Con trai mới 6 tuổi đã tự giác ngủ dậy đi học, chủ động làm việc nhà y như người lớn, tất cả nhờ cách dạy đáng học hỏi của người mẹ
“Mình làm mẹ một cách rất ‘củ chuối’. Và vì ở với một bà mẹ ‘chuối’ nên con mình chẳng còn cách nào khác buộc phải vui vẻ học cách thích nghi”, hot mom Hà Trang chia sẻ.
- Mỗi đứa trẻ trong nhà mình đều ở phòng riêng từ khi lọt lòng. Khi bé còn phải ẵm ngửa không nói làm gì, nhưng khi bọn trẻ đã lên 3, 4, chúng mình giao kèo, bố mẹ, con cái, phòng ai người ấy dọn.
Bất kể lúc nào mẹ vào phòng, thấy đồ đạc để sai vị trí (kiểu sách cần để trên giá mà lại vứt chỏng chơ trên sàn), ngay lập tức món đồ đó sẽ được vào thùng rác. Đã nằm trong thùng thì đừng hy vọng được lấy lại. Cũng không bao giờ được mua lại món đồ ấy.
- Đến bữa cơm, mẹ chỉ nói: “Chuẩn bị ăn cơm thôi các con”. Sau đó việc của ai người ấy làm. Việc lấy bát đũa, chuẩn bị bàn ăn là việc của con.
Nếu con mải chơi, làm chậm để bố mẹ phải nhúng tay vào thì đương nhiên đứa nào lấy bát đũa đứa đấy được ăn. Chẳng có chuyện đã không nấu cơm, không dọn mâm, lại đòi được ăn như đứa quần quật lao động.
Clip bé Subi, con trai hot mom Hà Trang làm việc nhà giúp mẹ.
- Con tự chủ động thời gian để dạy đi học, vệ sinh cá nhân, ăn sáng, sắp xếp đồ.
Nếu để muộn học thì quay về luôn, hôm ấy không phải đi học. Tự liên hệ với giáo viên và trình bày lý do nghỉ học.
- Đứa nào đi học, bài tập là của đứa ấy. Tự quản lý thời gian làm bài và nộp bài.
Mẹ không kiểm tra sai đúng và không chữa bài hộ. Việc ấy là của giáo viên. Mẹ chỉ kiểm tra viết có sạch sẽ, trình bày dễ nhìn không. Nếu bẩn và giấy vở nhàu nát phải viết lại mới được đem đi nộp.
- Không mang bài tập trên lớp về nhà hỏi bố mẹ. Cái đấy là việc con cần làm với thầy cô ở lớp.
Tự phải biết tận dụng thầy cô và biết nói năng chừng mực để thầy cô giúp đỡ.
- Tự quản lý đồ đạc. Mẹ chỉ nhắc kiểm tra đồ trước khi đi học trong một hai tháng đầu mới học vỡ lòng. Sau đó, đấy là việc của con, quên gì tự chịu.
Đã có bữa con quên hộp cơm. Đương nhiên phải chấp nhận nhịn đói. Mà đói thì buộc phải học cách sinh tồn, biết mở miệng nhờ sự giúp đỡ của thầy cô và các bác làm việc ở canteen. Sau lần ấy, trước khi bước ra cửa nhà là mắt trước mắt sau kiểm đồ.
“Mỗi đứa trẻ trong nhà mình đều ở phòng riêng từ khi lọt lòng. Khi bé còn phải ẵm ngửa không nói làm gì, nhưng khi bọn trẻ đã lên 3, 4, chúng mình giao kèo, bố mẹ, con cái, phòng ai người ấy dọn”.
- Thay đồ đi tắm, quần áo nào không lộn ra cái ấy sẽ vào thùng rác luôn.
- Ăn cơm xong không dọn bát và làm sạch chỗ mình ngồi bữa sau khỏi ăn.
- Đi vệ sinh xong quên không cọ sạch toilet, mẹ sẽ chịu khó xuống nhà dùng tạm toilet khác. Mẹ giữ nguyên hiện trường, con đi học về, mời con cọ.
Một tỷ nải chuối nữa mà nhiều quá chẳng kể hết! Con càng lớn, chuối của mẹ càng nhiều.
Có bố mẹ hỏi mình rằng: “Không cho con ăn, con chấp nhận đói. Đợi con làm, con nhất định không làm” thì có “chuối” được không?
