Cơn sốt đất ở Phú Quốc
Chưa bao giờ giá đất ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) được giới đầu cơ hay “cò đất” đẩy cao như hiện tại, thay đổi giá theo ngày.
Ngay từ bến cao tốc ở Bãi Vòng, xã Hàm Ninh, con đường chưa đầy 3 km dẫn vào trung tâm huyện đã có hàng chục bảng áp phích rao bán đất, hay các dịch vụ tư vấn, môi giới buôn bán bất động sản.
Hàng nghìn áp phích rao bán đất ở các trục đường chính của huyện Phú Quốc. Ảnh: Phúc Hưng.
Riêng ở các trục đường chính của thị trấn An Thới, Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn…, số lượng áp phích lên đến hàng nghìn bảng. Cách nhau vài km là các điểm tư vấn luôn có hai ba người túc trực 24/24 để chào bán hay giới thiệu về các lô đất đang cần bán.
“Dân ở đây không còn lạ gì cảnh tượng các đoàn xe mang biển số các tỉnh phía Bắc, hay Sài Gòn ùn ùn đổ về tìm đất để mua”, một người dân sống ở thị trấn Dương Đông nói.
Nhiều người là dân cố cựu ở địa phương cho biết cuộc sống bình yên trên đảo ngọc đã không còn như trước. Chưa bao giờ giá đất tại đây lại được đẩy lên cao ngất ngưởng như hiện nay. Cảnh tượng nhộn nhịp từ các hàng quán, tụ điểm vui chơi, quán cà phê, và ngay cả ở các nơi công cộng đều có sự hiện diện của giới đầu cơ và các cò đất bàn chuyện mua bán.
“Bây giờ mà anh mua đất nếu không đặt cọc ngay là xem như giao dịch bất thành, vì giá đất ở đây thay đổi chỉ trong vài giờ”, một cò đất đến từ tỉnh An Giang nói và cho biết, 1.000 m2 đất ở buổi sáng có giá trên dưới vài tỷ đồng, thì buổi chiều đã lên chục tỷ.
Video đang HOT
Tại xã Cửa Dương, một doanh nghiệp địa ốc đang rao bán lô đất mặt tiền đường Dương Đông – Cửa Cạn, chiều sâu khoảng 120 m, với gần 30 nền, có giá dao động hơn 2 tỷ đến gần 9 tỷ đồng mỗi nền, tùy theo diện tích. Trong khi trước đó không lâu, giá mỗi nền rao bán chỉ tầm một tỷ đồng.
Các văn phòng công chứng trên huyện đảo Phú Quốc hầu như làm việc hết công suất vì số lượng người đến giao dịch quá đông. Ảnh: Phúc Hưng.
Chuyện người đến mua và “trúng” đất đã không còn lạ với dân bản địa. Vài năm trước, một hộ dân mua 1.000 m2 đất ở đường tránh thị trấn Dương Đông với giá chưa tới một tỷ đồng, thì nay có người trả giá 18 tỷ đồng mà chủ đất vẫn chưa bán.
Trước cơn sốt đất, cánh cò đất cũng mọc lên “như nấm” sau mưa. Nhiều người bỏ cả công ăn, việc làm trong đất liền để ra đảo làm cò, với hy vọng kiếm được khoản tiền trên lệch vài tỷ đồng sau mỗi phi vụ môi giới thành công.
“Nếu trúng mánh, chỉ với một giao dịch thôi, tôi kiếm được hơn 2 tỷ đồng”, một cò đất cho biết.
Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Quốc cho biết, từ tháng 9.2017 đến nay, văn phòng này tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mỗi tháng. Bình quân mỗi ngày tiếp nhận trên 300 khách đến giao dịch.
Không chỉ người có đất mới bán, ngay cả những người không đất cũng khai phá rừng trái phép để lấy đất bán. Theo Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phú Quốc, ở thị trấn An Thới và hai xã Dương Tơ, Hàm Ninh đã từng xảy ra hiện tượng dân tự ý bao chiếm đất rừng, phân lô để bán…
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc – Đinh Khoa Toàn khẳng định, giá đất trên địa bàn huyện đang được đẩy lên đến mức “ảo” trước thông tin địa phương chuẩn bị trở thành Đặc khu kinh tế.
“Việc sốt đất đang vượt tầm kiểm soát của chính quyền địa phương, giá cao hay thấp là do thỏa thuận giữa người mua và người bán”, ông Toàn nói.
Bên cạnh vấn đề sốt đất ở huyện đảo, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng đã vừa giao Thanh tra Chính phủ bổ sung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp ở huyện Phú Quốc vào kế hoạch thanh tra của đoàn thanh tra theo quyết định ngày 28.3 của tổng Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu đoàn thanh tra lưu tập trung làm rõ trách nhiệm quản lý đất đai; việc san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp…
Song song đó, ngày 9.4, ông Nguyễn Thanh Nghị – Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang đã ký công văn về việc tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Phú Quốc.
Theo đó, ông yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương kiểm tra, rà soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác quản lý đất đai tại Phú Quốc, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp không đúng quy định; rà soát trình tự, thủ tục thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Riêng Sở Tài nguyên được giao chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, UBND huyện Phú Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn xử lý nghiêm việc tự quy hoạch, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trong khi chưa được cho phép; việc xây dựng công trình nhà ở trong phạm vi đất đã giải phóng mặt bằng (tái chiếm)…
Theo Phúc Hưng (VnExpress)
Vận chuyển nước lên độ cao 500 m chữa cháy rừng phòng hộ
Hỏa hoạn bùng phát tại rừng phòng hộ ở huyện đảo Phú Quốc lúc nắng gắt, lực lượng chữa cháy phải dùng can nhựa vận chuyển nước lên độ cao hàng trăm mét để dập lửa.
Trưa 16/3, đám cháy được phát hiện ở rừng phòng hộ tại ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, Kiên Giang.
Đám cháy gây thiệt hại khoảng 4.000 m2 cây rừng. Ảnh: A.X
Lực lượng Kiểm lâm huyện Phú Quốc cùng người dân dùng can nhựa 20 lít vận chuyển nước lên đồi ở độ cao hơn 500 m để chữa cháy. Hơn 2 giờ sau ngọn lửa được khống chế, không để cháy lan, song khoảng 4.000 m2 cây rừng bị thiêu rụi.
Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Phú Quốc Huỳnh Long Hải cho biết, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục chuyển nước lên để dập lửa.
"Khu vực bị cháy là rừng tràm thưa. Nước sau khi được chuyển lên, lực lượng cho vào máy chữa cháy mini đeo trên người dập lửa", ông Hải nói và cho biết nguyên nhân được cho là do người dân đốt rẫy gây cháy lan.
Phúc Hưng
Theo VNE
BĐS Đặc khu kinh tế sốt sình sịch, Bộ Xây dựng ra công văn khẩn yêu cầu chặn tình trạng "thổi giá" đất Lãnh đạo Bộ Xây dựng vừa ký công văn gửi tới 3 tỉnh sẽ có các đặc khu kinh tế là Quảng Ninh (đặc khu Vân Đồn), Khánh Hoà (đặc khu Bắc Vân Phong), Kiên Giang (đặc khu Phú Quốc) về việc kiểm soát tình hình giá đất nền tăng mạnh trong thời gian ngắn. Công văn do Thứ trưởng Bộ Xây dựng...