Con trai mắc bệnh down, hàng xóm khuyên đem cho hoặc bỏ, người cha nhất quyết không chịu và cái kết của 30 năm sau
Tập 10 của chương trình Khoảnh khắc cuộc đời phát sóng vào tối ngày 15/5 trên kênh HTV9 là câu chuyện về nghị lực phi thường và tình thương vô bờ bến của người cha già 72 tuổi Mạc Văn Mỹ dành cho người con trai mắc bệnh down Mạc Đăng Mừng.
Câu chuyện này đã từng được chia sẻ nhiều trên các trang báo nhưng nhiều khán giả vẫn không cầm được nước mắt khi nghe ông Mỹ chia sẻ trong chương trình Khoảnh Khắc Cuộc Đời về cuộc chiến với số phận ròng rã suốt 30 năm qua để giành lại sự sống và cho con trai ông một cuộc đời mới – một cuộc đời mà không ai nghĩ có thể có với 1 người mắc bệnh down.
Câu chuyện bắt đầu cách đây 30 năm khi ông Mỹ đưa vợ đi sanh đứa con trai đầu lòng. Bao nhiêu hạnh phúc, sự khao khát mong chờ của ông Mỹ bỗng nhiên vụt tắt khi bác sĩ báo tin con ông mắc hội chứng down. Nhìn đứa con trai đỏ hỏn trong vòng tay, ông Mỹ như chết lim. Ông vẫn chưa thể tin con mình lại mắc hội chứng down vì trông con chẳng có gì khác với những đứa trẻ bình thường. Khi ông Mỹ mang con về nhà, hàng xóm xung quanh xì xầm và khuyên ông: “Ông nên cho nó đi, mấy đứa này sau này không làm gì được đâu”. Họ còn nói ông nên cho đứa bé vào những mái ấm hoặc bỏ nó đi. Trong số những người đó có cả người thân của ông Mỹ. Điều đó càng khiến ông buồn bã và suy sụp. Sau 3 ngày suy nghĩ, ông Mỹ bình tâm lại. Ông nói: “Nó là con của mình, mình không thể nào bỏ nó được, mình phải tìm mọi cách để vực con dậy, được tới đâu hay tới đó”.
Có lẽ giây phút đưa ra quyết định đó là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời của ông Mỹ. Nó cũng là lời tuyên chiến của người cha với số phận nghiệt ngã, kém may mắn để giành lại quyền được sống cho con trai mình. Và cuộc chiến ấy kéo dài suốt 30 năm với rất nhiều gian khổ mà một người bình thường nếu không đủ nghị lực, không đủ tình thương dành cho con, có lẽ đã đầu hàng từ lâu.
Cuộc chiến bắt đầu từ việc ông Mỹ chữa bệnh cho con. Hễ nghe ai mách bảo chỗ chữa bệnh, ông đều tìm đến, từ châm cứu cho đến nấu nước trứng vịt lộn để bổ não cho Mừng, ông đều thử qua. Rồi bác sĩ chỉ cho ông dùng tiếng đàn để kích thích các dây thần kinh lên não của Mừng, dù khó khăn ông cũng ráng dành dụm được 5 chỉ vàng để mua một chiếc đàn organ cho con. Khi Mừng tới tuổi đi học, ông Mỹ chạy đôn chạy đáo tìm gia sư nhưng khi nhìn thấy Mừng họ đều lắc đầu không dạy. Không chịu thua số phận, ông Mỹ đích thân làm gia sư cho con trai: “giảng 1 lần Mừng không hiểu thì mình giảng 4 hay 5 lần” ông chia sẻ. Rồi đến một ngày ông cũng xin cho Mừng được tham gia vào lớp học dành cho trẻ chậm phát triển, ngoài việc học kiến thức, Mừng còn được tham gia những khóa học về kỹ năng sống, võ thuật Akido, Anh văn… Để rèn luyện trí nhớ của Mừng, sáng nào trên đường chở con đi học, ông Mỹ cũng kiểm tra bài của con trước khi vào lớp học bằng cách hỏi những định lý nhiều lần để Mừng nhớ. Dù tuổi đã lớn, trí nhớ lại kém nhưng ngày ngày ông Mỹ vẫn lên mạng tìm tòi học thêm nhiều phương pháp để dạy thêm cho con.
