“Con nhìn thấy đồ ăn là mắt sáng lên” và loạt bí quyết cực chất rèn kỹ năng ăn uống chủ động, vui vẻ cho con từ nhỏ của mẹ 9X
Từ việc trau dồi rất kĩ lưỡng kiến thức về BLW, chị Ngọc tự tin tuyên bố với mọi người rằng con trai mình sẽ ăn uống chủ động vui vẻ không thua kém gì người lớn vào mốc 12 tháng tuổi. Và chị đã làm được.
Bắt tay vào quá trình cho con ăn dặm, bất kỳ bà mẹ nào cũng háo hức, nhưng để đi được đến cái đích “con ăn uống chủ động, vui vẻ” lại chẳng còn được mấy mẹ. Bởi trên hành trình ấy chứa đựng rất nhiều gian nan và khủng hoảng mà mẹ phải đối mặt như sự chống đối từ phía con, những lần con ốm sốt hay kể cả là lời nói của người ngoài. Vậy nên trường hợp của hai mẹ con chị Hoàng Ngọc và bé Tin (12,5 tháng tuổi) được chia sẻ ngày hôm nay sẽ giúp các mẹ củng cố thêm niềm tin, học hỏi được nhiều bí quyết để đồng hành cùng con thành công.
Bé Tin hiện có nếp ăn uống rất vui vẻ và hạnh phúc, “có thể ăn cả thế giới” mà không kén các loại rau củ. Mỗi ngày 3 bữa chính, 1 bữa phụ (chủ yếu là hoa quả). Đặc biệt là dù ở nhà hay đi ra ngoài, bé đều thấy đồ ăn là mắt sáng lên, đầy háo hức và thích thú. Tin cũng rất thích uống sữa, mỗi ngày 4 bình 180-200ml. Để có được thành quả này, chị Ngọc đã phải định hướng, rèn kỹ năng cho con ngay từ đầu.
“Bài thi sát hạch” của bé Tin, đã xuất sắc hoàn thành kỹ năng bốc nhón.
Lựa chọn phương pháp ăn dặm Baby Led Weaning (BLW) kết hợp đút thìa
Chị Ngọc chia sẻ: “Việc mình lựa chọn cho Tin ăn BLW kết hợp đút thìa, bỏ qua bột và cháo để ăn cơm ngay từ đầu cũng nhận được không ít lời xì xào hồ nghi. Nhưng vì đã trau dồi rất kĩ lưỡng kiến thức về BLW, mình tự tin tuyên bố với mọi người rằng con trai mình sẽ ăn uống chủ động vui vẻ không thua kém gì người lớn vào mốc 12 tháng tuổi. Và đúng là cuối cùng, 2 mẹ con mình đã làm được”.
Tin bắt đầu ăn dặm BLW từ 6 tháng rưỡi khi biết ngồi kiểu ếch trên một phút. Những ngày tháng đầu cho con làm quen với thức ăn cũng rất áp lực với chị Ngọc. Con tập kĩ năng là chủ yếu và ăn được rất ít, phản xạ oẹ cũng nhạy, ngày nào cũng có rất nhiều rau củ quả bị bỏ đi. Thậm chí, chị cũng phải đối mặt với nhiều căng thẳng trong gia đình khi bà nội em bé ghé qua thăm, thúc giục chị cho con ăn cháo, bột thay vì BLW. Thế nhưng chị Ngọc vẫn kiên trì, nhất quán với lựa chọn của mình. Chị tin thành quả sau này sẽ là lời giải thích rõ ràng nhất cho bà nội bé và những người xung quanh.
Bắt đầu từ 6 tháng, bé Tin được mẹ cho bước vào giai đoạn ăn dặm đầy niềm vui.
Video đang HOT
Bé lúc nào cũng vui vẻ, là nguồn động viên tinh thần to lớn của cả gia đình.
Chị vẫn kiên nhẫn cho con mỗi ngày đều có 1 bữa đút thìa và 1 bữa BLW. Thế nhưng, bữa đút thìa cũng tuyệt đối nói không với cháo, bột mà chỉ có thức ăn thô: “Thức ăn thô là đồ ăn giống như của bữa BLW, chỉ khác là mẹ đút cho và hình thái thức ăn được thái nhỏ hơn. Tháng đầu tiên, con chỉ ăn rau củ quả. Sang tháng thứ 7, mình tập cho con ăn thêm cơm nắm vo viên (trong bữa BLW) hoặc cơm mẹ đút chan nước canh rau thịt. Gần 8 tháng tuổi, mình bổ sung đạm thịt cá trứng. Ngoài 9 tháng tuổi, mình bổ sung thêm đạm từ cua ghẹ tôm”.
