Công an Hà Nội thí điểm tổ đặc biệt 140: Có chồng chéo?
Tổ công tác liên ngành 140 vừa được Công an TP Hà Nội triển khai thí điểm xử lý vi phạm giao thông, ngăn chặn phòng ngừa các hành vi vi phạm khác. Nhiều ý kiến cho rằng, tổ công tác 140 có thành phần tham gia và nhiệm vụ trùng với tổ công tác liên ngành 141.
Tổ công tác liên ngành xử lý vi phạm
Tương tự tổ liên ngành 141
Ngày 28/5 Công an TP Hà Nội triển khai thí điểm 3 tổ công tác theo kế hoạch 140 (tổ công tác 140) tuần tra, xử lý vi phạm về trật tự xã hội, an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn quận Cầu Giấy. Tổ công tác 140 do Đội CSGT-TT quận Cầu Giấy chủ trì phối hợp với cảnh sát hình sự, cảnh sát ma túy và công an phường địa bàn tổ chức cắm chốt tại một số vị trí trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.
Theo đó, các tổ công tác đặc biệt này sẽ dừng các phương tiện kiểm tra nhằm đảm bảo trật tự ATGT, trật tự xã hội. Tổ công tác này thực hiện song song với kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện của Cục CSGT và các đơn vị xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, đối với những trường hợp có căn cứ hoặc nghi vấn liên quan tới tội phạm hình sự, tổ công tác sẽ sử dụng nghiệp vụ, trấn áp kịp thời, thu giữ tang vật sau đó đưa về trụ sở công an phường gần nhất để phối hợp xử lý.
Anh Nguyễn Minh Ngọc (28 tuổi, ở Cầu Giấy) chia sẻ, anh đồng tình với việc thí điểm tổ công tác đặc biệt 140 xử lý nghiêm vi phạm trật tự, đối tượng phạm pháp hình sự. Tuy nhiên, anh cho rằng hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có nhiều lực lượng cảnh sát tham gia xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Cụ thể, Phòng CSGT Hà Nội có 15 đội tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đường bộ, đường sắt và 30 tổ công tác liên ngành 141. Trong đó, 30 tổ công tác liên ngành 141 cũng do lực lượng CSGT chủ trì, phối hợp với CSCĐ, cảnh sát ma túy, hình sự và công an các phường địa bàn tổ chức cắm chốt luân phiên tại các điểm trọng yếu xử lý vi phạm giao thông. Các tổ công tác liên ngành 141 cũng xử lý mạnh tay đối với các hành vi vi phạm trật tự, gây rối, tội phạm hình sự, ma túy, mang theo hung khí, vật liệu nổ…
“Quá nhiều đơn vị, tổ chức tham gia lập chốt, xử lý vi phạm giao thông. Nhiều người lo ngại cán bộ sẽ nhũng nhiễu, lạm quyền. Ngoài xử lý vi phạm giao thông, các tổ công tác liên ngành 141 đã triển khai rất hiệu quả phòng chống tội phạm gây rối trật tự, phạm pháp hình sự khác… Do đó, tôi cho rằng các tổ công tác 140 sẽ chồng chéo nhiệm vụ”.
Video đang HOT
Ngoài ra, lực lượng TTGT, cảnh sát trật tự các quận, huyện thường xuyên tuần tra xử lý vi phạm về trật tự lòng đường vỉa hè, các vi phạm khác theo quy định. Vào buổi tối tại Hà Nội, lực lượng CSCĐ cũng duy trì nhiều tổ tuần tra lưu động nhằm phát hiện, xử lý các đối tượng gây rối trật tự, cướp giật, lạng lách đánh võng, đua xe trái phép và các đối tượng vi phạm khác.