Khi cậu Mừng được vào học ngành Thiết kế đồ họa của đại học Văn Lang, cả gia đình ai cũng mừng vui vì hạnh phúc, những người hàng xóm từng khuyên ông Mỹ bỏ con trước đây cũng không nói gì thêm được nữa. Tưởng chừng như mọi chuyện đã suôn sẻ nhưng học được nửa tháng thì Mừng về xin cha cho được nghỉ học vì em không tiếp thu nổi kiến thức. Ông Mỹ buồn bã nhưng vì thương con nên ông đến gặp Hiệu trưởng của trường để xin cho con nghỉ học. Tuy nhiên, vị Hiệu trưởng không đồng ý mà đề nghị ông Mỹ phải đi học cùng con vì có thể cách dạy của ông Mỹ sẽ khiến cho Mừng dễ tiếp thu hơn. Và thế là người cha già phải bỏ hết công việc của mình để đi học cùng con trai. Lúc này, ông không chỉ là một người cha, một người thầy mà còn là bạn của con. Những lúc ra chơi, ông Mỹ tranh thủ hỏi thêm các thầy trong trường về kiến thức để có thể giảng lại cho Mừng. Ông nói: “Tôi muốn dạy cho con thì tôi phải học hơn nó tôi mới dạy cho nó được”.
Nhờ tình thương và nỗ lực của ông Mỹ, cậu bé bị bệnh down Mạc Đăng Mừng ngày nào nay đã có được Giấy chứng nhận khoá học kỹ thuật đồ hoạ đại học Văn Lang, đai nâu võ Akido và khả năng đọc hiểu tiếng Anh cơ bản… Đó là kỳ tích với những người có hoàn cảnh không may mắn như Mừng và cũng là món quà mà Mừng dành tặng cho cha của mình.
Tham gia chương trình Khoảnh Khắc Cuộc Đời cùng với cha, Mặc Đăng Mừng cho biết nguyện vọng của mình đó là tìm được việc làm để lo cho bố mẹ. Câu nói của Mừng đã khiến cho ông Mỹ và khán giả vô cùng xúc động. Khoảnh khắc hai cha con nhìn nhau trong ngập tràn hạnh phúc và thông điệp ý nghĩa từ câu chuyện mà cả hai mang đến có thể sẽ là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời của những người đang đối mặt với những khó khăn và thách thức của số phận. Đó cũng chính là thông điệp và sứ mệnh của chương trình Khoảnh khắc cuộc đời mà Đài truyền hình TP.HCM, cùng với công ty Truyền thông Khang và 2 nhãn hàng Ticarlox, Emco muốn mang đến cho khán giả.
Tiếp nối hành trình chia sẻ, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp của cuộc sống, tập 11 của Khoảnh khắc cuộc đời với câu chuyện của chàng đại sứ 9x Lê Duy Luật, phát sóng vào lúc 22h45 thứ Năm ngày 16/5 trên kênh HTV9.
Dũng Nguyễn
Theo dailysao
Khoảnh khắc cuộc đời của Người hùng cứu nạn giao thông Đặng Văn Phúc gây xúc động
"Lục Vân Tiên trong lòng mọi người đều có sẵn, chỉ có điều họ ngần ngại để thể hiện ra". Đó là nhận định của nhà văn, ca nhạc sĩ Hamlet Trương khi bàn về sự vô cảm - "căn bệnh lâm sàng" của xã hội hiện nay - trong tập 1 của chương trình Khoảnh khắc cuộc đời, phát sóng vào tối qua trên kênh HTV9.
Trong vai trò host của Khoảnh Khắc Cuộc Đời, Hamlet Trương đã có một buổi trò chuyện đầy cảm xúc cùng với anh Đặng Văn Phúc - người được xem là"Lục Vân Tiên" của thời hiện đại khi anh đứng ra thành lập ra đội cứu nạn giao thông tình nguyện ở Tây Ninh, chuyên cứu giúp những người bị tai nạn giao thông, những người già đi lạc, những người bị bệnh tâm thần, những công nhân đi làm khuya gặp sự cố trên đường và kể cả chị em phụ nữ bị bạo hành...Chỉ cần gọi đến số hotline 0967343114 của đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh thì bất kể đêm ngày, dù đang phải lo việc mưu sinh, anh Phúc và đồng đội của mình đều gác sang một bên để lên đường cứu người. Với những trường hợp quá khó khăn, anh và đồng đội còn quyên góp để hỗ trợ người bị nạn.
