‘Còn người là còn của’: Quyết liệt cầm cự Covid-19 đến cuối tháng Tư, chúng ta sẽ thắng!
“Nếu chúng ta quyết liệt cầm cự, khống chế bùng phát cộng đồng được đến cuối tháng Tư thì chúng ta sẽ thắng” – PGS.TS Nguyễn Huy Nga.
Ngày 21/3, trên mạng xã hội Lotus.vn xuất hiện bài viết tâm huyết, chỉ ra cơ hội và thách thức của Việt Nam trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 với tựa đề: Trân quý từng sinh sinh mạng của người dân.
Bài viết sau đó đã được chia sẻ trên Group Dịch Corona: Bình Tĩnh Sống và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng này. Chúng tôi xin đăng tải lại một phần của bài viết này.
Thời gian vừa qua những thông tin về một số quốc gia ở Châu Âu đang lên kế hoạch áp dụng chiến thuật “ miễn dịch cộng đồng” trong thời gian chờ vacxin. Tôi xin chia sẻ quan điểm của mình về việc này trong bài viết dưới đây.
Quan điểm miễn dịch cộng đồng (hay còn gọi là “miễn dịch bầy đàn”) hiện nay các nước phương Tây đang áp dụng hoặc đã thử áp dụng mà chúng ta được biết qua các kênh truyền thông theo tôi là một quan điểm đáng phê phán. Việc này thể hiện sự tiêu cực, thiếu tính chiến đấu ngay từ đầu với thái độ buông tay “để xem con tạo xoay vần đến đâu”. Nó khác hẳn với quan điểm Việt Nam đang áp dụng là “chống dịch như chống giặc”.
Quan điểm này theo tôi cũng thiếu tính nhân đạo, thiếu tính trách nhiệm với công dân của nước mình, vì nhiều người yếu thế trong xã hội (người già, người hay đau ốm, người nghèo) sẽ ở vào cảnh vô cùng nguy hiểm.
Thêm vào đó, đã ai khẳng định được sự miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 bao lâu thì sẽ xảy ra? Bao nhiêu phần trăm dân số thiệt mạng thì sẽ đạt được? Cũng chưa có tài liệu nào nói sự miễn dịch cá thể sẽ dài bao lâu, chứ chưa nói đến miễn dịch cộng đồng.
Vì vậy, tôi bảo vệ quan điểm là phải chủ động phòng chống, bao vây, cô lập nguồn bệnh và trân quý từng sinh mạng của người dân, dẫu đó là người già hay trẻ, khỏe hay ốm đau, thậm chí những người đang mang bệnh hiểm nghèo.
Video đang HOT
Như cha ông ta đã từng dạy: “Còn người là còn của”, và tôi tin hầu hết công dân nước ta đều ủng hộ quan điểm này.
Đứng trước thực tế là lượng người từ châu Âu về Việt Nam trong những ngày vừa qua tăng mạnh đến gần 10.000 người, dẫn đến số ca nhiễm bệnh cũng tăng nhanh, theo đó, Việt Nam đang khẩn trương mở rộng các cơ sở cách ly, tăng cường sinh viên Y khoa tại các cảng hàng không quốc tế…
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, có thể nói chúng ta đang ở cuối “giai đoạn vàng”, kề cận giai đoạn cam go, quyết liệt hơn, nếu không nói là “một mất một còn”. Vì cho đến thời điểm này vẫn chưa có một chùm ca bệnh điển hình cho sự bùng phát cộng đồng, mà chủ yếu là các ca nhập cảnh hoặc đã được đưa cách ly tập trung, hoặc phát hiện sớm.
Tuy nhiên, sẽ có nhiều người nhập cảnh vào Việt Nam mang trong mình virus của bệnh dịch. Những người đó sớm muộn cũng có thể lọt vào cộng đồng và làm mầm mống cho sự bùng phát cộng đồng.
Chúng ta phải quyết liệt, vận dụng mọi kinh nghiệm và nguồn lực để khống chế ngay từ đầu biểu hiện của bất kỳ một mầm mống lây lan cộng đồng nào, giống như bài học Sơn Lôi, Vĩnh Phúc. Hiện tại chúng ta đã có quyết định rất dũng cảm là đóng cửa nhập cảnh, ngưng mọi hoạt động cộng đồng đông người để ngăn ngừa sự phát tán của virus.
Nếu chúng ta quyết liệt cầm cự, khống chế bùng phát cộng đồng được đến cuối tháng Tư thì chúng ta sẽ thắng.
Với tinh thần chống dịch như chống giặc đang lên cao, từ lãnh đạo cho đến người dân thường, chưa hề có sự hoảng loạn và đang tuyệt đối tin tưởng vào sự chèo lái của các cấp chính quyền và sự chuyên nghiệp của ngành y tế, có thể nói thời gian này là cơ hội quý giá để chúng ta chặn đứng sự lây lan rộng trong cộng đồng.
Sinh viên y khoa 'ra trận'
GS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, trường ĐH Y Hà Nội cho biết, các sinh viên tình nguyện tham gia phòng chống dịch Covid-19 đều rất hào hứng, có trách nhiệm.
