Con gái tâm thần nuôi cha bại liệt
Dù bị bệnh tâm thần từ nhỏ nhưng với “ bản năng sinh tồn”, hàng ngày người phụ nữ tuổi ngũ tuần ra bờ sông Mã (Thanh Hóa) nhặt củi đem về đổi cho dân làng lấy gạo nuôi cha mẹ già.
Anh cả mất sớm, hai em lập gia đình, chị Lê Thị Quyết (49 tuổi, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) trở thành trụ cột gia đình.
Dân làng cho biết, bất kể ngày nắng hay mưa, “chị Quyết dở” đều lang thang kiếm củi. Chị nhặt nhạnh từng cành củi khô hay bất cứ thứ gì trôi dạt về từ phía thượng nguồn sông Mã. Cũng có hôm sông cạn nước chẳng có rác, chị lại lang thang khắp làng trên xóm dưới lượm lặt tàu lá dừa đem về phơi khô chất thành đống. Bà con nhà nào thiếu củi đem vài bơ gạo đến chị đổi cho một bó. Số gạo ít ỏi, chị Quyết cất kỹ, ngày ngày đem thổi cơm nuôi cha bại liệt, mẹ mù lòa.
Quá trưa, ôm khư khư bó củi đi từ bờ đê xuống, chị Quyết đầu tóc rối bù chạy vào nhà, vục nhanh nửa bơ gạo đem ra phía vại nước cùng chiếc nồi nhỏ. Không cần vo đãi, chị đổ nước rồi bắc ngay lên bếp hì hục thổi lửa nấu. Vừa nấu cơm, chị Quyết vừa bê rổ lá khoai lang thái ngoắng đem nấu canh. Bữa cơm nấu vội của gia đình “chị dở” được dọn khi đồng hồ đã điểm hơn 13h chiều.
Mắc bệnh tâm thần từ nhỏ nhưng hàng ngày “chị dở” vẫn thơ thẩn ra bờ sông nhặt củi đem về đổi gạo nuôi cha mẹ già. Ảnh:Lê Hoàng.
Bà Nguyễn Thị Thơ (80 tuổi), mẹ chị Quyết bảo, hai ông bà ăn muộn thường xuyên bởi chị Quyết vẫn có “thói quen mải mê nhặt củi quên giờ thổi cơm”. Nâng lưng bát cơm còn giở hạt sượng, chan vội vài muôi canh rau lang lua nhanh vào miệng cho qua bữa, bà Thơ kể, từ ngày hai mắt bị mù, mọi sinh hoạt đều nhờ cô con gái luống tuổi “không lành tính người” ấy.
Video đang HOT
Gần 20 tuổi, bà Thơ nên duyên vợ chồng với người trai làng chất phác là ông Lê Bá Cường (năm nay 92 tuổi). Lấy nhau được ít năm, khi bà sinh đứa con thứ ba thì ông Cường tham gia thanh niên xung phong vào nam mở đường Trường Sơn. Ít năm sau, ông Cường trở về vì bị sốt rét rừng trong một lần làm nhiệm vụ ở nước bạn Lào.
Ngày về, ông Cường xanh lét như tàu lá, gầy như “bộ xương biết đi” khiến vợ con không nhận ra. Vì sức khỏe yếu nên ông không tham gia lao động được nhiều, ngoài việc vườn tược, ông kiêm thêm chân bán vé đò cho ủy ban. Gần chục năm sau, ông Cường nghỉ hẳn, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều dồn hết lên đôi vai gầy của vợ.
Ông bà sinh được bốn người con (2 trai, 2 gái), một tay bà Thơ lo liệu chuyện chồng, vợ cho các con. Bà bảo, cái số ông bà bất hạnh nên các con cũng khổ theo. Người con trai cả qua đời ít năm sau ngày xuất ngũ. Người con trai thứ ba và cô con gái út đã lập gia đình nhưng đều nghèo, không đỡ đần được gì cho bố mẹ lúc tuổi xế chiều.
Bà Thơ bảo, trong số các con, bà thương nhất con gái thứ hai Lê Thị Quyết. Chị Quyết sinh ra đã mắc bệnh tâm thần, ốm đau triền miên. “Chẳng có gia đình riêng, nó ở vậy với vợ chồng tôi. Ngày còn khỏe, tôi chăm chút quần áo, tắm gội cho nó như đứa trẻ. Thấy nó mạnh khỏe, cười đùa vợ chồng già chúng tôi cũng ấm lòng. Nhưng mấy năm nay tôi già yếu, hai mắt mờ đục rồi mù hẳn nên mọi sinh hoạt đều nhờ đứa con không bình thường ấy”, người mẹ kể, dòng nước mắt lăn dài trên đôi gò má hõm sâu.
Cũng theo bà Thơ, dù không nhìn thấy gì nhưng bà vẫn có thể bê bát cơm tự ăn được. Khổ nhất vẫn là việc chăm sóc ông Cường, chồng bà. Ba năm nay, ông Cường nằm liệt giường sau một cơn bạo bệnh. Mọi sinh hoạt, từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh… đều nhờ người con gái tâm thần.
Nằm sâu hút trong con ngõ phía tả ngạn sông Mã, ngôi nhà của gia đình bà Thơ tuềnh toàng, xiêu vẹo. Cánh cửa được che tạm bằng mảnh phên đã mục nát. Ngôi nhà chỉ rộng hơn chục mét vuông, chẳng có tài sản gì đáng giá ngoài nửa bì thóc lép, mấy bó củi và… một cỗ quan tài. Dưới nền đất ẩm ướt, nồi niêu, áo quần vứt vương vãi, ruồi nhặng khắp nơi.
Bà Thơ bảo, nửa bì thóc đó là “thành quả lao động” mà vụ mùa vừa qua chị Quyết đi quét trên bờ đê và lượm lặt ngoài đồng về. Sau khi vò sạch, phơi khô chị đem cất vào nhà để mai kia đứt bữa đem đi xát lấy cái ăn cho đỡ đói. Còn cỗ quan tài là do bà vay tiền hàng xóm đóng sẵn để lỡ may ông nhà có đường đột ra đi còn có cái mà dùng chứ chờ khi “nước đến chân thì biết xoay sở thế nào”! Số tiền ít ỏi nhà nước hỗ trợ cho người cao tuổi và người tâm thần chẳng thấm vào đâu bởi phải dành dụm để thuốc men cho ông.
“Tôi già rồi, sống nay chết mai, chỉ mong có chút tiền đóng vài cánh cửa cho ngôi nhà kín gió để ông ấy và con gái bớt lạnh mỗi khi gió mùa về. Nhiều lúc cuộc đời bế tắc, tôi chỉ muốn rủ ông ấy chết đi cho xong, nhưng nghĩ đến cảnh đứa con bơ vơ giữa đời, đành gạt nước mắt tiếp tục sống cùng con”, bà Thơ nghẹn ngào.
Suốt cả buổi, thấy nhà có người lạ, chị Quyết chẳng nói chẳng rằng cứ đứng nép xó nhà nhìn trộm, lúc lại chạy ra ngõ nhảy múa, hát ngêu ngao. Thi thoảng chị chạy vào nhà ngồi cạnh cha, kéo tấm chăn bông ố màu bóp chân cho ông.
Chị Quyết trở thành trụ cột gia đình. Ảnh: Lê Hoàng.
“Cũng may trời xui đất khiến thế nào hay có lẽ do bản năng sinh tồn mà mấy năm rồi con dở không bỏ nhà đi lang thang nữa. Ngược lại, nó còn rất khỏe, lại biết thương cha mẹ nên ngày ngày vẫn ngược khắp bến sông nhặt củi đổi gạo. Lúc rảnh nó lại sang hàng xóm xin lá khoai lang về nấu canh cho hai thân già chúng tôi, chứ nếu không cũng chẳng biết xoay sở thế nào”, bà Thơ tâm sự.
Bà Lê Thị Mài, một người hàng xóm cho biết, nhiều năm nay chứng kiến cảnh ba con người tội nghiệp vật lộn với cuộc sống mà xót xa. Tình làng nghĩa xóm, thi thoảng bà Mài lại dành dụm ít tiền con cháu cho đem giúp bà Thơ mua đồng trầu, bó rau. Ngày mùa, bà con hô hào cho thêm họ dăm ba bơ gạo.
Nói về hoàn cảnh gia đình bà Thơ, ông Nguyễn Hữu Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Quang cho biết, đây là hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn nhất ở địa phương. Nhiều năm nay, gia đình chủ yếu sống dựa vào trợ cấp của nhà nước. Tuy nhiên số tiền ít ỏi (180.000 đồng/người/tháng) không đủ trang trải thuốc men cho ông cụ bị bệnh bại liệt. Hiện ông bà đều cao tuổi, mất khả năng lao động, mọi sinh hoạt đều dựa vào cô con gái lớn tuổi bị tâm thần từ nhỏ.
“Do kinh tế địa phương khó khăn nên xã cũng không hỗ trợ thêm được gì cho gia đình. Vào dịp lễ tết hàng năm, xã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng chút quà nhỏ gọi là cho gia đình cụ Cường”, ông Mạnh cho biết thêm.
Theo VNE
PTSC tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội
Chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng là một trong những truyền thống tốt đẹp luôn được TCty CP dịch vụ kỹ thuật dầu khí VN (PTSC) coi trọng.
PTSC lắp đặt chân đế và khối thượng tầng giàn khoan Tê Giác Trắng.
Trong năm 2012, cán bộ nhân viên PTSC đã tham gia nhiều chương trình hoạt động xã hội hướng về cộng đồng, giúp người dân ở những vùng nghèo giảm bớt khó khăn, khôi phục cuộc sống.
Đợt mưa lũ đầu tháng 9.2012, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là một trong những địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất cả nước. Tại đây, hàng trăm ngôi nhà đã bị cuốn trôi, hàng nghìn người dân lâm vào cảnh khốn khó, thiếu đói cả cơm ăn, nước uống. Ngay sau khi mưa lũ đi qua, đoàn công tác của PTSC đã về huyện Thọ Xuân để thăm hỏi, trao quà và chia sẻ khó khăn với những gia đình bị thiệt hại nơi đây. Đoàn công tác đã đến các xã Quảng Phú, Xuân Châu, Thọ Lập thăm hỏi và trao tặng tổng số tiền 500 triệu đồng do cán bộ và nhân viên PTSC đóng góp nhằm động viên bà con vùng lũ nhanh chóng khắc phục thiệt hại, ổn định lại cuộc sống và sản xuất.
Nước sạch là một tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, nhưng ở xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa), người dân phải dùng nước giếng khoan và nước mưa, thậm chí là nước ao hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến nhiều người dân bị bệnh tật, không ít người mắc ung thư. Khi biết rõ về những khó khăn của bà con xã Hoằng Đức, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN, mà trực tiếp là PTSC đã quyết định tài trợ số tiền 6 tỉ đồng để xây dựng công trình cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân địa phương. Công trình này được hoàn thành vào đúng dịp Tết Nhâm Thìn, đã mang lại niềm vui rất lớn cho người dân địa phương.
Nhờ sự giúp đỡ của PTSC, 100% người dân xã Hoằng Đức được sử dụng nước sạch. Theo ông Cao Văn Thân - Chủ tịch xã Hoằng Đức - nhờ được tài trợ kinh phí, chính quyền xã xây dựng trạm cấp nước, hệ thống ống dẫn cấp nước, lắp đồng hồ đo nước đến tận nhà người dân. Người dân sử dụng nước sạch chỉ phải trả tiền nước 4.000 đồng/m3 theo quy định.
Là huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, Hoằng Hóa có 49 xã, nhưng số xã được sử dụng nước sạch sinh hoạt rất ít. Vì thế, việc được PTSC hỗ trợ xây dựng công trình cấp nước sạch sinh hoạt có ý nghĩa rất lớn. Ông Nguyễn Văn Nam, ở làng Khang Ninh nói: "Trước đây, mỗi dịp con cháu đi làm ăn xa có dịp về quê thăm bố mẹ, ông bà, chúng tôi ngại nhất là chúng nó phải tắm ở nhà vì nước sinh hoạt không sạch. Có đứa sợ về quê chỉ vì không có nước... tắm".
Cũng trong năm 2012, đoàn thanh niên PTSC đã cùng với đoàn thanh niên PVN tổ chức khánh thành và bàn giao Nhà văn hóa thôn Hà Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là cũng là một địa phương nghèo, đời sống vật chất tinh thần của người dân còn rất nhiều khó khăn. Vì thế, việc hoàn thành công trình nhà văn hóa với tổng vốn đầu tư 661 triệu đồng có ý nghĩa rất lớn đối với người dân.
Theo laodong
Hoa Trạng nguyên 10 năm bế chị đến trường Thương chị bị bại liệt nên suốt 10 năm qua, cô học trò Hoàng Thị Loan đã làm "đôi chân" cho chị gái Hoàng Thị An đến trường. Tại buổi lễ tuyên dương 800 học sinh, sinh viên xuất sắc nhất khu vực miền Nam vừa tổ chức tại tỉnh Long An, hàng nghìn ánh mắt ngạc nhiên lẫn cảm động dõi theo...