‘Cơn mưa đá lửa’ của quân đội Nga
Trong vòng 20 giây, một hệ thống BM-21 có thể đồng loạt bắn 40 quả đạn pháo ở cự ly từ 5- 21 km vào các mục tiêu trên một khu vực rộng 140 km2.
Hệ thống tên lửa Grad khai hỏa.
Nếu phải lựa chọn một hệ thống pháo mà có thể thay đổi cuộc chiến, thì hệ thống phóng tên lửa đa năng Grad BM-21 có lẽ là một sự lựa chọn tốt. Giữa sự hỗn loạn ở Trung Đông và cuộc nội chiến ở Ukraine, Grad cùng với hỏa lực đáng sợ của nó hiện vẫn thường được nhắc tới trong các bản tin trên truyền hình.
Loại pháo này bao gồm một xe tải hạng nặng được trang bị một dàn phóng đạn phản lực 40 nòng cỡ 122 mm. Nhờ gắn vào xe tải hạng nặng, thường là xe 12 bánh dùng động cơ xăng, BM-21 khá cơ động trong truy đuổi mục tiêu và tránh bị bắn trả.
BM-21 dù không thật chính xác nhưng phát huy hiệu quả tốt trong bắn phá các mục tiêu trên diện rộng. Trong vòng 20 giây, một hệ thống BM-21 có thể đồng loạt bắn 40 quả đạn pháo ở cự ly từ 5- 21 km vào các mục tiêu trên một khu vực rộng 140 km2, tạo ra một “cơn mưa đá lửa” dội xuống đối phương. Do đó, nó rất hữu hiệu trong việc chống lại đội hình bộ binh và thiết giáp nhẹ, cũng như phá hủy hệ thống hầm hào bán kiên cố.
Một khẩu đội Grad khoảng 3-4 người có thể trú trong cabin để bắn hoặc đứng từ xa và điều khiển qua đường cáp dài tới 64 m. Đạn được nạp bằng tay và mất khoảng 10 phút để lắp hết 40 ống phóng. BM-21 ban đầu được chế tạo để tiêu diệt binh sĩ và phá hủy trang thiết bị trong một cuộc chiến tranh lớn. Nhưng vì tính di động, hệ thống phóng tên lửa đa năng Grad (MLRS) với bán kính sát thương rộng, có thể nhanh chóng tung hỏa lực và rút lui ngay lập tức, nên nó cũng rất phù hợp với chiến tranh du kích.
Video đang HOT
BM-21 được đưa vào sử dụng từ năm 1963 trong quân đội Liên Xô, thay thế cho BM-14 dùng ống phóng 140 mm. Các ống phóng có thể khai hỏa từng ống hoặc đồng loạt. Sau này, nhà máy sản xuất vũ khí Tula – tiền thân của Công ty Cổ phần “Cục thiết kế chế tạo khí cụ chính xác” Tula (KBP) – cái nôi của hàng loạt loại vũ khí tính năng hàng đầu thế giới của Nga, đã giảm việc sử dụng các tên lửa tuabin phản lực để tăng độ chính xác. BM-21 đã được biên chế cho nhiều tiểu đoàn bộ binh cơ giới và các sư đoàn tăng. Chẳng bao lâu sau, nó cũng được biên chế trong rất nhiều quân đội các nước trên thế giới.
Tổng cộng, hơn 11.000 hệ thống tên lửa Grad đã được chế tạo kể từ năm 1964. Các biến thể của Grad đã phục vụ cho một loạt các quân binh chủng khác nhau, từ thủy quân lục chiến đến lực lượng du kích. Vào giữa những năm 1960, một hệ thống tên lửa Grad-P hạng nhẹ thậm chí còn được phát triển theo yêu cầu của Việt Nam.
Các binh sĩ lực lượng liên quân phương Bắc nạp đạn cho hệ thống tên lửa Grad gần Dashti Kola, phía bắc Afghanistan hồi năm 2001.
Hệ thống Grad lần đầu tiên tham chiến là trong cuộc xung đột biên giới Liên Xô – Trung Quốc vào năm 1969, khi quân đội Trung Quốc chiếm đảo Damansky trên sông Ussuri. Dưới áp lực lớn của các đơn vị quân đội thường trực Trung Quốc, Bộ đội biên phòng Liên Xô đã buộc phải rút lui. Vì không có sự liên lạc với Moskva, Tư lệnh Quân khu Viễn Đông, Trung tướng Oleg Losik, đã ra lệnh sử dụng hệ thống tên lửa BM-21 mà 60 đơn vị của quân khu vừa được nhận, dội hỏa lực vào khu vực bị phía Trung Quốc chiếm đóng trên.