Mỗi món ăn đều được chị Ngọc áp dụng phương pháp “3 ngày chờ” để kiểm tra mức độ dị ứng của con với đồ ăn nếu có. Quy tắc này cũng giúp giảm chứng biếng ăn, bởi vì con được ăn đồ ăn riêng biệt từng món, cảm nhận mùi vị của từng món, khác với món cháo truyền thống khi băm xay trộn lẫn tất cả vào nhau sẽ khiến con chỉ được nếm một thứ vị chung chung không rõ ràng. Nhờ có mẹ kiên nhẫn vậy, mỗi bữa ăn với Tin vẫn là một niềm vui. Chị Ngọc cũng xác định, dưới 1 tuổi, nguồn dinh dưỡng chính vẫn là sữa nên chị không chú trọng việc con phải ăn dặm thật nhiều. Hẳn việc để con “có chút thèm thuồng” trong mỗi bữa ăn cũng giúp cảm hứng ăn uống của con được duy trì lâu dài hơn.
Tin nhìn thấy đồ ăn là mắt sáng long lanh và khi được ăn thì vô cùng tận hưởng, thích thú.
Khủng hoảng khi con từ chối BLW, mẹ kiên nhẫn tập lại
Hành trình cho con ăn BLW vẫn đang suôn sẻ trôi qua thì bé Tin đột ngột rơi vào một đợt ốm kéo dài suốt nhiều ngày. Mẹ buộc phải cắt ăn dặm BLW trong suốt một tháng, chỉ cho con ăn đút thìa và chủ yếu bù sữa để con có thêm sức khi bị bệnh. Nhưng cũng sau đợt ốm đó, bé từ chối ăn bốc, thay vào đó là cứ há mồm thun thút như chim non đòi ăn, kỹ năng BLW tụt lùi. Quá trình ăn đút hoàn toàn kéo dài đến hết tháng tuổi thứ 11. “Sau một thời gian cho Tin chơi với đồ chơi ghép hình có núm mình quan sát thấy kĩ năng cầm nắm của bạn tốt hơn rất nhiều, thế là mình quyết định thêm lại một bữa BLW vào lịch sinh hoạt của bạn”, chị Ngọc kể lại.
Hai mẹ con chị Ngọc và bé Tin.
Bé Tin rất thích được bố bế.
Về lý do quyết tập BLW dù con ăn đút thìa rất tốt, chị Ngọc chia sẻ: “Phải nói là nếu chỉ thoả mãn với việc cho con ăn đút thìa, thì ngay từ ban đầu mình đã không xin nghỉ làm ở Marketing Agency để ở nhà toàn tâm toàn ý cho con. Khi ấy, Tin ăn đút thìa rất tốt, nhưng tốt đến mấy thì cũng vẫn là phải có người hỗ trợ. Mình muốn con tự lập tự biết chăm sóc bản thân. Bà nội Tin rất khéo, và chăm em bé rất tốt nhưng cách chăm bé truyền thống của bà lại đặt nặng việc phải ăn no ăn đủ, và không hỗ trợ nhiều cho các bé trong việc tự lập, nhất là việc thêm gia vị mắm muối đường vào đồ ăn của bé sẽ rất hại thận. Nên mình tự nghiên cứu các phương pháp ăn dặm để có thể hỗ trợ con tìm được niềm vui với việc ăn uống cũng như có chế độ ăn uống lành mạnh healthy”.
Mỗi bữa ăn của em bé là một niềm vui thực sự.
Vì những lý do đó, chị Ngọc quyết tâm tập lại BLW cho con. Mỗi ngày, ít nhất bé Tin sẽ được dọn ra bàn một bữa BLW dù bé có muốn hay không. Chị không ép con ăn nhiều, nhưng con cần làm quen với nếp ăn tự lập như trước: “Thường là những bữa tối, con sẽ ăn BLW cùng bố mẹ để con phát triển kĩ năng ăn uống. Ban đầu con vẫn ném đồ ăn, mẹ không đút cho thì gục hẳn mặt xuống bàn lè lưỡi liếm thức ăn. Nhưng mình và cả nhà ngồi làm mẫu cho con, con quan sát chăm chú, dần dần cũng chịu tự ăn theo. Và chỉ mất khoảng hơn 20 ngày kể từ khi tập lại, con đã có thể làm chủ kỹ năng bốc nhón rất tốt”.
Hiện tại, nếp ăn uống tự lập và hạnh phúc của bé Tin khiến chị Ngọc cảm thấy rất vui. Những mâu thuẫn trong gia đình cũng dần được cởi bỏ khi chứng kiến thành quả mà hai mẹ con bé Tin đã đạt được. Vì vậy, chị Ngọc muốn nhắn gửi đến các mẹ khác đang trên con đường cho con ăn dặm, đặc biệt theo BLW: “Mặc dù ban đầu nhà mình khá căng thẳng xoay quanh chuyện ăn uống của con, nhưng giờ thành quả đã chứng minh mọi mâu thuẫn đó đều xứng đáng. Mình biết nhiều mẹ rất áp lực khi sống chung với ông bà, nhưng hãy cố gắng thuyết phục để bé được ăn ít nhất một bữa BLW cùng gia đình. Mình nhận thấy 20 ngày ăn cơm cùng bố mẹ kĩ năng ăn uống của Tin phát triển vượt bậc so với mấy tháng đầu mình cho ăn riêng. Bởi vậy, được ăn cùng gia đình rất quan trọng, nó giúp các bé nhanh chóng bắt chước được cách ăn uống của người lớn và cảm nhận được niềm vui khi ăn”.
