Cơn ’sốt’ kỳ nam náo loạn rừng Gia Lai
“Cơn sốt” tìm trầm bùng phát sau khi thông tin một nhóm 15 người ở thị xã An Khê (Gia Lai) trúng đậm kỳ nam với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, thu về hàng trăm tỉ đồng ngày càng lan rộng.
Mấy ngày nay, cả ngàn người từ khắp nơi đổ về khu vực núi So Ró thuộc huyện Kon Choro (Gia Lai) để sục sạo tìm kiếm kỳ nam.
Từ anh xe ôm trở thành tỉ phú
Phải mất hơn một ngày, thông qua sự giới thiệu của anh Đặng Đức Bình (ở phường An Bình, thị xã An Khê) tôi mới liên lạc được một số người trong nhóm vừa trúng kỳ nam. Từ khi tin đồn ngày càng lan rộng, nhóm người này hoàn toàn “án binh bất động”, nhiều người tạm lánh mặt khỏi địa phương và hầu như không nghe điện thoại từ các số máy lạ. Người đầu tiên tôi liên lạc được là anh NVK, quê gốc Phú Yên, đưa gia đình lên sinh sống gần 10 năm nay ở phường Tây Sơn, thị xã An Khê. Anh K. dè dặt nói: “Mấy chuyện này mà viết báo mệt lắm!”.
“Nghe nói vừa rồi trúng đậm lắm hả anh Sáu?” – “Ừ, ông trời thương, sơn thần phù hộ nên cũng khá!” -”Người ta đồn nhóm anh Sáu trúng tới hăm mấy ký. Người ta nói chia mỗi người cả mười mấy tỉ?” – “Chỉ mới bán một ít để anh em tạ lễ thôi”.
Từ những câu trả lời ngắn ngủn, đầy cảnh giác của những người trong nhóm trúng kỳ nam như Sáu K., LHS… chuyến “đi điệu” đầy may mắn của những phu trầm đang đổi đời này dần hiện ra.
Chiều 13/4, nhiều nhóm người ở huyện Đông Hòa (Phú Yên) đón xe đi Gia Lai để tìm kỳ nam
Hôm đó, sau hơn một tháng quần nát hòn núi So Ró ở huyện Kon Choro, 15 người trong nhóm của Sáu K. mệt mỏi ngồi nghỉ bên bờ một con suối trước khi lên đường trở về. Bất ngờ, một người nhìn dấu vết của một thân cây mục và cả nhóm cứ thế lần theo. Nhiều nguồn tin đoán chắc rằng nhóm này lấy được đầy ba chiếc ba lô kỳ nam, về cân được hơn 25 kg. Hôm sau, cả nhóm thuê một xe du lịch 16 chỗ ngồi đi TP Quy Nhơn (Bình Định) bán trước 1 kg với giá 6,5 tỉ đồng rồi chia nhau. Khi tin đồn lan ra, cả nhóm người này gần như không tiếp xúc với ai.
Người may mắn nhất trong nhóm này là anh PVC (ở phường An Bình, thị xã An Khê) vốn làm nghề chạy xe ôm. Rong ruổi khắp nơi từ sáng đến đêm khuya nhưng quanh năm gia đình chật vật, C. nản chí theo bạn đi tìm trầm gần một năm nay. Liên tiếp mấy đợt trước, mỗi đợt một hai tháng trời, C. đều trở về tay không. C. tiết lộ nếu bán hết số kỳ nam vừa trúng, mỗi người có thể được hơn 10 tỉ đồng.
Nghe có nhiều người trúng kỳ nam, đàn ông, trai tráng khắp nơi đổ về Kon Choro để sục sạo khắp núi rừng với giấc mơ đổi đời. Anh LHS, một người trong nhóm trúng kỳ nam, cho biết: “Nhờ mấy anh em chỉ, mới đây một nhóm 40 người ở An Khê lên mót lại về bán, mỗi người được chia 57 triệu đồng”.
