Con đường nguy hiểm nhất thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ, sơ hở là mất mạng
Nằm giữa 2 thị trấn Of và Bayburt ở phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ, D915 được nhiều tài xế coi là cung đường khó đi nhất thế giới.
D915 là con đường nguy hiểm, gây khó khăn cho nhiều tài xế đi qua. Ảnh: The Travel Magazine.
Nối tỉnh Đông Bắc Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ với Biển Đen, con đường núi D915 sở hữu nhiều ngã rẽ và đoạn dốc nguy hiểm. Ngay cả với những tài xế lành nghề nhất, việc vượt qua cung đường này là rất nguy hiểm.
Theo Oddity Central, con đường D915 có thể do binh lính Nga xây dựng bằng các dụng cụ cầm tay từ khoảng năm 1916-1918. Mặc dù một số phần ở mỗi đầu đường đã được lát bằng nhựa, phần lớn con đường vẫn đầy sỏi đá.
Thoạt nhìn, D915 có vẻ hoàn toàn bình thường. Nhưng khi vượt qua các khúc đầu, nhựa đường dần biến mất, thay vào đó là sỏi đá. Sau đó, con đường trở nên hẹp và ngoằn ngoèo hơn.
D915 có tổng cộng 38 khúc cua, trong đó nổi tiếng nhất là Derebaşı. 17 khúc cua trong số đó trải dài trên một đoạn dài 5,1 km, độ cao 1.712 – 2.035 m so với mực nước biển với độ dốc lên đến 17%.
Video đang HOT
Nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm để đi qua con đường đầy nguy hiểm này. Ảnh: @worldafricatwinriders.
D915 không được trang bị lan can nên các phương tiện dễ rơi xuống vực. Phần đường cũng khá hẹp, dẫn đến khi 2 phương tiện gặp nhau từ hai hướng đối diện, một trong hai phải lùi lại để tạo lối đi cho người kia. Điều này trở nên đặc biệt nguy hiểm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như sương mù dày đặc hoặc mưa. Từ tháng 10 đến cuối tháng 6, D915 sẽ đóng cửa vì tuyết và băng sẽ khiến con đường trở nên đặc biệt nguy hiểm.
D915 là con đường mà hàng trăm người dân địa phương sử dụng hàng ngày. Mặc dù có hai con đường thay thế khác giữa Of và Bayburt, D915 lại được ưa chuộng, bất chất nguy hiểm do ít đường vòng hơn.
Khi uốn lượn trên núi, D915 mang lại những cảnh đẹp tuyệt vời. Nhưng do vấn đề về nguy hiểm nên không thể coi đây là một điểm thu hút du lịch. Một động tác sai lầm có thể dẫn đến thảm kịch. Vì vậy, chỉ có những tài xế giàu kinh nghiệm và kỹ năng mới có thể đi qua con đường này.
Trước đó, nhiều người cho rằng Yungas của Bolivia, hay gọi với tên khác “Con đường Tử Thần”, là con đường nguy hiểm nhất thế giới. Hình ảnh và video của những tài xế vượt qua con đường đất dốc vòng qua dãy núi Cordillera Oriental với độ cao lên tới 4.650 m đã biến Yungas trở thành một trong những điểm du lịch phổ biến nhất của Bolivia. Nơi đây, thu hút khoảng 25.000 người mỗi năm.
Tuy nhiên, theo một số nhà thám hiểm, D915 ít được biết đến hơn nhưng đã vượt qua con đường Yungas về mức độ nguy hiểm.
Ngắm hoàng hôn trên biển Tây Nam của Tổ quốc
Nhớ ngày nhỏ, mỗi khi nghe ai đó í ới rủ nhau "Đi hòn Đá Bạc chơi" những dịp lễ, tết, tôi lại thắc mắc về tên gọi Đá Bạc.
