Con ông Truyền lấy tiền đâu xây dinh thự?
Theo ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, phải làm rõ nguồn tiền ở đâu mà con trai ông Trần Văn Truyền dùng để xây dựng dinh thự trị giá nhiều chục tỉ đồng.
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội.
* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận kiểm tra đối với một cán bộ cấp cao như ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ?
- Ông Đinh Xuân Thảo: Tôi cho đó là việc làm tốt, đặc biệt sau khi Quốc hội chất vấn tại nghị trường thì Tổng Thanh tra Chính phủ nói rằng việc này thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư. Ủy ban Kiểm tra trung ương đã làm việc rất kịp thời và đưa ra kết luận rõ ràng. Việc này phần nào đã đáp ứng niềm tin của nhân dân. Còn việc xử lý tiếp theo có thể cần cơ quan pháp luật của Chính phủ làm. Tôi cho rằng cần phải xác định rõ tiền mua, xây dựng những ngôi nhà đó lấy ở đâu ra.
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội.* Trong khối tài sản của gia đình ông Truyền, dư luận đặc biệt chú ý tới khu dinh thự trị giá nhiều chục tỉ đồng đứng tên con trai ông – một đại úy CSGT công tác ở Công an tỉnh Bến Tre. Theo ông, Tỉnh ủy Bến Tre có nên làm rõ con trai ông Truyền lấy tiền đâu ra để xây dinh cơ hoành tráng này?
- Việc đó là cần thiết. Bất cứ tài sản nào trong diện nghi vấn thì phải điều tra cho rõ để chứng minh cho được nguồn gốc tài sản đó là chính đáng, tiền phải là tiền sạch. Về việc kê khai tài sản, con ông Truyền là một cán bộ, đảng viên thì cũng phải xem có kê khai không và nếu thuộc thẩm quyền phải khai mà không thực hiện là sai. Nếu có khai thì phải làm rõ nguồn tiền xây dựng ở đâu ra.
* Trường hợp ông Truyền với nhiều nhà đất được cấp rất dễ dàng khiến dư luận băn khoăn liệu có “vấn đề gì” không và có phải điều tra, xử nghiêm trách nhiệm của những cán bộ liên quan?
- Khi xử lý một vụ việc thì phải xem xét mọi khía cạnh. Cũng có thể ông Truyền chứng minh nhà đất đó quá rẻ thì ông mua bằng lương nên có thể ông nói điều đó là đúng. Nhưng trách nhiệm ở đây thuộc về cơ quan quản lý, cơ quan cấp nhà cho ông Truyền. Rõ ràng, phải quy trách nhiệm của đơn vị cấp nhà, chí ít cũng là cố ý làm trái gây thiệt hại tài sản của nhà nước, phải xử lý.
Nếu anh cấp đúng thì bây giờ làm gì có chuyện đi thu hồi tài sản? Còn nếu đã thu hồi thì rõ ràng là làm sai, mà đã làm sai thì phải truy trách nhiệm.
* Việc ông Trần Văn Truyền ký quyết định bổ nhiệm hơn 60 trường hợp trước lúc về hưu, dù không được nhắc tới trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương nhưng theo ông, có cần làm rõ trách nhiệm?
Video đang HOT
- Cái đó cũng nên làm vì nó thuộc quy định của nhà nước rồi – những người giữ chức vụ thì trong vòng 6 tháng cuối cùng trước lúc nghỉ hưu không đưa ra quyết định về công tác tổ chức nhân sự. Quy định đã có mà anh vẫn làm là sai. Dù anh là cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu rồi cũng phải kiểm điểm, cũng có thể có hình thức kỷ luật.
Đối với những người được bổ nhiệm vào thời điểm đó cũng cần phải rà soát lại. Nếu trường hợp nào không đúng với điều kiện, tiêu chuẩn – như không có trong quy hoạch hoặc không đủ trình độ năng lực – thì phải xem xét lại.
Đại úy Trần Hoàng Anh chỉ kê khai tài sản năm 2014
Ngày 24/11, nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động cho biết đại úy Trần Hoàng Anh (SN 1981, con trai ông Trần Văn Truyền, hiện công tác tại Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt Công an tỉnh Bến Tre) chỉ kê khai tài sản năm 2014 vào ngày 6-3 khi báo chí đã đăng tải thông tin về khối tài sản của ông Truyền. Những năm trước đó, đại úy Trần Hoàng Anh không kê khai tài sản.
Theo nguồn tin này, đại úy Trần Hoàng Anh khai mình là chủ sở hữu biệt thự ở xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Thửa đất số 598B5 Nguyễn Thị Định mà Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ đạo thu hồi cũng do đại úy này đứng tên. Ngoài ra, ông Trần Hoàng Anh còn khai mình góp vốn để Kinh doanh đại lý bia Trần Hoàng Dũng với số tiền 3 tỉ đồng. Hằng ngày, người dân còn thấy đại úy Trần Hoàng Anh đi làm bằng một ô tô hạng sang nhưng không thấy kê khai tài sản.
Một lãnh đạo Công an tỉnh Bến Tre xác nhận trong năm 2014, đại úy Trần Hoàng Anh có kê khai tài sản nhưng không tiết lộ tài sản gồm những gì vì cho rằng đó là thông tin bí mật cá nhân.
Theo Đời Sống Pháp Luật
Phanh phui toàn bất động sản khủng của nguyên tổng thanh tra Chính phủ
Hai căn nhà và một mảnh đất ở Bến Tre, hai căn khác ở TP HCM cùng một nhà công vụ tại Hà Nội là những bất động sản liên quan đến ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng thanh tra chính phủ, vừa bị điều tra.
Những bất động sản liên quan đến nguyên tổng thanh tra chính phủ
Theo xác minh của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, căn biệt thự ở xã Sơn Đông, TP Bến Tre (Bến Tre) có diện tích hơn 16.500 mét vuông là đất của ông Trần Hoàng Anh, cán bộ cảnh sát giao thông Công an tỉnh - con trai ông Trần Văn Truyền. Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ giải trình số tiền xây dựng căn biệt thự này là từ 7 tỷ đồng tiền của vợ chồng ông dành dụm và 4 tỷ đồng mượn của bà Phạm Thị Kim Anh, trú quận 9, TP HCM và hiện ông đang ở trong căn nhà này.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, việc mua đất và xây dựng nhà của các con ông Truyền được thực hiện theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với cương vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp cao, ông Truyền đã thiếu cân nhắc và chủ quan khi xây dựng công trình biệt thự lớn trong khuôn viên đất rộng, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; gây phản cảm và tạo dư luận xấu, lan rộng trong xã hội.
Căn nhà số 6, Lê Quý Đôn, phường 1, TP Bến Tre với tổng diện tích hơn 260 m2 (ông Truyền mua năm 2003 với giá chưa tới 280 triệu đồng) nhiều năm nay được sử dụng làm trụ sở cho một doanh nghiệp làm đại lý phân phối bia, rượu, nước giải khát. Căn nhà này vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu thu hồi vì đã được cấp sai quy định "hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng chỉ xét một lần cho một hộ gia đình...". Việc UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo cho sửa chữa, bán cho ông Trần Văn Truyền căn nhà số 06 Lê Quý Đôn cũng có một số khuyết điểm, vi phạm.
Thửa đất số 598B5 có diện tích 350 m2 ở đường Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, TP Bến Tre do Quân khu 9 cấp cho ông Truyền. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Truyền đã biết mình không đúng đối tượng được cấp đất, nhưng vẫn nhận và sau khi được Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre yêu cầu trả lại, ông Truyền đã không kiên quyết, dứt khoát thực hiện, sau đó lại có đơn xin làm nhà tạm để con dâu sử dụng, thể hiện sự thiếu gương mẫu của người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận không tốt đối với cá nhân ông Truyền.
Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre và các cơ quan chức năng thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi đất, để kéo dài, gây dư luận không tốt đối với lãnh đạo ở địa phương. Hiện phần đất này đã bị UBND tỉnh Bến Tre ra quyết định thu hồi vào ngày 19/11 vừa qua.
Căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận đang được cho thuê bán trái cây. Năm 2003, khi đã chuyển ra Hà Nội công tác, ông Truyền có đơn gửi UBND TP HCM trình bày hoàn cảnh khó khăn do công tác xa ở Hà Nội và có nhu cầu nhà ở tại TP HCM trong khi gia đình không có khả năng mua đất để xin thuê nhà và đã được UBND thành phố giải quyết cho thuê căn nhà.
Đến tháng 3/2011, ông Truyền làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, về nhà ở và đề nghị UBND TP HCM bán căn nhà này cho mình và để con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đứng tên và được các cơ quan chức năng của TP HCM đồng ý. Vào tháng 7/2014, qua kiểm tra và báo cáo của công an quận Phú Nhuận, ông Truyền và gia đình không sử dụng căn nhà này mà cho người khác ở và bán hàng.
Ủy ban Kiểm tra đã yêu cầu TP HCM thu hồi căn nhà này vì xác định ông Truyền đã thiếu trung thực, không báo cáo thông tin đầy đủ, đúng sự thật về nhà, đất. Tại thời điểm làm đơn xin mua căn nhà này, vợ ông Truyền là bà Phạm Thị Thủy đang đứng tên sở hữu căn nhà số 465/48C khu phố Phước Hậu, phường Phú Khương, quận 9, TP HCM; con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đang đứng tên sở hữu căn hộ 28.04A, Khu căn hộ cao cấp Hùng Vương tại quận 5, TP HCM.
Căn nhà 3 tầng số 465/48C ở khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, quận 9 do bà Phạm Thị Thủy, vợ ông Trần Văn Truyền đang đứng tên sở hữu.
Căn nhà có diện tích hơn 500 m2 này được xác định là tài sản thừa kế ông Truyền nhận được từ người mẹ nuôi là bà Trần Thị Lý. (Bà Lý mất để lại di chúc và năm 2008 con ruột bà Lý là Phạm Thị Kim Anh đã thực hiện di chúc và tặng căn nhà này cho vợ ông Truyền).
Theo Ủy ban Kiểm tra, từ khi được tặng căn nhà, ông Truyền chưa sử dụng, nay theo báo cáo đã giao lại cho bà Kim Anh quản lý và ông nhận của bà Kim Anh 4 tỷ đồng để làm nhà biệt thự ở Bến Tre. Một người hàng xóm cho biết căn nhà này bỏ không lâu nay.
Năm 2004, ông Trần Văn Truyền được Cục Quản trị A, Ban Tài chính quản trị trung ương hợp đồng với Văn phòng Chính phủ cho thuê nhà công vụ phòng số 607, B1, khu nhà A, 61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, Hà Nội với diện tích 95 m2... Tháng 10/2011, ông Truyền nghỉ hưu theo chế độ nhưng chưa trả lại nhà. Đến đầu năm nay, khi có thông tin, dư luận về thực hiện chế độ nhà công vụ và Ủy ban Kiểm tra trung ương nắm tình hình thì ông mới đề nghị trả lại nhà. Đến tháng 5 năm nay, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận lại căn hộ trên.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, sau khi đã nghỉ hưu gần 3 năm ở tỉnh Bến Tre, ông Trần Văn Truyền mới trả lại nhà công vụ ở Hà Nội. Với cương vị nguyên là cán bộ cấp cao, ông có khuyết điểm khi chưa thật sự gương mẫu trong sử dụng nhà công vụ.
Theo VnExpress
Hàng xóm khu nhà công vụ tiết lộ 'sốc' về ông Truyền Tổ trưởng khu nhà công vụ Hoàng Cầu ngạc nhiên khi biết người hàng xóm Trần Văn Truyền vốn chặt chẽ khi làm từ thiện lại sở hữu khối tài sản "khủng" đến thế. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, năm 2004, ông Trần Văn Truyền được Cục Quản trị A, Ban Tài chính quản trị T.Ư hợp đồng với...