Cổng 1400: 1 phút có 70 triệu đồng vì người nghèo
Kêu gọi toàn thể xã hội, những người có điều kiện kinh tế cùng nhắn tin gửi tới Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 ngay từ bây giờ để giúp người nghèo thay đổi cuộc sống.
Ngày 19-8, Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia ủng hộ người nghèo năm 2019 bắt đầu mở để tiếp nhận ủng hộ từ xã hội. Việc này nhằm mục đích thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của Quốc gia, hướng tới Tháng cao điểm vì người nghèo (17-10 đến 18-11), “ Ngày Quốc tế chống đói nghèo”, “Ngày Vì người nghèo ở Việt Nam” (17-10).
Hoạt động này cũng được xác định là để hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Phát biểu tại sự kiện này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trước đây đã có chương trình truyền hình trực tiếp “Nối vòng tay lớn” được tổ chức thường niên vào tối 31-12 hằng năm rất thành công nhưng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, chương trình này bị gián đoạn.
“Chương trình năm nay có nhiều điểm mới. Chương trình phát động sớm hơn 2 tháng, đúng vào ngày kỉ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Có sự thay đổi về công nghệ để những người có điều kiện chỉ cần 1 tin nhắn thôi sẽ gửi được tối đa gấp 100 lần mệnh giá 1 lần nhắn tin 20.000 đồng, tức là được 2 triệu đồng/tin nhắn. Cùng với tính chất lan tỏa của chương trình ngày càng lớn hơn và đợt cao điểm, tính hiện đại, nhân văn ngày càng sâu sắc hơn, chương trình sẽ thành công và cá nhân tôi hy vọng số tiền vận động sẽ tăng 5-10 lần”, Phó Thủ tướng nói.
Kể từ năm 2017 đến nay, thực hiện phát động của Thủ tướng “Cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau”, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thường niên chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” vào ngày 17/10 nhằm tiếp tục lan toả tinh thần tương thân tương ái đến các tầng lớp xã hội.
Tại chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2018, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và cá nhân ở trong và ngoài nước đã đăng ký và thực hiện ủng hộ hơn 3.000 tỷ đồng, là nguồn lực quan trọng cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện mục tiêu cao cả “không ai bị bỏ lại phía sau”. Riêng hoạt động nhắn tin ủng hộ qua tổng đài 1400 đã thu được hơn 6,3 tỷ đồng trong tháng 10/2018.
Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp để bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo”.
Năm nay, Quỹ vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội sẽ sử dụng số tiền ủng hộ của xã hội cho 3 mục tiêu chính: Xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo, đặc biệt là người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thi đỗ vào đại học, cao đẳng; tặng quà Tết cho người nghèo.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng kêu gọi toàn thể xã hội, những người có điều kiện kinh tế cùng nhắn tin gửi tới Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 ngay từ bây giờ để giúp người nghèo thay đổi cuộc sống.
Trong vòng 1 phút sau khi mở Cổng Thông tin nhân đạo Quốc gia 1400, số liệu ghi nhận có 1.500 tin nhắn với tổng giá trị hơn 70 triệu đồng ủng hộ người nghèo.
Tin nhắn ủng hộ, đóng góp vì người nghèo theo cú pháp: “VNN n” gửi 1408 (trong đó, n là số lần ủng hộ 20.000 đồng; n giới hạn từ 1-100); không giới hạn số lần nhắn tin. Với mỗi tin nhắn, chủ thuê bao di động sẽ đóng góp tối thiểu 20.000 đồng vì người nghèo.
CHÂN LUẬN
Theo PLO
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Đê cao có thể vỡ vì tổ mối nhỏ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ bên cạnh việc đấu tranh phòng, chống những "đại án," vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng, chủ trương của Đảng, Quốc hội đều nhấn mạnh đến vấn đề "tham nhũng vặt."
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trả lời nhiều vấn đề đại biểu đề cập trong suốt một ngày làm việc.
Phó Thủ tướng cho biết nghị quyết chuyên đề và bốn kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với những nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, mốc thời gian thực hiện rõ ràng và được Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng đã tạo nhiều thuận lợi cho điều hành của Chính phủ và Thủ tướng, đồng thời cũng tạo ra áp lực cho các bộ trưởng và trưởng ngành trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Sau khi có các nghị quyết, kết luận này, Chính phủ và Thủ tướng đã tổ chức triển khai nghiêm túc và đã đạt được một số kết quả tích cực, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội và an sinh xã hội, cũng như củng cố quốc phòng-an ninh.
