Công an lập lờ để né bồi thường oan
Thay vì xác định bị can bị oan, CQĐT lại đình chỉ với hai lý do “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” và “không đủ yếu tố cấu thành tội” trong quyết định để né trách nhiệm.
Chiều 22.2, ông Bùi Nguyên Tùng (ngụ 133/8 đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết ông đã nhận được quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với mình. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng quyết định đình chỉ điều tra này thể hiện cơ quan tố tụng cố tình lập lờ để né bồi thường oan đối với ông.
Ông Tùng nói ông không có tội nên phải được xin lỗi, bồi thường oan. Ảnh: PL
Bị bắt khi mang rượu ngoại trên đường
Ông Tùng là nhân vật mà Pháp luật TP.HCM đã phản ánh trong bài “Khó xử vì không chứng minh được tội phạm”. Tòa đã ba lần trả hồ sơ yêu cầu VKS làm rõ hành vi của ông Tùng có phải là sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm hay không nhưng VKS không đáp ứng được…
Theo hồ sơ, ngày 4.3.2014, ông Tùng đang đi trên đường thì bị công an bắt và lập biên bản phạm tội quả tang với lý do “vận chuyển ba chai rượu ngoại mà không xuất trình được hóa đơn, chứng từ”. Đưa ông Tùng về khám nhà, công an thu thêm hai chai rượu ngoại khác và một số vật như vỏ, nắp chai rượu… Kết quả giám định cho thấy có chai có thành phần hóa học giống rượu thật, số còn lại thì thành phần hóa học không giống.
Sau đó, ông Tùng bị quy kết có hành vi sản xuất rượu giả với tang vật là năm chai rượu ngoại các loại. Ông bị khởi tố, truy tố về tội sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm theo khoản 1 Điều 157 BLHS (khung hình phạt từ hai năm tù đến bảy năm tù).
Tháng 5.2015, sau hơn 14 tháng bị tạm giam, ông Tùng được cho tại ngoại. Suốt quá trình bị giam và khi được tại ngoại, ông liên tục khiếu nại kết luận điều tra và cáo trạng. Ông khẳng định mình không sản xuất rượu giả như cáo buộc của CQĐT…
Đình chỉ kiểu hàng hai
Video đang HOT
Quá trình nghiên cứu, tòa đã trả hồ sơ để làm rõ hành vi của ông Tùng có phải là sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm hay không. VKSND quận Gò Vấp không làm rõ được nhưng vẫn chuyển hồ sơ truy tố sang tòa.
Tại phiên tòa duy nhất được mở vào ngày 30.3.2015, ông Tùng trình bày: “Người bán vừa giao rượu cho tôi tại ngã ba gần nhà trước đó 15 phút thì công an ập đến. Các chai rượu còn nguyên vết keo dính do mới lấy ra từ giỏ quà biếu. Nhà người ta được biếu tết dùng không hết nên rao trên mạng bán. Chúng tôi liên lạc bằng điện thoại, có tin nhắn qua lại thể hiện nội dung mua bán, giá tiền cũng như số sêri của từng chai. Trong máy điện thoại của tôi còn lưu số điện thoại nhà, điện thoại cơ quan và điện thoại di động của người bán. Khi bắt giữ tôi, công an đã thu giữ chiếc điện thoại này, vài cái vỏ chai, nắp chai”…
Căn cứ vào kết quả xét hỏi, tòa đã trả hồ sơ lần thứ hai để tiếp tục làm rõ hành vi của ông Tùng có phải là sản xuất hàng giả là thực phẩm hay không; làm rõ lời khai của một người làm chứng xem có phải người này chứng kiến bị cáo sản xuất rượu giả hay không, thu hồi chiếc điện thoại mà Tùng khai bị công an thu giữ nhưng trong hồ sơ lại không thể hiện có điện thoại.
Tuy nhiên, lần này VKSND quận Gò Vấp tiếp tục không đáp ứng được các yêu cầu. Tòa tiếp tục trả hồ sơ lần ba… Vụ án rơi vào im lặng, đến 28.1 vừa rồi thì CQĐT đình chỉ điều tra. Quyết định đình chỉ nêu rõ: “Sau khi tiến hành điều tra xác định: Hành vi của bị can Bùi Nguyên Tùng tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội, không đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm. Cơ sở pháp lý là Điều 19 BLHS, Điều 34 và Điều 164 Bộ luật TTHS”.
Vừa có tội vừa không là sao?
