Công an TP.HCM thông tin về ‘bẫy tuyển người sang Campuchia làm việc’
Tại họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều 23-6, thượng tá Lê Mạnh Hà – phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM – khuyến nghị cẩn trọng với “bẫy tuyển người sang Campuchia làm việc”
Thượng tá Lê Mạnh Hà – Ảnh: THÀNH NHÂN
Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, tình trạng tội phạm buôn bán người đã là vấn đề nhức nhối của thế giới và Việt Nam từ lâu. Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống mua bán người, có hiệu lực từ 1-1-2012, và Chính phủ cũng đã ban hành quyết định 793 lấy ngày 30-7 hằng năm là ngày Phòng chống mua bán người. Bộ luật hình sự Việt Nam cũng có quy định tại các điều 151, 152.
Công an TP tăng cường nắm tình hình
Các đối tượng mua bán người thường lợi dụng những người nhẹ dạ cả tin, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người dân hiểu biết hạn chế, kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, thanh niên ăn chơi đua đòi…để lừa gạt, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập, môi giới kết hôn, môi giới nhận con nuôi, rồi bán ra nước ngoài để thu lợi.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi mạng xã hội phát triển, các đối tượng làm quen, tiếp cận, hướng dẫn nạn nhân rơi vào cạm bẫy mua bán người. Hoặc các thủ đoạn lừa đảo mà báo chí đã phản ánh như lập các trang mạng xã hội tuyển người sang Campuchia làm việc hành chính, hứa hẹn mức lương cao, đưa ra các điều kiện như biết đánh máy thì lương cao hơn… để tăng lòng tin với các nạn nhân.
Sau đó, các đối tượng sẽ yêu cầu trả các chi phí đi lại ăn ở, có các biện pháp khống chế yêu cầu gia đình đưa tiền, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục… Công an TP đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan ngoại giao điều tra, xử lý và hỗ trợ các nạn nhân.
Video đang HOT
Nạn nhân hoặc người nhà liên hệ với cơ quan công an gần nhất để cung cấp thông tin, hình ảnh, thời gian, địa điểm, phương thức của các đối tượng.
Cơ sở kinh doanh phế liệu phải cam kết không mua thiết bị bị trộm cắp
Về tình trạng mất cắp thiết bị ở các công trình đang xây dựng thời gian vừa qua, thượng tá Lê Mạnh Hà cho rằng tình trạng mất cắp phát sinh từ sự mất cảnh giác, chủ quan của các đơn vị chủ thầu trong việc quản lý tài sản, không có người trông coi, che chắn, không có biện pháp bảo vệ phù hợp, các tài sản, vật tư, hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực vắng người dễ tháo lắp.
Đối với các vụ việc này, ban giám đốc Công an TP đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ (PC02) phối hợp với các quận huyện truy xét, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng gây án.
Về lâu dài, Công an TP cũng phối hợp với Sở Giao thông vận tải xây dựng quy chế phối hợp để thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự tại các tuyến đường, khu vực lắp nhiều thiết bị hạ tầng kỹ thuật, tổ chức tuyên truyền vận động chủ đầu tư, nhà thầu thi công và người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ tài sản nhà nước, tố giác hành vi, đối tượng có biểu hiện trộm cắp, phá hoại hạ tầng kỹ thuật.
Đối với các vụ việc xảy ra, các đơn vị thi công, quản lý, nhà thầu thi công khẩn trương báo về trụ sở công an sớm nhất để cơ quan công an có điều kiện điều tra xác minh, xử lý các đối tượng nhanh chóng nhất.
Công an TP cũng chỉ đạo cho công an các phường xã rà soát, lên danh sách các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn để ký cam kết không tiếp tay, không mua các cấu kiện, vật tư hệ thống kỹ thuật, tố giác khi có nghi vấn.
Về việc người dân ở TP Thủ Đức gặp khó khăn khi đi làm căn cước công dân (CCCD), ông Hà cho biết hiện nay ở một số địa bàn, đặc biệt là địa bàn đông dân cư như TP Thủ Đức, số lượng người dân đi làm CCCD đông. Số lượng máy cấp CCCD hiện chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến tình trạng như phản ánh. Công an TP mong người dân chia sẻ khó khăn của cơ quan công an.
