Công an TPHCM sẽ tạm ngừng cho thăm nuôi, tiếp tế phạm nhân
Công an TPHCM sẽ tạm ngừng công tác thăm nuôi tiếp tế thực phẩm (trừ trường hợp đặc biệt) vào cho can, phạm nhân để phòng, chống Covid-19.
Tiếp tục ngăn ngừa, hạn chế dịch bệnh lây lan, Công an TPHCM đã thông tin, trao đổi với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố tổ chức theo dõi, nắm tình hình hơn 2.700 trường hợp hành khách từ các tỉnh, thành phố trên cả nước về cư trú tại địa phương.
Các đơn vị chức năng thành phố kiểm tra dịch bệnh các trường hợp từ nơi khác về TPHCM.
Theo Công an TPHCM, trong số 2.722 trường hợp hành khách từ các tỉnh, thành phố trên cả nước về cư trú tại TPHCM, có 23 trường hợp đã hết thời gian cách ly ở các địa phương khác chuyển về. Trong đó, các đơn vị trực thuộc đã tổ chức rà soát, xác minh thông tin 1.552/1.771 trường hợp nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh là hành khách người nước ngoài, Việt kiều và công dân Việt Nam nhập cảnh vào Việt Nam qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Công an thành phố cũng tổ chức hơn 1.400 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia cùng địa phương bảo đảm an ninh, trật tự tại 35 điểm cách ly tập trung của thành phố, quận, huyện và 50 khu vực cô lập tại cộng đồng dân cư. Đến thời điểm này chưa phát hiện trường hợp người bị cách ly có hành vi chống đối, bỏ trốn.
Trong những ngày qua, Công an thành phố đã phát hiện, xử lý 20 vụ mua bán, vận chuyển khẩu trang y tế, cồn sát khuẩn không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ; thu giữ 1,4 triệu cái, hơn 2.000 lít cồn sát khuẩn. Phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành việc tạm ngưng hoạt động của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Để thực hiện hiệu quả về phòng chống dịch Covid-19, trong những ngày tới, ngoài việc đảm bảo công tác phòng ngừa dịch bệnh cho cán bộ, chiến sỹ, công an thành phố sẽ tạm ngừng công tác thăm nuôi tiếp tế thực phẩm (trừ trường hợp đặc biệt) vào cho can, phạm nhân.
Video đang HOT
Nắm chặt chẽ tình hình thông tin, dư luận trên không gian mạng; phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, gây mất ổn định xã hội. Phối hợp với các ban, ngành chức năng liên quan vận động các cơ sở tôn giáo không tổ chức những sự kiện tôn giáo đông người để chủ động phòng ngừa lây lan dịch bệnh.
Ngoài việc tổ chức lực lượng, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, Công an TPHCM phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương tổ chức 28 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia tuần tra, bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực Ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (khu vực cách ly tập trung của thành phố), không để xảy ra tình trạng phức tạp về an ninh, trật tự tại khu vực này./
Vinh Quang
Dịch Covid-19: Có nên tập trung tiếp tế cho người nhà ở khu cách ly?
Hai ngày nay, trên mạng xã hội liên tục chia sẻ hình ảnh nhiều người tập trung đến khu cách ly Covid-19 ở KTX Đại học Quốc gia TP.HCM để tiếp tế cho người thân. Những hình ảnh này, ngay khi xuất hiện đã gây tranh cãi và có những ý kiến trái chiều.
Nhiều người cho rằng, cơ quan chức năng đã có khuyến cáo không nên tập trung đông người trong thời điểm dịch virus corona (Covid-19) đang diễn biến phức tạp. Việc tập trung đông người vô tình đã cản trở đến công tác phòng chống dịch, gây khó khăn cho nhân viên khu cách ly. Ngoài ra, việc tập trung đông người cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
PV Dân Việt đã ghi nhận được nhiều ý kiến về vấn đề này. Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định về đa dạng hóa điều kiện và khu vực cách ly, cũng như chưa quy định bắt buộc người cách ly y tế phải trả tiền cho chi phí trong quá trình cách ly.
Hình ảnh đang gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh: IT
Thậm chí, theo quy định của pháp luật, tiền ăn của người bị cách ly do người bị cách ly chi trả cho nhà nước. Nhưng trên thực tế, chưa có địa phương nào thu khoản chi phí này. Bởi vậy những người cách ly không nên đòi hỏi những nhu cầu quá mức tối thiểu để gây thêm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Những người thân trong gia đình của những người cách ly có thể bổ sung thêm những nhu yếu phẩm, vật phẩm cần thiết. Tuy nhiên, việc có tiếp nhận hay không, tiếp nhận đến đâu thuộc thẩm quyền của đơn vị tổ chức cách ly.
Người thân trong gia đình những người bị cách ly không thể đòi hỏi người bị cách ly phải có cái này, cái khác như điều kiện ở nhà. Điều kiện khu vực cách ly, nhu yếu phẩm, thực phẩm đã đạt tiêu chuẩn, chế độ, định mức theo quy định, thậm chí còn tốt hơn, nên các gia đình có người bị cách ly không nên quá lo lắng, gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan chức năng.
Theo luật sư Cường, để chuẩn bị cho một khu cách ly rộng lớn hàng ngàn chỗ cho người cách ly, cơ quan chức năng phải huy động một lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, những tình nguyện viên. Họ đã vất vả nhiều ngày mới có được một khu cách ly đủ điều kiện tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên phải đi tìm chỗ thuê trọ; nhiều cán bộ, chiến sĩ, học viên trường vũ trang phải căng bạt ngủ ngoài rừng để nhường chỗ cho những người cách ly... Vì vậy những gia đình có người thân bị cách ly cần phải chia sẻ điều này, không nên gây thêm áp lực, gánh nặng cho các cán bộ, nhân viên ở khu cách ly.
Hơn nữa, thời điểm hiện nay, việc tiếp xúc với những người bị cách ly, tụ tập đông người để cung cấp thêm các vật dụng sinh hoạt là không cần thiết và rất nguy hiểm. Việc tụ tập đông người hoàn toàn có thể gia tăng nguy cơ nhiễm virus corona (Covid-19) gây khó khăn cho công tác phòng chống bệnh dịch.
Hàng hóa được chuyển tới nhiều, cán bộ khu cách ly phải ghi chép rồi chuyển vào phía trong. Ảnh: IT
Từ những phân tích trên, vị luật sư cho rằng, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi tổ chức cách ly, khu vực có người dân tập trung đông ở khu vực cách ly cần có những tuyên truyền, phổ biến, thậm chí có những biện pháp hành chính cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng và chống dịch bệnh.
Đồng quan điểm với luật sư Đặng Văn Cường, anh Văn Luân (trú quận Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng, người thân của người bị cách ly phải tin vào chính quyền, vì tất cả đang cố gắng hết sức để cho người bị cách ly có được điều kiện sinh hoạt tốt nhất.
"Đã phải cách ly thì phải chấp nhận điều kiện sinh hoạt ở khu cách ly. Ở thời điểm hiện tại, việc tập trung đông người là không nên, biết là ai cũng thương người thân, nhưng việc tập trung đã vô tình cản trở lực lượng chức năng và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh. Cán bộ cũng vất vả hơn vì họ phải nhận đồ rồi chuyển vào phía trong, trong khi người bị cách ly đã được chăm sóc chu đáo rồi. Tập trung đông người là vô cảm với chính mình và cộng đồng", anh Luân chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lại bày tỏ sự thông cảm với những người trên, bởi cha mẹ ai chẳng thương con, đều muốn người thân của mình có điều kiện sinh hoạt tốt nhất trong thời gian bị cách ly. Chính vì thế, dư luận không nên quá nặng nề phán xét, đánh giá.
Tại buổi họp giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 19/3, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đề nghị người dân không có việc cần thiết thì không nên ra đường, hàng quán không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ các hàng thuốc, thực phẩm, siêu thị...
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng cho rằng hạn chế đi lại là hạn chế tiếp xúc, hạn chế tụ tập. Bởi kinh nghiệm cho thấy các cuộc tụ tập, hội họp đông người đã gây ra lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Theo bác sĩ Khanh, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã diễn ra một buổi lễ hội có khoảng 40.000 người tham gia. Những con tàu du lịch tập trung đông đúc và cũng chính là một trong những nguồn lây nhiễm Covid-19 chéo.
Hà Nội: 'Vào từng ngõ, gõ từng nhà' tìm người nhập cảnh từ 7/3 để cách ly UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 7/3 đến nay để tổ chức cách ly. UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 948 về việc tổ chức rà soát, cách ly người nhập cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 chưa qua cách ly...