Con người mới chỉ sử dụng 1/10 trí thông minh?
Có một quan niệm từng tồn tại khá lâu trong giới khoa học nói chung, giới y khoa nói riêng rằng con người vẫn có thể thông minh hơn nữa nếu chúng ta biết “khai thác” các khu vực chưa được sử dụng đến của bộ não. Sự thật câu chuyện này là điều đã làm nóng không ít cuộc tranh luận.
So với các bộ phận cơ thể khác, bộ não dường như là phần nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả với không ít nghiên cứu khoa học về nó, trong đó đáng chú ý nhất là câu hỏi có hay không việc loài người mới chỉ sử dụng 10% công suất thực tế của não. Giả thuyết này nếu được chứng minh sẽ đồng nghĩa với khả năng chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào nhiều thành tựu vĩ đại hơn nữa khi mà 90% còn lại được “khai thác” hết. Nhưng thật đáng tiếc, đây là một quan niệm hết sức sai lầm.
Vậy 10% đó gồm những gì? Sử dụng kỹ thuật chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI), các nhà thần kinh học đã đặt những tình nguyện viên vào bên trong máy nội soi cắt lớp và quan sát xem não được kích hoạt như thế nào khi họ làm hoặc suy nghĩ về cái gì đó. Kết quả là chỉ một hành động đơn giản như siết chặt và thả lỏng bàn tay hoặc nói vài từ cũng khiến hơn 1/10 bộ não phải hoạt động. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình đang chẳng làm gì cả thì bộ não bạn lúc đó cũng đã làm khá nhiều như kiểm soát các chức năng hơi thở và nhịp tim hay điểm lại danh sách công việc.
90% còn lại của bộ não chưa được “khai thác” hết? (Ảnh: Thinkstock)
Vậy có khi nào con số 10% đề cập đến số lượng tế bào não? Một lần nữa điều này cũng không chính xác. Bất kỳ tế bào thần kinh nào dư thừa đều sẽ bị thoái hóa và chết đi hoặc bị các khu vực khác gần đó xâm chiếm, đơn giản là vì không có tế bào nào sinh ra một cách vô ích. Để tồn tại, mô não đã tiêu thụ tới 20% lượng oxy chúng ta hít thở, theo nhà khoa học thần kinh nhận thức Della Sergio Sala, và một bộ não phát triển đến mức hiện mới chỉ cần sử dụng 1/10 khả năng thực tế dường như là điều hết sức kỳ quặc bởi vì kích thước lớn như vậy rất dễ ảnh hưởng đến sự sống của chúng ta.
Video đang HOT
Vậy làm thế nào một ý tưởng với rất ít cơ sở sinh học và sinh lý nhưng lại có thể khiến nhiều người lầm tưởng đến thế?
Vào năm 1908, nhà tâm lý học và triết học người Mỹ William James đã viết trong tác phẩm “The Energies of Men”: “Những gì chúng ta đang sử dụng chỉ là phần nhỏ trong số các nguồn năng lực thực sự về thể chất và tinh thần của chúng ta”.
Tuy lạc quan tin tưởng rằng loài người có thể đạt thêm nhiều đột phá hơn nữa nhưng ông lại không đề cập đến khối lượng của não hay số lượng tế bào và cũng không đưa ra phần trăm cụ thể. 10% là con số được nêu ra trong cuốn sách bán chạy nhất của Dale Carnegie năm 1936 mang tên “How to Win Friends and Influence People” với minh chứng là Albert Einstein. Tuy nhiên, trong tất cả hồ sơ lưu trữ về Albert Einstein, người ta không thể tìm thấy một dòng nhỏ nào đề cập đến thông tin này.
Giải thích cho sự hiểu lầm này, các chuyên gia cho biết có thể là vì 90% tế bào trong não là tế bào thần kinh đệm. Đây là những tế bào hỗ trợ, có chứa chất trắng, cung cấp chất dinh dưỡng cho 10% tế bào còn lại, vốn là các tế bào thần kinh tạo nên chất xám. Điều này vô tình làm nhiều người nghĩ về khả năng khai thác các tế bào thần kinh đệm. Tuy nhiên, đây là 2 loại tế bào hoàn toàn khác nhau và sẽ không có cách nào có thể biến đổi tế bào đệm thành tế bào thần kinh nhằm mục đích làm tăng sức mạnh não.
Tuy nhiên, mặc dù rất hiếm hoi nhưng cũng có trường hợp quét não cho thấy cái gì đó khác lạ. Năm 1980, một bác sĩ nhi khoa người Anh tên là John Lorber viết trên tạp chí Science rằng trong những bệnh nhân mắc bệnh tràn dịch não của ông, có người hầu như không có mô não nhưng lại vẫn hoạt động. Điều này về sau đã được giải đáp chẳng qua đó chỉ là sự thích nghi với hoàn cảnh đặc biệt.