Sinh viên trường ĐH Y Hà Nội trên giảng đường ngày 13/3. Ảnh: Như Ý
"Chúng tôi cũng yêu cầu các em thường xuyên cập nhật thông tin. Phòng Đào tạo, phòng Quản lý sinh viên đều phải nắm được thông tin cho chúng tôi biết ngày hôm đó có bao nhiêu sinh viên tham gia lấy mẫu, bao nhiêu bạn kiểm tra dịch tễ, bao nhiêu bạn nhập dữ liệu. Như vậy, nếu các em có khó khăn, chúng tôi kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ", GS. Lê Thị Hương chia sẻ.
Là người cao nhất chịu trách nhiệm về an toàn cho sinh viên khi tham gia tình nguyện phòng chống dịch, GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, cho hay, trường chuẩn bị tất cả các tình huống có thể xảy ra. Thực tế có sinh viên, học viên của trường đã bị cách ly. Một số em cách ly ở địa phương, không liên quan đến trường.
Nhưng một số sinh viên trực tiếp tham gia hoạt động tình nguyện có tiếp xúc gần với nguồn lây được cách ly theo đúng quy định của cơ quan y tế. Một số em khác khi làm nhiệm vụ tiếp xúc xa được cách ly tại nhà, hoặc KTX của trường. Trường ĐH Y Hà Nội đã dành một số phòng để cách ly tuân thủ theo đúng quy định. Sinh viên cách ly được phục vụ tại chỗ. Mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt đều do nhà trường chi trả.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, lực lượng sinh viên hỗ trợ chắc chắn sẽ tăng lên vì vậy, rất có thể con số sinh viên bị cách ly không chỉ dừng lại ở 53 như vừa qua. Hiện trường đã giải phóng 1 tầng của KTX và mong muốn Hà Nội bố trí một số phòng tại khu nhà ở sinh viên, quận Hoàng Mai để dự phòng. Đồng thời, trường lên phương án khác là mượn hoặc thuê KTX của trường lân cận như ĐH Thủy lợi, Học viện Ngân hàng. Khi số lượng sinh viên cần cách ly tăng lên, trường sẽ chuyển sinh viên bình thường sang ở KTX trường bạn còn KTX của trường làm khu cách ly.
GS.TS. Văn cho biết: "Chúng tôi cho sinh viên đi học không nghỉ là dựa trên bằng chứng về khoa học mà còn hiểu cấu trúc, dịch tễ học của chủng virus này cũng như những biểu hiện lâm sàng của người bệnh. Từ ý kiến của các chuyên gia chúng tôi quyết định sinh viên của trường đi học bình thường" - GS. Văn chia sẻ.
Việc cho sinh viên tình nguyện tham gia phòng chống dịch có những lúc người đứng đầu nhà trường phải đau đầu cân nhắc. Tuy nhiên, GS. Văn cho rằng, nếu lo sợ thì trường đã không cử sinh viên tham gia.
"Nếu giả sử chiến tranh xảy ra, chúng ta sẽ nghĩ sao nếu trường công an, quân đội nghỉ? Họ phải là lực lượng dự bị đầu tiên vì hơn ai hết họ được trang bị kỹ năng. Ngành y cũng thế. Thầy trò chúng tôi xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Chúng tôi còn có lời thề nghề nghiệp. Sau này hành nghề, nguy cơ nhiễm bệnh là thường xuyên. Chính vì vậy, chúng tôi đã suy nghĩ đúng và hành động đúng. Nhưng trên hết vẫn là sự an toàn của sinh viên" , GS. Văn nói.
Còn với sinh viên, trước khi "ra trận", họ đều đã được tập huấn đầy đủ, kỹ càng. Trần Đỗ Bảo Nghi, ngành y tế công cộng, trường ĐH Y Hà Nội, cho hay, ngay sau khi nhận được thông báo của trường qua điện thoại đã tình nguyện tham gia. Thu xếp hành trang lên đường xong, cô không quên nhắn tin cho bố mẹ: "Bố mẹ ở nhà yên tâm nhé. Con xin phép lên đường chống dịch!".
Ngày 20/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc ký văn bản gửi các đại học, trường đại học, học viện, các trường cao đẳng sư phạm về việc hỗ trợ địa phương phòng chống dịch Covid-19. Để hỗ trợ cho các địa phương có khu vực cách ly đảm bảo an toàn nhất, Bộ GD&ĐT đề nghị lãnh đạo các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ nếu chưa tổ chức cho sinh viên nhập học tập trung tại trường thì có thể phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương để trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng ký túc xá của nhà trường làm cơ sở cách ly tập trung của địa phương.
Đối với các cơ sở đào tạo đã tổ chức cho sinh viên nhập học tập trung, Bộ lưu ý thường xuyên thực hiện đúng hướng dẫn phòng chống dịch, xây dựng các kế hoạch hoạt động phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh trong từng giai đoạn để tuyệt đối đảm bảo an toàn.
NGHIÊM HUÊ
Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội: "Nếu sợ, chúng tôi không cử sinh viên đến điểm nóng" Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, ông Tạ Thành Văn cho biết, nếu có một nhân viên y tế hay sinh viên trường y dương tính với Covid-19, điều đó hoàn toàn không bất ngờ. "Chúng tôi đã lường trước được điều đó" - ông nói. Chiều nay (20/3), Trường ĐH Y Hà Nội đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin...