Con đường hoàn lương của ông chủ sửa xe ôtô từng “gây tiếng vang”
Từ thời thiếu niên, Phạm Văn Ca đã sớm trở thành “đại ca làng” khiến nhiều người phải khiếp sợ. Nhằm chứng tỏ sự liều lĩnh cho “đàn anh”, Ca từng ném lựu đạn vào hai nhóm thanh niên đang hỗn chiến và bị kết án 72 tháng tù giam. Sau khi mãn hạn tù, về làng từ người không có công việc ổn định, Ca đã nỗ lực để trở thành ông chủ của ga ra ô tô có tiếng ở huyện miền núi phía Tây Nghệ An.
Ký ức ám ảnh “đại ca làng” một thời
Theo sự chỉ dẫn của một người dân, men theo đường làng chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của Phạm Văn Ca, trú xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Khác với phần “sương gió” và bất cần đời mà chúng tôi thấy ở vẻ bề ngoài của người đàn ông này, Ca nhỏ nhẹ mời chúng tôi vào nhà. Lúc đầu anh có vẻ ái ngại nhưng sau những lời giới thiệu, anh vui vẻ kể những thăng trầm của cuộc đời mình. Anh tâm sự: “Cuộc đời tôi không biết đi về đâu nếu không bị bắt vào tù. Những ngày tháng ngồi trong tù, tôi rất hối hận, giá như mình chịu khó học hành kiếm công việc ổn định thì bố mẹ không phải khổ như vậy. Khi ra tù muốn làm lại cuộc đời thì bị mọi người xa lánh, kỳ thị, tôi thật sự rất chán nản. Những ngày tháng lang bạt ở vùng đất Quỳ Châu giúp tôi nhận ra “quay đầu là bờ!”. Từ đó tôi quyết định trở về quê hương mưu sinh bằng chính sức lực của mình. Sau này nhờ người vợ trẻ động viên, hỗ trợ tôi thêm quyết tâm trở thành người có ích cho xã hội”. Rồi Ca kể cho chúng tôi nghe về quá khứ lầm lỗi một thời của mình.
Học lên đến cấp 2, Ca bỏ học giữa chừng, lêu lổng theo đám bạn bè xấu. Với sự liều lĩnh và ma mãnh của mình, Ca trở thành một đại ca cầm đầu nhóm thanh niên làng đi gây chuyện ở khắp nơi. Thời bấy giờ, ở xóm, hễ ai động đến người làng là có nhiều thanh niên kéo dằn mặt đối phương cho bõ ghét. Để xây dựng “số má” cho mình, Ca đã nhiều lần cầm đầu đám trai trong làng sang làng khác gây hấn. Biệt danh “anh Ca làng” cũng xuất hiện từ đó. Vốn hung dữ và liều lĩnh nên chẳng ai dám động vào Ca. Nhiều lần bậc sinh thành dọa từ mặt nhưng gã bỏ ngoài tai rồi lang thang cùng lũ “đệ tử”. Được đám đệ tử cung phụng, chiều chuộng khiến cho Ca u mê cho đến ngày tỉnh lại vì sự kiện ngày hôm ấy.
“Một lần hai nhóm trai làng xích mích, sẵn có quả lựu đạn trong tay nhặt được trước đó, tôi đã rút chốt ném về đám đông khiến tất cả đều bỏ chạy toán loạn. Rất may, lần ấy lựu đạn không phát nổ, nếu không sẽ không biết chuyện gì xảy ra. Mặc dù không gây ra hậu quả nghiêm trọng nào, nhưng với việc “tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép”, tôi bị bắt và bị kết án 72 tháng tù giam, thụ án tại Trại giam số 3 Bộ Công an ở huyện Tân Kỳ!”, Phạm Văn Ca nhớ lại một thời lầm lỡ của mình.
