Công an khẳng định tịch thu xe đúng pháp luật
Hôm nay, các bộ Ngoại giao, Công an, Tài chính, GTVT sẽ có cuộc họp để bàn biện pháp tháo gỡ.
Trước những ý kiến trái chiều xung quanh việc xử lý xe ô tô biển ngoại giao lưu hành bất hợp pháp, đại diện Công an tỉnh Phú Thọ khẳng định việc họ ra quyết định xử phạt, tịch thu phương tiện là đúng quy định pháp luật.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, thượng tá Nguyễn Khắc Hoạt, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Phú Thọ, cho biết việc đơn vị này tiến hành tạm giữ 25 xe ô tô biển ngoại giao và ra quyết định tịch thu, đấu giá 11 chiếc là đúng theo các văn bản pháp quy của các cơ quan nhà nước, như: bộ Công an, Tài chính…
Xe mang biển số ngoại giao (hình mang tính minh họa) – Ảnh: chụp lại Internet
Ông Hoạt nói, trong quá trình kiểm tra, thu giữ các xe ô tô nói trên cho thấy đây là thủ đoạn trốn thuế, gây thiệt hại cho nhà nước nhiều tỉ đồng. Theo quy định, nhân viên ngoại giao trong thời gian công tác tại Việt Nam thì được mang theo một xe ô tô để sử dụng và được miễn toàn bộ thuế nhập khẩu và các loại phí. Khi hết nhiệm kỳ về nước thì nhân viên ngoại giao phải mang xe về nước, thực hiện theo diện tạm nhập, tái xuất. Trường hợp không tái xuất thì người đứng tên sở hữu phương tiện phải tiêu hủy phương tiện hoặc phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu và bán lại cho người trong nước sử dụng. “Trên thực tế, nhiều người đã trốn tránh các quy định này bằng cách thực hiện việc mua bán núp bóng dưới các giao dịch công chứng ủy quyền. Sau đó, người mua các phương tiện này vẫn dùng biển ngoại giao để lưu thông trên đường mà không có cơ quan chức năng nào xử lý”, ông Hoạt nói.
Ông Hoạt cho rằng, trong sự việc này, người nộp thuế và trốn thuế chính là các nhân viên ngoại giao. Bản thân những người mua xe cũng biết rõ về nguồn gốc xe và biết rõ việc mua bán khi chưa thực hiện nghĩa vụ thuế là bất hợp pháp, nhưng vẫn làm. “Trong những sự việc này chúng tôi đặt ra vấn đề, nếu anh là người mua xe tại sao anh không thực hiện việc sang tên đổi chủ? Anh sử dụng phương tiện có giá trị lớn nhưng lại không chứng minh được đây là sở hữu của anh, của đơn vị anh, giấy tờ xe không đầy đủ thì chúng tôi phải tạm giữ xe”, ông Hoạt nói.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, trước thực trạng hàng ngàn xe ô tô mang biển ngoại giao lưu hành bất hợp pháp cũng như sự bối rối của các cơ quan chức năng trong việc xử lý, hôm nay (3.10), các bộ Ngoại giao, Công an, Tài chính, GTVT sẽ có cuộc họp để bàn biện pháp tháo gỡ.
Theo 24h
Dùng mắm tôm, cá thối cưỡng đoạt tiền
Sáng 1-10, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Tưởng (SN 1979, trú tại phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) cùng 3 đồng phạm khác liên quan đến vụ cưỡng đoạt tài sản.
Cuối năm 2009, qua sự giới thiệu của anh Hoàng Ngọc Tùng (SN 1981, trú tại phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình), Nguyễn Văn Tưởng mua của ông Hoàng Ngọc Toán (là bố đẻ của anh Tùng, SN 1950) mảnh đất có diện tích 38,5m2 trên địa bàn phường Khương Đình với giá hơn 508 triệu đồng. Khi mua bán, hai bên chỉ có giấy tờ viết tay và không có xác nhận của UBND phường. Đầu năm 2010, biết mảnh đất này nằm trong quy hoạch xây dựng khu vui chơi giải trí của phường, Tưởng gặp anh Tùng đòi lại tiền nhưng bị từ chối.
Bực tức vì không đòi được tiền, ngày 9-11-2011, Tưởng thuê một thanh niên tên Lâm (chưa xác định được nhân thân), đưa Dương Ngọc Anh (SN 1977, trú tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân), Hoàng Trọng Hiệp (SN 1977, trú tại phường Văn Miếu) và Nguyễn Hải Long (SN 1967, trú tại phường Khương Thượng) cùng quận Đống Đa, đến gặp Tưởng bàn bạc việc đòi tiền. Hai bên thỏa thuận, nếu đòi được tiền, Tưởng sẽ cắt lại cho Ngọc Anh 50% số tiền trên. Đồng thời, Tưởng ứng trước cho Ngọc Anh 12 triệu đồng làm chi phí đi lại.
Sau đó, nhiều lần Tưởng dẫn Ngọc Anh, Hiệp và Long đến nhà anh Tùng chửi bới, đe dọa, đổ mắm tôm, cá thối vào cửa và bắt anh Tùng phải trả tiền cho Tưởng. Tối 23-11, Ngọc Anh cùng Lâm và bạn của Lâm tiếp tục đến tìm và gặp anh Tùng đang uống cà phê ở gần nhà liền vào chửi bới, đe dọa. Tại đây, Ngọc Anh dùng gạt tàn thuốc lá bằng thủy tinh đập thẳng vào mặt anh Tùng khiến nạn nhân phải bỏ chạy. Thấy thế, Lâm và bạn đuổi theo đánh anh Tùng làm anh Tùng phải vào bệnh viện Xanh-Pôn điều trị.
Không từ bỏ ý định đòi tiền, Tưởng và nhóm Ngọc Anh vẫn thường xuyên đe dọa anh Tùng. Sợ lại bị Tưởng và đồng bọn dùng mắm tôm, cá thối đến đòi nợ, trưa 5-12-2011, anh Tùng cầm 70 triệu đồng, hẹn Tưởng đến quán cà phê tại phố Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình để trả trước. Theo hẹn, Tưởng cùng Dương Ngọc Anh, Hoàng Trọng Hiệp và Nguyễn Hải Long đến quán cà phê để nhận tiền. Trong khi Tưởng và đồng bọn đang nhận tiền thì bị cơ quan công an bắt quả tang.
Hành vi trên của Nguyễn Văn Tưởng, Dương Ngọc Anh, Hoàng Trọng Hiệp và Nguyễn Hải Long đã bị Viện KSND TP Hà Nội cáo buộc phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Tại phiên tòa sáng qua, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, HĐXX đã ra quyết định tuyên phạt bị cáo Ngọc Anh 42 tháng tù, còn Long và Hiệp cùng mức án 36 tháng tù. Mặc dù giữ vai trò là bị cáo đầu vụ nhưng có nhân thân tốt, chưa tiền án tiền sự và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên Nguyễn Văn Tưởng chỉ bị tuyên phạt 30 tháng tù và cho hưởng án treo.
Theo ANTD
'Ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn đã giảm' Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nhận định, ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM đã có nhiều cải thiện sau khi mỗi địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp. Hà Nội chỉ còn 67 điểm ùn tắc, giảm 46% so với cuối năm 2010. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 26/9, Bộ trưởng GTVT Đinh...