Công bố bản gốc Hiệp định Paris
Hôm qua 23-1, Ban Tổ chức cấp Nhà nước đã khai mạc triển lãm ảnh và tư liệu hiện vật “Kỷ niệm 40 năm ngày Ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam” tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Bản gốc Hiệp định Paris được trưng bày tại triển lãm
Tới dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng nhiều nhân chứng lịch sử. Cuộc triển lãm là một trong chuỗi các sự kiện đầy ý nghĩa kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam.
Video đang HOT
Những hiện vật quý, tư liệu lịch sử được trưng bày, triển lãm tái hiện sinh động toàn cảnh cuộc đàm phán và ký kết Hiệp định Paris. Đó là cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ, mưu trí, khôn khéo và đầy bản lĩnh của những nhà ngoại giao cách mạng Việt Nam trên bàn đàm phán, sự kết hợp tài tình giữa 3 mặt trận quân sự – chính trị – ngoại giao, sự ủng hộ của những người tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và công lý đối với nhân dân Việt Nam trong lúc khó khăn cũng như những giây phút xúc động hân hoan trong niềm vui chiến thắng.
Đặc biệt, ấn tượng những hiện vật lần đầu tiên ra mắt như bản gốc Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, con dấu và biển tên của đoàn Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam, chiếc xoong nhôm dùng để quấy xi niêm phong bản Hiệp định…
Có những hiện vật rất đặc biệt như Cuốn sổ tập hợp 10 nghìn chữ ký của nhân dân Cuba phản đối chiến tranh và ủng hộ nhân dân Việt Nam. Được tận mắt xem các tư liệu gốc và các bức ảnh chụp, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng rất xúc động. Ông chia sẻ: “Là một nhà nhiếp ảnh, tôi đã đóng góp một phần nhỏ bé vào chiến thắng của Việt Nam tại Hội nghị Paris. Những bức ảnh tôi chụp về cuộc ném bom rải thảm B52 của Mỹ vào các khu vực dân sinh như Khâm Thiên, Bạch Mai đã được các tờ báo lớn của quốc tế đăng tải. Và các tờ báo ấy được đặt trên bàn đàm phán như minh chứng cho tội ác của quân đội Mỹ tại miền Bắc Việt Nam và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng quốc tế chống chiến tranh tại Việt Nam. Khi xem các bức ảnh tại cuộc triển lãm, tôi thấy mình như sống lại thời khắc lịch sử đã qua và mãi mãi không thể nào quên về mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam với việc ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại đất nước ta”.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lãm, bà Nguyễn Phương Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã một lần nữa khẳng định lại ý nghĩa to lớn và những bài học lịch sử mãi mãi còn nguyên giá trị của đàm phán và ký kết Hiệp định Paris. “Hiệp định Paris là văn bản pháp lý quốc tế toàn diện và đầy đủ nhất công nhận các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam, theo đó, Hoa Kỳ buộc phải cam kết “tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam”.
40 năm đã trôi qua, nhiều thế hệ người Việt Nam đã sinh ra và lớn lên trong hòa bình sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, vì thế, cuộc triển lãm được trưng bày nhằm nhắc nhở các thế hệ ngày nay hãy sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của cha ông, noi gương, phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc và trí tuệ Việt Nam. Đó cũng là ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Hiệp định Paris trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Theo ANTD
Căng thẳng Sài Gòn - Washington
Bỏ qua thái độ của chính quyền Thiệu, ngày 8/10/1972 phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa trao cho Hoa Kỳ bản đề nghị được trình bày dưới hình thức một hiệp định sẵn sàng để ký kết, có tên là "Hiệp định chấm dứt chiến tranh vãn hồi hòa bình tại Việt Nam".
Từ ngày 8 đến 11/10/1972, hai phái đoàn Hoa Kỳ và Việt Nam dân chủ cộng hòa thảo luận kỹ lưỡng về các điều khoản của hiệp định. Đến ngày 17/10 tại Paris, hai bên duyệt lại lần cuối và đi đến thống nhất lịch trình ký kết hiệp định.
Sài Gòn công kích Washington
Việc chỉ được biết thông tin về bản dự thảo và thời gian biểu cho việc ký kết hiệp định thông qua dư luận báo chí khiến tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tỏ ra "bất phục" với Hoa Kỳ. Và "lo sợ" ký kết hiệp định với điều khoản quy định về cuộc tổng tuyển cử trong thời điểm phần đông dân chúng miền Nam Việt Nam đang hướng lòng theo cách mạng, sẽ đồng nghĩa với việc bị mất "chiếc ghế" tổng thống.
Do đó, trong thời gian từ ngày 26/10 đến 7/11/1972, ông Thiệu cấp tốc cử ba đại sứ đi đến 12 quốc gia ở châu Á nhằm rêu rao lập trường đối với bản dự thảo hiệp định, gián tiếp công kích Hoa Kỳ trước dư luận. Đồng thời ông ta liên tục gửi công hàm cho Hoa Kỳ, nói rõ rằng: "Những vấn đề cần phải giải quyết trong dự thảo hiệp định là những vấn đề căn bản chứ không phải là những vấn đề chi tiết hay ngôn ngữ như ông Kissinger đã tuyên bố" và đòi hỏi "Hoa Kỳ cho biết rõ về những gì Hoa Kỳ hứa hẹn với Bắc Việt theo như họ tiết lộ".
Trước phản ứng quá mạnh của chính quyền Sài Gòn, ngày 29/10/1972 tổng thống Nixon gửi thư cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhằm làm giảm bớt sự công kích nhưng không có hiệu quả, trong khi dư luận ngày càng tỏ ra phản ứng mạnh trước sự trì hoãn của Nixon. Hãng UPI cho rằng Việt Nam đã đưa quả bóng sang sân của Hoa Kỳ.
Tổng thống Thiệu (trái) và tổng thống Nixon vào thời điểm ấy đã không còn "mặn nồng" dù cùng nhìn về một hướng - Ảnh: Bettmann/Corbis
Hãng tin Pháp AFP nhận xét: Nixon đã bị dồn vào chân tường và buộc phải lựa chọn, hoặc ký sớm hiệp định, bỏ rơi Thiệu, hoặc tiếp tục chiến tranh. Còn các nhân vật đối lập trong Quốc hội Hoa Kỳ đòi Nixon phải có trách nhiệm ký hiệp định sớm, không thể để Thiệu muốn làm gì thì làm và họ cho rằng Nguyễn Văn Thiệu đang thách thức lòng tự trọng của nhân dân Hoa Kỳ. Vì vậy, ngày 2/11/1972, để xoa dịu dư luận, Nixon tuyên bố trên truyền hình bản dự thảo còn có những phần "mập mờ" "cần làm rõ trước khi ký kết bản hiệp định cuối cùng". Đồng thời để tỏ chứng minh Hoa Kỳ không "bỏ rơi" chính quyền Sài Gòn và việc ký kết hiệp định hoàn toàn nằm trong kế hoạch, Nixon ra lệnh cho máy bay chiến lược B-52 ném bom phía Bắc khu phi quân sự.
Lá thư răn đe của Nixon
Ngày 7/11/1972, vượt qua các chướng ngại, Richard Nixon tái đắc cử tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ thứ 38. Ngay hôm sau, ngày 8/11/1972, Nixon gửi bức thư đầu tiên trong cương vị tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ răn đe Nguyễn Văn Thiệu và cũng để nói rõ kế hoạch của ông ta đối với việc ký kết Hiệp định Paris. Nội dung bức thư như sau:
"Hôm nay, sau cuộc tái đắc cử của tôi, tôi xin mở lại cuộc đối thoại giữa chúng ta về dự thảo hiệp định để chấm dứt chiến tranh.
Trước hết, tôi phải bày tỏ sự thất vọng sâu xa của tôi về cái mà tôi xem là một sự xa cách dần dần trong mối bang giao giữa hai quốc gia chúng ta, một khuynh hướng mà chỉ có hại cho những mục tiêu chung của chúng ta và có lợi cho kẻ thù. Việc tổng thống (Nguyễn Văn Thiệu - BT) liên tục bóp méo và công kích hiệp định là không đúng (unfair) và biểu lộ tinh thần chủ bại (self defeating). Những sự công kích này vẫn tiếp tục, mặc dù chúng tôi đã lưu ý nhiều lần, kể cả bức thư của tôi cho tổng thống vào ngày 29/10. Những sự công kích này đã làm cho tôi ngỡ ngàng và rất lúng túng.
Tuy nhiên, dù trong trường hợp nào, chúng tôi cũng quyết định đi tới trên căn bản của dự thảo hiệp định và những sự sửa đổi mà tướng Haig sẽ thảo luận với tổng thống và chúng tôi quyết định đạt được từ phía Bắc Việt.
Tôi xin tổng thống nói với đại tướng Haig liệu chúng tôi có thể xúc tiến một cách vững chắc trên căn bản này hay không. Chúng tôi đã đến chỗ mà chúng tôi cần phải biết một cách minh bạch liệu tổng thống có hợp tác với chúng tôi trong nỗ lực mà tướng Haig sẽ vạch ra những đường hướng chánh cho tổng thống, hay là chúng tôi phải nghĩ tới những phương thức hành động khác mà tôi tin rằng có thể sẽ tai hại cho quyền lợi hai quốc gia chúng ta".
Ngày 10/11/1972, tướng Haig sang Sài Gòn, tận tay chuyển thư của Nixon, cùng bản chương trình cam kết sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ đối với chính quyền Sài Gòn nhằm có thể đánh thắng được quân giải phóng sau khi ký kết hiệp định. Nhưng sự đảm bảo của Hoa Kỳ chưa xoa dịu được sự "lo sợ" của Nguyễn Văn Thiệu, đáp lại những lời lẽ vỗ về của Nixon trong bức thư là những đường gạch đỏ với các dấu chấm hỏi của Nguyễn Văn Thiệu. Đặc biệt là đối với câu: "Tôi tin chắc tổng thống đã đạt được một thắng lợi to lớn mà hiệp định này sẽ phê chuẩn", Nguyễn Văn Thiệu đã phê trực tiếp vào bức thư: "Cũng tùy có thắng thật hay là cứ nói là thắng". Đồng thời ông ta tiếp tục từ chối bản dự thảo hiệp định.
Ngày 11/11/1972, Nguyễn Văn Thiệu gửi thư cho tổng thống Nixon.
Bút tích "biên tập" của tổng thống Thiệu trên lá thư của Nixon
Phản hồi của tổng thống Thiệu
Trong thư, ông Thiệu viết:
"Tôi đã nhận được thơ của tổng thống đề ngày 8/11 do tướng Haig chuyển cho tôi.
Trước hết tôi xin nhân cơ hội này chuyển tới tổng thống một lần nữa những lời ngợi khen nồng nhiệt và thành khẩn của tôi về sự thắng cử vẻ vang của tổng thống vào ngày 7/11 vừa qua.
Chúng tôi sẽ mãi mãi biết ơn sâu xa sự trợ giúp dồi dào mà Hoa Kỳ đã dành cho Việt Nam cộng hòa... và nhất là đối với sự đoàn kết anh dũng của Hoa Kỳ sát cánh với chúng tôi trong cuộc chiến đấu.
Tôi ý thức được rằng dân tộc Hoa Kỳ đã mệt mỏi vì cuộc chiến dai dẳng này...
Nếu có một giải pháp cho phép Bắc Việt duy trì lực lượng của họ tại Nam Việt Nam, cuộc chiến đấu và những hi sinh của chúng ta trong bao nhiêu năm sẽ mất hết lý do. Những đồng minh của chúng ta sẽ được coi như là kẻ gây hấn, quân đội Nam Việt Nam trong trường hợp này sẽ ở trong vị trí của những kẻ đánh mướn, chiến đấu cho một chính nghĩa sai lầm, một chính nghĩa mà chúng tôi không còn dám nói lên.
Trong bối cảnh này, tôi nghĩ thật là bất công khi tôi bị lên án đã bóp méo dự án thỏa hiệp khi tôi kêu gọi sự lưu ý đến khía cạnh quan trọng này của vấn đề...
Tôi không thể trình bày dài dòng về tất cả các điểm trong khuôn khổ thơ này. Vì vậy, tôi đã nhờ tướng Haig chuyển tới tổng thống những quan điểm của chánh phủ chúng tôi có nhiều chi tiết hơn".
Ngày 12/11/1972, tướng Haig trở lại Washington báo cáo Nixon về chuyến công du Sài Gòn.
(Trích từ quyển Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, do NXB Chính Trị Quốc Gia phát hành tháng 12/2012)
Theo 24h
Đặc công Việt Nam ngụy trang như thế nào? Ngụy trang đặc công là một phương pháp vô cùng đặc biệt, là nhân tố cho sự thành bại trong mọi nhiệm vụ. Một người lính đặc công được ngụy trang bằng bùn đất đang lặng lẽ áp sát mục tiêu Với người lính đặc công, ngoài những vũ khí như súng, dao găm, lựu đạn, võ nghệ, một thứ vũ khí khác...