Con tàu 700 tuổi hầu như còn nguyên dưới đáy biển
Dù bị chìm dưới biển Bình Châu, huyện Bình Sơn(Quảng Ngãi) gần 700 năm nhưng con tàu chứa cổ vật vẫn còn nguyên vẹn bánh lái, mạn, đáy tàu… khiến các chuyên gia, nhà khoa học “rất ngỡ ngàng”.
Xác con tàu cổ lộ diện còn nguyên vẹn sau gần 700 năm chìm dưới đáy biển Bình Châu, huyện Bình Sơn. Ảnh: Trí Tín.
Sau gần 1 tháng làm đê vây, hút thổi cát, các chuyên gia đã khai quật cổ vật dưới đáy biển theo phương pháp như trên bờ, thu về gần 270 thùng (hàng nghìn cổ vật quí). Đồng thời, lộ diện trên nền cát đáy biển là con tàu gỗ gần như còn nguyên vẹn sau khoảng 700 năm đắm ở vùng biển Bình Châu.
TS Đoàn Ngọc Khôi, phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi cho biết, con tàu cổ chìm ở vùng biển Bình Châu lộ diện còn nguyên vẹn bánh lái, đáy và be tàu còn nguyên khối, có niên đại sớm hơn nhiều so với nhiều con tàu đắm từng phát hiện ở vùng biển Việt Nam.
Con tàu dài gần 25m, đáy tàu rộng 5m nhưng bề ngang bên trên rộng ước khoảng 9m bị chìm theo phương thẳng đứng. Cổ vật xếp ngăn nắp trong 12 khoang tàu còn khá vững chãi. Kết quả khai quật bước đầu trong lòng con tàu cho thấy có nhiều tiêu bản đĩa gốm chạm khắc hoa văn hình rồng có giá trị lớn. Ngoài ra có một số vật dụng của thủy thủ đoàn như tiền đồng, quả cân trong con tàu này.
“Con tàu gỗ chìm dưới đáy biển Bình Châu đã gần 700 năm nhưng đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn gây kinh ngạc cho giới nghiên cứu, khảo cổ học”, TS Khôi ngạc nhiên nói.
Các chuyên gia giám định cổ vật được khai quật từ con tàu đắm ở vùng biển Bình Châu. Ảnh: Trí Tín.
Ban chỉ đạo khai quật cổ vật Quảng Ngãi quyết định thay đổi phương án trục vớt ban đầu sang bảo tồn tại chỗ con tàu cổ nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước ở vùng biển Bình Châu. Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương đã hoàn tất khai quật “ kho cổ vật” bên trong lòng con tàu và đang huy động đội ngũ thợ lặn tiếp tục trục vớt cổ vật trong phạm vi 600 m2 xung quanh con tàu đắm. Dự kiến đến ngày 15/7, việc khai quật khảo cổ học ở vùng biển Bình Châu sẽ kết thúc.
Ông Đoàn Sung, cố vấn Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương chia sẻ, so với nhiều đợt khảo sát, khai quật các con tàu đắm ở các vùng biển trong cả nước, con tàu chứa cổ vật ở Bình Châu có giá trị rất lớn. “Sau khi các chuyên gia xử lý xong, chúng tôi sẽ trưng bày cổ vật phục vụ khách tham quan. Còn xác con tàu được khoanh vùng, bảo tồn tại vùng biển Bình Châu kết nối với tour lặn biển tạo điều kiện việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương với loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái biển”, ông Sung cho biết thêm.
Con tàu cổ 700 năm tuổi này sẽ được bảo tồn tại vùng biển Bình Châu nhằm tạo điều kiện việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương với tour du lịch, dịch vụ lặn biển. Ảnh: A.Khiêm.
Video đang HOT
Ngày 26/6, trao đổi với VnExpress, TS Nguyễn Việt, giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á khẳng định, đây là lần đầu tiên ở châu Á, một con tàu cổ được phát hiện còn nguyên vẹn cụm bánh lái hiếm hoi.
“Con tàu cổ này là tư liệu sinh động cho các nhà nghiên cứu lịch sử đóng tàu, giao lưu thương mại thế giới. Nó bị chìm ở vùng biển này chứng tỏ năm xưa nơi đây là điểm giao thương sầm uất, giữ vai trò thương mại quan trọng của khu vực châu Á”, TS Việt khẳng định.
Cũng theo TS Việt, lâu nay các nhà nghiên cứu chỉ tiếp cận lịch sử tàu thuyền qua các bản vẽ, lý thuyết thì giờ đây với phương pháp khai quật cổ vật dưới đáy biển như trên cạn ở vùng biển Bình Châu họ đã ghi nhận được nhiều điều thú vị. Đây cũng là lần đầu tiên các chuyên gia trực tiếp sờ được hiện vật, giải mã nhiều bí ẩn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho quá trình nghiên cứu lịch sử tàu thuyền thế giới.
Theo VNE
Toàn cảnh khai quật tàu đắm chứa cổ vật
Dù đã vùi sâu dưới lòng biển hàng trăm năm nhưng khi khai quật tàu cổ ở vùng biển Quảng Ngãi vẫn còn khá nguyên vẹn, đặc biệt, hệ thống bánh lái hầu như còn nguyên.
Sau hơn 3 tuần tổ chức khai quật, hiện toàn bộ cổ vật trên tàu cổ bị đắm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã được đưa về Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi. Ngày 26/6, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sẽ thông báo chính thức các thông tin chi tiết liên quan đến cuộc khai quật tàu cổ này vào chiều ngày 30/6 tới.
Tháng 9/2012, tàu cổ chứa cổ vật bị đắm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) được người dân phát hiện trục vớt ồ ạt và ngay sau đó, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi kịp thời vào cuộc ngăn chặn.
Sau thời gian dài bảo vệ, đến đầu tháng 6/2013, Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương và các chuyên gia khảo cổ học Việt Nam bắt đầu công tác khai quật tàu cổ. Việc khai quật tàu cổ do gần bờ nên đã làm đê vây chắn sóng, tổ chức khai quật tàu như trên cạn. Đến thời điểm này, lực lượng khai quật đã đưa toàn bộ cổ vật bên trong tàu cổ ra khỏi tàu với hàng ngàn cổ vật có giá trị. Điều đặc biệt, con tàu cổ cũng đã phát lộ. Tàu có chiều dài 21m, rộng 5,6m, được chia thành 12 khoang, 3 tầng.
Các chuyên gia khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu, xác định niên đại cổ vật
Theo tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á (Hội Khoa học nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam), đây là loại thuyền buồm của nhà buôn cách đây khoảng gần 700 năm. Điều đặc biệt, mặc dù đã vùi sâu dưới lòng biển hàng trăm năm nhưng khi khai quật lên tàu cổ này vẫn còn khá nguyên vẹn, đặc biệt, hệ thống bánh lái hầu như còn nguyên. Theo tiến sĩ Việt, việc khai quật con tàu cổ lần này có ý nghĩa đặc biệt đối với quá trình nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, bởi còn tàu này "nổi" hẳn trên cạn và các chuyên gia khảo cổ đều có thể nghiên cứu chuyên sâu, nhất là kỹ thuật đóng tàu thời xưa.
Ông Đoàn Sung, thành viên Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương, cho biết công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc xin khoanh vùng, bảo tồn xác con tàu cổ tại vùng biển thuộc xã Bình Châu. Ông Sung cho biết đề xuất này là khả thi nhất vì có thể bảo quản, gìn giữ được tàu cổ vốn đã chìm đắm dưới biển hàng trăm năm nhưng gần như còn nguyên. Nếu đem lên bờ để trưng bày sẽ khó khăn trong việc bảo quản vì thay đổi môi trường, đó là chưa nói đến kinh phí di chuyển, bảo quản, tôn tạo... Cũng theo ông Sung, công ty đã tính đến kế hoạch liên kết với đơn vị tổ chức du lịch sinh thái kết hợp lặn biển cho khách du lịch có dịp chiêm ngưỡng tàu cổ.
Dưới đây là toàn cảnh hình ảnh từ khi phát hiện tàu cổ đến lúc khai quật phát lộ tàu cổ mà chúng tôi ghi được:
Hàng chục tàu thuyền của ngư dân bủa vây lặn lấy cổ vật khi mới phát hiện tàu cổ
Cổ vật được ngư dân đưa vào bờ
Nhiều món cổ vật bể vụn vì ngư dân giành giật nhau
Theo nhận định, những hiện vật trên tàu cổ này có từ thế kỷ 14
Hàng ngàn hiện vật có giá trị bên trong con tàu cổ
Cuộc khai quật chính thức tàu cổ
Hàng trăm hiện vật bị cháy dính chồng lại nhau
Lần đầu tiên khai quật tàu cổ như... trên cạn
Đây là con con tàu cổ chứa cổ vật thứ 6 được khai quật ở Việt Nam
Xác tàu cổ được phát lộ...
Và còn khá nguyên vẹn ở nhiều bộ phận, đặc biệt là bánh lái tàu
Tàu cổ này đã vùi sâu dưới biển khoảng gần 700 năm
Theo các chuyên gia, qua quan sát có thể nhận định giai đoạn tàu cổ này được đóng, kỹ thuật đóng tàu đã tương đối phát triển. Dự kiến đến ngày 15/7 sẽ kết thúc đợt khai quật tàu cổ.
Theo 24h
Khai quật kho cổ vật 500 năm trong 2 tháng Để đảm bảo an toàn cho kho cổ vật 500 năm, ngành văn hóa Quảng Ngãi phối hợp với Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương xây dựng kho bảo quản, khu khử mặn... để khởi động khai quật trong 2 tháng. Tô men ngọc, cổ vật được tìm từ con tàu đắm ở vùng biển Bình Châu đang chuẩn bị được khai quật....