Vẫn phải nhắc lại rằng, mỗi đứa trẻ, một cá tính. Chẳng có một bài học “trồng chuối” nào đúng với tất cả các loại chuối. Lựa chuối để tìm cách trồng là điều cần làm. Tinh thần chung là cây càng non càng dễ uốn. Thiết lập nguyên tắc cho đứa trẻ 3 tuổi dễ hơn với đứa trẻ 7 tuổi. Uốn một đứa trẻ 7 tuổi dễ hơn một đứa trẻ 17 tuổi.
Không phải tự nhiên mình có thể “chuối” với con. Để “chuối” được, trước đó 6 năm mình đã gieo hạt, ươm mầm, lựa giống cây để chăm bón. Muốn “chuối” phải chuối đúng cách với đúng đối tượng và đúng thời điểm.
Uốn cây là hành trình, chứ không thể chỉ là đích đến.
Một đứa trẻ có thể dọn dẹp thuần thục, bài bản, mềm tay năm 6 tuổi, thì hành trình học dọn dẹp đã phải bắt đầu từ trước đó 3 năm. Trong ba bốn năm đó là vương vãi, là làm cái này quên cái kia, là có lúc vừa làm vừa thong dong chậm cả giờ làm việc khác, là thậm chí lau nhà bằng giẻ và lau nhà luôn cả bằng áo đang mặc trên người (vì vừa lau vừa bò ra nhà). Bố mẹ chấp nhận được 3 năm ấy, mới có những năm sau này để được “chuối”.
Không có đứa trẻ lười và vô tâm đâu. Là bố mẹ cứ nhất quyết “úm” con trong tay vì luôn cho rằng nó còn bé. Làm tuốt, làm hết cho con, đến tận khi con đi làm, lập gia đình, có con. Rồi có khi lúc ý con nó lại càu nhàu là con đã không được sống và làm theo ý mình.
Mình lại nhớ đến gần chục năm trước, có anh trai hai mấy tuổi, bố vẫn dẫn đến nhà mình để giúp con “cưa” bạn gái. Trường hợp con lớn tướng, bố mẹ vẫn phải hỏi thăm từng loại giấy tờ, để lo thủ tục xin du học học thạc sĩ cho con không hiếm. Đó hình như không còn là “quan tâm” con nữa đâu.
Buông ngay đi, để con bay!
Học để buông!
Học để không làm gì hơn là học để làm tất cho con cái.
Là cho con đấy, không phải cho mình đâu.
Không làm gì khó hơn làm gì rất rất nhiều.
Vài nét về tác giả:
Hot mom Đoàn Phạm Hà Trang, hiện là giáo viên mầm non sống tại Sydney. Cô là mẹ của 2 bé trai Subi (sinh năm 2014) và Subo (sinh năm 2017).
Hà Trang được biết đến với nhiều bài viết hay chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy con hữu ích.
Con trai khóc gào nổi nóng, hot mom Hà Trang có cách xử lý giúp con hạ hỏa nhanh chóng, tưởng khó mà lại cực dễ
Một tuần trở lại đây, Subo dễ cáu bẳn khi chiều muộn. Một miếng cơm xúc chưa như ý, quả dâu đang trên tay đột nhiên rơi xuống đất, một cái chạm nhẹ trêu đùa của Subi,... đều có thể châm ngòi cho một cơn thịnh nộ của Subo.
Dài ngày liên tiếp, mỗi lần như vậy, mẹ để Subo được cáu bẳn, giận dữ, khóc lóc thỏa thích. Sau khi cơn cáu qua đi, tiếng khóc nhỏ dần, các hành động bực bội, nói to, vùng vằng không còn, mẹ chạy ra ôm Subo vào lòng, hỏi thăm con. Cuối cùng khi con bình tĩnh lại mới phân tích cái nên và không nên trong cơn thịnh nộ vừa rồi.
Chiều xuống, tối về, là khi mỗi thành viên trong gia đình đều thấm mệt sau một ngày dài. Cơn thịnh nộ của trẻ lúc này có thể sẽ làm bùng nổ một cơn thịnh nộ mới giữa bố mẹ và con cái. Chắc không ít bố mẹ đã từng vô tình dẫm vào cái hố tức giận này.
Điều này diễn ra vì bố mẹ chưa hiểu diễn biến tâm lý và cách thức xử lý phù hợp với sự phát triển tâm lý tức giận của trẻ.
Cậu bé Subi, con trai của hot mom Hà Trang.
Các câu nói sai lầm bố mẹ
"Tại sao con khóc?", "Con có im ngay không", "Không mè nheo nữa", "Con muốn gì?", "Không nói thì làm sao mẹ biết được?", "Có thể mà cũng khóc, dừng ngay đi". Bố mẹ càng nói trẻ càng khóc to hơn, mức độ giận dữ của trẻ càng cao hơn.
Lúc này, thay vì tìm hiểu nguyên nhân hay dọa dẫm để con dừng khóc, hãy để con được thỏa sức bộc lộ những căng thẳng trong con qua tiếng khóc và cơn giận dữ. Trẻ buộc phải trải qua ba cấp độ của giận dữ (Cấp độ 1: Bực bội cáu bẳn, Cấp độ 2: Tức giận Phát triển thành cơn thịnh nộ, Cấp độ 3: Đừng hỏi và chạm vào con) mới có thể giảm dần và trở lại bình thường.
Vì sao chỉ không đúng ý một chút con đã tức giận?
Cha mẹ không hiểu rằng, động vật có vú chỉ giải tỏa căng thẳng trong lòng khi ở cùng đối tượng gắn bó với mình. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn bộc lộ những phần đẹp đẽ nhất cho người ngoài và dường như luôn để người nhà phải hứng chịu những thứ xấu xí nhất của bản thân.
Cả ngày đi học, con luôn "phải" tươi cười, hòa nhã, chan hòa với thầy cô và bạn bè. Những cảm xúc tiêu cực (bị bạn lấy đồ chơi, đang chạy thì ngã, dây giầy bị tuột,..) con phải kìm xuống, nén lại trong lòng. Trẻ chỉ có thể giải tỏa những căng thẳng đó khi về nhà gặp bố mẹ, đặc biệt là mẹ.
Khi ấy, một điều rất nhỏ như cái thìa không vào miệng như ý muốn, quả dâu đang trên tay lại rơi xuống đất,... đều có thể là giọt nước làm tràn ly. Do đó, thay vì cáu gắt con, hãy để con được xả bớt những căng thẳng, để con tự vượt qua và nạp yêu thương cho con khi đúng lúc.
Cha mẹ cần làm gì khi cơn nóng giận của con đã lắng xuống?
Đây là lúc con rất cần được tiếp xúc thể chất dịu dàng là một cái ôm để thúc đẩy cơ thể tiết ra dopamin, serotonin và oxytocin - các phân tử vui vẻ, thư thái và hạnh phúc giúp xoa dịu não bộ và giảm thiểu hoocmon căng thẳng vừa bao trùm quanh trẻ. Sau đó là lúc để bố mẹ phân tích nhẹ nhàng cho con những điều không nên. Đây là lúc nói gì trẻ cũng nghe và ghi nhận (đương nhiên cùng với cách nói hợp lý của bố mẹ). Việc của cha mẹ là hãy nói đúng lúc và đúng cách.
Cha mẹ là trạm tiếp nhiên liệu tích cực của con. Đừng để những cảm xúc tiêu cực của trẻ làm nảy sinh những cảm xúc tiêu cực cấp độ cực lớn ở cha mẹ. Cha mẹ cần là người tỉnh táo để giải tỏa và xoa dịu những tiêu cực ấy, truyền cảm xúc tích cực sang trẻ.
Vài nét về tác giả:
Hot mom Đoàn Phạm Hà Trang, hiện là giáo viên mầm non sống tại Sydney. Cô là mẹ của 2 bé trai Subi và Subo.
Hà Trang được biết đến với nhiều bài viết hay chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy con hữu ích.
GS Trương Nguyện Thành khuyên sinh viên học cách thích nghi GS Trương Nguyện Thành cho rằng sinh viên mới ra trường phải tiếp tục học hỏi để thích nghi, đừng để tên ngành trên tấm bằng giới hạn bản thân. Trong lễ tốt nghiệp trực tuyến "Virtual Graduation 2020" do Hội Thanh niên sinh viên các thành phố Arizona, Boston, New York, Philadelphia, Chicago và Seattle (Mỹ) tổ chức cuối tuần qua, GS...