“Con đường kỳ lạ” giữa làng cổ
Con đường qua làng cổ Hòa Mục được “nắn” một cách rất kỳ lạ khiến người dân không thể không ý kiến.
Gần 200 hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất tại phường Trung Hòa chính thức trở thành những người “chây ì” từ ngày 20-2-2003, khi họ nhận thấy trục đường kẻ ngang làng cổ Hòa Mục… có vấn đề!
Lỗi tại… con đường!?
Ngày 20-2-2003, Bản đồ quy hoạch chi tiết về Dự án xây dựng các khu chung cư ven hai bên đường Lê Văn Lương được treo tại cổng ngôi làng cổ. Hàng trăm hộ dân khá bất ngờ vì con đường “hình như có vấn đề!?”.
Theo sơ đồ quy hoạch này và theo QĐ thu hồi đất số 380/QĐ-UB ngày 14-01-2003 của UBND TP Hà Nội, 250.415m2 đất được thu hồi để phục vụ dự án xây dựng nhà cao tầng phục vụ tái định cư tại ô đất 6.7 – NO và 6.8 – NO đường Lê Văn Lương.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người dân hồ nghi, đó là việc trục thể hiện đường biên thu hồi đất được “nắn” khá kỳ lạ. Tâm đường được nắn lệch tâm, thót đuôi chuột ở khúc lượn, mà theo người dân, đó là nhà của hai cán bộ của một viện về quy hoạch.
Ông Lại Viết Cường (số nhà 19, phường Trung Hòa) cho hay: “Dân làng Hòa Mục ai cũng biết, điểm thu hồi đất được nắn không đều nhau thuộc vào nhà của hai cán bộ này. Nếu như biên độ thu hồi “thẳng mực tàu”, không có chuyện chỗ sâu chỗ hẹp, chỗ lấy chỗ bỏ… thì người dân cũng không í kiến!”.
Ngôi nhà bị “chừa lại” không bị thu hẹp ở đoạn “thít đuôi chuột”. Điều khó hiểu hơn, chủ nhân ngôi nhà này còn “khênh” luôn cả bố cột điện vào” nội vi” ngôi nhà mình…
Video đang HOT
Thời điểm hiện tại, ngôi nhà này được cho thuê mở trường mầm non tư thục. Ngôi nhà này có 2 mặt tiền, một hướng ra đường Lê Văn Lương, một hướng ra đường Hoàng Ngân…
Ông Cường còn đọc vanh vách các thông số về hai ngôi nhà “kỳ lạ” được “bỏ cách”: nhà ông L.M.C. – một trưởng phòng nghiên cứu thuộc viện quy hoạch trên (thời điểm năm 2003) được cấp 80m2, đóng thuế thực tế 135m2, diện tích thực tế sử dụng gần 200m2. Ông này còn “quây” luôn cả bốt điện cao thế biến thành đất ở và không gian sử dụng. Thời điểm hiện tại, khi PV VietNamNet có mặt, ngôi nhà này được cho thuê làm trường mầm non tư thục.
Ngôi nhà bí ẩn thứ 2, đó là nhà bà N.T.H.T, cũng là cán bộ thuộc viện kia, được phân 80m2, đóng thuế 135m2, diện tích sử dụng thực tế gần 200m2. Bà T. cũng “quay” luôn cây nhãn cổ thụ của đình Ngoài để làm… của tư.
Còn nhiều cái tên khác được nhắc đến như các ông T., H…. cũng được phân đất và cũng lấn chiếm. Nhiều người đã kịp thời chuyển nhượng khi người dân làng Hòa Mục kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền.
“Chúng tôi được biết, phần đất đó thuộc dự án xây dựng trường đào tạo cán bộ Tư pháp hay một trường đào tạo nào đó, nhưng chẳng hiểu sao nó lại được chia lô chia thửa. Thông tin thì không rõ ràng, còn việc thu hồi đất của dân lại được hợp thức hóa bằng nhiều dự án tưởng như rất minh bạch!” – ông Cường bức xúc.
Nhà thờ dòng họ cũng bị “bứng”
Có thể tưởng tượng, trục đường Lê Văn Lương kẻ một trục chia đôi làng Hòa Mục ra làm hai. Để hoàn thành gần 2km đường này, gần 100 hộ dân đã phải di dời sang khu tái định cư mới. Nếu theo QĐ 380 về việc thu hồi đất làm chung cư tái định cư, gần 200 hộ dân khác sẽ tiếp tục di dời. Kèm theo đó là những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi cũng “đội nón ra đi”.
Đình ngoài của làng Hòa Mục bây giờ đã “ra sát” mặt đường Lê Văn Lương
Ông Cường buồn tiếc chỉ sang bên kia đường Lê Văn Lương: “Anh nhìn cái cửa hàng điện thoại di động kia, bây giờ nó là số nhà 33. Trước, đó là nhà thờ họ Ngô. Phần lớn diện tích của nhà thờ tổ dòng họ Ngô bây giờ là đường Lê Văn Lương, chỉ còn lại một ít đất. Còn đi lên vài chục mét, số nhà 45 là nhà thờ tổ dòng họ Nguyễn giáp với cổng làng cũng bị “xẻo”.
Nhà thờ tổ dòng họ Phùng, bây giờ là ông Phùng Văn Vòng làm trưởng họ, cũng bị thu hồi đất để làm đường. Dòng họ Phùng đã tu sửa lại, nhưng không còn giữ được nguyên bản. “Bây giờ, đồ thờ cúng đã chuyển về nhà ông trưởng họ cả rồi…”.
Vòng vèo qua những con phố nhỏ bé, ông Cường dẫn tôi đến ngôi nhà thờ tổ của dòng họ Lai. “Đây là ngôi nhà thờ tổ của dòng họ duy nhất còn sót lại. Tuy nhiên, tới đây nó cũng có thể bị lấy…”.
Việc xây dựng dự án các chung cư thương mại không chỉ xâm hại nhiều di tích mà còn phá vỡ cảnh quan của ngôi làng cổ – một trong 7 ngôi làng cổ của Hà Nội được cố G.S Trần Quốc Vượng đánh giá rất cao về giá trị văn hóa, lịch sử.
Ông Lai Tiến Sơn – hậu duệ đời thứ 7 dòng họ Lai nuối tiếc: ngôi nhà thờ này khoảng 300 tuổi. Trước, chánh tổng, lý trưởng của trang Nhân Mục đều từ họ Lai mà ra cả.
Ông Sơn vui chuyện, kể luôn kỷ niệm gắn với ngôi nhà thờ tổ dòng họ Lai: “Gần chục năm trước, cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã về làng Hòa Mục, ông đích thân đến tận nhà thờ tổ dòng họ Lai dịch bức hoành phi câu đối và nức nỏm khen, chưa thấy đôi câu đối nào hay như đôi câu đối của họ nhà tôi”.
Mé chái nhà cạnh cái giếng nước khơi cổ, ông Sơn trỏ tay ra đống vi kèo được phủ bạt kín mít: “Đấy là toàn bộ dui mè, vi kèo, cột gỗ… của nhà thờ tổ họ Ngô bị dỡ. Tôi tiếc quá mua lại, để đấy biết đâu sau này được dùng lại…”.
Đống cột – kèo của nhà thờ họ Ngô được ông Sơn giữ lại. Tuy nhiên, không biết đến bao giờ nó mới được “tái sử dụng”…
Ông Lai Viết Cường (chi II dòng họ Lai) cũng đang “sở hữu” nhiều bức hoành phi câu đối cổ, và cả vài ngàn viên ngói di, ngói vảy – trước dùng để lợp mái nhà thờ chi II dòng họ Lai. Tiếc của, ông Cường không nỡ vứt bỏ. Nhưng, giữ lại đó gần chục năm, ông cũng không biết đến bao giờ thì lại được dùng lại.
Ngoài ra còn có nhà thờ tổ của dòng họ Hoàng. 5 dòng họ: Ngô, Nguyễn, Lai, Phùng, Hoàng là năm dòng họ lớn có mặt từ thuở lập làng của làng Hòa Mục.
“Nguyện vọng của người dân là được giữ lại các di tích lịch sử, các nhà thờ dòng họ. Chúng tôi không phản đối những dự án phục vụ mục đích cộng đồng. Nhưng, nếu lấy đất của dân để xây dựng chung cư phục vụ mục đích thương mại, thì rõ ràng là bất hợp lý. Trong khi đó, dự án đó lại phá nát cả quần thể kiến trúc của một ngôi làng cổ ngàn năm tuổi!” – ông Cường thẳng thắn.
