Còn lại nỗi đau…
Sau giây phút hoan lạc, gã đàn ông nát rượu lăn ra ngủ say như chết. Nhìn gã tình nhân đã nhiều lần cưỡng bức thô bạo như thú vật đối với bản thân mình mỗi khi gã say rượu, trong huyết quản người phụ nữ khẳng khiu, yếu ớt đến độ con gà không dám cắt tiết, dâng lên bao đau đớn, nhục nhã, ê chề. Bỗng chốc chị ta quẫn trí chụp vội lấy cây rựa dùng để chẻ củi dựng bên góc nhà, và tiếp theo là con dao thái thịt, chém liên tục vào cổ gã.
Nghĩ rằng, giết chết gã là để “giải thoát” cho mình; song chị ta đâu biết rằng, hành vi giết người đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng… Đáng quan tâm, người phụ nữ sát hại tình nhân phải vào tù, để lại trong căn nhà rách nát một người mẹ tâm thần và đứa con thơ dại không ai nuôi dưỡng, chăm sóc. Còn gã đàn ông nát rượu chết đi cũng để lại một mẹ già vò võ trong căn nhà xiêu vẹo…
Trong những căn nhà rách nát, xiêu vẹo…
Một ngày giữa cuối tháng 7 nắng như đổ lửa, sau khi xảy ra vụ trọng án, tôi về thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp, Đại Lộc, Quảng Nam. Thôn nằm cách quốc lộ 14B chỉ hơn một cây số, về hướng dãy núi Sơn Gà, một nhánh của đại ngàn Trường Sơn choài về phía mặt trời mọc.
Trong danh sách hộ nghèo của xã thì nhà của Huỳnh Thị Nhiều, 41 tuổi (thủ phạm trong vụ sát hại người tình) và Trần Văn Xí 38 tuổi (là nạn nhân) đều đứng vị trí đầu bảng. Cả hai gia đình này năm nào, chính quyền địa phương cũng vận động quyên góp cứu đói… Sáng nay người dân trong thôn đã đi đưa đám tang Xí. Sau khi gây án, Nhiều vội vàng chạy ra Công an xã đầu thú và bị đưa vào Trại tạm giam, Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra làm rõ.
Mẹ của Nhiều là bà Nguyễn Thị Phỉ vì quá sợ hãi nên bỏ nhà đi biệt. Bà Phỉ bị mắc bệnh tâm thần, ngày nào cũng đôi quang gánh trên vai lang thang ngoài nghĩa địa nhặt áo, quần rách của người ta vứt bỏ; kể cả áo, quần của người chết và những mảnh ván áo quan ở các huyệt mộ đã được bốc dời, mang về nhà. Ván quan tài thì bà Phỉ dựng làm phên, còn áo, quần rách nát được giăng khắp nhà…
Bà Phỉ ngồi thất thần trước căn nhà rách nát của mình.
Anh Trần Tới, cán bộ Công an xã đại Hiệp đưa tôi đến nhà của mẹ con Nhiều thì bà Phỉ đã về nhà. Bước vào căn nhà lụp xụp, rách nát đến tội nghiệp của bà Phỉ, tôi không khỏi rùng mình bởi mùi ẩm thấp, hôi hám xộc vào mũi. Và, mặc dù đã được anh Tới kể cho nghe chuyện bà Phỉ quang gánh lang thang ở các nghĩa địa, song nhìn khắp căn nhà nhỏ bé giăng đầy áo, quần rách, trông chẳng khác gì ổ chuột và tận mắt thấy những miếng ván mục của quan tài người chết đã được bốc đi cải táng mà bà Phỉ mang về dựng che các khe hở của vách nhà, khiến tôi rùng mình.
Thấy bóng chúng tôi, bà Phỉ vội lẻn vào nấp sau “bức màn” áo quần cũ, rách; anh Tới phải lên tiếng gọi hồi lâu bà ta mới chịu bước ra. Tuy đã bước sang tuổi 77, song bà Phỉ trông vẫn còn rất khỏe. Nhìn mái tóc đã ngả màu muối tiêu húi “ca rê” và đôi mắt dài dại của bà Phỉ, bất giác tôi khựng lại và lùi một bước về phía lối cửa duy nhất vào, ra của căn nhà.
Biết không thể hỏi được gì đối với người đàn bà bị bệnh tâm thần lúc nào cũng nửa tỉnh nửa mê, anh Tới giục tôi đến nhà của Xí ở phía cuối thôn về hướng núi Sơn Gà.
Video đang HOT
Anh Tới bảo: “Nhà của Xí cũng xiêu vẹo, xơ xác chẳng thua kém nhà Nhiều. Hôm người nhà Xí cùng bà con trong thôn đưa xác Xí về khâm liệm, nền nhà đất chỗ lồi, chỗ lõm, kê cái quan tài gập ghềnh nên em phải lấy cuốc đào ban cho bằng mới để được…”.
Khác với ngôi nhà tôn rách nát của Nhiều, nhà Xí lợp ngói; song theo thời gian mưa nắng, những viên ngói đất nung trên mái nhà cũng đã xỉn mốc đen sì; phên ván nhà sơ sài, đứng phía ngoài có thể nhìn thấu những đồ đạc bên trong. Trước căn nhà xiêu vẹo này tưởng chừng chỉ cần có trận gió mạnh sẽ làm nó đổ ụp.
Mẹ của Xí là bà Trần Thị Tấn đầu chít khăn tang, chép miệng lắc đầu: “Tui đã nhiều lần khuyên nó (Xí), đừng có quan hệ với con Nhiều. Rứa mà nó cũng không nghe tui nên mới ra nông nỗi…”. Nói rồi người mẹ bất hạnh đã ngoài 66 tuổi ôm mặt khóc nức nở. Nhiều người có mặt tại nhà Xí, sau khi đưa đám ma trở về xúm lại khuyên can: “Bà đừng khóc nữa… Hai con mắt đã lòa rồi mà cứ khóc hoài, nó mù luôn thì khổ thân, biết nương tựa ai…”.
Bà Tấn đầu chít khăn tang, đau đớn về cái chết của con trai.
Em trai bà Tấn là ông Trần Văn Muộn, cho tôi biết, sáng nay chính quyền thôn cùng họ tộc, gia đình và bà con lối xóm đã an táng Xí ở nghĩa địa của thôn. Lúc còn sống, tuy rượu chè bê tha nhưng Xí là lao động chính làm sào ruộng lúa và chẻ đá thuê kiếm tiền về nuôi bà Tấn.
Bây giờ, Xí chết đi không biết phải tính sao đây. Hỏi về gia cảnh của bà Tấn thì mới hay, ngoài Xí, bà Tấn còn có 2 con trai nữa là Trần Văn Xin (44 tuổi) và Trần Văn Bé (33 tuổi) đã có vợ con, cũng dựng nhà sống ở thôn Phú Quý. Có điều ra ở riêng, họ cũng thuộc diện gia đình cận nghèo nên cuộc sống mẹ già phó thác cho Xí chăm sóc. Nhiều người thân của bà Tấn phản ứng về thông tin cho rằng, Xí đã cưỡng dâm Nhiều nên bị chém chết. Họ khẳng định rằng, giữa Xí và Nhiều đã quan hệ, sống với nhau trong cảnh “già nhân ngãi, non vợ chồng” từ 4 năm nay…
“Con muốn mẹ về với con!”
Đứa con trai vừa học xong lớp 4 của Nhiều, nắm chặt tay tôi hỏi: “Bao giờ thì mẹ con về, hả chú? Con muốn mẹ về với con!…”. Đứa bé được Nhiều cho mang họ mẹ, đặt tên là Huỳnh Văn Thành. Anh Trần Hai, chồng chị Huỳnh Thị Lít (em gái Nhiều), trú ở thôn Phú Hải, xã Đại Hiệp, Đại Lộc, bảo tôi: “Từ khi chào đời tới nay, nó (Thành) chưa một lần được gặp cha. Chỉ có Nhiều mới biết nó là con của ai thôi…”.
Theo lời kể của Lít thì bà Phỉ cùng chồng từ nơi khác tới định cư tại làng Phú Quý. Chồng chết, bà Phỉ tứ cố vô thân, song vẫn làm lụng nuôi hai chị em Nhiều và Lít lớn lên. Nhưng, rồi bà Phỉ bỗng dưng mắc bệnh tâm thần, ngày ngày lang thang ở các nghĩa địa, tuy chưa tới tuổi trưởng thành song hai chị em Nhiều và Lít phải quần quật làm thuê, cuốc mướn nuôi mẹ. Sau đó, Nhiều có chồng về xã Đại Nghĩa, Đại Lộc…
Nhưng, sinh được một đứa con thì cuộc sống gia đình tan vỡ. Gia đình chồng bắt con dẫn lên Tây Nguyên, còn Nhiều ôm khăn gói quay về Phú Quý sống cùng bà Phỉ và em gái. Vài năm sau, Lít đi lấy chồng về thôn Phú Hải, Nhiều ở lại làm thuê, chăm sóc người mẹ tâm thần.
Một ngày, Lít về thăm nhà và phát hiện cái bụng Nhiều đã bự. Gặng hỏi mãi, Nhiều mới nói là “tự túc” với một người đàn ông trên xã Đại Hồng (Đại Lộc) để kiếm con nhờ đỡ khi về già… Trước tình cảnh đó, Lít chỉ còn biết giúp đỡ, đùm bọc, cưu mang chị gái cho tới ngày sinh nở. Và, ông trời đã phù hộ cho Nhiều “mẹ tròn, con vuông”, sinh được một bé trai là Thành bây giờ…
Khốn nỗi, có con dại cuộc sống gia đình Nhiều càng sa sút trầm trọng. Ngoài việc chăm sóc một sào ruộng lúa, hằng ngày, từ sớm tinh mơ Nhiều phải lặn lội vào bãi rác Hiệp Hưng dưới chân núi Sơn Gà bới tìm phế liệu mang về bán kiếm tiền để nuôi mẹ, mua sữa cho con…
Anh Trần Hai tâm sự: “Mẹ vợ tui cùng mẹ con chị Nhiều chủ yếu sống nhờ vào bãi rác Hiệp Hưng. Bới được những mảnh vỡ nhôm, nhựa, sắt phế liệu… chị Nhiều gánh đến các đề-pô bán lấy tiền đong gạo, mua mắm, muối, dầu, chè và dành dụm nuôi con ăn học…”. Rồi anh Hai chỉ vào Thành đang ngồi thu lu ở góc nhà, mắt rưng rưng: “Hôm chị Nhiều gây án giết chết Xí, nó đang chơi ở nhà bạn trong xóm. Khi người ta phát hiện Xí chết, kêu la, kéo tới nhà mẹ vợ tui coi, nó chạy về nhưng không dám vào. Mấy người trong thôn thấy mẹ nó đã bị Công an bắt giải đi nên thương tình chở nó đến nhà tui, lúc này tui mới biết chuyện…”.
Cháu Thành, con trai chị Nhiều, bơ vơ không nơi nương tựa.
Tôi hỏi Thành: “Con học lớp mấy rồi? Học có giỏi không?”. Đưa tay quệt nước mắt, Thành nói lí nhí: “Năm ni con lên lớp 5. Học lớp 4 con được học sinh tiên tiến… năm lớp 3 con cũng được tiên tiến…”. Nhìn gương mặt sáng sủa, thông minh của Thành, tôi không khỏi chạnh lòng. Nhiều gây trọng án đi tù đã đành, song còn cuộc sống phía trước của người mẹ tâm thần và đứa bé chưa tròn 9 tuổi, ngây thơ, khờ dại này rồi sẽ ra sao? Ai sẽ lo cho họ cái ăn, cái mặc? Rồi chuyện học hành của Thành sẽ thế nào?…
Qua lời đứa trẻ thơ ngây, tôi biết được đã bốn năm nay, Xí thường lui tới nhà bà Phỉ. Người trong thôn cứ trêu Thành: “Mày nên gọi ông Xí bằng dượng cho rồi !”. Nhưng, Thành rất sợ Xí, vì mỗi lần đi tới nhà bà Phỉ là Xí đã nốc rượu say khướt…
Thời gian gần đây, mỗi khi say rượu là Xí tới nhà bà Phỉ, dùng cây đập ầm ầm miếng tôn làm cửa chắn lối ra, vào; rồi phun ra những câu rất thô tục. Những lúc như thế, Thành thường thấy mẹ bước ra bảo Xí: “Say thì về đi, đừng tới quậy nữa!”, rồi vào giường nằm khóc…
Đang nói chuyện, bỗng dưng cậu bé bật khóc mếu máo nói: “Con ghét ông Xí lắm! Ông nớ đã làm mẹ con phải đi tù rồi… Con nhớ mẹ con lắm chú ơi!…”. Chị Huỳnh Thị Lít cũng nước mắt vắn dài kể về câu chuyện tình “đũa lệch” giữa chị ruột của mình với Xí. Thì ra, với mối quan hệ “già nhân ngãi, non vợ chồng” giữa Nhiều và Xí từng đã có con với nhau.
“Chị Nhiều tui đã quyết định phá bỏ cái thai. Vì, với một người đàn ông nghèo kiết xác, lại rượu chè bê tha như anh Xí, giả dụ chị tui có sinh con thì hắn cũng bỏ mặc cho chị tui nuôi dưỡng, chứ hắn lấy gì để nuôi…”. Rồi, chị Lít kể tiếp rằng, từ khi Nhiều phá thai thì Xí thường xuyên uống rượu tới nhà la ré, chửi bới, đập phá, cưỡng bức Nhiều quan hệ tình dục. Đâm lao thì phải theo lao, Nhiều đã âm thầm chịu đựng nỗi nhục nhã, ê chề. Song, Nhiều càng chịu đựng thì Xí càng được thể làm già…
Chiều 13/7, sau một chầu nhậu sương sương, Xí lại chân nam đá chân chiêu “ngựa quen đường cũ” tìm tới nhà Nhiều. Và, vụ trọng án đã xảy ra… Chị Lít nhận định: “Việc chị tui giết chết anh Xí, có thể do bị dồn nén bức bối, tủi nhục đã lâu ngày mà tìm phương giải thoát. Chắc lúc đó chị tui cũng không nghĩ là, giết người là mang trọng tội, phải đi tù…”.
Nói gì đi nữa thì Nhiều đã mang trọng tội, phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Nỗi đau còn lại là hai người mẹ già và một đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa. Họ sẽ sống ra sao trong những tháng ngày còn lại?
Bất chợt, tôi lại tự hỏi: Vì sao, ở một thôn nhỏ cách QL14B chỉ hơn cây số mà vẫn còn những mảnh đời cùng cực như vậy? Vì sao, các cơ quan, đoàn thể xã hội địa phương lại chưa có động thái tích cực giúp đỡ hai gia đình nghèo này, cũng như khuyên bảo Nhiều và Xí có lối sống lành mạnh để không dẫn tới kết quả bi thảm như ngày hôm nay?…
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
Những nhát dao sát hại tài xế xe ôm
Ngày càng có nhiều những tài xế xe ôm bị sát hại
Đến 19h30' cùng ngày người dân phát hiện anh Sêne bị giết tại địa điểm trên do 18 nhát dao đâm vào người...
Ngày 25/7, Công an huyện Thuận An (Bình Dương) cho biết đang tập truy truy xét thủ phạm vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng. Trước đó, 19 giờ ngày 21/7, tại khu phố Bình Hoà, thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, anh Thạch Sêne, 36 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh, hành nghề chạy xe ôm, đứng đón khách tại khu vực ngã tư trước cổng khu công nghiệp VSIP.
Tại đây, 2 thanh niên khoảng 19-20 tuổi đến thuê xe anh Sêne. Đến 19 giờ 30 cùng ngày người dân phát hiện anh Sêne bị giết do 18 nhát dao đâm vào người. Trong đó, 3 vết thương dẫn đến tử vong là 1 vết thương trên cổ làm đứt động mạch chủ, 1 vết ở ngực trái, 1 vết thương ở ngực phải.
Sau khi gây án, các đối tượng phát hiện có người chạy xe gần hiện trường nên vội tẩu thoát và không kịp lấy tài sản của nạn nhân (01 môtô và 01 điện thoại di động). Tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ 2 đôi dép, 2 dao Thái Lan.
Ở một vụ khác, ông Nguyễn Ngọc Tĩnh, 66 tuổi, làm nghề xe ôm, trú tại khu A, chung cư Thanh Lộc Đán thuộc phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) đi xe máy Sirious, BKS 43R1 - 0182 rời khỏi nhà lúc 02 giờ sáng ngày 23/7.
Đến 4 giờ sáng cùng ngày, nhân dân tổ 16 phường Hòa An, quận Cẩm Lệ phát hiện anh Tĩnh đã chết, nằm bên mép lề đường bê tông tại khu vực tổ 16 với nhiều vết dao đâm trên người.
Qua khám nghiệm tử thi, xác định: anh Tĩnh chết do bị đâm với 22 vết dao, trong đó có 1 vết đâm thủng tim. Công an quận Cẩm Lệ, CATP Đà Nẵng đang tiến hành truy tìm chiếc xe máy và điều tra làm rõ vụ giết người nói trên.
Theo VTC
Chiếc ghế biết nói và 40 giờ phá án Chỉ sau 40 giờ phát hiện xác chết không đầu ở chung cư G4, sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa đã bị bắt gọn Vụ án xác chết không đầu tại chung cư G4 Trung Yên, Hà Nội đã kết thúc bằng phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 14/7/2010. Đây là vụ án cùng lúc giữ 2 "kỷ lục": man rợ nhất và...