‘Con gái đã lấy chồng rồi còn gửi tiền cho mẹ đẻ là không thể chấp nhận được’
Lúc về nhà lấy đồ, tôi vô tình nghe mẹ chồng nói chuyện với chị chồng rằng: “Cái loại con gái lấy chồng rồi mà còn đòi gửi tiền về nhà mẹ đẻ là không chấp nhận được”.
Năm tôi 18 tuổi, anh trai tôi ra đi vì tai nạn giao thông. Nhưng lỗi phần lớn là của anh nên nhà tôi phải bồi thường 1 khoản tiền lớn. Bố mẹ tôi chạy vạy vay tiền khắp nơi để trả nợ. Nhà tôi kiệt quệ cả về tinh thần, thể xác và của cải. Khi ấy, chồng của cô hàng xóm giới thiệu công việc phiên dịch tiếng Đức ở 1 công ty đóng và sửa chữa tàu. Thế nên tôi quyết định bỏ học đi làm phiên dịch và tôi gặp chồng tôi ở đấy.
Yêu nhau 3 năm chúng tôi quyết định làm đám cưới. Anh có 1 chị gái đã đi lấy chồng ở Hà Nội và 2 người em sinh đôi 1 trai, 1 gái đang học đại học ở Sài Gòn bằng tuổi tôi. Rồi em gái anh học năm thứ 3 thì có bầu, phải bảo lưu chuyển về sống với chúng tôi chờ ngày sinh nở.
Chồng tôi lúc ấy đã cầu xin tôi bao dung với lỗi lầm của em gái, vì nếu tôi không chấp nhận em thì tương lai em hỏng hết. Thế là vợ chồng chúng tôi lại phải chăm sóc cho cả em gái anh và cháu. Em gái anh rất vô tư. Từ lúc có bầu đến lúc sinh nở xong em chẳng mó tay vào việc gì, cơm nước cũng chờ chồng tôi hoặc tôi về nấu.
Mẹ chồng bảo bà rất buồn khi giỗ bố chồng mà tôi so đo, tính toán thiệt hơn (Ảnh minh họa)
Buổi trưa em ăn cơm xong có cái bát cũng để y nguyên trong bồn rửa chén. Lúc em sinh mẹ chồng không dám vào vì sợ bố chồng biết nên vợ chồng tôi phải thay phiên nhau chăm sóc em. Con được 4 tháng thì em để con lại cho vợ chồng tôi nuôi, em về thành phố tiếp tục đi học. Mãi đến khi 2 năm sau em tốt nghiệp và cưới bố của đứa bé thì hai vợ chồng mới xuống đón con về ở chung. Con của em đến bây giờ vẫn gọi chúng tôi là bố mẹ.
Cưới nhau được 4 năm, sau khi chạy việc cho em gái và em rể vào 1 công ty dầu khí, sự nghiệp của em trai anh bắt đầu ổn định, chúng tôi mới quyết định vay tiền mua nhà và có con. Tất cả mọi chi phí chúng tôi đều phải tự lo hết. Bố chồng mất, mẹ chồng tôi chuyển đến ở với chúng tôi để trông cháu và gần các con. Từ đây, cơn ác mộng của tôi bắt đầu.
Đầu tiên là chuyện tiền bạc. Trước giờ mỗi tháng chúng tôi vẫn biếu bố mẹ 2 bên 1 triệu. Khi mẹ tôi vào, tôi cũng có giải thích với bà là chúng tôi còn đang vay tiền mua nhà nên hơi khó khăn. Tôi chỉ có thể biếu thêm bà 500 nghìn. Trước mặt chồng tôi, bà vẫn vui vẻ cầm nhưng lại điện cho em trai bảo tôi đối xử với bà không bằng ô sin. Bà bảo mẹ tôi ngồi mát ăn bát vàng mà vẫn được 1 triệu, còn bà vất vả trông con cho chúng tôi mà chỉ được có 1,5 triệu.
Em chồng gọi điện mắng chửi tôi, bảo tôi liệu đường mà đối xử với bà cho đàng hoàng, không thì không yên với chú ấy. Tôi phải đưa thêm cho mẹ chồng tôi 500 nghìn nữa bà mới không nói gì. Mỗi tháng bà vừa có lương hưu, tiền cho thuê căn nhà ở Hà Nội, tiền chúng tôi biếu cộng lại ngót nghét trên 10 triệu. Nhưng tiền bà toàn giữ để đấy, chả tiêu gì, cần gì lại bảo chồng tôi mua cho. Ở với cháu cả năm mà chỉ mua cho cháu được 3 bộ quần áo ba lỗ, loại 50 nghìn ba bộ đổ đống ngoài chợ. Tôi chán chằng buồn nói gì.
Ngay cả chuyện ăn uống mẹ chồng tôi cũng rất khó chịu. Nhà tôi gần vựa hải sản, bà bảo bà già rồi nên cần bổ sung nhiều canxi cho xương chắc khỏe. Thế là 1 tuần chúng tôi ít nhất phải mua cho bà 1 bữa ghẹ, 1 con tôm hùm loại 3 lạng/ con. Tôm thì phải mua loại to chứ bà bảo loại bé bóc lâu lắm. Gà thì bà chỉ ăn loại gà lai chọi, gà đồi. Tôi mua gà công nghiệp về nấu ăn, gắp mời bà bảo “Mẹ ăn miếng gà này ngon lắm” thì bà hỏi ngược lại “Ơ, thế đây là gà à, thế mà mẹ cứ tưởng đậu hũ, ăn nhạt toẹt, mềm nhũn chả ra sao cả”.
Nhà tôi cách Sài Gòn khoảng 80km, mẹ chồng tôi yêu cầu 2 em của anh mỗi tháng phải về nhà 2 lần chơi với bà. Rồi cứ thế, vợ chồng em gái anh, em trai anh với bạn gái cứ tối thứ 6 về nhà tôi, chiều chủ nhật lên. Một mình tôi vừa ôm con nhỏ, vừa loay hoay cơm nước phục vụ bao nhiêu người.
Video đang HOT
Chồng tôi muốn phụ nhưng bà không đồng ý. Anh bảo em gái vào phụ tôi thì bà tru tréo lên bảo rằng em xuống đây để chơi với bà chứ không phải phục vụ chị dâu. Rồi nó bảo đi làm cả tuần mệt mỏi phải để cho nó nghỉ ngơi chứ. Tôi nghe mà ứa nước mắt, không lẽ tôi cả tuần không phải đi làm, chỉ có mình con bà mệt mỏi?
Các em của anh thì vẫn theo thói quen như thời sinh viên, dù giờ đã đi làm và thu nhập cao hơn vợ chồng tôi. Nhưng mỗi lần đến chỉ biết ăn, nhậu rồi về, chưa bao giờ có ý nghĩ phụ giúp chúng tôi tiền chợ hay mua cho cháu cái gì. Mỗi lần em gái từ nhà tôi về mẹ chồng tôi lại đùm đùm gói gói cho em nào từ hộp phô mai, cả bộ quần áo bạn tôi tặng cho con trai tôi nhưng rộng đến hộp sữa bột con trai tôi đang uống dở. Mặc cho tôi giải thích với bà rằng sữa cho trẻ em dưới 24 tháng khác với cho trẻ 5 tuổi nhưng bà mặc kệ, cái nào đùm được thì bà cứ đùm. Mà tôi cũng chả hiểu sao em anh có thể vui vẻ mang các thứ ấy về được.
Lần đám giỗ bố chồng chúng tôi đã cãi nhau to. Mẹ chồng tôi thích làm lớn nên đặt bao nhiêu bàn, cuối cùng khách không đến, thừa mất 4 bàn. Bà lại còn sĩ diện khoe hải sản ở đây rất ngon nên bắt chồng tôi mua tặng mỗi nhà 1 kg ghẹ và tôm để mang về ăn lấy thảo. Đám giỗ ấy tôi chi mất hơn 10 triệu cộng với việc các em anh chỉ đến ăn, xong vào phòng nằm mặc tôi xoay xở dọn dẹp. Họ thậm chí chả thèm mua hoa quả cúng bố chứ đừng nói đóng góp đồng nào. Tôi giận chồng cả tuần không nói chuyện.
Lúc này mẹ chồng tôi gọi các em về và họp gia đình. Bà bảo bà rất buồn khi giỗ bố chồng mà tôi so đo, tính toán thiệt hơn. Để cho trong nhà mọi việc yên ấm, bà quyết định sẽ cho vợ chồng tôi căn nhà ở Hà Nội. Khi bà còn sống thì tiền thuê nhà bà vẫn thu, sau này bà mất thì chúng tôi sẽ được hưởng. Bù lại vợ chồng tôi phải lo cho các em, lo cho bà, giỗ chạp và khách khứa đầy đủ.
Tôi cũng nói với bà rằng tôi không hề so đo tính toán. Kể cả bà không cho chúng tôi cái gì thì chúng tôi vẫn phải có trách nhiệm. Tôi chỉ muốn chi tiêu 1 cách hợp lý hơn vì vợ chồng tôi vẫn còn nợ nần, tôi thì từ lúc có con đã phải chuyển xuống làm văn phòng nên lương giảm đi rất nhiều. Bà bảo bà đã quyết thế rồi, coi như chúng tôi ứng trước cho bà, sau này bán cái nhà đi lấy lại.
Sau ngày hôm ấy bà bắt đầu hạch sách này kia, tiền Tết bà đòi đưa 50 triệu để bà về quê thuê xe cho bà con đi lễ chùa, rồi tiền cúng, tiền biếu. Các em xuống chơi bà đòi đi ăn nhà hàng, đi ăn sáng bằng phở bò Kobe 500 nghìn/ bát. Chồng tôi bảo tôi thôi bao lâu nay mẹ phải chăm sóc bố ốm đau khổ nhiều rồi, năm nay Tết này để mẹ thoải mái tí nên bảo tôi vay tiền đưa cho mẹ.
Mấy hôm trước do chị phiên dịch của công ty nghỉ ốm nên tôi phải đi phiên dịch thay. Lúc về nhà lấy đồ, tôi vô tình nghe mẹ chồng nói chuyện với chị chồng rằng: “Nó (chỉ tôi) chỉ tốt nghiệp cấp 3 lấy được thằng K nhà mình là may lắm rồi, còn đòi hỏi cái gì. Nó còn lâu mới biết cái nhà ấy mẹ bán đi cho V (em chồng tôi) mua nhà từ đời nào rồi. Sau này mẹ chết có mà xuống âm phủ mà đòi. Mình không tranh thủ moi hết tiền của nó để nó mang về nhà ngoại à. Cái loại con dâu lấy chồng rồi mà còn đòi gửi tiền về nhà mẹ đẻ là không chấp nhận được”.
Tai tôi như ù đi và tôi gọi điện cho chồng. Sau 1 lúc im lặng thì anh bảo anh cũng mới biết chuyện này. Nhưng anh xin tôi nghĩ thoáng đi 1 chút vì chẳng phải trước đó chúng tôi vẫn xác định hai vợ chồng tự thân vận động, không có nhà của mẹ chúng ta vẫn sống tốt, anh sẽ cố gắng chăm lo cho mẹ con tôi đầy đủ. Chồng tôi gửi cho tôi 1 khoản tiền, bảo tôi công tác xong tranh thủ nghỉ ngơi vài ngày tại đó cho thư giãn đầu óc. Anh không muốn tôi và mẹ cãi nhau, vì cả tôi và mẹ anh không biết phải làm sao.
Hiện giờ tôi đang hoang mang lắm, không biết làm gì các anh chị ạ. Tôi càng nghĩ lại thấy hóa ra mẹ chồng chỉ xem tôi là con rối, lừa gạt tôi. Nào là tiền về quê, tiền sửa lại nhà gần 100 triệu. Đó chỉ là 1 âm ưu để lấy hết tiền mang cho con trai út xây nhà trên thành phố. Tôi phải làm sao để vẹn cả đôi đường đây?
Theo PNVN
Vợ cho mẹ đẻ vay 2 triệu đồng, chồng đòi ly hôn
Một người chồng chỉ vì vợ lén lút đưa nhà ngoại 2 triệu đồng mà nhất mực đòi ly hôn cho thấy anh ấy không coi trọng hạnh phúc gia đình...
Xin chuyên gia tư vấn cho em với. Bây giờ em đang không biết phải giải quyết thế nào ạ.
Vợ chồng em yêu nhau 4 năm và cưới nhau được 2 năm, có bé con gần 1 tuổi rồi. Bọn em cùng quê Nghệ An nhưng giờ nhà chồng em ở Lâm Đồng. Ngày trước em đi làm ở Samsung Bắc Ninh và giờ vẫn đang làm. Mẹ chồng ra trông con cho em đi làm được 4 tháng thì bà về, còn mình em ở lại làm.
Lúc em đi làm thì có cho bà ngoại mượn 2 triệu nhưng không nói với chồng và mẹ chồng. Có lần em gọi điện mẹ nghe được về không biết nói sao với chồng em. Hôm chồng em hỏi lúc đầu em cãi vì em đang mượn tiền bạn đập vào đấy. Sau em đã nói thật với chồng nhưng chồng em không tin bảo em giấu về cho ngoại.
Ảnh minh họa
Giờ chồng em đòi ly hôn, em thì không muốn, con mới gần 1 tuổi thôi. Em thương con lắm. Chồng em còn bảo bị bệnh nữa. Nói chung là giờ chồng em bảo không cần em nữa. Chồng nuôi con còn em muốn làm gì thì làm.
Em không biết phải làm sao cả. Xin cho em lời khuyên với ạ. Em cảm ơn.
Chuyên gia tâm lý tư vấn:
Chào em!
Ai lấy chồng cũng mong muốn có được người chồng biết tôn trọng, yêu thương vợ con và đặc biệt biết thông cảm thấu hiểu. Vì thế ai trong hoàn cảnh của em cũng đều có tâm trạng buồn bã, đau khổ khi chồng không thông cảm, không tin tưởng và lắng nghe em giải thích. Tuy nhiên em cần nhìn nhận thực tế của vấn đề đang diễn ra để nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề.
Đây có phải là lần đầu tiên chồng em phát hiện em nói dối, quanh co trong việc đưa tiền cho mẹ đẻ? Em có xin lỗi chồng về việc nói dối và chia sẻ với anh ấy về hoàn cảnh của mẹ đẻ để anh ấy hiểu và thông cảm không? Điều gì khiến chồng em lại có phản ứng tiêu cực tới mức sẵn sàng nói ly hôn khi vợ cho mẹ đẻ mượn 2 triệu?
Chúng tôi không hiểu vì nguyên nhân gì mà anh ấy lại có ứng xử thiếu bình tĩnh như vậy nhưng việc em nhất quyết cãi không cho mẹ đẻ mượn tiền có thể khiến chồng em cảm thấy mất niềm tin. Có thể đây là lần đầu tiên em nói dối nhưng chồng em lại suy diễn ra những lần trước đó và càng sinh nghi ngờ. Em có nghĩ đến việc mình nên thành thực xin lỗi chồng và đề nghị anh ấy thông cảm chấp nhận em không? Chúng tôi hiểu rằng điều này em đã làm nhưng chồng nhất mực không tin.
Em nên kiên trì và nhẹ nhàng trao đổi với mục đích "mưa dầm thấm lâu" để chồng hiểu và cảm thông. Em cũng có thể nói chuyện riêng với mẹ chồng chia sẻ hoàn cảnh của mẹ đẻ cũng như trao đổi về ý định của mình là cho mẹ mượn tiền sau đó bà sẽ gửi trả sau. Em không có ý mang tiền cho nhà ngoại chỉ là giúp đỡ bà những lúc khó khăn để bà hiểu và tác động đến con trai.
Em biết đấy, con cái có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ và tùy thuộc vào hoàn cảnh từng gia đình để thực hiện nghĩa vụ này. Em không thể làm ngơ khi mẹ để có việc cần đến tiền nhưng khi đã có chồng chuyện tiền nong lại trở thành chủ đề nhạy cảm vì đã đi lấy chồng, nhiều người có quan niệm ăn cơm gạo nhà chồng thì phải hết mức chăm lo, phụng sự cho họ.
Việc mang tiền của mình cho bố mẹ để có thể không sao với hoàn cảnh gia đình khả giả với những ông chồng thoáng tính, hiểu chuyện. Còn với cuộc sống của em dường như chưa ổn định và còn nhiều khó khăn thì thực sự việc cho mẹ đẻ mượn tiền đang là một áp lực, một điều khó chịu với chồng và gia đình chồng.
Sự việc lần này không quá to tát nếu chồng em biết cảm thông và chia sẻ cùng em. Tuy nhiên nếu anh ấy quá cố chấp, không thể tha thứ cho em thì có lẽ anh ta quá ích kỷ, bảo thủ. Với một người chồng chỉ vì vợ lén lút đưa nhà ngoại 2 triệu mà nhất mực đòi ly hôn cho thấy anh ấy không coi trọng hạnh phúc gia đình, tình cảm vợ chồng và giá trị trong cuộc sống chung.
Em hãy suy nghĩ thật kỹ về việc " đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại" nếu như em đã hối lỗi, nỗ lực trao đổi để chồng hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh lúc đó nhưng anh ấy không chấp nhận thì em khó thay đổi được điều gì.
Chúng tôi hiểu em thương con và trách bản thân mình nhưng cuộc hôn nhân này là của hai người và chồng em đang không trân trọng nó. Một mình em cố gắng cũng không thể bù lấp lại khoảng trống vô hình mà chồng tạo ra. Em có thể nói chuyện với chồng về tất cả suy nghĩ, quan điểm cũng như mong muốn của mình.
Con em còn rất nhỏ dưới 1 tuổi thì việc ly hôn Tòa sẽ xem xét trừ trường hợp người vợ có yêu cầu, và thông thường con sẽ được giao cho mẹ để đảm bảo lợi ích chăm sóc cho cháu. Chính vì vậy em cần nhẹ nhàng nói chuyện thêm để chồng hiểu cũng như không có những hành động bột phát mà gây ảnh hưởng không tốt cho em bé khi cứ khăng khăng đòi giữ lấy con.
Nếu anh ấy nhất định muốn rời ra thì em có thể đưa ra đề nghị hai người tạm xa nhau một thời gian, trong thời gian suy nghĩ hai người sẽ xem xét khả năng chấp nhận và tình cảm của cả hai. Nếu còn yêu thì em và chồng có thể quay lại còn nếu đã hết yêu chồng em sẽ không muốn trở về với em. Với điều này em phải học cách chấp nhận thực tại này.
Trong cuộc sống nếu chồng không tin tưởng, đồng cảm và bỏ qua lỗi lầm cho em thì sẽ rất khó để hai người tiếp tục chung sống hạnh phúc, hòa bình. Cuộc sống không hạnh phúc cũng không phải là môi trường giáo dục con cái tốt. Hãy mạnh mẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này em nhé.
Qua những chia sẻ trên chương trình hi vọng giúp em giải tỏa phần nào tâm lý căng thẳng, khó chịu và đau khổ của mình cũng như định hướng giúp em cách thức giải quyết vấn đề cho mình. Nếu còn khó khăn nào em hãy tiếp tục gửi thư đến chương trình. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng em.
Chúc em sáng suốt đưa ra quyết định cho mình và luôn hạnh phúc./.
Theo Afamily
Thương vợ nghẹn ngào sau hôm nghỉ làm chăm vợ ở cữ cùng với mẹ đẻ Tôi không biết nên làm thế nào bây giờ cho vẹn đôi đường nữa, chỉ thấy thương vợ, trách mình vô tâm, ích kỷ. Tôi xuất thân ở nông thôn, vì sống trong cảnh nghèo từ nhỏ nên tôi rất sợ và ám ảnh sự nghèo hàn cơ cực, tôi quyết tâm phải học hành để có thể thoát khỏi lũy tre làng....