Sau vụ bắn phá, quân đội Trung Quốc thiệt hại nặng nề, cơ sở vật chất, hậu cần bị phá hủy. Khi quân đội Liên Xô tái chiếm lại đảo trên, toàn bộ khu vực với diện tích khoảng 1 km2 bị tàn phá. Những người lính phía Trung Quốc cho rằng đây là kết quả của hỏa lực pháo binh và đã có một vài tin đồn là do sử dụng vũ khí hóa học. Sau khi được giải mật, Grad BM-21 được xuất khẩu sang nhiều nước và đóng một vai trò quyết định trong một số cuộc chiến tranh. Năm 1975, quân đội Angola và Cuba triển khai các hệ thống Grad ở Congo để ngăn chặn bước tiến của lực lượng Zaire và các đơn vị quân đội Nam Phi vào thủ đô Angola, Luanda. Nhờ đó, Angola có thể tuyên bố độc lập từ Bồ Đào Nha theo kế hoạch vào ngày 11/11/1975.
BM-21 cũng được sử dụng ở Afghanistan, thường được dùng để bắn phá các vị trí của lực lượng du kích Hồi giáo ở Iran và Pakistan trong cuộc thánh chiến chống lại quân đội Liên Xô ở Afghanistan. Grad cũng để lại dấu ấn trong Chiến dịch Đường cao tốc vào năm 1987, giúp tiêu diệt một số lượng lớn lực lượng đối phương và giải phóng các tuyến đường đến tỉnh Khost, đông nam Afghanistan.
Ngày nay, Grad BM-21 phục vụ tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Tại Nga, nó đang dần được thay thế bằng các hệ thống tên lửa Grad-1, Uragan và Smerch. Một số nước đã chế tạo các phiên bản bắt chước BM-21, như Trung Quốc chế tạo pháo phản lực kiểu 89 với hệ thống nạp đạn tự động.
Theo Tri Thức
Trung Quốc bán pháo phản lực "nhái" BM-21 cho Thái Lan
Trung Quốc đã tìm thấy khách hàng đầu tiên (Thái Lan) cho hợp đồng xuất khẩu hệ thống pháo phản lực phóng loạt PR50 122mm.
Hệ thống này được Trung Quốc giới thiệu vào năm 2012, là biến thể cải tiến của hệ thống pháo phản lực huyền thoại BM-21 Grad 122mm của Nga. BM-21 lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1960 và vẫn được nhiều quốc gia sử dụng cho đến ngày nay.
Pháo phản lực cải tiến PR50 mới của Trung Quốc sử dụng đạn rocket cỡ 122mm có trọng lượng 74 kg, dài 2,9m và mang theo đầu đạn nặng 21,5kg. Phạm vi tấn công tối thiểu là 20 km, trong khi phạm vi tấn công tối đa là 40 km với điều kiện mang theo các đầu đạn có trọng lượng nhẹ hơn.
Xe pháo phản lực PR-50 gắn 2 bệ phóng mang theo 40 đạn rocket. Trên xe phóng có trang bị một cần cẩu để nạp đạn mà không cần xe nạp chuyên dụng và cả phần bạt che bao trùm cả phần sau xe giúp chống lại các điều kiện thời tiết khi đang tác chiến.
Dự kiến, các hệ thống PR50 sẽ thay thế cho thế hệ pháo phản lực BM-21 Grad (hoặc là các mẫu sao chép nguyên gốc) cũ đang được sử dụng trong Quân đội Trung Quốc.
Pháo phản lực phóng loạt PR50 của Trung Quốc.
Pháo phản lực BM-21 Grad huyền thoại được giới thiệu lần đầu năm 1962, thay thế cho pháo phản lực BM-13 Kachiusa dùng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
BM-21 Grad trang bị bệ phóng 40 nòng với đạn rocket nặng 68,2 kg, dài 2,9m và mang theo các đầu đạn nặng 20,5 kg, tầm bắn 20km.
Với đạn rocket không có hệ thống dẫn đường, nó chỉ có hiệu quả đối với tác chiến cần hỗ trợ hỏa lực trên diện rộng và với các mục tiêu lớn như các thành phố hay các căn cứ quân sự. Hiện nay có một số phiên bản nâng cấp BM-21 của Ai Cập và Trung Quốc với đạn rocket cải tiến giúp tăng tầm lên 40km.
Theo Kiến Thức