Công an làm hợp đồng ‘chạy án’ nhận 8 năm tù
Cho rằng hành vi bắt tay nhau, làm hợp đồng chạy án để nhận tiền của cựu công an và các kiểm sát viên là rất nguy hiểm nhưng do họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên Tòa đã áp dụng mức án thấp hơn khung hình phạt.
Hôm nay, TAND TP HCM đã tuyên phạt Nguyễn Tú Anh (28 tuổi, nguyên cán bộ điều tra Công an quận Thủ Đức) mức án 8 năm tù; Nguyễn Đình Phú (35 tuổi – nguyên kiểm sát viên VKSND quận Thủ Đức) 5 năm tù cùng về tội “làm môi giới hối lộ”.
Liên quan vụ án, Nguyễn Văn Thủy (54 tuổi, nguyên kiểm sát viên VKSND quận Thủ Đức) lãnh 2 năm tù về tội “nhận hối lộ”, Đinh Thị Ngọc Thúy (26 tuổi) nhận 3 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) về tội “đưa hối lộ”. Ngoài ra, HĐXX cũng tuyên tịch thu 30 triệu đồng phạm pháp xung công quỹ.
Trước đó, tại phiên xét xử, các bị cáo đều khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã truy tố.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Vũ Mai.
Theo lời khai của Thúy, khi chồng bị bắt về hành vi trộm cắp tài sản thì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, con nhỏ mới 2 tuổi đang phải điều trị câm điếc bẩm sinh. Khi mang cơm vào cho chồng, thấy chồng bị xích tay chân Thúy rất đau lòng. Do vậy khi biết Tú Anh có khả năng “chạy” cho chồng mình tại ngoại đã đồng ý ngay. Số tiền 30 triệu đồng Thúy đã đưa cho Tú Anh là phải chạy vay khắp nơi.
Khi được Tú Anh nhận lời, Thúy mừng rỡ kể lại sự việc với anh Tùy (làm cùng công ty chồng mình) và nhờ anh này đi cùng mình đến đưa tiền cho Tú Anh. Tuy nhiên, Thúy không biết anh Tùy đã kể lại sự việc cho anh ruột và ông này đã báo với Văn phòng chống tham nhũng Trung Ương. Trước khi chở Thúy đến đưa tiền “chạy án” cho viên công an quận Thủ Đức, anh Tùy đã nhận được điện thoại của Bộ Công an yêu cầu hợp tác phá án.
Do vậy, ngay sau khi Thúy giao tiền và nhận giấy biên nhận từ Tú Anh, cả hai đã được mời về cơ quan điều tra. Tại đây Thúy đã khai nhận toàn bộ, nộp lại giấy biên nhận Tú Anh viết cho mình và làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của viên công an này. Từ đó cho đến lần hẹn gặp để nhận nốt 30 triệu đồng còn lại, mọi hành động đều do phía công an sắp đặt.
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi tại sao phải đề nghị Tú Anh viết biên nhận, người đàn bà này cho rằng đây là số tiền quá lớn nên cần có “biên nhận đảm bảo”.
Còn Tú Anh khai, sau khi biết chồng Thúy bị bắt đã chủ động liên hệ với Nguyễn Đình Phú để “chạy” tại ngoại cho bị can này thì Phú nói: “Vụ này khó, phải chờ xem thế nào. Chắc phải đến 30-40 triệu đồng”. Cho đến khi Phú báo có thể “làm được”, Tú Anh đã gọi cho Thúy hẹn ra quán cà phê nhận trước một nửa, 30 triệu còn lại khi nào chồng Thúy được thả sẽ nhận nốt.
Tại quán cà phê, Tú Anh không ngần ngại viết giấy biên nhận “chạy án” khi được Thúy yêu cầu ghi rõ tên, vị trí công tác cùng với nội dung: “có nhận 30 triệu đồng để lo cho anh Mạc Văn Tuấn được tại ngoại từ vợ anh Tuấn là chị Đinh Thị Ngọc Thúy. Nếu như anh Tuấn mà không được tại ngoại thì Tú Anh phải hoàn trả lại số tiền trên. Tổng chi phí trong vụ này là 60 triệu đồng. Chị Thúy đưa trước 30 triệu đồng. Đến 9h sáng ngày 6/2/2010 chị Thúy phải có trách nhiệm giao tiếp 30 triệu số tiền còn lại. Nếu không, anh Tuấn có gì thì bên anh Tú Anh hoàn toàn không chịu trách nhiệm”.
Sau khi nhận tiền, Tú Anh giữ lại 5 triệu, số còn lại cho vào bịch nylon đưa cho Phú.
Trình bày với tòa, Phú cho biết, sau khi được Tú Anh đề nghị, người này đã đưa hồ sơ vụ án của chồng Thúy cho Nguyễn Văn Thủy nhờ “từ chối phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp”. Được Thủy cho biết trường hợp này không thuộc diện phải bắt khẩn cấp và hứa sẽ giúp đỡ, Phú đưa cho Thủy 5 triệu đồng. “Tôi gọi điện cho anh Thủy nói để tiền ở trong ngăn tủ (25 triệu nhận từ Tú Anh) và anh ấy tự động lấy 5 triệu đồng”, Phú khai.
Tuy nhiên, Thủy đã phản bác lời khai này của Phú và cho rằng chính người này tận tay đưa cho mình 5 triệu đồng.
“Phú nói đây là người quen, nhờ tôi từ chối phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp để về nhà ăn tết. Tôi thấy trường hợp của chồng Thúy, theo quy định của pháp luật, không cần thiết phải ra lệnh bắt khẩn cấp nên mới nhận lời giúp đỡ. Tôi hoàn toàn không biết Phú đã thỏa thuận chạy án như thế nào. Chỉ vì tôi quá tin tưởng vào anh em đồng nghiệp”, bị cáo Thủy khai.
Theo cáo trạng, sau khi nhận 5 triệu đồng từ Phú, ngay tối đó Thủy đã đến cơ quan viết đề xuất từ chối phê chuẩn bắt khẩn cấp đối với chồng Thúy. Tuy nhiên, khi việc “chạy án” bị bại lộ, Thủy lại làm đề xuất đồng ý phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp đối với người này.
Vũ Mai
Theo VnExpress
Nguyễn Đức Nghĩa sẽ được giảm án?
Bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa
Việc ông Nguyễn Đức Hùng (Cha của Nguyễn Đức Nghĩa) tử nạn ngay trước phiên phúc thẩm và việc bà Chuân nén nỗi đau tang thương lại để viết lá đơn xin giảm án cho con đã gây xôn xao dư luận. Trước tình huống pháp lý đặc biệt này, khả năng mà Nghĩa được giảm án đã được đề cập tới trong dư luận. Để làm rõ vấn đề này, PV đã tiến hành khảo sát ý kiến một số luật sư.
Không thể xem là tình tiết giảm nhẹ
Theo ý kiến của một số luật gia, xét về mặt đạo đức, hoàn cảnh của gia đình bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa là thương tâm và đáng được thông cảm. Nhưng theo các quy định pháp luật hiện hành thì không thể xem là một tình tiết có thể giảm tội cho Nguyễn Đức Nghĩa...
Chưa có tiền lệ
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Mạnh (Công ty luật BizLink), nhận định: "Như chúng ta biết, việc xử tội chết cho những người có hành vi giết người theo kiểu "giết người đền mạng" đã xuất phát từ thời trung cổ. Góc độ khác, theo suy nghĩ của tôi, với tội danh giết người và khung hình phạt tử hình, tức tước bỏ đi sinh mạng của một người nữa cũng là việc cần phải cân nhắc cẩn trọng. Khi một kẻ ác gây tội ác, cũng không nhất thiết phải tước bỏ đi mạng sống của người đó. Cũng đã từng có những quan điểm cho rằng án tử hình không hẳn là biện pháp tối ưu nhất. Cách ly vĩnh viễn một kẻ tội đồ cũng là một điều có ích cho xã hội. Song một hành vi vi phạm bị xử lý, không chỉ có ý nghĩa với chính những người liên quan đến vụ án đó, mà còn có mục đích răn đe, ngăn chặn một hành vi tương tự.
