Công an TP.Thủ Đức tìm chủ sở hữu 50 triệu đồng bị đánh rơi trên đường Tăng Nhơn Phú
Đang đi trên đường, người dân nhặt được 50 triệu đồng nên đến trình báo, bàn giao cho công an tìm chủ sở hữu.
ảnh minh họa
Ngày 2.12, Công an P.Phước Long B (TP.Thủ Đức, TP.HCM) thông tin tìm chủ sở hữu số tiền 50 triệu đồng bị đánh rơi trên đường được người dân phát hiện, bàn giao.
Theo đó, khoảng 21 giờ 15 tối 10.11, người dân đang đi trên đường Tăng Nhơn Phú, đoạn qua cổng Trường cao đẳng Công Thương (khu phố 4, P.Phước Long B) thì phát hiện số tiền 50 triệu đồng bên dưới nền đất nên trình báo công an phường này.
Công an P.Phước Long B sau đó lập hồ sơ, tiếp nhận số tiền nói trên. Công an thông báo ai là chủ sở hữu số tiền trên xin liên hệ với Công an P.Phước Long B tại số 183A Đỗ Xuân Hợp, hoặc liên hệ số điện thoại 098307 4979 gặp ông Lê Tuấn (cán bộ Công an P.Phước Long B) để hoàn tất thủ tục nhận lại tài sản.
Trường hợp sau một năm kể từ ngày thông báo mà không xác định được chủ tài sản thì số tài sản trên sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.
Xem nhanh 12h ngày 2.12: Thời sự toàn cảnh
Tái diễn tình trạng quấy rối tình dục sinh viên trên xe buýt
Tình trạng quấy rối tình dục sinh viên trên phương tiện công cộng dù đã được phản ánh nhưng vẫn tái diễn.
Vì sao sinh viên không trình báo?
Qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong tháng 6, một số nữ sinh viên bị quấy rối tình dục trên các tuyến xe buýt tại TP.HCM, nhưng chọn cách im lặng vì lo ngại không đủ chứng cứ để trình báo công an hay gọi đến đường dây nóng.
Vào ngày 9.6, H.N.T.P (19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) bị quấy rối trên xe buýt số 08 (Bến xe Q.8 - ĐH Quốc Gia TP.HCM) khi đi từ TP.Thủ Đức về nhà ở Q.Phú Nhuận.
Cụ thể, từ bến xe đối diện trường, T.P lên xe và ngồi ghế ngay cửa sau. Khi xe đón khách tại trạm Nhà văn hóa Sinh viên, một thanh niên cao, ốm, tóc dài che mắt, mang cặp to bước lên ngồi cạnh T.P dù xe còn nhiều ghế trống.
Theo T.P, nam thanh niên này luồn tay trái dưới cặp, đắp áo khoác trên người, đẩy phần áo nhiều hơn về phía cô. Ban đầu, nữ sinh viên nghĩ rằng đối tượng là người tinh tế, sợ đụng chạm vào người khác giới vì hôm đó cô mặc váy. "Thế nhưng, tôi cảm thấy khó chịu khi hắn cố tính lắc người chạm vào vai và tay tôi", T.P kể.
"Xe di chuyển được một đoạn thì tôi cảm giác đùi phải nhột nhột như có gì đó chạm vào. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là do điện thoại rung nên không kiểm tra. Khi xe đến đoạn đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh) thì mình cảm nhận rõ việc bị đụng chạm. Tôi xoay người và phát hiện hắn dùng áo khoác để che tay, sau đó kéo váy của mình. Ngay lập tức, tôi đấm mạnh vào tay hắn, nhưng khi đó xe đang vào trạm nên hắn chạy xuống xe và đi mất", T.P thuật lại.
Dù đã có luyện tập võ thuật (đạt đai đen Taekwondo) nhưng khi rơi vào trường hợp bị động như vậy, T.P chia sẻ cô cũng không thể phản ứng nhanh được.
Đa số sinh viên bị lạm dụng trên xe buýt không liên lạc đến đường dây nóng để trình báo. Ảnh THÚY LIỄU
Tiếp đó, vào ngày 15.6, P.T.L (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) bị quấy rối trên xe buýt số 04 (Bến Thành - Cộng Hòa - An Sương). Nữ sinh viên T.L kể: "Khi xe buýt còn đỗ tại bến xe An Sương, một người đàn ông khoảng 40 tuổi mang cặp màu đỏ rất to bước lên ngồi cạnh tôi, dù xe trống nhiều ghế. Tôi để ý mắt ông ta nhìn mình liên tục. Khi tôi quay sang thì ông ta giả vờ ngủ say dù mới lên xe chưa tới 5 phút".
