Con tôm Việt Nam: 2 khâu “ngon nhất” – nước ngoài hưởng lợi
Cùng với giống, một khâu thiết yếu đối với ngành tôm là thức ăn hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ gần như 100% thị phần cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Để phát triển ngành tôm nước lợ, mới đây, Tổng cục Thủy sản đã kiến nghị Bộ NNPTNT đề xuất Chính phủ đưa con tôm trở thành “sản phẩm chiến lược quốc gia”. Theo lý giải, với những thuận lợi sẵn có, nếu chúng ta tăng cường đầu tư, cải tiến kỹ thuật và đẩy mạnh quảng bá, Việt Nam có khả năng trở thành nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới.
Bài cuối: Hướng tới sản phẩm chiến lược
2 khâu “ngon nhất” – nước ngoài hưởng lợi
Ngành tôm phát triển vượt bậc trong những năm qua, nhưng hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về chi phí đầu vào, dịch bệnh, giá cả, chất lượng con giống… Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đơn cử mô hình nuôi tôm thẻ sinh thái 2.000ha ở Ecuador, nhờ chọn lựa tôm thẻ chân trắng kháng bệnh để nuôi, năm 2015 năng suất đạt 2.268 tấn/ha – gấp 10 lần năng suất nuôi tôm sú sinh thái ở Việt Nam.
Mô hình nuôi tôm trong nhà kính hiện đại của Tập đoàn Việt- Úc tại Cà Mau. Ảnh: K.L
Lý giải điều này, ông Nguyễn Hữu Ninh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết, tôm giống nhập ngoại từ Thái Lan hoặc Mỹ, họ thường chọn trong điều kiện tối ưu cho nên khi chúng ta nhập tôm bố mẹ về sản xuất tôm thương phẩm để bà con nuôi thì trong điều kiện nuôi biến động về nhiệt độ (ngày/đêm), độ mặn (xâm nhập mặn, độ mặn lớn, mưa xuống độ mặn giảm), tỷ lệ tôm sống thường không cao.
Vì thế, Viện đã tiến hành chọn tạo khả năng chống chịu với môi trường, đặc biệt liên quan đến độ mặn, nhiệt độ. Kết quả, lượng tôm của chương trình có tỷ lệ sống cao hơn khoảng 15% so với đàn tôm nhập khẩu. Theo ông Ninh, Viện hiện có hơn 50.000 cặp tôm thẻ chân trắng bố mẹ, tôm hậu bị từ 35-40g. “Chúng tôi rất mong muốn chuyển cho doanh nghiệp để thương mại hóa, nhưng hiện đang vướng mắc về thủ tục (do chưa được chứng nhận)”- ông Ninh nói.
Video đang HOT
Theo Tổng cục Thủy sản, phần lớn nguồn giống tôm sú đang phải khai thác từ tự nhiên (khoảng 30.000 con/năm); 100% tôm thẻ chân trắng bố mẹ phải nhập khẩu (khoảng 190.000-270.000 con/năm). Để tự chủ nguồn tôm giống, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phải chủ động sản xuất được trên 50% nhu cầu tôm thẻ chân trắng bố mẹ sạch bệnh và tăng trưởng nhanh, đồng thời gia hóa, chủ động sản xuất được 70% nhu cầu tôm sú sạch bệnh.
Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn cũng đang nghiên cứu sản xuất để tự chủ nguồn tôm giống, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến nay, Tập đoàn Việt – Úc đã chủ động được 40% tôm giống cho hệ thống của mình. Mới đây, ngày 28.6, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã đưa ra 100 triệu con tôm “post” kháng bệnh lứa đầu tiên. Đây là kết quả khá khả quan trong bối cảnh môi trường nuôi, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nước ta.
Cùng với giống, một khâu thiết yếu đối với ngành tôm là thức ăn hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ gần như 100% thị phần cho các doanh nghiệp nước ngoài. “Trước đây mảng thức ăn có 5-7 doanh nghiệp Việt Nam tham gia, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài liên kết với nhau “đánh bay” gần hết các doanh nghiệp trong nước ra khỏi lĩnh vực này. Việt Nam không đủ sức mà làm” – ông Quang bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Việt Nam chỉ xuất khẩu được mấy chục triệu USD mà riêng về cám hiện nay Việt Nam đã tự chủ được 45%, có những ông lớn hiện nay đã sản xuất 1,5 triệu tấn; huống hồ con tôm phân khúc của nó có thể đem về được 5-6 tỷ USD (hiện tại 3-4 tỷ USD), mà khâu ngon nhất là giống và thức ăn lại phải nhập khẩu hoàn toàn và để các công ty nước ngoài hưởng lợi. Đây là lỗ hổng mà chúng ta phải nghiêm túc xem xét lại”.