Tất nhiên, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy việc cải thiện trí tuệ bằng cách tiếp cận những điều mới có thể thay đổi bộ não nhưng không có nghĩa rằng làm như vậy sẽ giúp chúng ta “khai thác” thêm một khu vực mới của não. Ai cũng đều muốn những điều tốt hơn và chúng ta vẫn có thể tốt hơn nếu cố gắng. Tuy nhiên, thật đáng buồn, việc tìm kiếm một phần chưa được sử dụng trong bộ não sẽ không phải là phương án khả quan.
Theo 24h
Google, Wikipedia khiến loài người "ngu đi"?
Sự nổi lên của Google, Wikipedia và nhiều công cụ tìm kiếm trực tuyến khác những năm gần đây khiến các chuyên gia phải đặt câu hỏi về tác động của chúng lên bộ não con người.
Trí thông minh vốn được không ít người cho là thứ tự sinh ra trong đầu, là kết quả của quá trình độc lập suy nghĩ. Tuy nhiên, kết quả từ các nghiên cứu tâm lý lại chỉ ra nó chủ yếu đến từ cách chúng ta phối hợp với người khác và với môi trường xung quanh.
Một trong những ví dụ cho hiệu ứng này là nghiên cứu về bộ nhớ của tác giả Daniel Wegner đến từ Đại học Harvard. Đầu tiên Daniel Wegner chọn ngẫu nhiên các cặp đôi (bạn bè, người thân) và yêu cầu họ thực hiện một bài kiểm tra ghi nhớ trong phòng thí nghiệm. Một nửa số cặp được thực hành cùng nhau và nửa còn lại được sắp xếp với một người không quen biết. Sau đó, người ta đưa cho cả hai nhóm một danh sách các từ khóa để ghi nhớ. Kết quả, những cặp thuộc nhóm 1 có thể nhớ được nhiều hơn, cho dù kiểm tra theo hình thức cặp hay cá nhân.
Google, Wikipedia,... đang dần làm mất đi khả năng tư duy của cong người? (Ảnh: Corbis)
Wegner giải thích vấn đề nằm ở chính sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cặp đã có mối quan hệ thân quen từ trước. Giữa họ có sự thỏa thuận ngầm phân chia công việc, chẳng hạn trong khi người này nhớ những từ liên quan đến công nghệ thì người kia sẽ nhớ từ về thể thao. Bằng cách đó, mỗi cá nhân có thể tập trung vào nhiệm vụ của mình, khiến họ vượt trội so với cặp không quen khác, vốn tồn tại tư tưởng lệ thuộc nhau chứ không phải là phối hợp.
Qua đó, Wegner cũng cho biết ý nghĩa rộng hơn của nghiên cứu trên là nhấn mạnh việc thay vì phải dựa vào những cái có sẵn, chúng ta có thể chia sẻ kiến thức, từ đó làm đầy thêm vốn hiểu biết phục vụ quá trình phát minh, sáng tạo... Có bộ óc hoạt động theo cách này là một trong những điểm mạnh của loài người.
Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, với sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của nhiều công cụ tìm kiếm trực tuyến, các nhà khoa học bày tỏ sự lo ngại về những tác động của chúng lên bộ não con người.
Internet cung cấp nhiều tính năng chia sẻ kiến thức, là một kho dữ liệu có thể trả lời thắc mắc cho tất cả mọi người. Chỉ với một thao tác đơn giản gõ từ tìm kiếm, chẳng hạn "Ai đã đóng vai James Bond trong loạt phim 007?", kết quả sẽ nhanh chóng xuất hiện với một loạt câu trả lời: "Sean Connery, George Lazenby, Roger Moore, Timothy Dalton, Pierce Brosnan và Daniel Craig...". Tất cả những gì bạn cần quan tâm chỉ đơn giản là làm thế nào để truy cập thông tin một cách nhanh nhất mà chẳng cần tư duy nhiều.
Với tình trạng sử dụng như hiện nay, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về việc có hay không internet đang dần sắp xếp lại hệ thống dây thần kinh trong bộ não loài người?
Theo 24h
Giáo dục ngốn hàng tỷ USD vẫn lạc hậu Sản phẩm của ngành giáo dục là con người, vì vậy không cho phép giáo dục mãi loay hoay thử nghiệm, lạc lối trong lạc hậu. Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, ĐH Quốc gia Hà Nội, đơn cử về sự lạc điệu, lạc hậu của giáo dục nước nhà có thể nhìn vào giáo dục đại học. Số lượng trường ĐH,CĐ hiện nay...