Con trai Muammar Gaddafi từng tung hoành ở Serie A
Al-Saadi Gaddafi – con trai thứ 3 của nhà lãnh đạo Libya, “ông Vua con” từng một thời làm loạn bóng đá Libya và cả Italia – vừa bị quân nổi dậy bắt ở thủ đô Tripoli nhưng lại may mắn thoát chết.
Bóng đá Libya thời Gaddafi
Trong số các “hoàng tử” của nhà Gadafi, thì cậu con trai thứ 3 – Al-Saadi Gaddafi (sinh năm 1973) được người ta biết đến hơn cả. Vì Al-Saadi không chỉ có tài kinh doanh, hút xách, chỉ huy quân đội, “giết người như ngóe”, mà anh này còn có khả năng chơi bóng.
Con trai Muammar Gaddafi từng tung hoành ở Serie A
Al-Saadi (bên phải) trên khán đài
Thời còn thi đấu, Al-Saadi đã chơi cho 2 đội bóng nổi tiếng nhất giải VĐQG Libya là Alahly Tripoli và Al-Ittihad Tripoli, 2 đội bóng được ví như Roma và Lazio của Italia. Còn từ năm 2000 đến 2006, Al-Saadi là “ngôi sao” không thể thay thế trong màu áo ĐTQG Libya. Đó là sự thật, nhưng ngoài những người hâm mộ… khốn khổ ở Libya, người ngoài không được cái diễm phúc chứng kiến tài năng chơi bóng của “tiền đạo số 1″ Al-Saadi. Vậy khả năng chơi bóng của cựu đội trưởng ĐT Libya tài đến cỡ nào?
Khi cuộc nội chiến ở Libya nổ ra, một cựu tuyển thủ Libya mới dám thành thật “khai” trên FourFourTwo:”Nếu không có ông già (Muammar Gaddafi), nó (Al-Saadi) muôn đời chỉ là thằng nhặt bóng ở Tripoli”. Những lời tâm sự trên đủ cho người ta thấy rằng, tài năng của “ngôi sao” Al-Saadi đã làm lu mờ cả nền bóng đá Libya tại lục địa đen.
Video đang HOT
Tung hoành ở Serie A
Năm 2003, nhận thấy giải vô địch quốc nội Libya quá tầm thường so với tài năng của mình, Al-Saadi đã sang Ý dùng tiền mua luôn 7% cổ phần của Juventus và tự tiến cử mình với cựu Chủ tịch Perugia, Luciano Gaucci. Đến như 2 cầu thủ nữ người Thụy Điển là Victoria Svensson và Hanna Ljungberg, ông Gaucci còn thu nạp được nữa là “Vua con” đến từ Libya. Tuy nhiên, sau 2 mùa giải ở Perugia (2003-05), Al-Saadi chỉ thi đấu vỏn vẹn 15 phút và ẵm luôn giải Nhì trong cuộc đua “Thùng giác Vàng” mùa giải 2003/04. Rồi bằng các mối quan hệ cá nhân, Al-Saadi sang Udinese (2005/06) thi đấu 8 phút, đến Sampdoria (2006/07) mà chẳng được thi đấu phút nào. Tổng cộng trong 4 mùa giải ở Serie A với 3 đội bóng khác nhau, “Vua con” Libya thi đấu vỏn vẹn chỉ 23 phút.
Chỉ thế thôi, nhưng danh tiếng của tay chơi Al-Saadi thì khét tiếng trên toàn xứ sở mỳ ống. Hồi ấy, khi các tay ở Calcio đua nhau chơi siêu xe, thì Al-Saadi chơi hẳn chuyên cơ. Thậm chí, Ivano Milinaro, tay quản lý khách sạn 4 sao La di Moret tại Udine còn khẳng định trên ForForTwo rằng, số tiền mà “Vua con” Libya bỏ ra để thuê phòng VIP cùng đồ ăn và trang sức cho con chó cưng mang tên Dina cũng dư thừa cho các tay chơi Serie A chơi xe và bao gái.
Tụ điểm ăn chơi ưa thích nhất của Al-Saadi là hộp đêm Crazy Horse ở Paris, nên chuyên cơ của Al-Saadi bay từ Italia tới Pháp và ngược lại như cơm bữa. Còn tại Milan hay Rome, khi Al-Saadi đã chọn tụ điểm nào để… “đập đá” hoặc thác loạn, tức là tụ điểm ấy phải đuổi sạch khách.
Con trai Muammar Gaddafi từng tung hoành ở Serie A
Al-Saadi đã rơi vào tay quân nổi dậy
Bị bắt ở Tripoli
Tháng 2/2011, khi cuộc nội chiến giữa quân đội Chính phủ và quân nổi dậy bùng nổ, Al-Saadi sát cánh cùng bố trong vai trò Chỉ huy lực lược đặc biệt của quân đội Libya ở Tripoli. Tuy nhiên, tài năng và kinh nghiệm trận mạc của Al-Saadi cũng chẳng hơn bóng đá là bao, thế nên “tướng” Al-Saadi cứ chỉ huy trận nào là trận đó quân Chính phủ thua to, khu vực kiểm soát của cha con nhà Gaddafi dần nhỏ lại ở Tripoli và cho đến thời điểm 23/08 vừa qua, phe nổi dậy tuyên bố đã chiếm và kiểm soát tới 95%.
Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi lên tiếng kêu gọi phụ nữ Thủ đô hãy chiến đấu đến cùng trước phe nổi dậy để bảo vệ chính nghĩa rồi cùng các con của mình… trốn biệt ở một nơi nào đó. Trong khi quân nổi dậy cùng quân liên minh đang lùng sục mọi hang cùng ngõ hẻm ở Tripoli để tìm kiếm Đại tá Muammar Gaddafi, thì theo các nguồn tin từ Libya, ngày 21/08, họ đã bắt được 2 con trai Gaddafi là Mohammed Gaddhafi và Saif al-Islam Gaddhafi. Một ngày sau, Al-Saadi cũng bị bắt. Nhưng mới đây, Al-Saadi đã bất ngờ xuất hiện và tuyên bố mình hoàn toàn tự do.
Quân nổi dậy thông báo họ đã kiểm soát được 95% Thủ đô Tripoli và đang lùng sục truy bắt gia đình Muammar Gaddafi. Chuyện tồi tệ gì sẽ xảy ra với “ngôi sao” một thời của bóng đá Libya, với tay chơi một thuở oanh liệt ở Calcio nếu Al-Saadi lại rơi vào tay quân nổi dậy thêm một lần nữa? Không ai biết rõ, nhưng có lẽ Al-Saadi nên cầu nguyện rằng, quân nổi dậy không… hâm mộ bóng đá.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Gadhafi có thể sử dụng vũ khí hóa học
Ngoại trưởng Anh William Hague hôm qua cảnh báo rằng, một số thành viên trong chế độ đang sụp đổ của đại tá Gadhafi có thể mở kho vũ khí hoá học để đối đầu với phe nổi dậy Libya trong cơn tuyệt vọng.
Chiến binh nổi dậy đạp đổ bức tượng Gadhafi bên trong khu phức hợp Bab al-Azizya tại Tripoli. Ảnh: AP.
"Các bạn không thể đoán trước mọi thứ mà chế độ Gadhafi sẽ làm. Họ là một chế độ hiểm ác và đang giãy chết", ngoại trưởng Anh nhận định với BBC và ông không loại trừ khả năng chính quyền Gadhafi dùng vũ khí huỷ diệt. "Bây giờ vẫn là thời điểm nguy hiểm và khó khăn tại Libya. Có rất nhiều loại vũ khí ở đó", ông Hague nói thêm.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết các đơn vị vũ trang của nước này đang theo dõi chặt chẽ những nơi được cho là đang cất giấu vũ khí hoá học của đại tá Gadhafi để đề phòng. Trong khi đó, các chỉ huy NATO lo ngại những người ủng hộ Gadhafi dùng tên lửa Scud như phương thức cuối cùng để chống lại lực lượng nổi dậy.
Các nguồn tin tình báo cho rằng Gadhafi có khoảng 240 quả tên lửa đạn đạo Scud B và chúng có thể bị dùng để bắn vào thường dân như hành động trả thù. Giới chức NATO cho rằng ít nhất một quả Scud đã được phóng đi từ căn cứ quan trọng của đại tá Gadhafi tại Sirte và nhằm vào thành phố Misrata nhưng không trúng mục tiêu.
Chính quyền Gadhafi tuyên bố từ bỏ hầu hết chương trình vũ khí sinh học và hoá học của Libya kể từ sau năm 2003, nhưng vẫn duy trì các kho hoá chất để phục vụ cho việc chế tạo vũ khí huỷ diệt bằng khí độc. Chúng được cất giữ tại các địa điểm bí mật trong sa mạc và những vệ tinh phương Tây đang theo dõi chặt chẽ.
Tuy nhiên, một số nguồn tin tình báo cũng cho rằng kho hoá chất của Gadhafi tương đối nhỏ và có thể đã quá hạn sử dụng. Chúng được theo dõi chặt chẽ kể từ khi liên quân phát động cuộc can thiệp vào Libya ngày 19/3 và được ghi nhận là chưa từng có cuộc di chuyển hoá chất nào tại đây.
Làn sóng nổi dậy của người Libya chống chế độ Gadhafi nổ ra từ tháng 2 vừa qua. Từ ngày 19/3, liên quân do NATO đứng đầu can thiệp vào Libya dưới danh nghĩa bảo vệ thường dân theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Sau nửa năm lình xình nội chiến, phe nổi dậy đã có những bước tiến nhanh chóng cuối tuần qua và tràn vào thủ đô Tripoli.
Tới hôm qua lực lượng nổi dậy đã chiếm được khu phức hợp Bab al-Azizya tại Tripoli, nơi ẩn náu cuối cùng của đại tá Gadhafi. Phe chống chính phủ tuyên bố chế độ Gadhafi đã kết thúc tại Libya, nhưng hiện chưa rõ đại tá này ở đâu và cuộc chiến vẫn chưa thể chấm dứt. Các nước phương tây đang tính các bước đi cho cuộc chuyển giao tại Libya.
Theo VNExpress
Ông Gaddafi tuyên bố "chiến đấu đến khi hy sinh" Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đang phát biểu trên đài phát thanh sáng 24/8 với lời cam kết sẽ chiến đấu đến khi giành thắng lợi hoặc hy sinh trong cuộc chiến chống "xâm lược." Ông Gaddafi phát biểu trên đài phát thanh Tripoli và được kênh truyền hình Al-Urubah đăng tải lại. Hãng tin Reuters dẫn lại đài Al-Urubah cho biết...