Con đường Tơ lụa – con bài đối trọng với Xoay trục của Mỹ
Cùng với đề xuất về một khu vực tự do mậu dịch châu Á, chiến lược Con đường Tơ lụa của Bắc Kinh là cách đối phó trực diện với chính sách tái cân bằng hay còn gọi là “ xoay trục” về châu Á của Washington.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 9/11 đọc diễn văn khai mạc tại Hội nghị thượng đỉnh Tổng giám đốc APEC (CEO APEC). Ảnh: AP
Theo Foreign Policy, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), diễn ra tại Bắc Kinh năm nay, chứng kiến một cuộc cạnh tranh ngầm giữa các hiệp định thương mại tự do của Mỹ và Trung Quốc.
Washington muốn thúc đẩy sự hình thành của hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự tham gia của 12 nước, nhưng không bao gồm Trung Quốc. Bắc Kinh lại hy vọng thu hút thêm sự ủng hộ đối với hiệp định Thương mại Tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), một thỏa thuận với mức độ bao phủ hẹp hơn nhưng có Trung Quốc tham gia. Đây là động thái mà nhiều chuyên gia nhận định là cách để Bắc Kinh chống lại chính sách tái cân bằng châu Á của Washington.
Tuy nhiên, FTAAP không hẳn là câu trả lời mạnh mẽ và trực diện nhất của Trung Quốc đối với hiệp định TPP. Thay vào đó, chiến lược Con đường Tơ lụa, một tổ hợp các điều khoản liên quan tới thương mại và xây dựng cơ sở hạ tầng, mới thật sự là con át chủ bài của Bắc Kinh nhằm đối chọi với Washington.
Đây là chiến lược do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất với mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do và củng cố quyền lực mềm của Trung Quốc với các nước láng giềng phía tây và đông nam. Kế hoạch dựa trên nền tảng tuyến giao thương nổi tiếng nối Trung Quốc với châu Âu qua Trung Á, trong khoảng thời gian từ thế kỷ VII đến thế kỷ X.
Với Con đường Tơ lụa, Bắc Kinh cũng mong muốn làm bền chặt thêm mối liên kết giữa Trung Quốc và các nước bằng hợp tác thương mại, đầu tư, năng lượng và xây dựng hạ tầng, đồng thời, từ đó quốc tế hóa tiền tệ của nước này.
Hôm 8/11, trong một cuộc họp với lãnh đạo nhiều nươc trong khu vực, ông Tập thông báo chi 40 tỷ USD thành lập quỹ Con đường Tơ lụa nhằm tập trung xây dựng “tuyến giao thông, đường sắt, bến cảng, sân bay xuyên qua Trung và Nam Á”, theo Reuters.
Video đang HOT
TPP hay Con đường Tơ lụa
Washington tin rằng TPP sẽ khiến Trung Quốc có động thái phản ứng và đều có lợi cho Mỹ.
Đầu tiên, những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn lao động và điều kiện môi trường của TPP sẽ tạo thế khó cho Trung Quốc, loại họ ra khỏi một khối thương mại lớn và đầy tiềm năng ngay trên chính sân sau của mình. Hoặc có thể Trung Quốc sẽ nhiệt tình tham gia và trở thành một quốc gia cởi mở hơn về kinh tế.
Các nước trong khu vực châu Á lại hy vọng rằng TPP sẽ khiến Trung Quốc thay đổi thái độ, nhiệt tình hơn với các cuộc đàm phán, từ đó có sự kiềm chế trong các xung đột lãnh thổ.
Nhưng đến nay, có rất ít bằng chứng cho thấy Bắc Kinh sẽ thuận theo các kỳ vọng này bởi chiến lược Con đường Tơ lụa có khả năng đem lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích hơn khi đem ra so sánh với TPP.
Con đường Tơ lụa không đề ra bất kỳ tiêu chuẩn nào ngoại trừ ý tưởng không rõ ràng về một lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia.
TPP tìm cách giảm thiểu vai trò của chính phủ trong hoạt động của thị trường và hạn chế tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế thành viên. Kế hoạch Con đường Tơ lụa, ngược lại, chủ yếu dựa vào sự phối hợp của chính quyền cấp cao nhất, đồng thời, gia tăng quyền lực của công ty nhà nước và chính phủ.
TPP tập trung vào mảng dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ và quy tắc trong từng quốc gia. Con đường Tơ lụa thì nhắm vào việc tạo dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, giao dịch trong lĩnh vực năng lượng và vận tải, cũng như tái phân bổ các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa.
Hai tuyến đường nằm trong dự án Con đường Tơ lụa mới mà Trung Quốc mong muốn xây dựng. Ảnh: Star Daily
Nhiều nhà nghiên cứu chính trị hàng đầu Trung Quốc nhìn nhận TPP có thể khiến Bắc Kinh suy yếu. Đó là một chính sách “thay đổi hiện trạng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới”, Foreign Policy dẫn lời Gu Gouda, giáo sư tại Đại học Chiết Giang, mới đây nhận xét trong một bài viết trên tạp chí Probe. Một vài người khác cũng tin rằng những thay đổi mà TPP yêu cầu quanh các vấn đề như doanh nghiệp nhà nước, lao động, môi trường, kinh tế số và sản xuất chuỗi cung ứng, sẽ là mối đe dọa tiềm tàng đối với hệ thống chính trị xã hội hiện tại của Trung Quốc.
Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đang ra sức tìm cách gây dựng bản thân trở thành một nền kinh tế và thể chế tương đương với Mỹ. APEC năm nay dường như chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa TPP và FTAAP. Tuy nhiên, khi nhắc tới cuộc chiến thật sự nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu, không thể không kể tên Con đường Tơ lụa.
Vũ Hoàng
Theo Foreign Policy
Con đường tơ lụa hàng hải: Hình thức thực dân mới của Trung Quốc?
Trong ba ngày, từ 31/10 đến 02/11/20014, Trung Quốc đã tổ chức "Hội chợ Triển lãm quốc tế Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 Quảng Đông", tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông. 42 nước đã tham dự hội chợ, trong số này có 25 quốc gia liên quan trực tiếp đến dự án con đường tơ lụa trên biển, theo tin RFI.
Hội chợ Xuất nhập khẩu tại Thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Thành phố này là khỏi điểm con đường tơ lụa trên biển cách nay 2000 năm. Ảnh minh họa chụp ngày 04/05/2014. Ảnh REUTERS/Alex Lee
Nếu như chiến lược này của Bắc Kinh là nhằm tạo dựng một thị trường rộng lớn, ngăn chặn ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Châu Á, giới phân tích còn tố cáo ý đồ thực dân mới của Trung Quốc trong dự án này.
Ý tưởng lập con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21, được lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra, trong chuyến công du Indonesia, hồi tháng 10/2013. Chiến lược này hướng về phía Đông Nam Á, qua Ấn Độ và sang tới tận bờ biển phía đông Châu Phi, qua đó, tạo dựng một thị trường mênh mông với gần 3 tỷ người tiêu dùng, mà trong đó Trung Quốc sẽ là đầu tầu.
Con đường tơ lụa trên đất liền đã tồn tại từ trước Công nguyên, nối liền thành phố Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc với Antioche, Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Syria. Theo giới nghiên cứu lịch sử, con đường tơ lụa trên biển đã có từ cách nay 2000 năm, xuất phát từ thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, sang tới các nước Đông Nam Á và kéo dài tới tận bờ đông Châu Phi.
Như vậy, ý tưởng của ông Tập Cận Bình không phải là mới mẻ. Nhưng trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, dự án có tầm quan trọng đặc biệt. Về kinh tế, Bắc Kinh đề ra mục tiêu tăng gấp đôi trao đổi mậu dịch với khu vực này vào năm 2020.
Khu vực Đông Á Nam có 640 triệu dân mà theo một cố vấn chính phủ Trung Quốc, được báo La Croix của Pháp trích dẫn, thì trong số này có tới khoảng 50 triệu người "có tổ tiên là từ Quảng Đông tới".
Là một trong những tỉnh giàu có nhất Trung Quốc, Quảng Đông là nơi khởi phát các cải cách do Đặng Tiểu Bình chủ trương, từ năm 1978, được coi là công xưởng của thế giới . Trao đổi thương mại với các nước Đông Nam Á chiếm tới 10% PIB của Quảng Đông.
Đằng sau mục tiêu kinh tế, Bắc Kinh muốn thành lập các liên minh với những nước vốn có quan hệ lịch sử lâu đời với Trung Quốc, vào lúc các tranh chấp lãnh thổ đang gây căng thẳng tại Châu Á. Bắc Kinh hy vọng, quan hệ kinh tế chặt chẽ với các đồng minh mới sẽ giúp ngăn chặn ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong bối cảnh Washington thực hiện chính sách xoay trục sang Châu Á để tái cân bằng lực lượng trong vùng.
Một nhà báo Malaysia, làm việc tại Bắc Kinh, nhận định, Malaysia có tới 40% dân số là người Hoa, có tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc, nhưng tránh đề cập tới chủ đề này, bởi vì Malaysia cần xuất khẩu sang Trung Quốc và mua hàng hóa của nước này.
Singapore, với 65% dân cư là người Hoa, vẫn khéo léo đi dây trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các nước khác như Thái Lan, Camuchia, Lào và Việt Nam, hiện cũng ký các hiệp định quan hệ đối tác với Bắc Kinh.
Sri Lanka vừa mới ký với Trung Quốc nhiều hợp đồng lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Một chuyên gia của nước này nói với báo La Croix là sự phát triển quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước trong vùng Châu Á tạo cảm giác đó là một hình thức mới của tiến trình thực dân hóa.
Bắc Kinh thường xuyên trấn an rằng sự phồn thịnh kinh tế chung cho phép bảo đảm hòa bình, đặc biệt là ở vùng biển phía nam Trung Quốc. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy, các lợi ích kinh tế, cho dù to lớn đến đâu, cũng không ngăn cản chiến tranh xảy ra.
Theo Bizlive
Ngoại giao Con đường Tơ lụa và sự xuyên tạc lịch sử Với dòng tiền và đầu tư dồi dào, sáng kiến Con đường Tơ lụa của chính phủ TQ có thể thúc đẩy nền kinh tế của nhiều quốc gia châu Á và châu Âu, miễn là các nước này tự nguyện tuyên bố có mối liên kết với đế chế TQ cổ đại. Lịch sử đang bị bóp méo Tháng Chín năm 2013,...