Con đường nào sẽ mang tên Võ Nguyên Giáp?
TP. Hà Nội mong muốn sẽ được lấy tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp để đặt tên cho một con đường ở thủ đô.
Ngày 5/10, trao đổi với báo chí, Giáo sư Sử học Phan Huy Lê, người từng giúp việc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, trong quy chế đặt tên đường của Hà Nội, các nhân vật hiện đại sau khi mất 10 năm mới xem xét đặt tên đường.
Tuy nhiên, tiền lệ cho thấy đã có nhiều nhân vật lịch sự như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… không cần chờ đến 10 năm, sau khi mất có thể đặt tên phố ngay.
GS Phan Huy Lê đề xuất đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho cao tốc Nhật Tân – Nội Bài . Ảnh:
Giáo sư Phan Huy Lê cũng là người đề xuất ý tưởng đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho con đường cao tốc mới từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài.
Đồng quan điểm, trên Thể thao&Văn hóa, GS Nguyễn Quang Ngọc – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Nội cho rằng, chúng ta nên khẩn trương nghĩ tới một đại lộ mang tên Võ Nguyên Giáp thay vì phải chờ một số năm nhất định theo quy định.
“Riêng với Đại tướng, có lẽ chúng ta không nên dùng từ “đặc cách”. Đây chỉ là sự rút ngắn thời gian theo quy định hành chính chung. Quy định về độ lùi thời gian ấy, xét cho cùng cũng chỉ là để có thêm sự đánh giá về danh nhân được lựa chọn đặt tên đường. Trong khi ấy, việc nhân dân tôn vinh Đại tướng từ hàng chục năm nay, khi Đại tướng còn sống đã là sự thật hiển nhiên”, GS Ngọc nêu quan điểm.
Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một thiên tài quân sự mà còn là một người đức độ, do đó cần phải chọn con đường nào khang trang, tiêu biểu xứng đáng với công lao ấy.
Về phía UBND TP.Hà Nội, trong chiều 5/10, khi trao đổi với Tuổi trẻ, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết Hà Nội luôn mong muốn được lấy tên Đại tướng để gắn với một tuyến phố của thủ đô.
Video đang HOT
Bà Bích nhấn mạnh, ngay cả trong trường hợp không có ý kiến nào đề xuất, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu thận trọng và lựa chọn con đường xứng tầm để đặt tên.
Tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài dài 12km, khổ rộng 80-100m với tổng chi phí đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Khi hoàn thành, tuyến đường này góp phần rút ngắn khoảng cách từ Sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội chỉ còn khoảng 15km.
Theo Vietnamnet
Những "nước cờ" cao của Tướng Giáp trên chiến trường
Đánh Buôn Ma Thuật quyết định rất sáng suốt của Đại tướng góp phần tạo nên thành công của toàn Chiến dịch Tây Nguyên (1975) và đẩy nhanh tốc độ tan rã của quân địch.
Buôn Ma Thuột hay Đông Nam Bộ
Từ cuối năm 1973, khi những dấu hiệu vi phạm Hiệp định Paris của quân đội Sài Gòn đã rõ ràng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng bắt đầu nghiên cứu đề án quân sự. Trong đó, vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất là chọn hướng tiến công chính ở đâu khi bắt đầu một kế hoạch quân sự mới.
Bộ Tổng tham mưu đưa ra mấy hướng để lựa chọn là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Quảng Đà, Trị Thiên. Các cuộc thảo luận còn tiếp tục trong nhiều ngày tháng nhưng cá nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp ủng hộ hướng đánh vào Tây Nguyên vì khu vực này tiện cho ta tiếp tế hậu cần mà địch lại phòng thủ sơ hở. Thêm nữa, Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương - là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng trong quân sự. Chiếm được Tây Nguyên sẽ cắt đôi thế phòng thủ hiện tại của quân đội Sài Gòn ở miền Nam.
Xe tăng T-54 của bộ đội ta tiến vào giải phóng Đà Nẵng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu đánh Tây Nguyên sẽ động, địch sẽ ra sức đối phó ở Sài Gòn và đồng bằng Nam Bộ, sau này ta đánh sẽ khó khăn. Vì vậy nên chọn Nam Bộ là hướng chính, phía Tây Nguyên chỉ đánh Đức Lập để mở đường và đồng bằng Nam Bộ. Cuộc trao đổi vẫn chưa ngã ngũ.
Khoảng cuối năm 1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghỉ ở Đồ Sơn và trực tiếp làm kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Bản kế hoạch này đã sửa chữa đến lần thứ 6. Trong bản này, về hướng tiến công chủ yếu chỉ còn để lại 2 hướng là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Tháng 12/1974, đoàn cán bộ B2 và khu 5 ra Hà Nội họp với Bộ Tổng tham mưu. Trong vấn đề chọn hướng chiến lược, các đồng chí B2 muốn chọn Đông Nam Bộ làm hướng tiến công chiến lược. Tuy nhiên, ngay trong hướng Đông Nam Bộ, giữa Bộ Tổng tham mưu và đoàn cán bộ B2 cũng có sự khác biệt về địa điểm đột phá. Bộ Tổng muốn đánh Bù Đăng, Bù Na để có thêm đạn pháo chiến lợi phẩm đánh Đồng Xoài trong khi các đồng chí B2 muốn trước hết đánh Đồng Xoài vì nó là quận lỵ quan trọng của Phước Long. Cuối cùng kế hoạch tiến công chọn cả Bù Đăng, Bù Na, Đồng Xoài và cả Phước Long.
Trong hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp ngày 18/12/1974, trước những thông tin mới nhất của tình hình bố phòng Tây Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại nêu ý kiến: "Kế hoạch phải nêu rõ diệt địch ở Tây Nguyên, mở đầu bằng đánh Buôn Ma Thuột. Có thể sau khi ta tiêu diệt Buôn Ma Thuột, địch sẽ dao động, rối loạn, lúc đó ta phải chớp lấy thời cơ giải phóng Huế. Nếu lúc đó ta chậm chân, mỏi mệt, để mùa mưa đến thì lỡ mất thời cơ. Cho nên phải có kế hoạch bao vây chia cắt ngay từ bây giờ, không để cho địch co cụm chiến lược, rút về miền Đông Nam Bộ hay rút về phía đông dọc theo bờ biển Trung Bộ.... Chúng ta phải chủ động tạo ra thời cơ, chứ không thể bị động ngồi chờ. Khi thời cơ đến thì phải kiên quyết, kịp thời chớp lấy thời cơ".
Càng ngày hướng Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột càng được nhiều người ủng hộ qua các cuộc họp, thảo luận và cuối cùng đã được lựa chọn làm hướng mở màn chiến dịch Tây Nguyên và cũng là mở màn cho kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Như sau này nhiều người nói, đòn đánh vào Buôn Ma Thuột thực sự là một đòn điểm huyệt vào toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch đưa chúng đến chỗ tan rã nhanh chóng.
Quyết định đánh tan 10 vạn quân trong 3 ngày
Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch "rúng động" và tan rã cũng là lúc quân ta mở chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng. Mất Quảng Trị rồi Huế, lực lượng địch dồn về Đà Nẵng tới 100.000 tên với đủ các sắc lính và hô hào tử thủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngày 26/3 tại Tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp họp với tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh mặt trận Quảng Đà vừa được chỉ định và một số tướng lĩnh khác để bàn kế hoạch tiến công Đà Nẵng. Tướng Tấn đã chuẩn bị sẵn một phương án tác chiến trong 5 ngày gồm các việc họp đảng ủy, tập kết bộ đội và tổ chức hiệp đồng chiến đấu.
Tuy nhiên, Đại tướng Tổng tư lệnh lại nghĩ khác. Địch kêu gào tử thủ trong khi nhuệ khí đã không còn, hệ thống phòng thủ sau khi mất Tây Nguyên đã không còn căn cứ nào để tử thủ. Tình hình có thể diễn biến đột ngột, khả năng địch tháo chạy vẫn tồn tại. Nếu đánh chuẩn bị đánh trong 5 ngày địch rút được thì sẽ hỏng việc lớn. Do vậy Đại tướng ra lệnh cho Cục Quân báo về nghiên cứu thời gian nhanh nhất địch có thể rút khỏi Đà Nẵng và hẹn sáng hôm sau trả lời.
Sáng hôm sau, Cục Quân báo trả lời địch có thể rút nhanh nhất trong 3 ngày. Đại tướng liền nêu ý kiến cần chuẩn bị phương án đánh trong 3 ngày nhưng tướng Tấn vẫn giữ ý kiến và trình bày là "Đánh như vậy không thể chuẩn bị kịp".
Tướng Giáp viết trong hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng: "Không thể đồng ý với đề nghị của anh Tấn chuẩn bị chiến đấu 5 ngày cũng như cách tính toán của anh Thanh, tôi phân tích ngắn, gọn, nêu rõ trong tình huống địch "tử thủ", ta có thể chuẩn bị 5 ngày, 7 ngày hoặc hơn nữa. Nhưng phải dự kiến tình hình đột biến, cần có kế hoạch đánh thật nhanh. Tôi chỉ thị làm kế hoạch đánh địch theo tình huống chúng rút trong 3 ngày".
Anh Tấn vẫn giữ ý kiến, và trình bày: Đánh như vậy không thể chuẩn bị kịp. Tôi nói, giọng có phần gay gắt: "Tư lệnh mặt trận là anh nên tôi để anh ra lệnh. Nếu là người khác, thì tôi ra lệnh: Đánh Đà Nẵng theo phương án chuẩn bị 3 ngày. Nếu chuẩn bị 5 ngày, địch rút mất cả thì sao? Huế đã giải phóng rồi. Mặc dầu pháo binh và hải quân địch có thể bắn phá, cứ cho bộ đội hành quân theo đường số 1 tiến công thẳng vào Đà Nẵng. Từ phía nam cũng theo đường số 1 tiến công lên. Không họp đảng uỷ, chỉ trao đổi bằng điện".
Bộ đội ta hành quân vào chiến trường Tây Nguyên.
Sau đó tướng Tấn đã chấp hành nghiêm lệnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chỉ trong 3 ngày đã đưa một quân đoàn đánh tan 100.000 quân địch, giải phóng Đà Nẵng.
Một vài mẩu chuyện không thể nói hết được những phẩm chất quân sự thiên tài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng nó cũng cho thấy, ở những thời điểm quan trọng của trận đánh, Đại tướng luôn có những quyết định sáng suốt tiên liệu sự việc chính xác đến không ngờ. Đó cũng là một trong những yếu tố để tên tuổi ông đi vào huyền thoại.
Theo Kiến Thức
"Vũng Chùa Đảo Yến: Đại tướng chọn nơi an nghỉ tuyệt vời!" Với Đại tướng, quê hương ruột rà không chỉ là làng Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy, mà cả Quảng Bình. Lệ Thủy có vinh dự là nơi sinh thành Đại tướng thì huyện Quảng Trạch là nơi ôm ấp giấc ngủ ngàn thu của Người. Khi biết thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại khu vực Vũng Chùa...