn lại khó tiêu hủy hết được" - ông Tưởng nói.
Là "thủ phủ" chăn nuôi lợn ở Hà Nội và cũng là địa phương bị dịch cuối cùng nhưng số lượng đàn lợn bị dịch phải tiêu hủy ở xã Việt Long (Sóc Sơn) lại nhiều nhất thành phố. Tính đến ngày 31/5, tổng số lượng lợn bị tiêu hủy của xã lên đến gần 8.000 con/9.500 con (chiếm trên 80% tổng đàn) với số hộ thiệt hại là 321 hộ/557 hộ nuôi lợn .
Trong số đó, có trang trại có đàn lợn cực khủng lên tới 5.000 con bị dịch phải tiêu hủy khiến chủ trại và xã này phải huy động lực lượng lên đến 30 - 40 người cùng hàng chục máy móc, phương tiện xử lý 4 - 5 ngày mới xong. Ứơc tính chi phí tiêu hủy tại trại này phải chịu lên đến hàng trăm triệu đồng.
"Là xã công bố dịch cuối cùng của huyện nhưng đến giờ hậu quả mà chúng tôi và bà con đang gánh chịu là quá lớn, ngoài sức tưởng tượng của mọi người" - ông Nguyễn Ngọc Chuyền - Chủ tịch UBND xã Việt Long thừa nhận.
Ông Chuyền cho biết, tính đến thời điểm hiện tại riêng số tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch của xã đã lên đến trên 10 tỷ đồng. "Hiện, dịch vẫn đang lây lan mạnh và khả năng đàn lợn trên dưới 1.000 con còn lại của bà con cũng khó cầm cự được lâu nữa" - ông Chuyền nhận định.
"Chúng tôi đã làm mọi cách, mọi phương pháp nhưng cũng không cải thiện được tình hình. Thứ duy nhất mà xã có thể làm giúp bà con lúc này là kiểm đếm và hoàn thiện hồ sơ gửi lên cấp trên để sớm có tiền hỗ trợ cho các hộ, mong bà con vơi bớt được thiệt hại và sớm ổn định cuộc sống, sản xuất" - ông Chuyền cho hay.
Cuối tháng 5/2019 vừa qua, PV Dân Việt phát hiện nhiều xác lợn chết bị vứt ra đường làng ở ổ dịch xã Khánh Công, huyện Yên Khánh (Ninh Bình).
Địa phương "cầu cứu" Trung ương
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, dù dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tuy vậy tại một số địa phương của Ninh Bình, tình trạng lơ là, thiếu chặt chẽ trong việc phòng chống và tiêu hủy lợn vẫn còn xảy ra. Điều nguy hiểm hơn là nhiều nơi xác lợn chết bị vứt ra đường, trôi nổi trên sông, kênh, ao gây ô nhiễm môi trường và là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh.
Được biết, tính đến hết ngày 2/6, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 808 thôn của 130 xã, phường trên 8 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình (100% các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã công bố dịch). Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã tiêu hủy 42.166 con lợn.Trước tình hình lây lan nhanh của dịch bệnh, ngày 4/6 vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản "cầu cứu" Bộ NNPTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cấp thêm cho địa phương 20.000 lít hóa chất để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Trước thực trạng trên chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Vũ Nam Tiến - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình để phản ánh và tìm hiểu thông tin về công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch của tỉnh nhưng ông này không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn.
Tại Hà Nội, đến nay, đã phải tiêu hủy tổng cộng khoảng 16,5% tổng đàn (trong số tổng đàn khoảng 1,8 triệu con). Theo ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội: Hiện dịch tả lợn châu Phi vẫn đang lây lan nhanh ở các xã, huyện của Thủ đô. "Dù chúng tôi đã có phương án trích nguồn ngân sách dự phòng cho phòng chống thiên tai khoảng 6.000-7.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho các hộ dân bị tiêu hủy lợn nhưng áp lực khu tiêu hủy cũng đang là vấn đề lớn ở Hà Nội" - ông Đăng nói.
Ông Đăng cho biết, hiện Hà Nội đã phải tính cả tới phương án hỗ trợ cho các hộ dân có lợn bị tiêu hủy thuê đất để tiêu hủy. Bên cạnh Hà Nội, các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình... cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự.
Công tác tiêu hủy lợn bị dịch không đảm bảo vệ sinh ở Nho Quan (Ninh Bình) cuối tháng 5/2019.
Bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã phải tiêu hủy trên 11.000 tấn lợn, trong đó 56-58% số đầu lợn bị tiêu hủy là lợn nái, trọng lượng lên tới 3-4 tạ/con, kinh phí để hỗ trợ tiêu hủy vì vậy rất lớn, đến thời điểm này đã ước khoảng 450 tỉ đồng, trong khi đó nguồn ngân sách dự phòng của toàn tỉnh này hiện chỉ có khoảng 100 tỉ đồng.
"Đây là con số cần phải hỗ trợ cho thiên tai dịch bệnh lớn nhất mà tỉnh Nam Định từng phải gánh từ trước đến nay. Dự báo, kinh phí cần để hỗ trợ tiêu hủy cho các hộ bị thiệt hại thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao do dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại" - bà Nga nói.
Theo Danviet
Tin mới nhận: Bình Định bất ngờ xuất hiện dịch tả lợn châu Phi Chỉ vài ngày sau khi UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi thì một hộ dân ở TP. Quy Nhơn đã ghi nhận xuất hiện tình trạng lợn nhiễm virus dịch tả này. Sáng 5/6, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh...