Con khỉ cái gây bất ngờ khi trở thành ‘bà trùm’ trên hòn đảo Nhật Bản
Yakei, con khỉ cái 9 năm tuổi ở khu bảo tồn Takasakiyama trên đảo Kyushu, đã trở thành bà trùm của một bầy khỉ gồm 677 cá thể sau cuộc chiến tranh giành quyền lực đầy li kỳ.
Theo Guardian , tham vọng quyền lực của Yakei bắt đầu được thể hiện rõ rệt nhất vào tháng 4 năm nay, khi nó cạnh tranh với chính mẹ của mình để trở thành con khỉ cái có thứ bậc cao nhất trong đàn tại vườn thú Takasakiyama ở thành phố Oita, Nhật Bản.
Thường thì đây sẽ là vị trí cao nhất mà một con khỉ cái có thể đạt được trong bầy. Tuy nhiên, Yakei không dừng lại mà tiếp tục sử dụng trọng lượng 10 kg của mình để thách thức các con khỉ đực khác.
Đến cuối tháng 6, Yakei khiêu chiến với Sanchu – con khỉ đực 31 năm tuổi và là trùm của bầy khỉ tại vườn thú trong suốt 5 năm qua. Sanchu chịu thua trong trận đấu với Yakei, và con khỉ cái 9 năm tuổi chính thức trở thành “bà trùm” của quần thể gồm 677 cá thể tại đây.
Các nhân viên của vườn thú Takasakiyama hết sức bất ngờ trước việc này. Để chắc chắn, họ thử lại bằng “bài kiểm tra hạt dẻ” hôm 30/6. Theo đó, các nhân viên sẽ mang hạt dẻ tới đặt phía trước bầy khỉ, con nào đến lấy hạt dẻ đầu tiên thì đó chính là cá thể có thứ bậc cao nhất trong đàn.
Sanchu lùi lại để Yakei lấy những hạt dẻ đầu tiên, điều khẳng định vị thế của con khỉ cái này.
Yakei trở thành con khỉ cái đầu đàn đầu tiên trong lịch sử 70 năm của vườn thú Takasakiyama. Ảnh: Vườn thú Takasakiyama.
“Kể từ đó, Yakei bắt đầu trèo lên và rung cây, một hành động thể hiện quyền lực rất ít được thấy ở một con khỉ cái”, ông Satoshi Kimoto, quan chức vườn thú cho hay.
“Nó cũng di chuyển với cái đuôi dựng ngược lên, điều rất bất thường với một con khỉ cái”, ông Kimoto nói thêm và chia sẻ các nhân viên vườn thú hoàn toàn không hiểu điều gì khiến cho Yakei có hành động như vậy.
Vườn thú Takasakiyama được thành lập năm 1952 như một khu bảo tồn loài khỉ Nhật Bản. Hiện có 1.500 cá thể khỉ sinh sống tại đây, được chia làm quần thể A và quần thể B. Yakei chính là con đứng đầu quần thể B.
Những con khỉ tại đây sống chủ yếu trong khu vực rừng núi của khu bảo tồn, đi lại tự do và đôi khi xuống chân núi để được các nhân viên vườn thú cho ăn.
Sự thật về loài động vật hiếm hoi có khả năng quang hợp
Thoạt nhìn có vẻ như đó trông giống một loài thực vật nhưng thực tế chúng là động vật trong họ sên biển.
Cừu lá là loài động vật hiếm hoi có khả năng quang hợp như thực vật, có tên khoa học là Costasiella kuroshimae.
Cái tên của loài động vật này là sự kết hợp giữa tiếng Latin và tiếng Nhật. Costasiella chỉ ra tên chi của tất cả các loài sên biển thuộc nhóm sacoglossa. Kuroshimae bắt nguồn từ hòn đảo Kuroshima của Nhật Bản. Kuroshima nổi tiếng sở hữu làn nước trong như pha lê, là nơi lần đầu tiên phát hiện ra cừu lá năm 1993.
Chúng lấy phần lớn năng lượng từ ánh sáng mặt trời. Khi cừu lá ăn tảo, chúng sẽ hút lục lạp, kết hợp với các chất trong cơ thể trong quá trình gọi là kleptoplasty. Quá trình này cho phép chúng quang hợp và đó là lý do tại sao lá của cừu phát sáng.
Những sinh vật cừu lá dài khoảng 5 mm và có thể tìm thấy ở các vùng nước nông của Nhật Bản, Indonesia và Philippines.
Cừu lá thực chất là một loại sên biển, thuật ngữ sử dụng phổ biến để mô tả về đồng vật không xương sống ở biển, tuy nhiên chúng có rất nhiều hình dạng và màu sắc. Sên biển có quan hệ họ hàng gần với động vật chân bụng như ốc biển, động vật thân mềm nhưng điểm khác biệt chính là chúng không có vỏ.
Chúng có hai tai nhỏ trông giống cừu nhưng thực chất là cơ quan cảm thụ mùi hương và vị giác. Trên cơ thể chúng cũng có những chiếc lông mịn giúp cảm nhận các chất hóa học trong nước, tạo điều kiện tìm kiếm nguồn thức ăn.
Cừu lá có kích thước vô cùng nhỏ bé, chỉ khoảng 5 mm tuy nhiên ngay cả ở kích thước nhỏ này, ngoại hình của chúng vẫn đầy đủ chi tiết. Một số ý kiến cho rằng chúng khiến họ liên tưởng đến những loại cây mọng nước như lô hội.
Đặc tính khác biệt nổi bật của chúng là khả năng có thể quang hợp. Dù không phải là thực vật nhưng cừu lá có đặc điểm giống thực vật. Cây có thể thực hiện quá trình quang hợp, là quá trình thực vật có thể sử dụng ánh sáng mặt trời để tạo ra năng lượng từ carbon dioxide và nước.
Nguyên nhân vì sao cừu lá có khả năng quang hợp vẫn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học. Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng nó liên quan đến quá trình tiến hóa.
Vì cừu lá sở hữu ngoại hình khác lạ đáng yêu nên nhiều người từng mong muốn biến chúng trở thành thú cưng trong gia đình. Tuy nhiên vẫn chưa có đầy đủ thông tin về loài động vật này để có thể hiểu rõ điều gì giúp chúng phát triển đầy đủ. Do vậy, tuy đáng yêu nhưng cừu lá vẫn là loài động vật hoang dã nên cần sống trong môi trường tự nhiên.
Võ sĩ sumo 10 tuổi ở Nhật Bản vô địch giải đấu thế giới Kyuta Kumagai (Nhật Bản) là võ sĩ sumo vô địch thế giới nhóm dưới 10 tuổi. Đằng sau thành công của bé là những giờ phút khổ luyện cùng chế độ ăn uống vô cùng khắc nghiệt.