Công an Hà Nội: Cơ quan càng to càng chiếm nhiều vỉa hè, lòng đường
Ông Nguyễn Xuân Đình – Trưởng phòng Cảnh sát Trật tự Công an TP Hà Nội – cho biết, hiên có tới 395 điểm trông giữ xe ở vỉa hè, lòng đường là của các cơ quan, bệnh viện, trường học, trong đó tới hơn 200 điểm không phép. Đặc biệt là cơ quan càng to thì càng không chấp hành, càng chiếm hết vỉa hè, lòng đường.
Ngày 4/3, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị của Ban chỉ đạo 197 thành phố. Tại đây, ông Nguyễn Xuân Đình – Trưởng phòng Cảnh sát Trật tự CATP Hà Nội – đánh giá, tại khu vực nội thành tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện vẫn diễn biến phức tạp như ở Tăng Bặt Hổ, Hào Nam, Ô Chợ Dừa, Trần Khát Chân…
Trên các tuyến phố cổ, phố cũ ở quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, việc tổ chức trông giữ phương tiện chưa thống nhất theo quy định của thành phố. Tình trạng trông giữ phương tiện trái phép, quá giá ở xung quanh các khu vực vui chơi, giải trí, đình đền chùa còn diễn ra phức tạp.
Ông Nguyễn Xuân Đình – Trưởng phòng Cảnh sát Trật tự CATP Hà Nội
Thời gian qua lực lượng cảnh sát trật tự CATP Hà Nội tập trung vào việc xử lý các điểm nhức nhối trong việc trông giữ phương tiện, qua đó phát hiện nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, trên địa bàn có 939 điểm trông giữ xe, trong đó hơn 600 điểm trên vỉa hè, 300 điểm dưới lòng đường, đặc biệt trong đó có hơn 200 điểm là không có phép…
Trong số điểm trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường, đáng chú ý là có tới 395 điểm ở trước cửa các cơ quan, bệnh viện, trường học, đặc biệt là các cơ quan Trung ương. Trong 395 điểm, chỉ có 185 điểm có phép, còn lại toàn bộ là ở cửa các cơ quan nhà nước đều không có phép. “Đặc biệt cơ quan càng to thì càng không chấp hành, chiếm hết vỉa hè, lòng đường không còn lối đi”, ông Đình chỉ rõ.
Trưởng phòng Cảnh sát Trật tự CATP Hà Nội cho biết, trong năm 2016, đơn vị này đã tập trung xử lý, phạt hành chính 83 tỷ đồng các điểm trông giữ xe ở vỉa hè, lòng đường sai phạm. Qua thống kê, ông Đình đánh giá có những quận xử lý rất nghiêm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Qua việc xử lý quyết liệt, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường ở những địa bàn này có chuyển biến tích cực.
Video đang HOT
Trước hội nghị, ông Đình chỉ rõ những khó khăn, bất cập của lực lượng cảnh sát trật tự trong việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng được. Cụ thể như chưa có thống nhất trong việc lực lượng cảnh sát trật tự khi làm nhiệm vụ có được giữ đồ vật hay không. “Hiện nay tâm lý công an các phường đang ngại giữ đồ vật vi phạm, các đồng chí sợ rằng sẽ bị kiện. Thực tế, các anh em giờ rất run trong việc giữ đồ vật vi phạm”, ông Đình nêu rõ.
Qua thực tế xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, ông Đình nêu rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cơ sở hạ tầng của thành phố hiện chưa đồng bộ, nhiều tuyến phố chưa đủ sắp xếp xe cho người dân. Thực tế, các các quan nhà nước khi bị xử phạt nặng hơn người dân thì cũng “phớt lờ” không chấp hành quy định. Ngoài ra, chính quyền địa bàn cũng chưa vào cuộc quyết liệt, mà gần như chỉ giao khoán cho lực lượng công an.
Quang Phong – Tiến Nguyên
Theo Dantri
Cần Thơ xử lý lấn chiếm vỉa hè 'theo cách riêng'
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu việc lập lại trật tự đô thị, xử lý lấn chiếm vỉa hè cần đúng quy định, nhưng phải xem xét đến điều kiện sinh sống của người dân.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Công an, ngay đầu tháng 3, đã yêu cầu ngành chức năng và chính quyền các địa phương phối hợp với lực lượng công an, nghiêm túc lập lại trật tự đô thị, đảm bảo an toàn giao thông... Quận trung tâm Ninh Kiều sẽ ra quân đầu tiên.
"Địa phương có cách riêng, tùy vào thực tế, không làm căng thẳng tình hình. Trước mắt, chọn một số tuyến đường, địa bàn trọng điểm, bức thiết làm cho hiệu quả tốt, sau đó giao cho phường quản lý; dứt khoát không tái lấn chiếm", ông Thống nhấn mạnh.
Công an Cần Thơ kiểm tra, xử lý việc lấn chiếm vỉa hè tại quận trung tâm Ninh Kiều. Ảnh: Cửu Long.
Người đứng đầu chính quyền TP Cần Thơ cho rằng, việc thực hiện phải xem xét đến điều kiện sinh sống của người dân. Các công trình kiến trúc đã lỡ xây dựng xâm phạm vỉa hè rồi thì phải có biện pháp hợp lý, đúng trình tự quy định pháp luật.
"Phải cho họ thời gian khắc phục, nếu không thì lập biên bản phạt hành chính và tiến hành các bước tiếp theo", ông Thống nói.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết, đặc thù của quận là phát triển trên nền cơ sở hạ tầng của TP Cần Thơ cũ, nên nhiều khu vực lòng lề đường còn chật hẹp, không có bãi đậu xe công cộng...
Thời gian qua, quận tập trung quản lý trật tự đô thị nên tình hình có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn chưa dứt điểm việc người dân tự ý xây các bậc lên xuống, cơi nới để sản xuất, kinh doanh, lắp biển quảng cáo lấn chiếm vỉa hè... gây cản trở giao thông.
"Thật sự là rất khó làm như quận 1, TP HCM vì lực lượng mỏng. Tuy nhiên, tùy vào thực tế mà chúng tôi có cách làm phù hợp", ông Ánh nói và cho biết, đoàn đi dẹp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì không thể hết 200 tuyến đường trên địa bàn, chưa kể rất nhiều con hẻm.
Vì vậy, trước hết các phường phải kiểm tra, rà soát, lập danh sách những điểm người dân, cơ quan, đơn vị lấn chiếm và đề ra biện pháp xử lý. Nhưng phải tuyên truyền, vận động và cho người vi phạm cam kết tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu trong vòng 10-15 ngày.
Sau đó kiểm tra lại, nơi nào chưa thực hiện sẽ lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ trong một tuần. Nếu họ cố tình không chấp hành thì đoàn kiểm tra của quận xuống xử phạt, cưỡng chế tháo dỡ. Thời gian cho toàn bộ quy trình này mất khoảng một tháng.
"Quận sau đó sẽ lập biên bản bàn giao địa bàn lại cho phường. Nếu để tái diễn lấn chiếm thì người đứng đầu chính quyền địa phương sẽ bị xử lý", ông Ánh khẳng định.
Theo Phó chủ tịch quận Ninh Kiều, thời gian qua, trong các đợt kiểm tra xử lý vi phạm trật tự đô thị, cũng có một số trường hợp căng thẳng, to tiếng nhưng không xảy ra điểm nóng, không chống đối...
Phó chủ tịch phụ trách đô thị quận trung tâm ở Cần Thơ nói cũng rất cân nhắc, đắn đo trong xử lý. "Có người biết sai nhưng vẫn làm là vì cuộc sống cả gia đình", ông Ánh nói và cho rằng ngoài việc cương quyết lập lại trật tự đô thị thì phải có chính sách cho người "buôn gánh bán bưng" chuyển nghề, có việc làm để ổn định cuộc sống.
Quận Ninh Kiều đã lập hai chợ đêm và một khu bán hàng rong tại những địa bàn có đông người dân vui chơi và du khách lui tới để nhiều người vào buôn bán, hạn chế tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè.
Từ tháng 2, quận 1, TP HCM quyết liệt "đòi vỉa hè" cho người đi bộ. Sau đó, các quận khác của TP HCM và Hà Nội cũng đồng loạt ra quân lập lại trật tử đô thị, xử lý nghiêm việc lấn chiếm vỉa hè...
Mới đây, thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an chỉ đạo công an phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, xử lý việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm trật tự giao thông, kiên quyết không để tái diễn vi phạm...
Cửu Long
Theo VNE
Nhiều quận ra thời hạn để dân "tự xử" việc lấn chiếm vỉa hè Với quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ, sáng 28-2, lực lượng chức năng quận 1, quận 3, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Tân đồng loạt ra quân kiểm tra, xử phạt các trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Lực lượng Cảnh sát trật tự quận Phú Nhuận lập biên bản một nhà hàng cho xe dừng lấn chiếm vỉa...