Con sông có thể nhấn chìm quan hệ Trung- Ấn
Theo học giả Mỹ, con sông Brahmaputra đang ẩn chứa tới 6 thách thức khác nhau có thể thổi bùng xung đột Trung Quốc- Ấn Độ.
Trang mạng National Interest ngày 19.4 đăng tải bài phân tích chuyên sâu của học giả Joel Wuthnow, Trung tâm nghiên cứu quân sự Trung Quốc, thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ, theo đó học giả cảnh báo nguy cơ xảy ra chiến tranh nguồn nước giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên con sông Brahmaputra.
Bộ trưởng Quốc phòng hai nước sẽ nhóm họp tại thủ đô Bắc Kinh trong 2 ngày 18-19.4 để thảo luận các vấn đề biên giới. Tiêu điểm của chương trình nghị sự là tìm cách cải thiện sự ổn định dọc biên giới hai nước, nơi có những chồng chéo về chủ quyền. Lần gần đây nhất là vào tháng trước quân đội Trung Quốc đã vượt qua đường kiểm soát thực tế (LAC) để tiến sâu vào phần lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát. Đây là nguồn cơn cho leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh và New Delhi. Trong khi đó, hai bên cũng không nên bỏ qua một điểm nữa thường xảy ra xung đột xung quanh đường LAC, con sông Brahmaputra.
Sông Brahmaputra, rủi ro chiến tranh nguồn nước Trung-Ấn. Ảnh: National Interest
Học giả Wuthnow phân tích rằng con sông Brahmaputra bắt nguồn từ Tây Tạng (phía Trung Quốc gọi là Yarlung Tsangpo) chảy qua vùng kiểm soát thực tế (LAC) và đổ vào bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Đây là một trong hai điểm tranh chấp chính trong khu vực dọc biên giới Trung-Ấn.
Điểm kia là Aksai Chin về phía Tây (nơi mà quân đội Trung Quốc phần lớn đột nhập). Trước đó vào năm 1962, quân đội Trung Quốc đã tổ chức tấn công quy mô lớn tại bang Arunachal Pradesh, một phần của cuộc xung đột biên giới. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền cả vùng lãnh thổ này và gọi là vùng nam Tây Tạng. Trong khi đó, Ấn Độ cũng coi đây là vùng lãnh thổ của mình theo Hiệp ước 1914. Con sông Brahmaputra tiếp tục chạy qua phần lãnh thổ Ấn Độ và tiến về Bangladesh và cuối cùng đổ vào vịnh Bengal.
Trong số các con sông lớn có tầm quan trọng quốc tế, thì con sông Brahmaputra lại xếp ở vị trí thấp xét về sự quản lý thông qua thể chế. Các nước dọc sông Nile là một ví dụ đã thành lập nên Sáng kiến lưu vực sông Nile để tăng cường hòa bình và an ninh, trong khi khu vực sông Mekong gần đây cũng hình thành nên Ủy ban sông Mekong (trong đó Trung Quốc là nước quan sát chứ không phải thành viên đầy đủ).
Ngược lại, hiện vẫn chưa có một tổ chức nào có thể đứng ra tăng cường hợp tác giữa 3 quốc gia chính dọc con sông Brahmaputra, gồm: Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. Thậm chí trên bình diện song phương, hợp tác Trung-Ấn vẫn còn bị hạn chế về việc chia sẻ dữ liệu về con sông này và nhóm làm việc chung không thường xuyên gặp nhau. Khả năng để lập ra một hiệp định lớn hơn vẫn bị cản trở bởi một sự thật là con sông chảy qua rất nhiều khu vực vẫn còn tranh chấp.
Xét trên phương diện an ninh, theo học giả Mỹ, có 3 thách thức cho cả Bắc Kinh và New Delhi cần giải quyết. Các thách thức này sẽ được đề cập trong một nghiên cứu mới đây do các đồng nghiệp của ông, gồm: Satu Limaye và đồng nghiệp Nilanthi Samaranayake nghiên cứu.
Thách thức thứ nhất là kiểm soát và ngăn ngừa lũ lụt. Trước đó vào tháng 6.2000, một con đập nằm trong phần lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát đã bị vỡ, dẫn tới lụt lội trên diện rộng tại bang Arunachal Pradesh, kết quả là 30 công dân Ấn Độ đã bị thiệt mạng và 50.000 người phải sơ tán.
Video đang HOT
Giới chức Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đã ém nhẹm thông tin quan trọng về dự báo thời tiết. Điều này đã dẫn tới hai bên ký kết một hiệp định vào năm 2002, theo đó Trung Quốc sẽ phải cung cấp các dữ liệu dòng chảy cho phía Ấn Độ trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, tình trạng lũ lụt sẽ vấn là vấn đề nghiêm trọng và có thể tồi tệ hơn trong tương lai nếu các lớp băng ở Tây Tạng tan ra do hệ quả của hiện tượng nóng lên của trái đất.
Thách thức thứ 2, Ấn Độ lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ xây nhiều con đập có khả năng điều tiết dòng chảy từ con sông Yarlung Tsangpo. Những lo ngại này đã được gióng lên trong những năm gần đây, đặc biệt được đề cập trong nghiên cứu của học giả Brahma Chellaney về các cuộc chiến đường thủy sắp tới giữa Trung-Ấn.
Trên thực tế, các học giả của Trung Quốc lại tính đến một loạt các kế hoạch nhằm tận dụng nguồn nước từ con sông trên nhằm tập trung vào việc giải quyết nạn thiếu hụt nguồn nước tại Trung Quốc. Trong đó, một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch có tựa đề: Nguồn nước Tây Tạng có khả năng giải bài toàn nguồn nước của Trung Quốc, vốn thu hút sự chú ý đông đảo dư luận trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia khác của Trung Quốc lập luận rằng chi phí quá tốn kém và các thách thức thi công cũng quá phức tạp để có thể thực thi và rằng còn nhiều các giải pháp khác tốt hơn để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nước (như tăng tính hiệu quả của sản xuất nông nghiệp).
Thách thức thứ 3 là các nhà quan sát Trung Quốc bày tỏ lo ngại về hậu quả của việc xây dựng nhà máy thủy điện và các cơ sở hạ tầng khác của Ấn Độ dọc con sông Brahmaputra tại bang Arunachal Pradesh. Sự lo ngại này là ở chỗ việc phát triển các công trình nói trên có thể sẽ giúp Ấn Độ tăng cường kiểm soát thực tế đối với khu vực bằng việc tăng cường đưa dòng người di cư lớn của Ấn Độ đến định cư tại khu vực còn tranh chấp. Điều này sẽ làm phức tạp khâu đàm phán biên giới và khiến Bắc Kinh khó bề kiểm soát hơn vùng lãnh thổ nam Tây Tạng.
Trung Quốc thậm chí còn áp dụng các giải pháp nhằm làm phức tạp hóa việc phát triển các công trình của Ấn Độ tại bang Arunachal thông qua việc ngăn chặn việc rót vốn vào các công trình nói trên. Các cuộc phỏng vấn các chuyên gia Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh không có nhiều tham vọng có thể ngăn chặn Ấn Độ tại khu vực nêu trên, mặc dù các dự án trên sẽ tiếp tục là nguồn cơn cho tranh cãi chính trị Trung-Ấn.
Tựu chung lại, theo học giả Mỹ, con sông Brahmaputra đang ẩn chứa tới 6 thách thức khác nhau có thể thổi bùng căng thẳng giữa 2 bên. Rất khó có thể tưởng tượng một kịch bản mà theo đó việc kiểm soát cả con sông sẽ kéo theo một cuộc xung đột biên giới quy mô lớn hơn. Nước- rút cuộc vẫn là nguồn tài nguyên chiến lược sống còn đối với sự duy trì quân đội tại khu vực. Tuy nhiên, vẫn có vài cách mà 2 bên có thể hợp tác cùng nhau để duy trì ổn định tại khu vực biên giới bằng việc cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến con sông trên.
Theo Danviet
Trung Quốc dùng nguồn nước đe doạ bao nhiêu quốc gia?
Nắm giữ các con sông là cách Trung Quốc đang dùng để gây ảnh hưởng thậm chí để khống chế châu Á, tạp chí đối ngoại The Diplomat bình luận.
Nguồn nước đang là vũ khí mà Trung Quốc sử dụng để khống chế châu Á. Ấn Độ, Bangladesh, Lào Campuchia, Việt Nam, Thái Lan... là các nước đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nước do Trung Quốc xây dựng nhiều đập thuỷ điện.
Trung Quốc đã xây năm đập lớn trên sông Mekong và tám con đập khác cũng đang được hoàn thành mà không cần tham khảo cũng như thông báo cho các nước ở hạ lưu.
Điều này theo các chuyên gia, có thể làm thay đổi hệ sinh thái ở hạ lưu, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người ở các nước như Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia.
Một số nước ở hạ lưu đã bắt đầu phải tính đến việc xây dựng các hồ chứa nhân tạo để trữ nước đề phòng trường hợp cần thiết, một công việc có chi phí ước tính có thể lên tới hàng tỷ USD. Các con sông và các con đập thủy điện vì thế đang trở thành biểu tượng quyền lực để Trung Quốc thị uy với các nước láng giềng.