Sau khi ở tù về, bị mọi người xa lánh, chán nản nên Ca đã xách ba lô đi lang bạt khắp nơi. Thời điểm đó, nghe tin ở Quỳ Châu đang lên cơn sốt đá đỏ, Ca tìm đến mong cơ hội đổi đời. Lên vùng đất lạ, với máu liều lĩnh, Ca nhanh chóng trở thành tên giang hồ có “số má” ở đó. Tuy nhiên, những tháng ngày bạc mặt với những điều thị phi khiến Ca thấy rùng mình. Ca khẳng định ở đây mình có thể có những phi vụ làm ăn lớn và đổi đời trong chớp mắt nhưng có thể cũng sẽ phải trả giá bằng mạng sống. Lúc này, nhớ đến bố mẹ đã già yếu ở quê, Ca quyết định trở về để làm lại từ đầu. Nghĩ là làm, ngay ngày hôm sau, Ca khăn gói đồ đạc trở về trước sự ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết của bố mẹ. Lần trở về này, Ca được bạn bè và hàng xóm đón nhận, anh nhận thấy một điều, không đâu bao dung bằng chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Video đang HOT
“Đại ca làng” một thời giờ đã trở thành ông chủ sửa xe ôtô. Ảnh: Thanh Thảo
Con đường phục thiện và mối tình đặc biệt
Về lại quê nhà, Phạm Văn Ca nghĩ mình nên đi học một nghề nào đó để sống bằng đồng tiền mình làm ra. Ca nhờ bố mẹ vay mượn tiền bạc để mình vào tận TP HCM học nghề sửa chữa ô tô. Vào Nam, Ca tu chí học hỏi và khi tay nghề đã vững, Ca rời chốn phồn hoa về lại quê nhà để bắt tay lập nghiệp. Anh Ca chia sẻ: “Thấy tôi tu chí, bố mẹ đã chắt bóp tiền bạc, mua cho mảnh đất bám đường lớn để làm xưởng sửa chữa ô tô. Thương đấng sinh thành vất vả, tôi đã rất cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của các cụ. Không thể dùng từ nào khác ngoài “kiên định” để có thể chiến thắng được bản thân. Những ngày đầu bắt đầu gây dựng xưởng, tôi gặp rất nhiều khó khăn!”. Theo Ca, thời điểm đó xe ô tô không thịnh hành như bây giờ, đặc biệt là xã nghèo heo hút như Nghĩa Hồng thì lại càng ít, bản thân vào tù ra tội, vừa bị kì thị trong khi tay nghề chưa cao, chưa tạo dựng được thương hiệu, có lúc anh đã có ý định đóng cửa để đi làm việc khác. “Lúc đó, tôi nản chí lắm nhưng nhờ bố mẹ động viên, tôi đã cố gắng làm tiếp. Thời gian này, cô giáo cấp 1 trường làng, cũng chính là vợ tôi bây giờ, đã phải lòng tôi. Cô ấy đã giúp tôi có động lực và niềm tin để làm việc tiếp!”, anh Ca tâm sự.
Nghe chồng nhắc đến mình, chị Cao Thị Thế – vợ Ca mỉm cười nhẹ và nói: “Thời đó, tôi cũng nghe mọi người kể anh từng là kẻ vào tù ra tội. Nhưng hình ảnh anh miệt mài với công việc khiến tôi thấy anh là một người tốt. Mặc dù người lấm lem dầu mỡ, ngồi ngay bên đường nhưng vẻ mặt lạnh lùng khiến tôi si mê. Sau nhiều lần như thế, tôi đã chủ động làm quen. Lúc đầu, anh dè dặt, ít nói chuyện với tôi lắm, dần dà, anh cởi mở hơn, rồi tình yêu đến lúc nào không hay”. Khi nghe chị Thế đặt vấn đề tình cảm với mình, anh Ca rất mặc cảm. Song tình yêu ấy đã cứu rỗi và động viên Ca vững tin với lựa chọn của bản thân. Sau khi hai người cưới nhau, công việc làm ăn của Ca có nhiều biến chuyển, khởi sắc, đều tay hơn và cuộc sống gia đình cũng bớt đi những khó khăn nhất định. Với tay nghề tốt, gara của anh dần có nhiều cánh tài xế biết đến, rỉ tai nhau đến đây để sửa chữa, bảo dưỡng lúc xe cộ gặp sự cố. Lúc này, người vợ ngoài công việc đi dạy cũng nhiệt tình phụ giúp chồng buổi rảnh rỗi. Đối với anh, đó là sự động viên lớn lao nhất mà anh có được.
Nhờ sự giúp sức của người vợ hiền, gần 15 năm gắn bó với công việc của mình, anh Ca đã tạo được thương hiệu thực sự. Bản thân anh cũng là thợ sửa xe ô tô có tiếng và gần như duy nhất của xã, gara của anh cũng đã được đổi tên thành “Anh Ca” để ghi nhớ bài học thời “thanh niên”. Anh đã trực tiếp dạy và tạo việc làm cho nhiều thanh niên trong xã, trong đó có những người lêu lổng có công ăn việc làm. Thu nhập bình quân mỗi ngày từ công việc này mang lại cho anh trên dưới 1 triệu đồng. Cuộc sống gia đình nhờ vậy cũng đỡ vất vả hơn.Anh Phạm Văn Ca cho biết, anh đang vay mượn thêm vốn để mở rộng gara, tuyển dụng thêm người làm để tạo công ăn việc làm cho nhiều người trên địa bàn. Trong đó, anh sẽ đặc biệt chú trọng đến những người đã từng lầm lỡ, thanh niên lêu lổng để họ không sa vào con đường lầm lạc như thời trai trẻ mà bản thân anh đã trải qua. Trước khi chia tay tôi, anh chia sẻ rất chân tình: Giờ đây, cuộc sống của tôi không gọi là giàu có, sung túc nhưng cũng không đến nỗi nghèo đói. Tôi có được những điều này là nhờ vợ và những người thân, nếu không có họ chắc giờ tôi đang phiêu bạt ở phương trời nào rồi. Ở đời ai cũng có những lỗi lầm, thiếu sót, nhưng cái hơn nhau ở chỗ ai, có thể quay đầu vào bờ làm lại cuộc sống, người đó mới chiến thắng chính bản thân mình.