Video đang HOT
Đến những triệu phú nhờ “giũ rơm”
Ở xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa (Phú Yên) cũng rộ lên thông tin có nhiều người tại địa phương này vừa trúng kỳ nam ở núi So Ró ở huyện Kon Choro. Khi đến Hòa Xuân Tây, hỏi thăm ai vừa trúng trầm kỳ, hầu như ai cũng kể vanh vách tên hàng loạt người và chỉ rõ từng nhà. Những ngày này ở thôn Thạch Chẩm, xã Hòa Xuân Tây đang có nhiều gia đình tưng bừng tổ chức ăn mừng trúng kỳ nam, đi đâu cũng nghe bàn tán chuyện trúng trầm.
Gia đình ông Trương Minh Kế cùng lúc có hai con trai là Trương Minh Nhàn và Trương Minh Tùng trúng được mỗi người 600 triệu đồng. Chỉ riêng con đường nhỏ dẫn vào nhà ông Kế còn có hai người khác cũng may mắn tương tự. Ở thôn Ban Nham Nam, có đến bốn người được chia hàng tỉ đồng trong đợt này. Ở thôn Hiệp Đồng, xã Hòa Xuân Đông, anh Phan Tấn Ninh cùng cha vợ của mình đi chung với nhóm người ở Hòa Xuân Tây và được chia mỗi người 600 triệu đồng. Ông Trần Văn Thu (ở thôn Bàn Nham Nam) cho biết: “Ở huyện Đông Hòa chỉ có anh tôi là ông Tâm trúng đậm nhất trong đợt vừa rồi nhưng đã đi vào TP HCM để chữa đau mắt. Tất cả những người còn lại kiếm được vài trăm triệu đều nhờ “giũ rơm” (từ của dân “đi điệu” chỉ mót lại).
Ở xã Hòa Xuân Tây hiện có hàng trăm người quanh năm sống bằng nghề lên núi tìm trầm. Địa phương này từng nổi tiếng bởi đã có không ít người đổi đời nhờ trúng được “lộc trời”. Mấy năm trước, sau khi rộ lên thông tin nhiều người ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi trúng đậm kỳ nam tại các khu rừng Tây Nguyên, nhiều người ở Hòa Xuân Tây đưa gia đình lên sinh sống hẳn ở thị xã An Khê để làm nghề “đi điệu”. Trong nhóm 15 người ở thị xã An Khê trúng đậm kỳ nam có không ít người quê Phú Yên. Chính họ đã gọi về nhắn anh em bà con kéo nhau lên mót lại. Theo tiết lộ của một số người, chỉ sau vài ngày tìm kiếm, một nhóm chín người ở huyện Đông Hòa đã mót được gần 1 kg kỳ nam, về bán chia nhau mỗi người 600 triệu đồng. Ông Phan Thành Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Tây, thừa nhận: “Mấy hôm nay tôi cũng nghe rộ có nhiều người ở địa phương trúng kỳ nam. Tuy nhiên, do những người này đi tìm trầm ở xa nên xã không thể xác minh”.
Đổ xô đi sục sạo núi rừng
Những thông tin trên đã khiến “cơn sốt” đi tìm trầm kỳ tái bùng phát và đang lan rộng ra nhiều tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Những ngày qua, cả ngàn người từ các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa kéo đến sục sạo các khu rừng ở núi So Ró của huyện Kon Choro để tìm kỳ nam. Chiều 13/4, nhiều nhóm thanh niên đứng dọc quốc lộ 1A đoạn qua Phú Yên đón xe đi Tây Nguyên. Anh Cao Văn Tuấn, một phu trầm lâu năm ở xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, háo hức: “Tôi biết chắc chắn không dễ tìm, hơn nữa mấy ngày nay họ tìm nát hết rồi nhưng thấy dân “đi điệu” lên đó nhiều quá, mấy anh em tôi cũng rủ nhau đi thử. Biết đâu vận may đến với mình”.
Theo những người đi tìm trầm, núi So Ró chỉ cách thị xã An Khê gần 70 km và chỉ mất gần hai tiếng đồng hồ đi bộ là vào được rừng sâu. Do đó, phần lớn dân tìm trầm không ở hẳn trong rừng mà cứ sau vài ngày lùng sục lại kéo ra tạm trú ở thị xã An Khê hoặc thị trấn Kon Choro. Ông Phó Khải Nghĩa, một người làm nghề xe ôm ở phường An Bình, thị xã An Khê cho biết: “Mấy ngày nay, thanh niên trai tráng ở đây kéo đi tìm trầm hết. Dân nơi khác đến cũng đông nên phức tạp lắm. Nếu một mình vào trong đó ớn lắm!”. Cũng theo ông Nghĩa, hiện nay rất nhiều thương lái, “cò” mua bán kỳ nam đổ về nằm chờ ở thị xã An Khê.
Thượng tá Lê Hoài Nam, Trưởng Công an huyện Kon Choro, cho biết: “Mấy hôm nay có thông tin có vài nhóm trúng kỳ nam ở Kon Choro nhưng đều là người địa phương khác nên chúng tôi không thể xác minh. Từ khi có thông tin này, nhiều người từ các nơi kéo đến tìm trầm nên chúng tôi phải tăng cường lực lượng để ngăn chặn, xử lý. Ban ngày, chúng tôi phối hợp với các lực lượng tuần tra nên họ dạt ra khỏi rừng, ban đêm họ kéo vào lại. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiểm soát được tình hình”.
G iá trị của kỳ nam Kỳ nam và trầm hương là sản phẩm đặc biệt nằm trong lõi của cây dó; kỳ nam quý hơn trầm hương, nếu không sành dễ bị nhầm lẫn. Chỉ một số cây dó có bệnh mới chứa trầm ở phần lõi của thân. Trầm hương và kỳ nam có các công dụng: trừ sơn lam chướng khí, chữa đau bụng, sốt rét, bệnh đường tiểu… đồng thời là hương liệu quý để sản xuất nước hoa. Do quá trình tìm kiếm thường rất khó khăn, vất vả, kéo dài hàng tháng và trầm hương, kỳ nam có rất nhiều công dụng nên giá thành của chúng rất cao. Đây cũng là những mặt hàng xuất khẩu có giá trị rất cao trên thị trường quốc tế. Trầm hương, kỳ nam thường được tìm thấy ở các tỉnh: Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Thuận…
Theo Pháp luật TP HCM
Thực hư chuyện săn tắc kè bán 50 triệu/con
Chỉ vì những tin đồn về giá trị thực của tắc kè mà trong thời gian gần đây ở Nghệ An đã xuất hiện một "cơn sốt" săn tắc kè. Điều này đang khiến cho loài động vật quý hiếm này có nguy cơ biến mất.
Cố kiếm tắc kè 3 lạng để mong đổi đời!
Cơn sốt săn tắc kè đang lan rộng ở Nghệ An, tất cả bắt nguồn từ những tin đồn vô căn cứ
Mặc cho trời mưa ẩm ướt cộng thêm gió mùa khiến cho tiết trời thêm lạnh giá nhưng những kẻ săn tắc kè vẫn tay bị tay gậy leo lên từng vách núi hòng tìm kiếm cơ may săn những con tắc kè "khủng" trên 3 lạng để mong... đổi đời.
Xã Quang Thành (huyện Yên Thành) là một trong những "điểm nóng" về nạn săn tắc kè. Trên những lèn đá dựng đứng, rêu mọc nham nhở, trời lại mưa khiến cho đường lên vách núi trơn tuột như bôi mỡ.
Ấy thế mà đám trẻ chăn trâu vẫn thoăn thoắt leo lên để tìm bắt những chú tắc kè đang trốn lạnh trong các kẽ đá.
Một học sinh lớp 8, Trường THCS Quang Thành hổ hởi: "Cách đây 2 tháng có mấy người lạ mặt đến làng nói sẽ mua tắc kè với giá rất cao. Con 3 lạng giá 50 triệu đồng, cứ trên 3 lạng 1 gram là giá tăng thêm 20 triệu đồng. Nghe tin đó, làng em và cả xã đổ xô đi bắt. Mấy ngày qua em bắt được 4 con nhưng dưới 2 lạng nên họ chỉ mua với giá 150 ngàn/con".
Một trong những người "kiên trì" nhất trong việc tìm kiếm con tắc kè 3 lạng trở lên là anh Hoàng Văn Thìn, trú tại xã Kim Thành. Đã 2 tháng từ khi có tin "sốc" như trên, anh cùng một người bạn tên Hoàn ở xã Quang Thành đã cất công săn tìm tắc kè, nhưng đều bất lực và chỉ tìm được những con có trọng lượng nhỏ hơn.
Anh Thìn tâm sự: "Kể cũng lạ, tắc kè chi mà đắt rứa, mà giá cả lại chênh lệch nhiều đến vậy giữa con to và con nhỏ. Mấy tháng nay tôi tìm được có khi cũng ngót trăm con nhưng toàn là con nhỏ cỡ 1 - 2 lạng thôi, bán giá chỉ 100 - 200 nghìn đồng. Trầy trật mãi chẳng thấy bắt được con nào 3 lạng cả, đôi khi cũng nản nhưng nghe họ hét giá 50 triệu đồng 1 con 3 lạng kể ra rất hấp dẫn nên tôi sẽ cố kiếm cho bằng được khỏi mất công mất sức bấy lâu".
Cơn sốt đang lan rộng
Ở Nghệ An, "cơn sốt" tắc kè đang lan nhanh từ Yên Thành sang các khu vực có nhiều rừng núi như Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn...
Sau hơn 2 tháng kể từ khi "cơn sốt" tắc kè bùng lên, hiện naytạivùng rừng núi Yên Thành, những "ổ" tắc kè dường như đã không còn. Tại các xã Tri Lễ, Nậm Giải, Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) phong trào "săn" tắc kè cũng khiến cho hàng trăm người dân hàng ngày trèo đèo, lội suối đi tìm.
Anh Moong Văn Tình, trú xã Tri Lễ nói: "Nghe tin tắc kè đắt vừa mới đây thôi nhưng giờ đi đâu cũng gặp người săn tắc kè, ban đêm ánh đèn pin soi sáng cả một cánh rừng, tiếng gõ thân cây để nhử tắc kè từ trên ngọn xuống nhức hết cả tai. Vừa rồi anh Phát ở cùng xã bắt được hơn 2 chục con mà toàn hàng "tép" (con nhỏ hơn 3 lạng - PV), chỉ 1 - 2 lạng, có con chỉ mấy chục gram bán cũng chả ăn thua, tôi đang tính thôi không tìm nữa".
Tin vịt?
Một cậu bé chăn trâu đang săn tắc kè
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, hầu như địa phương nào các đầu nậu ở Diễn Châu, TP Vinh, Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh... cũng đã liên hệ và "cắm chốt" các "đại lý " thu mua, hàng ngày mỗi đại lý cũng thu được chừng 10 - 30kg tắc kè.
Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào trên 3 lạng.
Lần theo thông tin của những "đại lý" ở các huyện, chúng tôi may mắn liên hệ được một đầu nậu ở TP Vinh. Tuy nhiên, qua quá trình dò hỏi chúng tôi nhận thấy người đàn ông kín tiếng này chỉ ầm ừ cho qua chuyện và có ý đuổi khéo.
Qua khai thác thông tin mãi, đầu nậu này cũng thú nhận chưa "gom" được lô hàng nào có con 3 lạng !
Để lý giải vì sao lại có người hỏi mua tắc kè 3 lạng giá "khủng" như thế, chúng tôi đã được nghe vô số lời giải thích cũng như phán đoán của nhiều người, trong đó có một số "đầu nậu" đất Bắc, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở...tin đồn.
Đồn rằng lưỡi của tắc kè lâu năm dùng để điều trị bệnh AIDS thịt chế được chất kích dục, máu chữa được bệnh ung thư vv...và vv... Tuy nhiên, điều đó đã được các nhà y học khẳng định chưa có một cơ sở khoa học nào để nói tắc kè chữa được những căn bệnh nan y như đã nói. Đó chỉ là lời đồn thổi!
Trước đây cũng từng xảy ra những cơn sốt tương tự như tin đồn mua đuôi mèo, móng trâu, tai ngựa, rễ cây hồi,... với giá cao ngất ngưởng. Thực tế tất cả chỉ là đồn thổi, không có thực và thực tế đã có nhiều người phải dở khóc dở cười tiền mất, tật mang vì "trót" nghe theo những tin đồn như vậy.
Theo Vietnamnet
Phu trầm ở rừng Trăm Tỷ Ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên có khu rừng tên là rừng Trăm Tỷ. Nhiều năm qua, hàng ngàn người đã đến đây đào xới để tìm trầm, với hy vọng được mau chóng đổi đời. Thứ trầm mà họ đào xới để tìm là trầm bì. Khu rừng này ngày xưa có 2 loại cây dó tạo trầm - dó bầu tạo...