‘Con gái tôi đi làm kẻ khủng bố’
Dưới đây là phóng sự về cuộc nội chiến kéo dài 26 năm ở Sri Lanka của nhà làm phim người Nauy, Beate Arnestad, người đã có cơ hội gặp gỡ hai cô gái trẻ Tamil được huấn luyện trở thành những phần tử đánh bom liều chết, đăng trên CNN. Bà Arnestad nhanh chóng cảm thấy giữa mình và hai cô ấy có một sợi dây tình cảm của tình mẫu tử. Dù được huấn luyện là những cỗ máy giết người nhưng trong họ vẫn có một trái tim.
Nhiều người tin rằng khi bộ phim tài liệu của Beate Arnestad được tiết lộ, Darshika đã bị hành quyết. Ảnh: Snitt.
Suốt nhiều năm trời, tôi sống trên thiên đàng ở một hòn đảo có tên gọi là Sri Lanka. Mỗi sáng thức dậy, tôi lại được ngắm nhìn bình minh le lói qua tấm màn mỏng và lắng nghe bản hòa tấu thánh thót của những loài chim vùng nhiệt đới chào đón một ngày mới. Tôi đã rời Na Uy để theo chồng tới đây làm việc.
Thiên đường mà tôi miêu tả ở trên lại không thật hoàn hảo bởi ở đây có rất nhiều khu ổ chuột và những chú chó lạc nhặt nhạnh thức ăn trong các đống rác. Người ăn xin ở đây thì nhiều vô kể. Trẻ em lang thang trên đường phố với dáng vẻ nhếch nhách. Khắp nơi tràn ngập bầu không khí của ô nhiễm. Và, sự hiện diện của quân đội là không thể tránh khỏi ở đây.
Lệnh ngừng bắn đã có hiệu lực nhưng thành phố này vẫn chưa trở lại bình thường. Trên các con phố chính, quân lính mang vũ trang vẫn đang đi tuần. “Họ sợ điều gì vậy?”, tôi hỏi và câu trả lời luôn là: “Những kẻ khủng bố, những con hổ đen, những kẻ đánh bom liều chết điên rồ”.
Tôi không có nhiều hiểu biết về những người này ngoại trừ một số thông tin như nhóm bắt đầu hoạt động vào năm 1987. 30% thành viên của nhóm là nữ. Vụ việc nổi tiếng nhất của họ là ám sát Thủ tướng trẻ nhất của Ấn Độ, Rajiv Gandhi, năm 1991. Tò mò, tôi đã quyết định làm phim tài liệu về nhóm những con hổ để tìm hiểu thêm về họ.
Khi có ý định làm phim về nhóm này, nhiều người nói rằng cơ hội thành công của tôi là rất thấp bởi nhóm nổi loạn Tamil sống bí mật trong khu vực rừng rậm do quân du kích chiếm đóng ở phía Bắc. Không ai ở thế giới bên ngoài có thể liên lạc hoặc giao tiếp với họ. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng hết sức.
Video đang HOT
Nhớ lại có lần tại một điểm kiểm tra quân sự, một nhân viên đã nói với tôi: “Này cô, tôi sẽ không khuyên cô rời khỏi khu vực này mà chỉ nhắc rằng, không ai bảo vệ cô đâu”. Tôi trả lời anh ta bằng một nụ cười: “Tôi sẽ không sao”.
Khi đến được khu vực do nhóm những con hổ kiểm soát, hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là lá cờ có in hình con hổ, tiếp đó là các binh lính trong bộ quân phục. Các binh lính nữ có mái tóc dài buộc cao. “Chúng tôi rất vui mừng khi bạn tới đây và cảm thấy an toàn khi ở cạnh chúng tôi. Bạn sẽ được quan tâm và không phải lo lắng khi ở đây”.
Lãnh thổ bị chiến tranh băm nát này đầy rẫy những biển báo đỏ có mìn. Nơi đây không có các khách sạn năm sao, chỉ có những cánh đồng trống trơn, những cánh rừng rậm và dấu vết của những tòa nhà đã bị tàn phá bởi chiến tranh.
Trong suốt nhiều tháng trời, tôi đi về giữa hai thế giới và cố gắng thuyết phục nhóm những con hổ chấp nhận đề nghị cho phép tôi làm bộ phim về họ và được phép ra vào mà không bị kiểm soát. Tôi không có hứng thú nói chuyện với các nhà lãnh đạo hay các chính trị gia mà chỉ với những nạn nhân thật sự của chiến tranh. Cuối cùng, nhóm những con hổ đã đồng ý.
Để lựa chọn nhân vật chính, tôi đã yêu cầu các du kích thử vai cho bộ phim về những người đánh bom liều chết. Sau khi phỏng vấn từ 20 đến 30 cô gái, tôi đã quyết định chọn Darshika, 24 tuổi, mang vẻ đẹp của một tín đồ Thiên chúa giáo, và cô bạn thân của cô, Puhalchudar. Tình bạn của họ khá đặc biệt. Nó được nuôi dưỡng suốt bảy năm qua khi hai người sống bên nhau và cùng nhau chiến đấu.
Sự khác biệt giữa những người lính chiến đấu vì tự do và những kẻ khủng bố là gì? Ai quyết định họ đi theo con đường này? Càng ngày tôi càng cảm thấy mình bị thu hút hơn vào thế giới của họ. Trước khi quay, tôi đã hỏi các cô gái về thời gian biểu hàng sáng của họ. Họ bảo: “Chúng tôi dậy từ lúc 4h, sau đó luyện tập”. “Tốt”, tôi nói. “Chúng ta sẽ bắt đầu từ đó”.
Họ ngủ trong một căn phòng chật chội có những chiếc chiếu trải trên nền nhà. Thức dậy, họ tết tóc cho nhau rồi bắt đầu bài tập karate sớm. Cả hai đều đạt đến đai đen và rất háo hức được thể hiện cho tôi xem những kỹ năng họ học được. Họ giải thích cách được huấn luyện để trở thành những chiến binh đánh bom liều chết. Họ nói về cách đặt bom vào trong áo khoác và cả kế hoạch cho cái chết của mình. Họ cũng giải thích về việc bom nổ như thế nào, đầu họ sẽ rời khỏi cơ thể ra sao và cuối cùng là thân xác sẽ tan thành những mảnh nhỏ.
Tôi hỏi Darshika và Puhalchudar: “Họ sẽ lựa chọn những người như thế nào để thực thi nhiệm vụ đặc biệt này?”. Thông thường, các chiến binh được chọn sẽ chơi trò quay chai, ai thắng sẽ là người được lựa chọn. Tuy nhiên, ai cũng háo hức và mong muốn mình được chọn. Không có cô gái nào được huấn luyện làm cảm tử mà có thể thoát chết. Hai nhân vật chính của tôi vẫn còn sống là nhờ lệnh ngừng bắn.
Cuối cùng thì tôi cũng hiểu được không có sự khác biệt nào giữa một chiến binh của nhóm những con hổ bình thường và những người được lựa chọn cho cuộc tấn công liều mạng. Tất cả đều mong được chết, ngay cả ở trên chiến trường, thân xác họ tan nát thành trăm mảnh. Dù thế nào, chết vẫn là sự lựa chọn hàng đầu, còn hơn là bị bắt.
Hai cô gái liên tục khiến tôi ấn tượng với sự dẻo dai của họ. Tôi biết họ không chỉ là những cái máy giết người. Tôi đã hỏi họ một cách thẳng thắn: “Các cô không phải là những con người. Các cô có trái tim không?”. Sau một thoáng ngạc nhiên với câu hỏi này, cả hai đáp lại rằng, tất nhiên, họ có trái tim nhưng “chúng tôi không thể động chạm vào nó. Có quá nhiều nỗi đau trong ngực này”.
Nhà làm phim Beate Arnestad (áo trắng) và mẹ của Darshika. Ảnh: Snitt.
Darshika đưa tôi tới một nhà thờ bị tàn phá bên một bãi biển tuyệt đẹp. Cô quỳ xuống trước bức tượng Đức mẹ đồng trinh, thứ duy nhất chưa bị phá, rồi khóc, cầu nguyện và xin được tha thứ. Thế rồi, câu chuyện về thời thơ ấu bi thảm của cô ùa về. Cô nhớ lại cảm giác khi nhìn thấy nhiều nhà thờ bị đánh bom, những người dân thường chạy tán loạn tìm nơi trú ẩn khi bị những kẻ giết người truy lùng. Máu họ đổ thành dòng. Đó là lý do tại sao cô quyết định tham gia vào cuộc chiến. Cô thà bị chết để giành lại một tương lai tương sáng hơn là bị chặt ra từng khúc. Trước đây, cô từng muốn trở thành một tu sĩ nhưng giờ, cô sẽ hy sinh cuộc đời mình, giống như Chúa Jesus.
Còn người bạn thân Puhalchudar của cô thì khụy ngã khi tiết lộ cho chúng tôi về những điều kiện kinh hoàng ở một trại tị nạn. Cô bảo sẽ không chấp nhận cuộc đời của một nô lệ và sẽ chiến đấu để giải phóng cho người dân.
Sau cuộc trò chuyện ấy, mối quan hệ của tôi với hai cô gái này đã thay đổi. Tôi cảm thấy mình đang hướng về họ bằng tình cảm của một người mẹ. Mỗi khi đi cùng nhau, tôi lại đưa cho hai cô gái những chiếc kẹp tóc mềm. Cả hai ngủ thiếp đi ngon lành như những đứa trẻ trong xe. Nhìn họ ngủ, trong tôi lẫn lộn bao cảm xúc, họ vừa là những đứa trẻ bị tổn thương nhưng cũng vừa là những vũ khí chết người.
Tôi đã gặp mẹ của Darshika. Bà cũng chạc tuổi tôi nhưng cuộc đời của người phụ nữ này lại khác. Bà nói về việc chăm lo gia đình trong bối cảnh cuộc chiến tranh bạo lực và không có hồi kết. Bà chỉ có một bộ sari truyền thống đang mặc trên người. Chiếc túi xách bà cầm trên tay trống rỗng. Darshika, con gái bà, đi khỏi nhà khi mới 11-12 tuổi. Từ đó, bà chẳng hay biết tin gì về con nữa.
Tôi trở lại với cuộc sống bình thường ở Colombo. Bất cứ khi nào tôi liên lạc với nhóm những con hổ cũng đều nhận được câu trả lời: “Hiện tại chưa phải là thời điểm thuận lợi để tới đây. Làm ơn hãy gọi lại sau. Tôi tiếp tục gọi đến khi nhận ra rằng, những cô gái tôi gặp trước đây đã trở về với Chúa. Họ bảo với tôi, hai cô ấy đang chuẩn bị cho một nhiệm vụ quan trọng. Tôi chẳng có cách nào để tìm được họ”.
Sáu tháng sau, tôi đi cùng một đoàn làm phim để quay cảnh lễ tượng niệm các anh hùng. Đây là thời điểm những con hổ Tamil tập trung tại các khu nghĩa trang để tưởng nhớ những người đã hy sinh vì đất nước. Họ trang hoàng các ngôi mộ bằng hoa và nến rồi cùng nhau khóc, cầu nguyện bên cạnh những nấm mồ ấy.
Trong khi tìm kiếm Darshika và Puhalchudar, tôi đã gặp mẹ của Darshika. Bà cũng đang tìm con gái mình. Chúng tôi gặp nhau tại một nhà thờ gần đó. Khi mang ra những thước phim về Darshika, người phụ nữ này đã òa khóc. Một vài tháng sau, lệnh ngừng bắn kết thúc, chiến tranh lại tiếp diễn. Tôi trở lại Na uy để làm phim. Nhóm những con hổ chưa bao giờ trả lời email hay gọi lại cho tôi. Tôi nhận được tin có ai đó đã nhìn thấy hai cô gái. Thật ngạc nhiên, họ vẫn còn sống.
Tuy nhiên, trước đó tôi đã nói với mẹ Darshika rằng con gái bà đã chết. Sau khi tiết lộ cuốn phim về cô, chính quyền Sri Lanka đã xác định được cô là “hổ đen Mama”. Nhiều người tin rằng đây là lý do khiến cô bị hành quyết.
Cuối cùng, nhóm những con hổ thất bại trong cuộc chiến của mình. Để kết thúc chiến tranh, nhóm đã thu quân về một dải đất nhỏ bên bờ biển. Không ai ở thế giới bên ngoài có thể lọt vào đây. Hàng nghìn người được cho rằng đã chết do thiếu lương thực và không có nơi trú ẩn. Các thủ lĩnh của nhóm này bị giết. Không một từ ngữ nào có thể diễn tả nổi sự mất mát và nỗi đau đớn của những thành viên còn lại.
Bình Minh
Theo Ngôi Sao