Giáo sư lịch sử Charlton Lewis thuộc trường Brooklyn College, bình luận rằng, Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc "cách mạng" đập thủy điện với quy mô chưa từng có trong lịch sử loài người. "Những con đập này đang được chào mời cho các dự án sản xuất điện khí thải thấp, nhưng thực tế nó đang tàn phá hệ thống sông trên toàn Trung Quốc và Đông Nam Á", ông Charlton Lewis nhấn mạnh .
Theo thống kê, kể từ những năm 1950, Trung Quốc đã xây dựng tổng cộng 22.000 đập nước cao hơn 15m, chiếm khoảng một nửa tổng số con đập hiện nay của thế giới.
Từ năm 1997 chính phủ Trung Quốc đã giảm tần suất ký Công ước Liên Hợp Quốc về chia sẻ nguồn và tiếp tục xây dựng các con đập không tham vấn các nước láng giềng ở hạ lưu.
Trên sông Mekong, đập thủy điện của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến nông nghiệp và thủy sản. Tại Lào và Thái Lan, các vụ mùa hầu như không còn được tiếp cận với nguồn phù sa của sông Mekong do các con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn ngăn lại. Tại Myanmar và Thái Lan, các nhóm môi trường đã lên tiếng về các mối đe dọa đến động vật hoang dã và các quần thể từ các đập của Trung Quốc mang lại.
Fan Xiao, một nhà địa chất ở Trung Quốc cho rằng: "Các con đập của Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn sông Mekong là nỗi đau vĩnh viễn, là thảm hoạ đối với thế hệ tương lai".
Và, không chỉ có ở sông Mekong, Trung Quốc còn dùng nguồn nước đe doạ đến kế sinh nhai của người dân Ấn Độ và Bangladesh khi xây dựng đập chắn trên dòng sông Brahmaputra- một trong những con sông lớn nhất châu Á chảy qua Ấn Độ và Bangladesh.
Đập thuỷ điện đầu tiên Trung Quốc xây dựng ở sông Brahmaputra là Zangmu, tiếp đến là Dagu, Jiacha và Jiexu. Theo thiết kế, nhà máy thủy điện Zangmu có 6 tổ máy phát điện với tổng công suất 540MW, sản xuất ra lượng điện bình quân khoảng 2.5 tỷ kWh điện mỗi năm.
Các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên thượng nguồn sông Brahmaputra sẽ tác động nghiêm trọng tới nguồn nước, giao thông cũng như cuộc sống và di sản của người dân vùng Đông Bắc Ấn Độ.
Trung Quốc xây đập trên sông Brahmaputra.
Trong đó, các dự án thủy điện của Trung Quốc khi hoàn thành sẽ khiến Ấn Độ mất 64% lượng nước từ sông Brahmaputra trong mùa mưa và 85% lượng nước trong khoảng thời gian còn lại, đồng thời có thể bị lũ lụt nghiêm trọng nếu các đập thủy điện ở thượng nguồn xả nước tùy tiện vào mùa lũ.
Trong bối cảnh đó, để đối phó với những tác hại từ đập của Trung Quốc, Ấn Độ cũng phải xây các đập chắc trên sông Hằng để tích nước. Tuy nhiên, từ đây là nảy sinh ra những xung đột mới liên quan đến Bangladesh, xoáy sâu thêm vào những bất ổn ở khu vực Nam Á.
Bangladesh là đất nước nơi cả sông Hằng của Ấn Độ lẫn sông Brahmaputra chảy ra biển. Việc Ấn Độ xây đập chắn trên sông Hằng đã làm giảm lượng nước chảy vào Bangladesh khiến cho diện tích đất bị ngập mặn tăng lên chóng mặt, khiến cho hàng triệu người nước này phải di cư và chủ yếu là đến miền Đông Bắc Ấn Độ gây ra những xung đột sắc tộc nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc xây thêm đập chắn trên sông Brahmaputra có thể khiến nền nông nghiệp và kinh tế của Bangladesh bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí có thể kích hoạt một cuộc chiến giữa các nước ở Nam Á.
Theo bình luận của báo The Diplomat, Trung Quốc vì thế đang có dấu hiệu dần trở thành một nước đang gieo rắc nguy cơ chiến tranh trong khu vực bằng việc sử dụng nguồn nước như một thứ vũ khí lợi hại.
Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích CIA, đến năm 2040, 47% dân số thế giới sẽ sống tại các khu vực thiếu nước, còn theo Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển LHQ thì thời điểm trên sẽ là năm 2030.
Trong nửa thế kỷ trở lại đây, các cơ quan chức năng Liên Hợp Quốc đã thống kê: đã có hơn 500 cuộc xung đột vì nguồn nước, trong đó 27 cuộc đã trở thành xung đột vũ trang.
Theo Danviet