Có người gọi anh Phúc và đồng đội của anh là những kẻ suốt ngày ăn cơm nhà lo chuyện thiên hạ. Ít người biết lý do mà anh Phúc "lo việc thiên hạ" này xuất phát từ cái chết đầy tức tưởi của em gái anh lúc nhỏ. Lúc đó, anh mới chỉ 6 tuổi, em gái anh gặp nạn, anh đã cầu cứu nhiều người nhưng không một ai quan tâm đến lời nói của một đứa bé 6 tuổi, dẫn đến hậu quả em gái anh qua đời. Anh giá như lúc đó có người lắng nghe lời cầu cứu của anh và đưa em gái anh đi bệnh viện thì có lẽ cô bé đã không chết. Dù rất đau buồn nhưng anh Phúc vẫn tin số lượng những người vô cảm chỉ chiếm rất ít và anh tin vào tấm lòng thiện nguyện của nhiều người, chỉ có điều họ không biết phải làm hay thể hiện tấm lòng của mình như thế nào.
Chính vì điều đó, năm 2014, anh Phúc đã đứng ra thành lập Đội cứu nạn giao thông Tây Ninh để tập hợp những người có lòng thiện nguyện giống mình và quan trọng là để không ai phải rơi vào trường hợp như em gái của anh. Hơn ai hết, anh hiểu cảm giác tuyệt vọng của một người gặp nạn cầu cứu mọi người là như thế nào nên dù đêm khuya, chỉ cần nghe điện thoại cầu cứu là anh lên đường ngay. Sau 5 năm thành lập, đội cứu nạn giao thông Tây Ninh của anh hiện có 49 thành viên, đã tham gia cứu giúp hàng trăm trường hợp gặp tai nạn giao thông hay sự cố trên địa bàn của tỉnh. Trong đó có một số thành viên trước đây là người bị nạn được đội cứu giúp, sau đó đã quay trở lại tham gia đội để cứu giúp nhiều người khác. Một số người bạn trong và ngoài nước khi biết đến hoạt động thiện nguyện của anh cũng chung tay giúp sức để hỗ trợ những người bị nạn gặp khó khăn trong quá trình điều trị.
Tinh thần thiện nguyện của người hùng cứu nạn Đặng Văn Phúc không chỉ lan tỏa và thu hút nhiều "đấng mày râu" tham gia mà còn thuyết phục bà xã anh Phúc. Không chỉ đồng cảm, ủng hộ việc làm của chồng, chị thường sát cánh cùng anh trong những lần cứu hộ. Trong chương trình, anh Phúc đã gửi những lời yêu thương đến vợ của mình: " Ông Trời đã ban cho tôi người vợ như cô tiên, luôn đồng hành cùng chồng trong mọi công việc. Những hôm tôi bị bệnh, tôi bảo vợ rằng mình đã từng bị tai nạn do thiếu ngủ và khuyên vợ tắt hotline để ngủ nhưng vợ không chịu mà giữ điện thoại trực vì sợ nửa đêm có người gặp tai nạn sẽ không ai cứu giúp".
Tập 1 của Khoảnh Khắc Cuộc Đời khép lại với hình ảnh người hùng cứu nạn giao thông Đặng Văn Phúc ôm hôn vợ mình trên sân khấu. Hạnh phúc này có lẽ là món quà mà cuộc sống ban tặng lại cho anh Phúc vì anh đã chọn cách biến một khoảnh khắc đau buồn trong cuộc đời của mình thành một lý tưởng sống cao cả và có ích cho cộng đồng xã hội.
Tập 2 của Khoảnh khắc cuộc đời sẽ phát sóng vào lúc 22h45 thứ Ba ngày 7/5 trên kênh HTV9 với câu chuyện khoảnh khắc cuộc đời của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM. Trong chương trình, nữ luật sư sẽ cùng đạo diễn Lê Hoàng trao đổi về nạn xâm hại tình dục trẻ em, biện pháp phòng tránh và hình phạt xử lý. Chương trình Khoảnh Khắc Cuộc Đời do Đài truyền hình TP.HCM phối hợp với Truyền thông Khang và 2 nhãn hàng Ticarlox, Emco thực hiện.
Theo 8saigon.vn
Chú bảo vệ nghèo trả lại 6,3kg vàng bị bỏ quên và từ chối hơn 70 triệu đồng cảm ơn Một người đàn ông làm bảo vệ cho một phòng tập thể hình tại TP.HCM trong lúc đi kiểm tra phòng tập vào ban đêm đã tình cờ nhặt được 1 túi vàng nặng 6,3kg với giá trị lên đến vài tỉ đồng. Một số tiền quá lớn, đủ để cho ông và gia đình sống đến hết đời, tuy nhiên ông đã...