Lý do đình chỉ trên đây là một lý do lạ, hầu như chưa có trong tiền lệ tố tụng ở nước ta. Vì vậy, chúng tôi đã liên hệ với CQĐT Công an quận Gò Vấp để tìm hiểu rõ sự tình. Điều tra viên Nguyễn Văn Tâm, đại diện CQĐT Công an quận Gò Vấp cho biết không có sự nhầm lẫn nào, lý do đình chỉ ghi trong quyết định là đúng. “Chúng tôi chưa chứng minh được tội phạm của ông Tùng chứ oan thì không oan. Bắt quả tang khi đang mang theo ba chai rượu giả, khám xét nhà có vỏ chai, hộp chai, dung dịch… là dấu hiệu của việc sản xuất rượu giả” – ông Tâm nói.
Vậy có thể nào một người vừa nửa chừng chấm dứt việc phạm tội lại vừa được xác định không đủ yếu tố cấu thành tội phạm?
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM), Điều 19 BLHS quy định người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải là hành vi tự nguyện, việc chấm dứt phải xảy ra trong quá trình người đó đã bắt tay thực hiện ý định phạm tội nhưng chưa thực hiện được tội phạm đến cùng. Khi đó, người này được miễn trách nhiệm hình sự nhưng không được xin lỗi, bồi thường oan.
“Còn trong vụ án này, ông Tùng bị bắt và lập biên bản phạm tội quả tang với lý do vận chuyển ba chai rượu ngoại mà không xuất trình được hóa đơn, chứng từ. Sau khi bị khởi tố, điều tra và truy tố, ông Tùng không thừa nhận hành vi và tòa cũng trả hồ sơ để làm rõ hành vi của ông có phạm tội hay không. Nếu hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm hoặc xác định hành vi không cấu thành tội phạm thì CQĐT phải đình chỉ theo một trong hai lý do này. Tất nhiên khi đó cơ quan tố tụng phải xin lỗi, bồi thường oan. Đằng này cơ quan tố tụng lại lập lờ lý do đình chỉ là không thuyết phục, không đúng quy định pháp luật” – luật sư Chánh nói.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Duy Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) bình luận: CQĐT đã tự mâu thuẫn với chính mình khi vừa nhận định “tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội” vừa nhận định “không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”. Bởi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là đã thực hiện hành vi phạm tội, đã có tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự (và không được bồi thường oan), còn không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì không có tội và người đó phải được bồi thường oan.
“Chưa chứng minh được chứ không oan” Đó là câu trả lời của điều tra viên Nguyễn Văn Tâm, người đại diện cho Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp (TP.HCM) khi làm việc với phóng viên. . Phóng viên: Với lý do đình chỉ như đã nêu, công an có thừa nhận đã làm oan ông Tùng không, thưa ông? Điều tra viên Nguyễn Văn Tâm: Chúng tôi chưa chứng minh được tội phạm của ông Tùng chứ oan thì không oan. Bắt quả tang khi đang mang theo ba chai rượu giả, khám xét nhà có vỏ chai, hộp chai, dung dịch… là dấu hiệu của việc sản xuất rượu giả. Tùng khai rằng chỉ mua về uống nhưng không chứng minh được mua của ai… . Trách nhiệm chứng minh tội phạm là của công an. Ông Tùng khai ông mua rượu về để uống…, khi bắt quả tang cũng chỉ là đang mang theo mình ba chai rượu chứ không bắt được ông Tùng đang sản xuất? Đó là khe hở của luật. . Nếu luật chưa ổn thì đấu tranh để sửa, còn hiện tại phải tuân thủ luật. Tòa đã nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu làm rõ hành vi của ông Tùng có phải là sản xuất rượu giả không. CQĐT đã bổ sung được gì mà nêu lý do đình chỉ là tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội? Chúng tôi không bổ sung được nên mới đình chỉ. Có bút lục ông Tùng thừa nhận “mua chai rượu hiệu Ballantines về để chuẩn bị sản xuất rượu giả” nên chúng tôi áp dụng Điều 19 BLHS. . Như vậy, CQĐT vẫn chưa chứng minh được ông Tùng tự nguyện chấm dứt việc phạm tội khi đã bắt tay vào việc thực hiện ý định phạm tội. Trong khi nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tố tụng…? Tài liệu của chúng tôi không đủ để chứng minh tội phạm vì hành vi sản xuất rượu giả là hành vi cấu thành vật chất. Tuy nhiên, quá trình trinh sát và khám xét, cộng với đấu tranh, chúng tôi khẳng định ông Tùng có hành vi này. . Nếu không chứng minh được tội phạm thì phải thừa nhận làm oan. Lý do đình chỉ như vậy có phải lý do hàng hai để né bồi thường? Khi khám xét, chúng tôi đã thu giữ được vỏ chai, nắp chai…, năm chai rượu thì qua giám định đã chứng minh là rượu giả. Chúng tôi chỉ thừa nhận làm oan khi ông Tùng không liên quan. Còn trường hợp ông Tùng chỉ là chúng tôi chưa chứng minh được ông Tùng trực tiếp sản xuất. . Xin cảm ơn ông.
“Tôi không có tội” Tôi đã gửi khiếu nại đến VKSND quận Gò Vấp, VKSND TP.HCM và VKSND Tối cao quyết định đình chỉ này. Lý do đình chỉ là không sòng phẳng vì tôi không sản xuất rượu giả. CQĐT không chứng minh được tôi có hành vi này thì không thể nại rằng tôi nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội. Ông Bùi Nguyên Tùng
Theo_Dân việt
Tự nhận "quan hệ rộng" lừa đảo xin việc
Các đối tượng đều "nổ" có quan hệ rộng và có thể chạy được việc làm hoặc xin đi học tại các trường của lực lượng vũ trang. Nhưng sau khi nhận tiền, các đối tượng đều không thực hiện thậm chí có kẻ còn bỏ trốn.
Những ngày đầu năm 2016, TAND TP Hà Nội liên tiếp mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do những kẻ khoác lác thực hiện. Hành vi phạm tội của các đối tượng này đều được thực hiện dưới hình thức nhận hồ sơ xin việc làm và xin học vào các trường của lực lượng vũ trang cho người có nhu cầu. Nhưng sau khi nhận tiền của bị hại, các đối tượng không thực hiện như đã hứa mà chiếm đoạt tiền của họ để sử dụng vào mục đích cá nhân, thậm chí có kẻ còn bỏ trốn.
1. Tăng Thị Hường (41 tuổi, ở phố Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) là công nhân bình thường. Không bằng lòng kiếm đồng tiền trong sạch với nghề đang có, Hường đã dùng chiêu trò khoác lác để kiếm tiền bất chính. Để thực hiện mục đích, Hường khoe quen biết nhiều "quan chức" nên có thể xin việc làm, chuyển công tác hoặc xin học cho những người có nhu cầu.
Vì tin tưởng nên nhiều người đưa tiền nhờ người phụ nữ này xin việc làm và xin trường. Tùy vào mỗi trường hợp nhờ vào đâu mà Hường đưa ra mức giá từ 80 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Để nắm được thông tin rõ ràng, Hường đều tìm hiểu về đơn vị tuyển dụng, sau đó thuê người làm giả một số loại giấy tờ như: giấy báo nhập học, quyết định tuyển dụng, phiếu lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế...
Khoảng tháng 52014, chị Tỉnh, ở Hà Nội nhờ Hường xin vào làm kế toán ở Bộ Y tế. Hường thông báo chi phí hết 400 triệu đồng. Sau khi nhận 200 triệu đồng đặt cọc, Hường đưa cho chị Tình quyết định tuyển dụng giả của Bộ Y tế. Nhận giấy xác nhận rởm thông báo trúng tuyển, chị Tình đưa nốt tiền cho Hường.
Tương tự, chị Huyền, ở Hà Nội cũng đưa 100 triệu đồng cho Hường để nhờ xin vào làm tại một cơ quan bảo hiểm của lực lượng vũ trang, nhưng sau khi nhận tiền, Hường không thực hiện được như đã hứa và cũng không trả lại tiền. Sau khi nhận được đơn tố giác hành vi phạm tội, cơ quan điều tra vào cuộc và xác định, Hường đã lừa đảo sáu người để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Xác định hành vi phạm tội của Hường là rất nghiêm trọng, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 12 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Các đối tượng (từ trái qua): Mai, Minh và Hường.
2. Nguyễn Công Minh (47 tuổi, ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) không có nghề nghiệp ổn định và đã có một tiền án ba năm tù (án treo) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng sau khi thi hành án, Minh không hướng thiện mà lại "ngựa quen đường cũ". Để thực hiện hành vi lừa đảo, Minh tự nhận là cán bộ của một Tập đoàn Viễn thông và khoe có khả năng "chạy" cho nhiều người vào làm việc ở các ngân hàng. Do tin tưởng nên nhiều người đã đưa tiền nhờ Minh xin việc giúp. Tuy nhiên sau khi nhận của nhiều người số tiền hơn 2 tỷ đồng, Minh không thực hiện được như đã hứa và cũng không trả lại tiền cho họ.
Một trong những nạn nhân là chị Nguyễn, ở Hà Nội. Chị Nguyễn đã đưa cho Minh 90 triệu đồng để nhờ xin vào Viettel chi nhánh Hải Phòng làm việc. Đến hẹn không thấy có quyết định đi làm, chị Nguyễn đòi tiền thì Minh khất lần và sau đó chỉ trả 20 triệu đồng. Bức xúc vì việc này nên chị Nguyễn đã làm đơn tố cáo hành vi của Minh.
Kết quả điều tra cho thấy, Minh đã nhận 61 hồ sơ xin việc với tổng số tiền là hơn 2 tỷ đồng. Sau khi nhận hồ sơ xin việc và tiền của họ, Minh không xin việc được cho bất cứ một trường hợp nào mà sử dụng tiền của họ vào mục đích cá nhân. HĐXX đã tuyên phạt Minh 14 năm tù giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
3. Nguyễn Thị Mai (45 tuổi, ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) là lao động tự do và đã từng bị Tòa án xử phạt 2 năm 6 tháng tù (án treo) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau thời gian chấp hành hình phạt, Mai không phục thiện mà tiếp tục phạm tội.
Để người có nhu cầu xin việc làm tin tưởng, Mai tự nhận có quan hệ với nhiều lãnh đạo ở một số trường của lực lượng vũ trang và một số Bộ, ngành nên có khả năng xin việc làm cho nhiều người.
Bà Yến, ở Cao Bằng nhờ Mai giúp đỡ cháu mình thi đỗ vào một trường đại học của lực lượng vũ trang. Mai thỏa thuận chi phí thi đỗ vào trường là 12.000 USD và phải chuyển tiền ngay để lo việc. Tin tưởng nên bà Yến đã đưa cho Mai số tiền trên. Ít ngày sau, bà Trương, ở Cao Bằng gặp Mai để nhờ xin cho con vào học ở một trường đại học của lực lượng vũ trang. Lần này, Mai yêu cầu bà Trương phải đưa gần 400 triệu đồng để chi phí.
Ngoài nhận tiền lo việc cho các trường hợp có nhu cầu vào học ở các trường trong lực lượng vũ trang, cơ quan điều tra còn làm rõ, Mai còn nhận của ông Vũ, ở Hà Nội số tiền 12.000 USD để nhờ xin cho con ông vào công tác ở Bộ Ngoại giao. Đến hẹn, Mai không thực hiện được như đã hứa, cũng không trả lại tiền mà bỏ trốn. Sau đó, các bị hại đã làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Mai.
Kết quả điều tra thể hiện, Mai đã chiếm đoạt của nhiều bị hại với tổng số tiền gần 900 triệu đồng. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 12 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cộng bản án cũ, HĐXX buộc Mai phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là 15 năm tù giam.
Từ những vụ án trên cho thấy, những kẻ phạm tội đã bị Tòa án xử phạt xứng với tội danh. Ngoài ra, Tòa án cũng buộc kẻ phạm tội phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại. Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù Tòa án đã tuyên án rõ ràng như vậy, nhưng bị hại rất khó có thể nhận được tiền từ kẻ phạm tội đang phải thi hành án. Lý do mà kẻ phạm tội hoặc gia đình của họ đưa ra là chưa có" hoặc "ai làm người ấy chịu". Vậy là người chịu thiệt thòi vẫn là các bị hại trong vụ án. Mong rằng, bài học từ những vụ án trên sẽ giúp mỗi người nêu cao cảnh giác để tránh mắc phải hậu quả tương tự.
Theo CAND
Cặp "nhãn thần" phác họa chân dung của những kẻ "đánh cắp" màn đêm Với ngòi bút "sắc lẹm", họa sỹ Tấn Thành đã phác họa hàng trăm chân dung của những kẻ "đánh cắp" màn đêm. Sau khi bị bắt, nhiều đối tượng đã kêu lên thảng thốt khi nhìn thấy mặt mình trên bức chân dung của vị họa sỹ tài ba. Cặp "nhãn thần"? Chúng tôi trở lại căn nhà nhỏ của họa sỹ...