Trước tình huống đó, T.L nhanh chóng cảnh giác, ôm cặp sát người và ngồi nép vào trong. Đến đoạn gần Khu Công nghiệp Tân Bình, nữ sinh viên nhận ra hành vi biến thái của ông ta. "Tôi quay sang nhìn thì thấy ông ta nhắm mắt, hai tay luồn dưới cặp. Tôi nhìn xuống và phát hiện bàn tay ông ta đang chạm vào đùi mình. Tôi nhấc cặp lên đập thẳng vào tay ông ta. Ông ta giật mình, ôm tay chạy xuống phía cửa xe. Khi đó, xe đang mở cửa cho khách xuống trạm nên ông ta chạy mất. Bây giờ nhắc lại, tôi vẫn còn rất tức giận vì không bắt được ông ta", T.L bức xúc nói.
Sau khi sự việc xảy ra, cả hai nữ sinh viên kể trên đều đăng bài viết lên mạng xã hội để bạn bè cảnh giác. Khi được hỏi tại sao không báo cáo sự việc vào tổng đài 1022 (Tổng đài 1022 là nơi tiếp nhận thông tin và giải quyết xử lý các phản ánh của người dân về sự cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn được phục vụ 24/7), T.P nói: "Tôi hoàn toàn không biết đến số điện thoại này và cũng không có đủ bằng chứng để chứng minh người đó quấy rối mình. Chuyện xảy ra chỉ có mình và hắn biết nên rất khó kiểm chứng".
Còn với T.L, nữ sinh viên này không gọi công an hay bất kỳ đường dây nóng nào vì khi sự việc quấy rối xảy ra, cô chỉ muốn bắt tận tay người đó. "Tôi biết rõ mình bị quấy rối nhưng lại không có bằng chứng buộc tội dù trên xe có camera. Tuy nhiên, camera không thể không bao quát vị trí tôi ngồi trên xe buýt", T.L nói.
"Hãy mạnh dạn trình báo"
Không chỉ các bạn nữ mà nam sinh viên cũng rơi vào trường hợp bị quấy rối trên phương tiện công cộng. Mới đây, N.Đ.T (sinh viên Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) tố bị T.T.N (tiếp viên xe buýt 19, hợp tác xã 19/5) quấy rối.
Cụ thể, khoảng 11 giờ 30 ngày 7.6, Đ.T đón xe buýt 19 từ trạm Trường ĐH Quốc tế để về Ngã tư Hàng Xanh. Sau khi xé vé và kiểm tra thẻ sinh viên, tiếp viên T.N lấy tay sờ đùi và đũng quần của nam sinh viên. Bị chạm vào vùng nhạy cảm, Đ.T ngay lập tức kéo cặp ôm vào người, ngăn việc quấy rối. Lúc đó, nam sinh viên nghĩ rằng mọi việc có lẽ đã dừng lại cho đến khi xe đến Ngã tư Linh Xuân, nam tiếp viên lại lân la nói chuyện và tiếp tục thực hiện hành vi quấy rối.
"Đang nói chuyện bình thường thì nam tiếp viên lấy tay sờ vào phần đùi trong của mình. Tôi liền lấy hai chân kẹp chặt tay đối tượng này. Lúc đó, hắn ta hoảng lên, giật tay ra nhưng mình cứ giữ chân như vậy. Sau khi tôi thả lỏng chân, hắn ta liếc tôi rồi bỏ đi. May mắn là từ đó đến khi xuống xe, nam tiếp viên không còn quấy rối tôi", Đ.T nhớ lại.
Về nhà, nam sinh viên chỉ biết chia sẻ câu chuyện của mình lên trang "confession" dành cho sinh viên để mọi người tăng cường cảnh giác trước nguy cơ bị lạm dụng tình dục trên xe buýt. Nam sinh viên này cũng không gọi vào số 1022, nhưng đưa ra lời khuyên: "Nếu rơi vào trường hợp như trên thì sinh viên hãy mạnh dạn gọi đến đường dây này. Nhiều người cùng phản ánh thì hợp tác xã vận tải sẽ xem xét lại đội ngũ nhân viên của mình. Tốt nhất, sinh viên nên tự cảnh giác bảo vệ bản thân bởi vì việc thay đổi suy nghĩ của bọn biến thái là điều bất khả thi".
Đáng chú ý, Đ.T không phải nạn nhân duy nhất. Trên trang "confession", nhiều sinh viên bình luận đồng cảm với nam sinh viên vì họ cũng từng bị nam tiếp viên xe buýt quấy rối. "Mình bị người đó vuốt tay lúc đưa vé xe và mình né xa ra. Trạm kế tiếp thì người đó tiếp tục bắt chuyện và đụng chạm một bạn nam khác", L.G.L (sinh viên một trường ĐH ở TP.HCM) chia sẻ câu chuyện của mình. Tuy nhiên, các sinh viên lại chọn cách không gọi đến các đường dây nóng để trình báo.
Một bài đăng ẩn danh cảnh báo biến thái trên xe bus trong nhóm sinh viên. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FACEBOOK
Tự vệ bằng những đòn thủ
Trao đổi với PV Thanh Niên, võ sư Nguyễn Võ Uyên Mi khuyên sinh viên cần đề phòng và chuẩn bị tâm lý trước nguy cơ bị quấy rối nơi công cộng.