Còn anh Đỗ Quốc Quân (30 tuổi) cho rằng, việc thí điểm hoặc triển khai rộng rãi các tổ công tác liên ngành 140 có thể chồng chéo nhiệm vụ với nhiều đơn vị cảnh sát. Việc này có thể tạo tâm lý lo sợ “cứ ra đường sẽ bị phạt” cho người tham gia giao thông. Đặc biệt trong bối cảnh tăng mức phạt theo Nghị định 100 đối với nhiều hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ, đường sắt.
CSGT có được dừng xe không lỗi sau tổng kiểm soát?
Vừa qua, Cục CSGT – Bộ Công an triển khai kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện tham gia giao thông trong một tháng (từ 15/5-14/6). Qua đó, cảnh sát dừng xe kiểm tra phương tiện không cần lỗi ban đầu, đặc biệt kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn như: nồng độ cồn, ma túy, giấy tờ tùy thân của người điều khiển và ngồi trên phương tiện… Kế hoạch vừa kết thúc, nhiều độc giả thắc mắc sau tổng kiểm soát, lực lượng CSGT có được dừng xe mà không cần chỉ ra lỗi ban đầu?
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Cục CSGT – Bộ Công an cho biết, không chỉ đến khi triển khai kế hoạch tổng kiểm soát, lực lượng CSGT mới dừng xe không cần lỗi ban đầu mà trước đó đã thực hiện việc này theo quy định tại Thông tư 01/2016 của Bộ Công an.
Cụ thể, tại khoản 2, điều 12 Thông tư 01 quy định, CSGT được dừng xe kiểm soát trong năm trường hợp: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ; Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục CSGT hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên; Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.
Ngoài ra, cảnh sát dừng xe kiểm tra khi có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; Văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác hoặc có tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
'Ma men' lái xe là đảng viên, công chức sẽ bị báo về cơ quan
Cục CSGT có công điện chỉ đạo lực lượng CSGT Công an các tỉnh thành tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Để luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ đạt được hiệu quả cao nhất, trong những ngày qua, lực lượng CSGT cả nước đã đồng loạt ra quân, tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra nồng độ cồn người vi phạm
Sau 5 ngày thực hiện nghị định 100/NĐ-CP, CSGT toàn quốc đã xử lý 1.518 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Một số địa phương có kết quả xử lý cao như: Tây Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk, Hà Nội, TP.HCM...
Tuy nhiên, tình trạng người điều khiển phương tiện không hợp tác, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có hành động, thái độ chống lại cán bộ, chiến sĩ thi hành nhiệm vụ... vẫn diễn ra tại một số địa phương.
Để khắc phục tình trạng này, Cục CSGT đã yêu cầu Trưởng Phòng CSGT Công an các địa phương tiếp tục tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện có, tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Công an các địa phương khi tổ chức kiểm soát vi phạm nồng độ cồn cần lồng ghép kiểm soát xử lý vi phạm về ma túy; lựa chọn vị trí kiểm soát phù hợp, xác định khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, sử dụng cọc tiêu hoặc dây căng khoanh vùng kiểm soát; dùng camera ghi lại toàn bộ hoạt động kiểm soát để phục vụ việc xử lý vi phạm.
Huy động các lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Công an cơ sở phối hợp với lực lượng CSGT kiểm soát chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn; kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức đưa tin, tuyên truyền về hành vi, thái độ của người vi phạm và kết quả kiểm soát, xử lý vi phạm ngay tại hiện trường.
Đối với trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành, có thái độ, hành vi chống đối thì tổ chức lực lượng, không chê đưa về trụ sở Công an nơi gần nhất và xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định.
Nếu người vi phạm là đảng viên, lực lượng vũ trang, cán bộ công chức thì thông tin với cơ quan, đơn vị công tác để phối hợp xử lý.
Đình Hiếu
Theo Vietnamnet
Thí điểm vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng thoáng nóc Thủ tướng Chính phủ đồng ý thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng thoáng nóc tại các tỉnh: Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương triển khai hoạt động thí điểm; trong đó lưu ý...