Thực vậy, đầu năm 2016, đại diện Tổng cục Thủy sản cho hay, tiền chiết khấu và hoa hồng đối với các doanh nghiệp thức ăn thủy sản hiện quá lớn, chiếm 20 – 30% nên giá thành của thức ăn tăng lên, ảnh hưởng đến người nuôi. “Có những đại lý chỉ bán 10 tấn hoặc mấy chục tấn thức ăn thôi mà đến kỳ hàng năm họ có tổ chức tổng kết và tặng xe Camry cả tỷ đồng luôn, chứng tỏ tiền hoa hồng và chiết khấu rất cao” – vị đại diện này đơn cử.
Để thành nước sản xuất tôm số 1 thế giới
Để con tôm nước lợ Việt Nam trở thành số 1 thế giới, chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Đứng trước tình hình biến đổi khí hậu xâm nhập mặn và hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như các vùng khác, chúng ta phải đánh giá lại, điều chỉnh lại quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030. “Chúng ta phải rà lại quy hoạch tổng thể về bố trí các đối tượng sản xuất của ngành nông nghiệp trên địa bàn vùng đồng bằng sông Cửu Long kết hợp với rà soát quy hoạch thủy lợi, từ đó chúng ta có quy hoạch phù hợp với điều kiện hạn mặn” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám nêu quan điểm.
Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản xây dựng chương trình phát triển nuôi tôm nước lợ, trong đó có 4 đề án cụ thể. Nói về định hướng phát triển ngành tôm, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NNPTNT sẽ sớm làm việc với Bộ KHCN và Hội đồng Chính sách khoa học quốc gia nhằm đưa tôm nước lợ vào mặt hàng chiến lược quốc gia. Theo đó, sẽ phải xây dựng con tôm Việt Nam không chỉ dừng lại ở nuôi mà còn là ngành công nghiệp sản xuất, từ nuôi cho tới chế biến, vật tư đầu vào (như thức ăn, con giống, thiết bị chế biến phụ trợ…).
Lập hiệp hội để thương hiệu tôm Việt Nam lớn mạnh Nhà nước không bao giờ can thiệp hết những vấn đề của thị trường mà chính là doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải có hiệp hội. Hiệp hội đúng nghĩa mới giải quyết các câu chuyện của thị trường; hiệp hội là cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ, giữa doanh nghiệp với thị trường và hiệp hội cũng là con đường ngắn nhất để đưa khoa học kỹ thuật vào ứng dụng nhanh nhất. Thương hiệu con tôm nói riêng và thương hiệu nông sản Việt Nam chỉ lớn mạnh một khi hiệp hội này lớn mạnh.
Theo Danviet
Kỳ tích con tôm Việt Nam: Vật nuôi nhỏ giúp bù tăng trưởng
Trong bối cảnh GDP nông, lâm và thủy sản tăng trưởng âm, con tôm đang được lãnh đạo Bộ NNPTNT đặt kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá để bù đắp những giảm sút trong các tháng đầu năm và thúc đẩy đà tăng trưởng của ngành trong những tháng cuối năm.
Thúc đẩy mô hình lúa- tôm
Trong các đối tượng nuôi trồng thủy sản, con tôm là một đối tượng có dư địa phát triển rất mạnh. Cả nước hiện có 680.000-700.000ha thả nuôi tôm nước lợ, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long có tới 515.000ha nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến với năng suất thấp, từ 100-250kg/ha/vụ, còn nhiều tiềm năng để nâng cao sản lượng. "Với thị trường trong nước 92 triệu dân và thị trường thế giới là khổng lồ, riêng con tôm còn dư địa rất tốt về thị trường" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nói.
Chế biến tôm xuất khẩu tại một nhà máy của Công ty Thủy sản Minh Phú. Ảnh: T.L
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), khả năng tăng trưởng sản lượng đối với tôm trên thế giới khó vì các quốc gia quan tâm đến phát triển tôm đều tập trung cho tôm thẻ chân trắng. Trong khi đó, tôm sú của Việt Nam có ưu thế rất lớn về giá trị và thị trường cao cấp do cỡ tôm to, ít bị cạnh tranh. Có thể nói, tôm sú đang là mặt hàng Việt Nam giữ thế độc quyền trên thị trường thế giới.
Vì vậy, đây là đối tượng nuôi có dư địa lớn để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành. Bộ NNPTNT đang thúc đẩy các mô hình tôm - lúa và các mô hình nuôi xen tôm và các đối tượng khác với mong muốn trong tương lai gần thúc đẩy năng suất trong ruộng nuôi quảng canh cải tiến lên 300-400kg/ha; năng suất trong ao bán thâm canh bậc thấp đạt 1,2-1,5 tấn/ha.
Ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho hay, thời tiết hiện nay diễn biến theo hướng tích cực, các tỉnh/thành phố Nam Bộ đã có mưa làm cho nhiệt độ và độ mặn giảm (độ mặn 15-20, cao nhất là 30, nhiệt độ nước 30-31 độ C) là điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi tôm.
"Về kỹ thuật, cần hướng dẫn người nuôi khẩn trương cải tạo ao đầm, đẩy nhanh tiến độ thả giống, lưu ý giải pháp thả giống cỡ lớn (sau khi ương/dèo từ 15-30 ngày) để rút ngắn thời gian nuôi, thả mật độ thưa để nâng cao hiệu quả, đặc biệt là để đảm bảo thời vụ cho mô hình tôm - lúa. Đồng thời, nhanh chóng tổng hợp các mô hình, giải pháp kỹ thuật hay từ thực tiễn để phổ biến, nhân rộng" - ông Cẩn lưu ý.
Để lấy tôm bù lúa và tăng trưởng của toàn ngành, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Tổng cục Thủy sản khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp để đảm bảo thị trường liên tục, không trục trặc; kiểm soát chặt chẽ giống tôm, dịch bệnh và sử dụng kháng sinh để không bị thua thiệt (không bị chết và không bị trả về).
Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phải xây dựng kế hoạch hành động chi tiết 6 tháng cuối năm để phát triển tôm nước lợ, tập trung vào đồng bằng sông Cửu Long để chỉ đạo sát, tạo ra những chuyển biến thực tế ở các địa phương; đồng thời Tổng cục Thủy sản phối hợp Cục Thú y lập các tổ công tác, bám sát tình hình thực tiễn ở các tỉnh nuôi tôm để hướng dẫn và có chỉ đạo sát sao, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ về giống.
Khan hiếm công nhân chế biến tôm
Hiện nay, sản lượng tôm nước lợ cung cấp cho thị trường chưa nhiều nhưng giá tôm bán tại ao sụt giảm từ 10.000-15.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 6 do nhu cầu thấp (Trung Quốc và các nước cũng đang thu hoạch tôm nên nguồn cung tôm thế giới tăng). Tuy nhiên, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, thực ra giá thị trường thế giới đang tăng, nhưng do các nhà máy không còn nhiều công nhân nên làm không hết tôm nguyên liệu, đành phải giảm giá thu mua để giảm lượng tôm dồn về nhà máy. "Mặc dù doanh nghiệp đã giảm giá mua tôm từ 10.000- 20.000 đồng/kg, nhưng họ vẫn đưa tôm vào đầy nhà máy, làm không hết được" - ông Quang nói.
Ông Quang thông tin, tại các doanh nghiệp khác, đến nay mỗi nhà máy còn 200-300 công nhân, nhà máy nào nhiều thì 1.000-1500 công nhân. Riêng Minh Phú, trước đây mỗi nhà máy là 7.500 công nhân, bây giờ Nhà máy Minh Phú Cà Mau còn 5.000, Nhà máy Minh Phú Hậu Giang còn 4.000 (giảm 5.000 công nhân). Như vậy, nếu sản lượng tôm 6 tháng cuối năm tăng mà không giải quyết được vấn đề công nhân thì sẽ không sản xuất hết tôm, tôm sẽ bị ứ lại.
"Công ty chúng tôi đang phải chạy đôn chạy đáo tới các địa phương nhờ họ tuyển công nhân, cứ ai tuyển được 1 công nhân thì công ty bồi dưỡng 100.000 đồng, rồi công nhân mới vào sẽ được thưởng và đáp ứng đầy đủ mọi chính sách, nhưng gần như không tuyển được công nhân. Bởi trong 6 tháng đầu năm ít việc công nhân đã tản hết lên các khu công nghiệp ở Bình Dương" - ông Quang chia sẻ.
Vì vậy, Công ty Minh Phú đang chuyển hướng sản xuất tôm nguyên con để bán sang thị trường Trung Quốc. "Minh Phú sẽ đặt mua cho mỗi nhà máy từ 4-5 máy phân cỡ tôm. Năng suất mỗi máy đạt 1,5 tấn/giờ, 1 ngày làm 20 tiếng tính ra được 30 tấn. 5 máy trong một ngày sản xuất được 150 tấn mới giải quyết hết nguyên liệu" - ông Quang cho biết. Theo ông Quang, giá thành sản xuất tôm nguyên con nếu phân loại bằng tay là 15.000-18.000 đồng/kg, nếu làm bằng máy phân cỡ chi phí chỉ có 2.000 đồng/kg. Như vậy, doanh nghiệp bán rẻ 2.000-3.000 đồng/kg, bao nhiêu cũng bán hết.
Để gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ làm việc với lãnh đạo các địa phương để giúp doanh nghiệp tuyển dụng công nhân thông qua chính sách hỗ trợ đào tạo lao động. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng máy móc trong sản xuất.
Theo Danviet
"Gạo trộn" khiến Việt Nam mất nhiều thị trường? Nhiều doanh nghiệp ham lợi nhuận nên trộn các loại gạo thơm nhẹ vào Jasmine, khiến chất lượng giảm mạnh, khách hàng mất lòng tin. Gạo Việt Nam mất nhiều thị trường cũng vì "gạo trộn!". Bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Long An thẳng thắn thừa nhận những lo ngại trước tình trạng giá gạo thơm...