Công khai rộng rãi tình trạng nợ đọng văn bản
Trả lời ý kiến đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn), Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) về công tác xây dựng pháp luật, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã dành nhiều thời gian hơn trong các phiên họp thường kỳ, các bộ, ngành vào cuộc quyết liệt hơn, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc nên đã có nhiều chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại hạn chế như văn bản trình còn chậm, chất lượng một số dự án còn hạn chế, tình trạng rút dự án luật, tình trạng nợ đọng thông tư, nghị định tuy giảm khá mạnh so với trước nhưng vẫn còn.
Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng văn bản là do chưa tuân thủ quy trình, trình tự theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sự quan tâm chỉ đạo của một số tư lệnh ngành, lĩnh vực còn chưa đúng mức.
Một số vấn đề giao quy định chi tiết trong các dự án luật vẫn chưa đánh giá kỹ khi xây dựng, trong khi thời gian cho phép ban hành còn ngắn mà phần lớn đây là những vấn đề khá phức tạp, có diễn biến nhanh chóng nên việc soạn thảo có khó khăn.
Bên cạnh đó, phối hợp giữa các cơ quan trong từng bộ và nhất là phối hợp liên bộ còn trục trặc, hạn chế. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đẩy mạnh việc này, đặc biệt thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Chính phủ và Thủ tướng sẽ cập nhật công khai rộng rãi tình trạng nợ đọng văn bản của từng bộ, ngành; tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc của lãnh đạo Chính phủ và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; năng lực xây dựng và triển khai pháp luật ở các bộ, ngành, Phó Thủ tướng nói.
Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi
Trước mối quan tâm của đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) về các chính sách và nguồn lực bố trí cho chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thời gian qua, Chính phủ đã bố trí hơn 5.500 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp đã bố trí đủ.
Để giải quyết căn cơ, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sẽ ban hành một chương trình quốc gia thứ 3 về phát triển kinh tế-xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và dân tộc miền núi.
"Với bộ ba xe-pháo-mã: nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, và chính sách cho dân tộc ít người, trong đó có một hợp phần riêng cho dân tộc ít người và rất ít người, chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra chuyển biến tích cực. Tích hợp 118 chính sách về dân tộc hiện nay thành một bộ chính sách trong chương trình mục tiêu quốc gia, nếu được phê duyệt, đây sẽ là dấu mốc quan trọng," Phó Thủ tướng thông tin.
Đầu tư dự án có tính chất liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Trả lời về phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ luôn quan điểm Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, và về nông nghiệp là cứ điểm chiến lược, nên tập trung đầu tư ở đây.
Thống kê của Chính phủ cho thấy trong 5 năm qua, tổng đầu tư ngân sách cho khu vực này đứng thứ 3 trong sáu vùng, chiếm 16,9%.
Nếu tính riêng phần ngân sách Trung ương hỗ trợ, khu vực này đứng thứ 3, với 18,26%. Như vậy, số vốn bố trí cho khu vực này không phải quá thấp, song, do vùng này có xuất phát điểm hạ tầng thấp, bị chia cắt, địa chất yếu, suất đầu tư cao và phải ứng phó với biến đổi khí hậu, do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Quang cảnh buổi chất vấn và trả lời chất vấn thuộc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Nhận ra vấn đề này, Chính phủ đã có Nghị quyết chuyên đề riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong 5 năm tới sẽ tập trung đầu tư dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết tiểu vùng, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh trên các tuyến đường bộ, đường thủy, đường sông, hàng không và đường sắt.
Về đường bộ, Phó Thủ tướng cho biết sẽ phải đầu tư cả tuyến dọc theo hướng Bắc-Nam và tuyến ngang theo hướng Đông-Tây. Về đường thủy, không ở đâu có lợi thế như khu vực này, cứ 1km diện tích có 0,6km sông, rạch suối, thích hợp phát triển dịch vụ logistics, kết nối với các nước lân cận.
Về hàng không, có thể nghiên cứu mở thêm một số đường bay mới kết nối cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, sớm nâng cấp cảng hàng không Phú Quốc.
Với đường sắt đang điều chỉnh quy hoạch, kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo vùng phải xây dựng danh mục dự án đầu tư ưu tiên để bố trí vốn trung hạn từ nay đến năm 2020 và 2025.
Theo Phó Thủ tướng, trước mắt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bố trí 2.146 tỷ đồng cho tuyến Trung Lương-Mỹ Thuận, bố trí Mỹ Thuận-Cần Thơ 932 tỷ đồng từ nguồn vượt thu năm nay để bố trí vốn cho các dự án này.
Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định phân bổ ngay để cùng với 3.000 tỷ đồng vốn của chủ sở hữu, 6.000 tỷ đồng vốn của tổ chức tín dụng sẽ cơ bản hoàn thành kết nối, thông tuyến tuyến đường quan trọng này, bảo đảm năm 2021 sẽ lưu thông được.
"Tham nhũng vặt" nhưng tác động không "vặt"
Liên quan đến vấn đề "tham nhũng vặt" được một số đại biểu đề cập trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ bên cạnh việc đấu tranh phòng, chống những "đại án," vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng, chủ trương của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng cũng như Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhấn mạnh đến vấn đề "tham nhũng vặt."
"Tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối dư luận nhân dân, liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức. Tuy là tham nhũng vặt nhưng tác động của nó không vặt chút nào. Người ta ví như con đê rất cao to, hùng vĩ, có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ và cái này tác động làm băng hoại đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp, đồng thời làm tăng chi phí không chính thức của người dân, doanh nghiệp," Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Theo Phó Thủ tướng, thực hiện chủ trương của Trung ương, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp. Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, bảo đảm thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo, vừa cản được chuyện tùy tiện trong quá trình thực thi pháp luật, "của cả anh thực thi và anh kiểm tra, cơ quan thanh tra, kiểm toán. Tránh chuyện nhũng nhiễu, sách nhiễu từ pháp luật."
Thứ hai, hoàn thiện quy định về quy chế, quy trình cho trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh cải cách hành chính công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công lên cấp độ 4 là trả tiền bằng mạng, thì lúc đó mới ngăn được người thực thi và người cung cấp dịch vụ công tham nhũng vặt. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra giám sát bằng công nghệ thông tin, camera giám sát và các hình thức khác.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, nhất là các ngành có rủi ro cao.
Thứ tư, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, kể cả đối với người được dịch vụ công phục vụ và người cung ứng dịch vụ công là cán bộ, công chức, viên chức, thay mặt cho Đảng và Nhà nước.
"Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 và tổ chức Hội nghị toàn quốc về vấn đề này, chúng ta chấn chỉnh nhũng nhiễu, sách nhiễu và vòi vĩnh của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong lĩnh vực này và tới đây sẽ tạo ra một số chuyển biến," Phó Thủ tướng nói.
Giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có 35 đại biểu chất vấn, ba lượt đại biểu tranh luận và hiện còn 12 đại biểu chưa được chất vấn, hai đại biểu chưa được tranh luận.
Tại phiên chất vấn, đã có 14 bộ trưởng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã cùng tham gia trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số nội dung và trực tiếp trả lời một số câu hỏi của đại biểu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát lại đối với các vấn đề đã được giám sát, chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiếp nối từ thành công của phiên chất vấn lại ở Kỳ họp thứ 6, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội; thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát.
Phiên chất vấn cũng là cơ hội để các thành viên chính phủ báo cáo, giải trình, làm rõ những vấn đề, nội dung còn tồn tại, hạn chế và đề xuất những chủ trương, giải pháp trong thời gian tới. Điều này là hết sức quan trọng nhất là trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội được đề ra cho cả nhiệm kỳ.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trước mỗi vấn đề bức xúc của người dân.
Các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ các báo cáo, hỏi thẳng vào vấn đề còn vướng mắc hoặc chưa được đề cập, làm rõ trong các báo cáo; tích cực tranh luận để đi đến cùng vấn đề.
Các Bộ trưởng, trưởng ngành đã dành thời gian quan tâm và chuẩn bị khá kỹ cho việc trả lời chất vấn, cơ bản nắm chắc và toàn diện vấn đề của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn nhận trách nhiệm, nêu được nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Qua các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và nội dung chất vấn cho thấy bức tranh tổng thể trong việc triển khai các yêu cầu trong các nghị quyết giám sát, kết luận chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều điểm sáng, nhưng cũng còn có nhiều nội dung, nhiều chỉ tiêu, yêu cầu chưa đạt, chưa giải quyết dứt điểm hoặc vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp căn cơ để triển khai, khắc phục.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
Theo Thanh Vân-Phan Phương (TTXVN/Vietnam )
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các Bộ trưởng trả lời chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn. Theo chương trình làm việc tại phiên họp 36, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành cả ngày 15/8 để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên...