Con gái 12 tuổi được cứu sau khi bị viêm cơ tim nguy kịch, cha ôm nợ hàng trăm triệu đồng
Bé gái bị viêm cơ tim rất nặng được ba bệnh viện phối hợp điều trị, chạy ECMO cứu chữa ngoạn mục. Nhưng để đổi lại sự sống cho con, người cha đã vay mượn hàng trăm triệu đồng.
Ngày 12/11, đại diện Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết sau thời gian điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (ICU), sức khỏe bé Võ Nguyễn Thái Oanh (12 tuổi, ngụ huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) bị viêm cơ tim đã ổn định.
Khoa ICU, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM.
Trước đó vào ngày 25/10, bệnh nhi được chuyển từ BV tỉnh Bình Thuận đến với chẩn đoán sốc tim, viêm cơ tim tối cấp, rối loạn nhịp tim, tình trạng rất nguy kịch.
Kể lại thời điểm xảy ra sự việc, anh Võ Mười (47 tuổi, cha bé Oanh) cho biết sáng hôm đó anh có nhờ con gái đi mua bánh mì. Tuy nhiên trong lúc chờ lấy bánh bé bất ngờ than mệt rồi ngủ gục tại chỗ. Một lát sau chủ quán mới đánh thức Oanh dậy.
“Khi trở về nhà thì mặt mày cháu đã tái mét, hỏi cũng không trả lời gì mà đi thẳng vào trong. 15 phút sau, bé bò ra từ nhà vệ sinh than đau đầu rồi ngất xỉu không biết gì” – anh Mười nói.
Anh Mười bên con gái.
Bệnh nhi được gia đình đưa đến BV huyện Bắc Bình, sau đó chuyển ngay đến BV tỉnh Bình Thuận trong tình trạng nhịp tim rất chậm, chỉ 26 lần/phút.
Tại đây bé được chẩn đoán sốc tim, viêm cơ tim tối cấp, rối loạn nhịp tim. Các bác sĩ đã xử trí thở oxy, truyền thuốc vận mạch đồng thời hội chẩn ngay với BV Nhi Đồng 1 để chuyển viện vào chiều ngày 25/10.
Video đang HOT
Bé bất ngờ đau đầu và ngất xỉu tại nhà.
Phó Giáo sư Phạm Văn Quang, Trưởng khoa ICU của BV Nhi Đồng 1 chia sẻ, nhận được thông tin khẩn cấp, ekip khoa Hồi sức tích cực, BV Nhi Đồng 1 lập tức chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị hồi sức cho kỹ thuật ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo), đặt máy tạo nhịp. Đồng thời, phối hợp với BV Chợ Rẫy chuẩn bị đầy đủ nhân lực để tiếp nhận bệnh nhân.
Phó Giáo sư Phạm Văn Quang thông tin quá trình chữa bệnh của bé.
Khi đến BV vào 21 giờ cùng ngày, bệnh nhi đã trong tình trạng mê, ngưng thở, ngưng tim. Với sự chuẩn bị sẵn sàng, bé được chuyển thẳng vô khoa Hồi sức, được đặt nội khí quản giúp thở ngay lập tức, xoa bóp tim ngoài lồng ngực đồng thời dùng thuốc kích thích tim hoạt động lại.
Các bác sĩ tim mạch tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời trong khi các bác sĩ hồi sức của hai ekip BV Nhi Đồng 1 và BV Chợ Rẫy tiến hành kỹ thuật ECMO cho bệnh nhi.
Sau khoảng 1 giờ phối hợp nhịp nhàng, tim của bệnh nhi đã đập lại và tình trạng huyết động cải thiện.
Bệnh nhi được chạy ECMO liên tục 6 ngày.
Tuy nhiên khoảng 48 giờ sau đó bệnh nhi bị rối loạn liên tục, phải dùng nhiều loại thuốc chống loạn nhịp, thuốc vận mạch ổn định chức năng co bóp cơ tim. Cùng sự hỗ trợ của kỹ thuật ECMO, bệnh nhi mới vượt qua cơn nguy hiểm.
Sau 6 ngày chạy ECMO, tình trạng viêm cơ tim bệnh nhi ổn định dần, chức năng co bóp cơ tim tốt. Bệnh nhi được cai ECMO tại khoa Hồi sức vào ngày 31/10.
Hiện tại bé tỉnh táo, chức năng tim bình thường, ăn uống tốt đã qua cơn nguy kịch.
Bé Võ Nguyễn Thái Oanh qua cơn nguy kịch nhưng đổi lại, người cha cũng đang ôm nợ sau khi lo tiền viện phí cho con.
Nhìn con đã nói chuyện được và khỏe mạnh trở lại, anh Mười cười buồn cho biết, những ngày con chữa bệnh viện phí lên đến hàng trăm triệu đồng, chủ yếu là chi phí chạy ECMO.
Để có thể xoay sở cứu con, anh phải về quê vay mượn, cùng với tiền tích cóp mới đủ đóng. Anh làm nghề đi tàu biển thuê thu nhập bấp bênh, nên chưa biết phải làm sao để trả khoản nợ đã vay lo cho bé Oanh.
Trong ngày 12/11, bệnh nhi đã được cho xuất viện.
Độc giả muốn giúp đỡ trường hợp của cha con anh Võ Mười vui lòng liên hệ trực tiếp người cha qua số điện thoại: 0352496674.
Xin chân thành cảm ơn!
Theo Helino
Xin đưa con về chờ chết vì không tiền chữa bạch hầu
TP HCM - Thuốc kháng bạch hầu không được bảo hiểm thanh toán, điều trị tốn hơn 40 triệu đồng nên mẹ bé Kpă H'Rớt xin đưa con về nhà.
Bé Kpă H'Rớt 4 tuổi ngày 6/11 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM do mắc bạch hầu có biến chứng viêm cơ tim, rối loạn nhịp. Hai bệnh nhi khác cùng ngụ buôn Ekia, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, Gia Lai, nhập viện cùng tháng 10/2019 với H'Rớt, sức khỏe tiến triển tốt nên đã xuất viện.
Nhiều ngày qua, bố mẹ H'Rớt liên tục yêu cầu bác sĩ cho xuất viện vì chi phí tốn kém, gia đình không đủ sức chi trả. Bệnh viện phải vận động các nhà hảo tâm quyên góp giúp đỡ, thuyết phục gia đình điều trị tiếp cho bé.
"Nhà không thể xoay xở được nữa, đành phải xin đưa con về chờ chết chứ biết làm sao", bố mẹ bé bày tỏ.
Trước khi H'Rớt mắc bệnh, bà của bé và hai người hàng xóm đột ngột tử vong sau nhiều ngày sốt, mệt. Khi con triệu chứng tương tự, gia đình đưa bé đến bệnh viện địa phương và được chuyển xuống TP HCM.
Bác sĩ Phan Tứ Quí, Trưởng Khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết khi biểu hiện nghi ngờ hoặc chẩn đoán mắc bạch hầu cần sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu kết hợp kháng sinh. Những ca bệnh nặng, có biến chứng phải kết hợp các giải pháp khác, chi phí khoảng 40 đến 70 triệu đồng.
Nhiều năm qua thuốc kháng độc tố bạch hầu trong nước đã ngưng sản xuất, nguồn hàng chủ yếu nhập từ nước ngoài với chi phí hơn 2 triệu đồng mỗi lọ. Một bệnh nhân thường sử dụng khoảng 10 lọ thuốc, người bệnh cần nhiều hơn. Tiền thuốc này chiếm khoảng 1/2 tổng chi phí điều trị. Thuốc kháng độc tố bạch hầu hiện không được bảo hiểm y tế chi trả, người bệnh tự thanh toán.
Thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm phải thông qua đấu thầu tập trung. Nhu cầu thuốc kháng bạch hầu ít, thuốc có thời hạn sử dụng 12-24 tháng, nhiều năm bệnh viện không có ca bệnh nên không dùng. Vì vậy khi bệnh viện mời thầu, không có đơn vị tham gia dự thầu. Hai năm nay bệnh nhân nhiều, bệnh viện phải mua trực tiếp không qua đấu thầu để chữa cho bệnh nhân nên bảo hiểm từ chối thanh toán.
Vi khuẩn gây bạch hầu, bệnh đặc trưng với màng giả màu trắng ở vùng hầu họng. Ảnh: ekushey
Khoảng 5 năm nay, bệnh bạch hầu xuất hiện nhiều tại những vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn ở miền Trung, Tây Nguyên. "Thời điểm này năm ngoái, chúng tôi đã giải thích can ngăn rất nhiều nhưng gia đình của một bệnh nhân bạch hầu kiên quyết xuất viện vì hết tiền chữa trị, vừa rời khỏi cổng viện thì bệnh nhi rối loạn nhịp, tử vong", bác sĩ Quí nhớ lại.
Từ tháng 8 đến nay, bệnh bạch hầu xuất hiện tại nhiều địa phương cả nước như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk... Trong 4 ca bệnh nặng được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới gần đây, có một trường hợp tử vong.
Theo bác sĩ Quí, bạch hầu là bệnh có thuốc đặc hiệu nên có thể điều trị hiệu quả. Nếu người bệnh ngưng điều trị giữa chừng, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân xuất viện khi chưa khỏi bệnh sẽ trở thành nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng. Bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Triệu chứng ban đầu là sốt, ho, viêm họng, viêm mũi, nuốt đau... nên dễ nhầm với cảm. Trong 1-2 ngày sau bệnh nhân sẽ xuất hiện màng giả màu trắng ở vùng hầu họng, là dấu hiệu đặc trưng của bạch hầu. Vi khuẩn từ các mảng trắng có thể tiết ra nội độc tố, dễ gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu cái làm thay đổi giọng nói, ăn uống sặc và khó nuốt, lú lẫn, nặng thì hôn mê sau đó tử vong. Một số trường hợp biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch. Phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm vắcxin 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng lúc 2, 3, 4 tháng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Lê Phương
Theo VNE
Bệnh viêm cơ tim khiến 2 người Hà Nội tử vong nguy hiểm thế nào? Bệnh viêm cơ tim khiến 2 người tử vong mới đây là một trong những bệnh lý về tim vô cùng nguy hiểm. Bệnh có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Theo thống kê, trên toàn thế giới, bệnh viêm cơ tim gây ra cái chết cho 294.000 từ năm 1990 tăng...