Theo Pháp Luật và Xã Hội
Người đàn bà giết chồng và bản án đầy tình người
Là phụ nữ có ai không mong muốn có được tấm chồng biết chiều vợ thương con. Bà cũng vậy, nhưng số phận lại mang đến cho bà nỗi đau khi...lấy chồng.
Sáng 29-10, tại TAND tỉnh Nghệ An, đã diễn ra phiên phúc thẩm xét xử lưu động bị cáo Trương Thị Bài (54 tuổi, trú xóm Trôi, xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) về tội giết người.
Bà Trương Thị Bài kết hôn với ông Đặng Công Toàn từ năm 1984 và đã có 5 đứa con. Cuộc sống gia đình tuy gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng vợ chồng ông bà luôn cố gắng để vượt qua. Với bà niềm hạnh phúc nhất đó là khi thấy chồng con mình khỏe mạnh.
Nhưng trớ trêu thay từ khoảng năm 2002 đến nay, người đàn ông đầu gối má kề, chia sẻ ngọt bùi cùng bà những năm tháng qua lại thay đổi một cách chóng mặt. Từ người chồng thương vợ thương con, ông quay sang thành kẻ nghiện rượu, thích nhậu nhẹt., mà uống vào là chửi bới, đánh đập mẹ con bà.
Không biết bao nhiêu lần, mẹ con bà Bài bị chồng đuổi đánh, phải chạy sang nhà hàng xóm. Người hàng xóm nào thương tình cho mẹ con bà Bài trú nhờ thì bị Toàn chửi bới. Nên đến những trận đòn sau, mẹ con bà Bài cũng chẳng dám làm phiền người ta, bí quá thì xin sang ngồi nhờ ở hiên nhà chờ trời sáng.
Không thay đổi được chồng, bà Bài nhiều lần trình bày với chính quyền để nhờ can thiệp. Tưởng sau những lần bị chính quyền địa phương và Công an lập biên bản xử phạt lẫn giáo dục thì chồng bà sẽ thay đổi, nhưng vẫn chứng nào tật nấy, ông Toàn vẫn uống rượu triền miên và đánh mẹ con bà không thương tiếc.
Bị cáo trước vành móng ngựa
Con giun xéo mãi cũng quằn, tối 21/1/2014, nỗi uất ức dồn nén mười mấy năm qua không thể chịu đựng thêm nữa. Bà đã phản kháng khi bị trận đòn đau đớn từ chồng. Bị chồng đánh, vớ được con dao trong tay, bà đã quay người chém chồng hơn chục nhát...
Biết chồng chết, bà Bài đến cơ quan điều tra đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 17/7, hành vi phạm tội của Trương Thị Bài đã bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 4 năm tù giam về tội Giết người.
Sau đó, Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An cho rằng mức án đó chưa tương xứng với hành vi phạm tội và đã có kháng nghị bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo Bài.
Đồng thời em trai ông Toàn cũng có đơn kháng cáo, yêu cầu tăng phạt tù đối với chị dâu là bà Trương Thị Bài. Riêng bà Bài không làm đơn xin giảm nhẹ vì bà biết tội mình gây ra là quá lớn. Nhưng những đứa con của bà đã viết đơn kháng cáo đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho mẹ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nhiều người đến dự tòa đã không cầm được nước mắt khi cô con gái của bị cáo đứng lên vừa khóc vừa đề nghị xem xét giảm nhẹ tội cho mẹ của mình vì mẹ đã "sống quá khổ sở trong thời gian dài, vì những trận đòn của cha, mẹ bị ức chế không làm chủ được bản thân nên mới gây ra tội..."
HĐXX phúc thẩm nhận định, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Bài tội giết người thuộc trường hợp có tính chất côn đồ là chưa hợp lý bởi phía bị hại cũng có lỗi. Bị cáo bị bạo hành trong thời gian rất dài và ức chế quá dẫn đến phạm tội.
Do đó cần sửa bản án sơ thẩm, giảm cho bị cáo Bài từ 4 năm tù tội giết người (theo điểm n khoản 1, điều 93, Bộ luật Hình sự) xuống 3 năm tù tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (khoản 2, điều 95, Bộ luật Hình sự). Và bác đơn kháng nghị của VKS, đơn kháng cáo của đại diện bị hại.
Phiên tòa kết thúc, mẹ con bà Bài với chạm tay nhau, nước mắt giàn giụa. Đôi vai run lên, người phụ nữ gầy gò nức nở: Mẹ xin lỗi các con, mẹ sẽ cải tạo tốt để sớm trở về...
Theo Công lý
Người phụ nữ cùng quẫn giết chồng được giảm án Tại phiên tòa phúc thẩm, con gái của bà Bài đứng lên vừa khóc vừa đề nghị xem xét giảm nhẹ tội cho mẹ của mình vì mẹ đã "sống quá khổ sở trong thời gian dài, bị ức chế, không làm chủ được bản thân". Sáng 29/10, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội xử lưu động tại TAND tỉnh...