Tôi hỏi nhưng má không trả lời được, bởi má tôi chưa một lần đặt chân đến hòn Đá Bạc dù nơi đó cách nhà tôi chỉ vỏn vẹn hơn 40km. Má cũng chẳng cho tôi đi theo các anh chị trong xóm ra thăm Đá Bạc. Hồi đó, phương tiện đi Đá Bạc chủ yếu là thuê đò dọc hoặc tự lái vỏ lãi, sang hơn thì thuê hẳn "xe bốn bánh" nhưng hiếm hoi lắm. Sông nước đò giang nguy hiểm, tôi lại chưa biết bơi nên má nói "ở nhà cho lành".
Đường đi trên hòn Đá Bạc trong nắng chiều
Mãi sau này, khi má đã yên tâm cho tôi đi một mình trong những chuyến đi xa xôi, thỉnh thoảng, tôi lại ra thăm Đá Bạc - cụm hòn nhỏ nằm ở bờ biển phía Tây Nam của Tổ quốc Việt Nam. Hòn Đá Bạc tọa lạc xã đảo Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (cách TP.Cà Mau khoảng 50km). Những chuyến đi vừa để ngắm cảnh biển Tây Nam, lại nằm trong địa phận của quê hương mình, vừa để tìm lời giải đáp cho thắc mắc năm xưa của tôi về tên gọi "hòn Đá Bạc".
Có nhiều cách lý giải cho cái tên đầy màu sắc ấy, có người cho rằng, mỗi khi ánh nắng chiếu vào những mẩu đá granit lớn, nhỏ trên hòn thì đá lấp lánh lên sắc bạc đẹp mê hồn; có người lại chọn cách giải thích bằng huyền thoại gắn liền với sự hình thành của vùng đất, con người và những nét đẹp văn hóa của xứ sở cuối cùng trên bản đồ địa lý;...
Đi tìm lời ru của biển
Đã từng ngắm cảnh biển cả nước non từ nhiều góc độ: Trên máy bay, trên tàu Thống Nhất, trên xe khách chạy tuyến Quốc lộ 1, thậm chí chân tôi đã chạm xuống bờ cát mềm của biển cả miền Trung xanh thẳm hay biển Vũng Tàu vùng Đông Nam bộ quyến rũ,... nhưng khi trở về với biển quê hương mình, tôi thấy bờ biển Tây Nam mang một vẻ đẹp hoàn toàn khác, như một thiếu nữ dịu dàng vươn mình ra Vịnh Thái Lan.
Đến đây, tôi mới ngộ ra rằng, quê mình cũng có biển chứ không chỉ là vùng đồng bằng sông nước hay rừng rậm rạp lúc nào cũng rì rầm tiếng bầy ong mật kéo về làm tổ. Nước biển Tây Nam không xanh như vùng biển miền Trung, cũng không có cát trắng, nắng vàng óng ả. Biển "khoác" lên mình tấm áo màu trầm đục của phù sa, màu bạc của những ban trưa nắng rọi xuống làm ánh lên những vảy sóng nghìn trùng.
Ở những cửa sông đổ ra biển, tàu bè neo đậu nườm nượp, những chiếc tàu biển sơn xanh, đỏ, vàng,... đủ cả, trước mũi tàu có cặp mắt long lanh để "nhìn đường". Trên boong tàu cắm lá cờ đỏ sao vàng - biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam mà bất kỳ con tàu nào cũng muốn đánh dấu chủ quyền bằng cách đó.
Hành trình đi tìm lời ru biển cả của tôi không hề được lên kế hoạch trước. Chỉ đơn giản "thích thì đi", "rảnh rỗi sinh nông nổi" theo cách nói của giới trẻ bây giờ. Chúng tôi xuất phát từ cầu Khai Hoang (chiếc cầu đồ sộ bắc qua sông Cái Tàu), đi thẳng theo hướng Tây Nam là đến được cửa biển, rẽ trái đi khoảng 15km trên tuyến đường ven biển là đến được hòn Đá Bạc. Hơn 4 năm trở lại, trong mắt tôi, hòn Đá Bạc đẹp hơn rất nhiều.
Những người thường đi biển như tôi thì tìm chút gì lạ lẫm ở vùng đất này để khám phá, còn những người lần đầu đến biển thì thấy cái gì cũng lạ, cái gì cũng thú vị, đáng để chụp ảnh lưu niệm. Khoảnh khắc ngồi trên xe điện đi từ đất liền, men theo chiếc cầu xuyên biển dài gần 500m ra cụm hòn Đá Bạc, hòn Ông Ngộ, hòn Trụi thật đẹp, mênh mông quá! Ngồi sau lưng tôi, Thư lẩm bẩm hát mấy câu phổ từ thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Tôi cũng hòa nhịp hát theo: "Chỉ có thuyền mới hiểu. Biển mênh mông nhường nào. Chỉ có biển mới biết. Thuyền đi đâu, về đâu...".
"Mặt trời xuống biển như hòn lửa"...
Những ghềnh đá nhô ra biển, sóng đánh oải oạp. Gió chiều nhẹ nhẹ. Biển lặng sóng. Phía xa xa, những chiếc tàu ngư phủ trôi đi thật chậm, tưởng như bất động giữa biển trời. Một cảnh tượng tuyệt vời khởi phát từ cuộc đời lao động. Tôi hiểu rằng, đằng sau vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, của chiếc thuyền lênh đênh trong bóng chiều đổ xuống là cả gánh mưu sinh, nỗi lo cơm áo, những vất vả, nhọc nhằn của người dân xứ này.
Họ phải đánh đổi tất cả, bất chấp nguy hiểm để có được miếng ăn, có được niềm hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Tôi thoáng cảm thấy chạnh lòng. Đứng trên ghềnh đá ngắm nhìn biển trời xa xa, tưởng tượng nếu mình bỏ thành phố về đây sống thì không biết sẽ như thế nào. Chắc là buồn tẻ và tù đọng lắm. Bởi mình vẫn còn trẻ, còn khỏe, giấc mộng còn dài nên tạm gác lại chuyện hòa hợp với thiên nhiên để sống đời thanh yên, tự tại.
Hoàng hôn trên biển Tây Nam
Quay về với biển, hoàng hôn buông trùm. Vầng mặt trời đỏ ửng như lòng đỏ của quả trứng gà đang di chuyển dần dần, sắp sửa chìm khuất xuống biển. Nhiều lần ngắm bình minh hay hoàng hôn trên biển nhưng tôi chưa bao giờ thấy mặt trời chìm xuống biển sâu ở những vùng biển thuộc duyên hải miền Trung.
Chỉ khi tôi về với vùng biển quê mình - biển Tây Nam, tôi mới thấy mặt trời lặn xuống, từ từ, thong thả. Bầu trời và mặt biển bấy giờ nhuộm màu đỏ thẫm. Đường chân trời nhòe dần, tưởng như mất hút. Trời - biển giao hòa. Tôi mong cho nó xuống thật nhanh để đỡ sốt ruột. Tưởng chậm vậy thôi chứ chỉ một khoảnh khắc tôi xoay người sang nói chuyện về hòn Ông Ngộ thì mặt trời chìm khuất xuống lòng biển tự bao giờ. Tôi bất ngờ rồi tiếc nuối. Có những khoảnh khắc trong đời người, tưởng chậm rãi nhưng thực tại lại chóng vánh. Như tuổi trẻ, thanh xuân...
Một trải nghiệm thật đẹp ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Đến để thấy quê hương mình thật đẹp, biển xứ mình trù phú, mỗi vùng biển lại mang một sắc màu, một nét đẹp riêng. Và để hiểu thêm về những phận người ngư phủ cơ cực, long đong, nổi chìm vì miếng cơm manh áo./.
Trải nghiệm, khám phá hang A Phủ Trong chuyến công tác về xã Hồng Ngài (Bắc Yên), quê hương của "Vợ chồng A Phủ", chúng tôi có dịp khám phá, trải nghiệm hang A Phủ, địa danh gắn với tác phẩm văn học "Vợ chồng A Phủ" của cố nhà văn Tô Hoài. Hang A Phủ, bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài (Bắc Yên). Cách trung tâm xã Hồng Ngài...