"Khi lên xe hay ở chỗ đông người, chúng ta không nên cúi mặt bấm điện thoại mà phải quan sát xung quanh, tìm những vị trí có thể tựa như ghế để hạn chế đối tượng chạm vào lưng. Nếu buộc phải đứng giữa xe và không có điểm tựa, chúng ta nên nhìn những người gần mình nhất. Sau đó, chúng ta hãy quay mặt về phía người có khả năng sàm sỡ (theo cảm nhận và quan sát của bản thân). Dùng túi xách, cặp hoặc những dụng cụ có thể che chắn tốt những vùng nhạy cảm", võ sư chia sẻ bí quyết.
Võ sư Uyên Mi hướng dẫn những đòn thủ cho học viên. Ảnh NVCC
Cô Uyên Mi nói thêm: "Những đòn thủ cực kỳ hiệu quả khi bị sàm sỡ trong không gian chật như xe buýt là các đòn chỏ vào mũi, chấn thủy, cú hất bằng bàn tay từ dưới lên hàm hoặc cú bật bằng mu bàn tay. Ta hãy đánh vào mũi và mắt của kẻ xấu ở cự ly gần". Tuy nhiên, nữ võ sư nhấn mạnh quan trọng nhất vẫn là sự đề phòng và quan sát từ đầu.
Đôi khi chỉ cần nhờ vào sự quan sát và tỉnh táo, ta có thể tránh được việc bị sàm sỡ.Võ sư Nguyễn Võ Uyên Mi
Trường hợp những kẻ manh động có hung khí, võ sư chia ra hai loại: hung khí sắc bén và không sắc bén. Nạn nhân có thể dùng cặp, túi xách để chống đỡ hung khí không nguy hiểm. Đối với các hung khí sắc nhọn, cô đưa ra lời khuyên: "Phải là người thật sự can đảm và tay nghề cao mới nên chống trả. Còn các học sinh, sinh viên, tôi không khuyến khích việc chống trả với các đối tượng có hung khí gây sát thương".
Hành khách hãy gọi ngay vào số điện thoại 0981 860 202
Trả lời PV Thanh Niên, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM cho biết, khi bị quấy rối tình dục trên xe buýt, nạn nhân không nên giữ im lặng, chịu đựng kẻ quấy rối, cần phản đối hành vi của người quấy rối, yêu cầu họ dừng ngay lại. Sau đó, nạn nhân hãy nhanh chóng đổi chỗ ngồi, tránh xa vị trí kẻ quấy rối. Nếu tình trạng leo thang thì người bị hại phải báo ngay với tài xế, tiếp viên xe buýt hoặc hành khách khác để nhận được sự giúp đỡ; gọi ngay cho đường dây nóng 113 hoặc 1022 để báo cáo sự việc và nhờ can thiệp kịp thời; bí mật ghi âm, ghi hình kẻ quấy rối để làm bằng chứng tố cáo.
Khi xảy ra sự cố như trộm cắp tài sản, quấy rối tình dục... hành khách hãy gọi ngay vào số điện thoại 0981 860 202 của Phòng Cảnh sát hình sự TP.HCM. Thông tin được phản ánh qua đường dây nóng sẽ được chuyển cho lực lượng cảnh sát hình sự gần nhất để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ an toàn cho hành khách.
Sinh viên cần phản ánh trực tiếp đến đơn vị dịch vụ xe buýt, nhà trường
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Anh Cường, Phó trưởng ban Công tác sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM), cho biết việc quấy rối tình dục sinh viên trên phương tiện công cộng là một hành động đáng lên án và cần được xử lý nghiêm.
"Hệ thống các cơ sở đào tạo thuộc ĐHQG TP.HCM luôn quan tâm, lắng nghe ý kiến và tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên. Đặc biệt, khi vào năm nhất, trong tuần sinh hoạt công dân - sinh viên, ĐHQG TP.HCM luôn trang bị những kiến thức cần thiết cũng như kỹ năng sống cho các bạn khi bước vào môi trường học tập mới. Bên cạnh đó, trường hợp sinh viên là nạn nhân cần liên hệ phản ánh trực tiếp đến đơn vị dịch vụ xe buýt, nhà trường để được kịp thời hỗ trợ trong thời gian sớm nhất", ông Cường nói.
Theo ông Cường, sinh viên cũng nên chủ động tham gia các lớp kỹ năng do nhà trường tổ chức, những câu lạc bộ và đội - nhóm về kỹ năng, thể dục thể thao phù hợp với sở thích, sở trường của bản thân cũng là phương pháp trang bị kỹ năng ứng phó và sự bình tĩnh khi rơi vào tình huống xấu.
TP.HCM: Phát hiện bộ xương người nghi nam giới tại bãi đất trống ở Củ Chi Người dân phát hiện bộ xương người tại bãi đất trống trên địa bàn xã Trung An, H.Củ Chi, TP.HCM nên trình báo công an. Ngày 3.6, Công an H.Củ Chi (TP.HCM) phối hợp các đơn vị nghiệp vụ liên quan điều tra vụ một bộ xương người được người dân phát hiện tại bãi đất trống trên địa bàn xã Trung An,...