Theo Helino
Cho muối vào thức ăn dặm của trẻ có thể gây suy thận
Muối là chất vô cùng cần thiết khi chế biến thực phẩm nhưng nếu lạm dụng quá đà đối với các bé đang tập ăn dặm có thể gây suy thận.
Nhiều bà mẹ sợ con nhạt miệng nên muốn cho mắm muối thêm vào cháo cho con ngon miệng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia hàng đầu về sức khỏe trẻ em vẫn luôn khuyên rằng không cần cho muối vào đồ ăn ăn dặm của bé bởi có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe.
Thực chất, ở bất cứ độ tuổi nào, con người cũng cần một lượng muối nhất định. Trẻ nhỏ cũng cần hàm lượng muối nhưng muối ở các thực phẩm tự nhiên đã đủ cho bé, bé không cần muối ở gia vị.
Cho muối vào thức ăn dặm của trẻ có thể gây suy thận
Muối có công thức là NaCl, khi vào cơ thể tách ra thành Na và Cl. Cơ thể cần muối tức là cần Natri. Mà Natri không chỉ có trong những thức ăn có vị mặn như muối tinh, nước mắm, bột canh mà trong những thực phẩm tưởng rằng rất nhạt như gạo, ngô, sữa, thịt... đã có một hàm lượng Natri nhất định.
Sữa có khoảng 240mg Natri/l, một bát bột cho trẻ có khoảng 75mg Natri...Trong khi đó nhu cầu Natri của trẻ dưới 1 tuổi chỉ cần khoảng 200mg/ngày nên trẻ chỉ dùng thực phẩm thông thường, không nêm thêm muối thì cũng đã đủ hoặc thừa Natri. Do đó, nếu các mẹ cho thêm muối vào đồ ăn dặm của trẻ sẽ gây ra những tác hại dưới đây:
Hại thận
Hệ thống các cơ quan trong cơ thể của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và thận là một trong những cơ quan yếu ớt nhất. Thận của bé không thể chuyển hóa được một hàm lượng muối quá lớn đi vào trong người. Vì thế, cho bé hấp thụ quá nhiều muối sẽ làm tổn thương thận của bé, có thể ảnh hưởng đến não.
Hình thành thói quen ăn mặn khó bỏ
Khi mẹ nêm muối/mắm khi nấu bột, cháo sẽ tập cho bé thói quen ăn nhiều muối khi trẻ lớn hơn. Hậu quả là bé sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch trong tương lai.
Nấu bột, cháo thế nào cho đúng?
Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi, khi bắt đầu ăn dặm, dầu ăn hoặc mỡ động vật là gia vị duy nhất cần phải cho vào đồ ăn. Chúng thuộc nhóm chất béo - là nhóm chất dinh dưỡng rất quan trọng, đóng vai trò chính trong cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp hình thành mô mỡ có chức năng điều hòa thân nhiệt. Thiếu chúng, trẻ sẽ khó hấp thu các vitamin.
Khi ăn dặm, thức ăn chính của bé trong giai đoạn ăn dặm vẫn là sữa. Do đó, các mẹ nên tiếp tục cho con bú hoặc uống sữa và ăn thêm 2 bữa bột (hoặc cháo xay), trong đó có một bữa bột sữa, một bữa bột thịt hoặc bột trứng. Ở các tháng sau, bên cạnh duy trì lượng sữa 700-900 ml/ngày, trẻ có thể tăng lên 3 bữa/ngày, mỗi lần khoảng một bát ăn cơm.
Khi nấu bột hoặc cháo, không nên ăn cùng một món trong ngày tránh gây chán ăn. Bạn nên thay đổi linh hoạt giữa các bữa. Thành phần chỉ được bao gồm tinh bột (bột/cháo), chất đạm (thịt/cá/cua/tôm/trứng), chất khoáng (rau xanh xay nhuyễn) và chất béo (dầu/mỡ), không cho gia vị khác.
An Dương
Theo vietq
Nguyên tắc giúp con cai sữa mẹ thành công, hiệu quả nhưng vẫn có lợi cho trẻ các mẹ bỉm sữa nên nhớ Thời gian và phương pháp cai sữa cho trẻ rất cần được thực hiện khoa học. Điều này vừa giúp mẹ đỡ vất vả hơn cũng như đảm bảo cho trẻ phát triển tốt sau khi không bú sữa mẹ nữa. Thời gian cai sữa thích hợp cho trẻ: Về vấn đề nên cai sữa mẹ vào lúc nào cho trẻ thì không...