Gần chục năm trôi qua (từ năm 2003 đến nay), những người dân làng Hòa Mục vẫn kiên trì đấu tranh để mong được giữ lại ngôi làng cổ cùng những di tích lịch sử quan trọng gắn với lịch sử làng mình.
Những ngôi nhà cổ của làng Hòa Mục cùng tồn tại với những dãy nhà cấp 4 được dựng tạm bợ để cho sinh viên thuê – nguồn sống chính của nhiều người dân làng Hòa Mục.
Lý do mà họ “viện dẫn”, đó là tấm lòng tha thiết muốn giữ lại làng cổ Hòa Mục của các nhà văn hóa, các nhà sử học. Giáo sư Trần Quốc Vượng khi còn sống, với tư cách Ủy viên tư vấn của UBND TP Hà Nội về các di tích, khảo cổ Thăng Long, đã từng kiến nghị: Tôi khẳng định Hòa Mục là một trong bảy làng cổ nổi tiếng của Hà Nội. Phải giữ gìn và bảo vệ các làng Hòa Mục, làng Láng, làng Khương… trong khu làng cổ Hà Nội. Đấy là những di tích quan trọng hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Ai nói làng Hòa Mục không phải làng cổ, là “làng nhảy dù” thì không biết gì về lịch sử cả!?”.
Nhà sử học Bùi Thiết nói trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật (ngày 07/3/2004): “Dám nói không ngoa rằng, đi khắp Hà Nội khó tìm thấy làng nào như Hòa Mục vì có đầy đủ thiết chế văn hóa cổ xưa nhất. Xin nhớ rằng Hòa Mục còn có tên nôm Kẻ Đáy, điều ấy chứng tỏ rất có giá trị về lịch sử văn hóa, bởi lẽ làng nào có tên nôm bắt đầu bằng từ “Kẻ” đều thể hiện nền văn hiến và bản sắc văn hóa. Phá làng cổ Hòa Mục là phá đi giá trị kết tinh mấy ngàn năm nay của cư dân nông nghiệp chung quanh Hà Nội, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản Văn hóa…”.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Phố Chùa Bộc không còn vỉa hè?
Tại phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, cứ vào chập tối là toàn bộ vỉa hè từ khu vực đối diện cổng Học viện Ngân hàng đến sát Khách sạn Phương Nam lại chật cứng người mua bán (ảnh).
Cái chợ tự phát này hoạt động như vậy từ khoảng 18g - 22g30 hàng ngày và chiếm dụng hoàn toàn vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường...
Vỉa hè dành cho người đi bộ, điều đó được UBND TP Hà Nội tái khẳng định nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng và ở các Quyết định 02 và 20/QĐ- UBND (năm 2008) về Quản lý vỉa hè và cấm bán hàng rong trên nhiều tuyến phố ở Thủ đô. Tuy nhiên, việc cái chợ bán quần áo, giầy dép, dây lưng, túi mũ... hoạt động một cách khá "bình yên" trên phố Chùa Bộc khiến nhiều người nghĩ rằng khu phố này là một ngoại lệ?! Một người bán hàng giầy dép cho biết: "Anh tưởng ai thích bán hàng ở đây cũng được à. Thóc cả đấy". Khi được hỏi "thóc" chuyển cho ai, chị bán hàng nói: "Anh cứ dọn hàng ra đấy bán khắc biết".
Chùa Bộc là con phố chính. Việc lấn chiếm vỉa hè để bán hàng đã khiến không ít người đi bộ gặp tai nạn GT vì bị đẩy xuống lòng đường. Chẳng lẽ khu vực này có "bảo kê"?
Theo Pháp Luật XH
Hà Nội: Hỏa hoạn phía sau ngôi nhà cổ phố Hàng Bông Khoảng 15h chiều nay, 26/4, một đám cháy bất ngờ bùng phát tại dãy nhà phía sau nhà số 110 Hàng Bông, ngay gần UBND phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), khiến cả khu phố náo loạn. Theo các nhân chứng, vào khoảng thời gian trên, họ bất ngờ ngửi thấy mùi khét bốc lên từ dãy nhà phía sau ngôi nhà số...