Với quan điểm đó, trong tình huống cụ thể của vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, có rất nhiều điều đáng quan tâm, cả về dư luận xã hội ở thời điểm ngay khi vụ án xảy ra cũng như dư âm của vụ án đối với xã hội sau này. Vì vậy ,chắc chắn cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải có quan điểm rõ ràng khi cầm cân nảy mực trên các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Tình huống bố hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa vừa qua đời trong một vụ tai nạn giao thông vừa qua, là một mất mát rất lớn với bất kỳ gia đình nào, rất đáng được thông cảm. Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề, liệu đây có phải là tình tiết để xem xét giảm nhẹ hình phạt, theo quy định pháp luật hiện hành là không có và theo thông tin mà tôi biết, nó cũng không có tiền lệ. Với mỗi công dân khi đủ 18 tuổi, là tự mình phải chịu mọi trách nhiệm do hành vi của mình gây ra với xã hội, chứ không ai chịu thay cho hành vi pháp lý của họ.
Về vấn đề tố tụng, hiện nay ở Việt Nam có mức án chung thân, tức về mặt lý thuyết một bị cáo có mức án chung thân, vẫn có cơ hội quay trở lại hoà nhập cộng đồng, nếu cải tạo tốt, được ân xá, hưởng lượng khoan hồng của pháp luật đúng như tinh thần hướng thiện của dân ta. Có những nước, họ có án tù vĩnh viễn, tức bị cáo không có cơ hội hoà nhập cộng đồng. Bị cách ly khỏi cuộc sống xã hội một cách vĩnh viễn. Tôi nghĩ cách ly vĩnh viễn cũng là một hình phạt đủ sức nặng. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên mỗi vụ án có những tình tiết, tình huống khác nhau. Trên tinh thần thuợng tôn pháp luật, song cũng không phải là không xét đến tính nhân văn trong mỗi vấn đề".
Ý kiến gia đình bị hại có vai trò quan trọng
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng khẳng định: "Theo Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, sự việc bố của bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa bị chết, trong khi Nghĩa đang đối mặt với án tử hình, gia đình không có người nối dõi (dòng họ), thì không phải là một trong những tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật".
"Tuy nhiên, tôi thấy đây là trường hợp đặc biệt mà các cơ quan hữu quan cần phải xem xét. Cụ thể, trong quá trình xét xử, HĐXX có thể ân giảm án tử hình cho bị cáo Nghĩa. Việc ân giảm này phải được ghi rõ trong biên bản nghị án và chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ khi gia đình bị hại không có phản ứng (được gia đình bị hại chấp thuận). Nói cách khác, việc này chủ yếu phụ thuộc vào thái độ gia đình người bị hại. Nếu gia đình bị hại đồng cảm, mọi việc rất có thể... Ngoài ra, nếu HĐXX vẫn y án sơ thẩm, thì gia đình bị cáo có thể làm đơn xin được ân giảm gửi lên Chủ tịch nước xem xét; hoặc làm đơn gửi Chánh án TANDTC, Viện KSNDTC đề nghị xem xét ân giảm tội cho Nghĩa" -Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ nhận xét.
Luật sư Tỵ cũng cho biết, trong mấy chục năm làm nghề thẩm phán, và hiện nay đang hành nghề luật sư, ông chưa từng gặp trường hợp tương tự, kể cả ông đã tham khảo quá trình xét xử các vụ án hình sự nổi tiếng ở nước ngoài.
Cũng trong chiều qua (1/11/2010), trao đổi với PV một vị nguyên là Thẩm phán Toà hình sự của TANDTC đã cho rằng, về tình huống đặc biệt xảy ra này cũng chưa phải là tình tiết giảm nhẹ để tha tội chết cho bị cáo. Ở góc độ tình cảm, vị thẩm phán này cho rằng hoàn cảnh của gia đình của bị cáo là rất đáng cảm thông. Mặt khác vị thẩm phán này cho rằng, nếu chỉ xét về mặt thuần tuý pháp lý, thì tình huống này không ảnh hưởng gì đến việc xét xử của vụ án. Việc này cũng chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, xét theo diễn biến và quá trình của vụ án, có thể dựa trên tinh thần cân nhắc, khoan hồng của gia đình bị hại để xem xét đến việc có tha tội chết cho bị cáo Nguyễn đức Nghĩa hay không. Tức là ngoài vấn đề pháp lý, quy định của pháp luật, HĐXX cũng có thể xem xét ý kiến của gia đình nạn nhân (nếu có) trong quá trình xét xử.
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự Theo Điều 46 của Bộ luật Hình sự hiện hành thì các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra; Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra; Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức; Phạm tội do lạc hậu; Người phạm tội là phụ nữ có thai; Người phạm tội là người già; Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; Người phạm tội tự thú; Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm; Người phạm tội đã lập công chuộc tội; Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác. Luật cũng quy định: Khi quyết định hình phạt, Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật Hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ngà - nguyên Trưởng ban Gia đình (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc) Giảm án tức là cứu mẹ của Nguyễn Đức Nghĩa Tôi theo dõi từ đầu vụ án Nguyễn Đức Nghĩa giết người. Hành vi phạm tội của Nghĩa, theo quy định của pháp luật, bị xử phạt tử hình là đúng tội. Hôm xử phúc thẩm, khi luật sư vắng mặt, hoãn phiên toà, tôi nhìn thấy nụ cười của Nghĩa, tôi không thích nụ cười đó. Nụ cười đó hàm chứa một cái gì đó khó giải thích nhưng làm người ta không thiện cảm... Người đau đớn nhất trong vụ án này là cha, mẹ Nghĩa. ông Hùng - bố của Nghĩa là người theo con suốt chặng đường từ khi vụ việc xẩy ra. Biết con bị tuyên án tử hình, ông Hùng vẫn cố hết sức nhằm cứu vãn, con sống được ngày nào hay ngày đó. Vì lo cho con, trên đường đi thăm con về người cha đã bị tai nạn và chết. Nhà có 2 người đàn ông thì bố vừa chết vì tai nạn, đứa con đang trong tù với bản án tử hình treo lơ lửng trên đầu, với hoàn cảnh này mẹ Nghĩa là người đau khổ nhất. Theo tôi, xét về tình người, thì sắp tới, ở phiên toà phúc thẩm, toà nên xem có tình tiết nào áp dụng, có thể giảm nhẹ hình phạt cho Nghĩa từ tử hình, xuống chung thân được không?. Nếu được, theo tôi, đó là nghĩa cử cao đẹp, nhân đạo rất lớn của pháp luật. Vì Nghĩa là con trai duy nhất của gia đình, bố Nghĩa vừa qua đời vì tai nạn. Nếu Nghĩa được xem xét, được giảm hình phạt, có nghĩa là có cơ hội để chăm sóc mẹ sau này - người đàn bà đã quá khổ đau. Tôi mà ở trường hợp của mẹ Nghĩa, chắc tôi không sống nổi sau cái chết của chồng và những sức ép từ đứa con mang án giết người.
Theo Đời sống pháp luật
Lý do gia đình bị hại kháng cáo? Sau khi Tòa quân sự quân khu Thủ đô tuyên án đối với Thuận, Hà, Tiệp, gia đình nạn nhân phản ứng rất gay gắt. Họ cho rằng, so với hành vi tàn ác của các bị cáo, mức án tòa tuyên là quá nhẹ và thấp hơn đề nghị của VKS quân sự. Gia đình anh Hưng cho hay, theo tòa, các...