Công an TP có một số giải pháp, trong đó có đề xuất Bộ Công an cấp thêm máy cấp CCCD, bố trí, tăng thời gian cấp CCCD, có những đơn vị làm việc từ 6h sáng đến 11h đêm.
Công an TP.HCM 'mong người dân chia sẻ' về bất cập trong làm CCCD
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM "mong người dân chia sẻ với cơ quan công an và các địa phương" về những bất cập trong làm thẻ CCCD.
Chiều 23.6, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về dịch Covid-19 và các vấn đề về kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, hiện nay ở một số địa bàn đông dân cư như TP.Thủ Đức, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh với hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, người dân có nhu cầu rất lớn làm CCCD và giấy tờ khác để thuận lợi giao dịch.
Tuy nhiên, số lượng máy cấp CCCD chưa đáp ứng nhu cầu nên xảy ra tình trạng người dân lấy số nhưng phải chờ đến 2 - 3 ngày.
"Tất nhiên với trường hợp gấp, người dân liên hệ với bộ phận cấp để được được ưu tiên cấp sớm hơn, còn các trường hợp khác, chúng tôi cũng mong muốn người dân bớt thời gian chờ đợi tại trụ sở; chia sẻ với cơ quan công an", thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Công an TP.HCM đã có các giải pháp, báo cáo Bộ Công an cấp và tăng cường thêm số lượng máy cấp CCCD tại một số đại bàn quận, huyện hiện có tình trạng quá tải làm CCCD.
"Đồng thời, lực lượng công an đã bố trí, tăng thời gian cấp CCCD. Có những đơn vị làm việc từ 6 - 22 giờ đêm để giải quyết nhu cầu cấp CCCD của người dân", ông Lê Mạnh Hà cho biết.
Người dân TP.HCM đi làm CCCD gắn chip tại trụ sở PC06. Ảnh NGỌC DƯƠNG
PV cũng nêu tình trạng không chỉ khó khăn trong việc làm CCCD, ngay cả làm xong CCCD đến lúc nhận cũng gặp nhiều bất cập, như việc công an địa phương báo là không có CCCD trong khi người dân đã đóng phí và lăn tay chụp hình đầy đủ.
Liên quan vấn đề này, thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết: Tình trạng này có phần nguyên do trước đây cơ quan chức năng vừa tập trung làm CCCD, vừa tập trung làm sạch dữ liệu. Thế nên, một số trường hợp khi khai báo thông tin cấp CCCD chưa chính xác sẽ không in được thẻ CCCD.
Ông Hà giải thích dữ liệu chuyển ra có sự sai lệch giữa cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư với thông tin người dân kê khai như về nơi sinh, nơi cấp, nơi đăng ký khai sinh, quê quán...
"Do trước đây thời gian làm gấp và tập trung làm, không phải làm trực tuyến nên các sai lệch này không phát hiện được. Sau này khi đổ dữ liệu mới phát hiện ra và số lượng này chiếm một tỷ lệ nhất định. Điều này làm người dân phàn nàn làm rất lâu mà không có CCCD, hoặc phải đi lại, khai lại, cấp lại CCCD", ông Lê Mạnh Hà lý giải.
"Chúng tôi đã nhận nhiều phản ánh, kiến nghị về nội dung này. Chúng tôi có thông tin trả lời, thư xin lỗi đến người dân phản ánh. Những trường hợp người dân chưa được cấp CCCD có thể liên hệ với cơ quan công an để kiểm tra trên hệ thống", ông Lê Mạnh Hà cho hay.
Công an TP.HCM cũng mong "người dân hết sức chia sẻ với công an và các địa phương" về những bất cập còn tồn tại trong khâu làm CCCD.
Xắn tay giải quyết bất thường ở ngành y Thiếu thuốc, máy móc trùm mền... là những hiệu ứng sau hàng loạt vụ sai phạm ở ngành y. Sự bất thường đó không là chuyện riêng của ngành y tế mà là của xã hội khi nó có mức độ ảnh hưởng đến người bệnh ngày càng lan rộng. Ngày càng có nhiều lời kêu ca, ta thán từ nhân viên y...